Nghi thức Khai tâm Kitô Giáo trước đây gọi là The Rite of Christian Initiation for Adults, thường được gọi là RCIA, sẽ được đổi tên thành Order of Christian Initiation for Adult, hoặc vắn tắt là OCIA. Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã quyết định như trên trong phiên khoáng đại mùa thu vừa diễn ra tại Baltimore.
Nhiều người giải thích rằng Rite trong tiếng Anh có nghĩa là một nghi thức diễn ra trong một buổi lễ. Order mang tính chất một quá trình gồm nhiều bước được hoạch định theo một trật tự phù hợp. Tuy nhiên, có lẽ các Giám Mục Hoa Kỳ muốn dùng từ “Order of Christian Initiation for Adult” để dịch sát cụm từ Latinh “Ordo Initiationis Christianae Adultorum”.
Việc thay đổi tên gọi này áp dụng cho cả quá trình một người được đón nhận vào Giáo Hội cũng như cuốn sách có chứa văn bản nghi lễ và lời cầu nguyện cho các bước đó.
Theo xu hướng cập nhật tất cả các văn bản phụng vụ để phản ánh sự trung thực hơn với nguyên bản tiếng Latinh, các giám mục Hoa Kỳ, nhóm họp tại Baltimore trong phiên khoáng đại mùa thu hàng năm của các ngài, đã phê duyệt vào ngày 17 tháng 11 một ấn bản tiếng Anh sửa đổi Tiến trình Khai tâm Kitô Giáo. Phiên bản tiếng Anh đã được thông qua với tỷ lệ gần như tuyệt đối với 215 phiếu thuận, không có phiếu chống, và có 2 phiếu trắng.
Hành động này vẫn cần sự chấp thuận của Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích của Vatican trước khi có hiệu lực.
Vào ngày 7 tháng 5 năm 2001, Thánh Giáo Hoàng Đức Gioan Phaolô II đã xuất bản Liturgiam Authenticam, một tài liệu về việc sử dụng các ngôn ngữ địa phương trong việc xuất bản các sách Phụng vụ Rôma. Tài liệu này bắt đầu một nỗ lực dịch thuật nhằm bảo tồn cách diễn đạt gần nhất của phụng vụ Latinh. Anh chị em giáo dân có thể thấy rõ cách thức những nỗ lực này ảnh hưởng đến việc dịch Thánh Lễ.
Từng sách một, các hội đồng giám mục của mỗi ngôn ngữ đã dịch các phiên bản cập nhật của các nghi thức khác nhau trong Giáo hội, ví dụ như tại Hoa Kỳ, Nghi thức Sám hối trước đây gọi là Rite of Penance, nay được đổi thành Order of Penance, cho sát với tiếng Latinh “Ordo paenitentiae”.
Đây là cuốn sách mới nhất trải qua nỗ lực dịch thuật. Bởi vì RCIA cũng là cái tên phổ biến liên quan đến quá trình giảng dạy giáo lý cho các tân tòng, việc đổi tên có thể khiến mọi người tự hỏi liệu có điều gì thay đổi trong quá trình này hay không.
Trong một bản sửa đổi nhỏ, cách phân loại truyền thống các tân tòng sắp được chấp nhận hoàn toàn vào Giáo hội đã được thay đổi. Bản sửa đổi mới bao gồm bốn nhóm: nhóm thứ nhất gọi là catechumen, tiếng Việt là dự tòng, bao gồm những người trưởng thành chưa được rửa tội); nhóm thứ hai là unbaptized infants, tức là trẻ sơ sinh chưa được rửa tội; nhóm thứ ba là baptized non-Catholic Christians, bao gồm những người đã được rửa tội bởi các hệ phái Kitô không phải Công Giáo; và nhóm cuối cùng là baptized Catholics in need of confirmation, bao gồm những người Công Giáo đã được rửa tội cần được xác nhận, trong trường hợp có nghi vấn về phép Rửa Tội trước đó.
Tháng 8 năm ngoái 2020, Bộ Giáo lý Đức tin đã ban hành một chỉ dẫn giáo lý quan trọng cảnh báo Giáo Hội trên toàn thế giới rằng phép Rửa tội không có giá trị nếu trong đó một từ, hoặc một số từ nào đó đã bị thay đổi. Cụ thể, việc nói “Chúng tôi rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” khiến bí tích rửa tội không thành sự. Đúng hơn, các thừa tác viên phải để Chúa Giêsu nói qua họ rằng “Tôi rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.”
Khi làm sáng tỏ điều này, Thánh Bộ viện dẫn Công đồng Vatican II. Công đồng đã xác định rằng không ai “dù là linh mục, có thể thêm, bớt hoặc thay đổi bất cứ điều gì trong Phụng Vụ theo thẩm quyền của mình.”
Cho đến nay, ít nhất hai linh mục tại Mỹ đã phải rửa tội lại sau khi phát hiện ra phép Rửa Tội của mình là không hợp lệ. Đùng một cái, từ một linh mục Công Giáo trở thành “nothing”. Về mặt kỹ thuật, các ngài thậm chí không phải là một người Công Giáo.
Hai vị linh mục đã được rửa tội lại, thêm sức và lãnh nhận Bí tích Thánh Thể. Sau khi tĩnh tâm, các ngài được thụ phong phó tế, và sau đó thụ phong linh mục.
Source:Catholic News Agency