Hoa Kỳ đang trong một cuộc chiến tranh lạnh mới với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, cho đến nay đó là một cuộc chiến tranh chủ yếu là chuyện một phía, vì Hoa Kỳ dường như không muốn hoặc không thể can dự mạnh mẽ ngay cả khi nhân quyền và tự do tôn giáo ngày càng suy thoái bởi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đó là đánh giá của một loạt diễn giả tại thành phố New York trong hội nghị “Cánh tay dài của Bắc Kinh: Mối đe dọa của Trung Quốc đối với tự do tôn giáo và các lựa chọn đối với phương Tây”. Hội nghị này được tài trợ bởi Anglosphere Society, Hội Hiệp sĩ Kha Luân Bố và Trung tâm Tự do Tôn giáo Hoa Kỳ.
Trong số nhiều đánh giá bi quan về một chiến dịch tăng tốc chống lại tôn giáo và các nhóm thiểu số sắc tộc và tôn giáo ở Trung Quốc đại lục — và sự sụp đổ của nhân quyền ở Hương Cảng — là lời cảnh báo từ cựu Đại sứ về Tự do Tôn giáo Quốc tế Sam Brownback, người đã mô tả chính phủ do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình là một “bọn ma quỷ”. Trích dẫn những vi phạm nhân quyền và những tiến bộ trong việc sử dụng các tiến bộ trong kỹ thuật giám sát do đảng này triển khai chống lại chính công dân của mình, đại sứ cảnh báo: “Tương lai của bách hại sẽ là công nghệ.”
Trong một cuộc trò chuyện với Tổng biên tập của America Media, là Cha Matt Malone, Dòng Tên, Đức Hồng Y Timothy Dolan Tổng Giám Mục New York, đã bày tỏ quan ngại về chính sách đối thoại của Vatican với Bắc Kinh. Ngài thừa nhận rằng các nhà ngoại giao có kinh nghiệm và hiểu biết của Tòa thánh đang chơi một trò chơi đường dài để hướng tới một kết quả vẫn chưa chắc chắn nhưng tự hỏi liệu có ngây thơ không khi đàm phán với các quan chức chính phủ Trung Quốc, những người dường như muốn xóa bỏ tự do tôn giáo ở Trung Quốc hơn bao giờ hết.
“Tôi là một thành viên trung thành của Giáo Hội. Trong thâm tâm, tôi muốn tin tưởng rằng họ biết những gì họ đang làm và tôi muốn họ hoạt động thành công”.
Đức Hồng Y Dolan nói: “Tòa thánh sẽ luôn nêu bật giá trị của đối thoại,” đồng thời nói thêm rằng đối thoại luôn được ưu tiên hơn đối đầu. Và ít nhất theo thỏa thuận mới với Bắc Kinh, “Giáo Hội có một vị trí trên bàn ăn. Họ đã công nhận chúng tôi có một vai trò quan trọng trong việc quản lý Giáo Hội ở Trung Quốc, điều mà trước đây chúng tôi không có”.
Nhưng, ngài nói thêm “ruột gan tôi cũng nói với tôi rằng bạn không thể thương lượng với những người này. Nó có thể phản tác dụng một cách kinh hoàng”. Ngài nhớ lại cuộc trò chuyện với Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, Tổng Giám Mục hiệu tòa của Hương Cảng, người lâu nay vẫn chỉ trích những nỗ lực của Vatican nhằm bảo đảm vai trò của Giáo Hội ở Trung Quốc thông qua việc đàm phán với Bắc Kinh. “Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân nói với tôi: 'Hãy tin tôi. Điều này không thể hoạt động. Họ muốn tiêu diệt chúng tôi, và hiệp định này sẽ đẩy nhanh điều đó’.”
Những nỗ lực nhằm chống lại tình trạng vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc đã trở nên phức tạp theo sau các mối quan hệ thương mại xuất hiện giữa Trung Quốc và phương Tây trong nhiều thập kỷ kể từ khi Trung Quốc được Hoa Kỳ trao quy chế tối huệ quốc.
Trong số những cuộc tấn công ngày càng gia tăng nhằm vào biểu hiện tôn giáo ở Trung Quốc, “chúng ta phải tìm kiếm những lý do cơ bản cho điều này,” Đức Hồng Y Dolan nói. Các nhà lãnh đạo đảng “muốn toàn quyền kiểm soát” và phát hiện trong tôn giáo một lực lượng ý thức hệ cạnh tranh mà họ không thể kiềm chế hoàn toàn. Ngài tin rằng người cộng sản xem đức tin như một cản trở cho Đảng Cộng sản Trung Quốc đạt đến các mục tiêu cuối cùng của họ, và họ quyết tâm loại trừ trở ngại đó.
Source:American Magazine