ÔNG ĐÃ THẤY VÀ ĐÃ TIN

Khi nghe các bà về báo tin Chúa đã phục sinh thì nhiều môn đệ còn nghi ngờ nhưng khi hai môn đệ chạy ra mồ, Tin Mừng tường thuật rằng các ông “đã thấy và đã tin” (Ga 20,8). Chuyện trăm nghe không bằng một thấy như là chuyện thường tình của kiếp người không chỉ trong lãnh vực đời thường mà cả trong đời sống đức tin. Xin thử hỏi người các môn đệ đã thấy những gì khiến lòng tin của các vị vững mạnh ?

1.Ngôi mộ trống: Dù là dấu chỉ mang chiều kích tiêu cực nhưng đó là dấu chỉ ắt có là tất yếu phải có. Nếu Chúa Kitô đã phục sinh thì ngôi mộ phải không còn thi hài của Chúa. Chúa đã phục sinh thì Chúa không còn ở “chỗ kẻ chết” như lời thiên sứ nói với quý bà: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết ? Người không còn ở đây nữa, nhưng đã chỗi dậy rồi.”(Lc 24,5-6).

Thiết tưởng công bố Tin Mừng Phục Sinh theo Nghi Lễ Phụng Vụ xem ra không khó, nhưng làm chứng về Tin Mừng Phục Sinh mới là vấn đề. Vì nó đòi hỏi chúng ta ra khỏi sự yên ổn thụ động ích kỷ như lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã từng nhắn nhủ các giám mục là nếu các vị muốn “yên ổn” theo nghĩa tiêu cực ích kỷ thì chỉ có tìm nơi các nghĩa trang. Ngài cũng đã từng khuyên bảo các linh mục đừng tìm sự yên ổn trong các “pháo đài phòng áo lễ”.

Ngôi mộ không chỉ nói về không gian nơi chốn mà còn biểu thị tình trạng. Trước hết hình ảnh ngôi mộ trống còn nhắc nhớ chúng ta phải ra khỏi tình trạng “chết” về đời sống ân sủng, đức tin. Tuy nhiên cũng cần lưu ý đến tình trạng xơ cứng, không còn sự sống, không có sự đổi thay. Truyền thống tuy tốt đẹp nhưng nó cũng dễ biến thành nấm mộ, nơi chỉ còn công thức và tín điều thiếu sức sống và tình yêu. Chúa Kitô đã từng nhiều lần phải trả giá khi muốn đập vỡ tình trạng xơ cứng này của truyền thống Do Thái giáo thời bấy giờ. Tạ ơn Chúa, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang tiếp bước Chúa Kitô khi Ngài thẳng thắn phê bình nhưng cung cách hành xử cứng cỏi với kiểu biện minh “xưa nay vẫn vậy”.

2.Những lần hiện ra của Đấng Phục Sinh. Các môn đệ, mà theo thánh Phaolô thì trên dưới năm trăm người đã từng thấy Đấng Phục Sinh. Có phải các vị đã thấy một ai đó với hình hài vóc dáng như Thầy Giêsu trước đây không. Đọc Tin Mừng thì chúng ta có thể khẳng định là không. Nếu Chúa Phục Sinh hiện ra với vóc dáng hình hài như trước đây thì giải thích thế nào chuyện các môn đệ thường không nhận ra Chúa, Đấng mà mình đã từng ăn ở suốt cả ba năm ? Giải thích thế nào chuyện một Mađalêna vốn gắn bó với Đấng đã giải thoát mình khỏi bảy quỷ đến độ can đảm đứng dưới chân thập giá thế mà vẫn không nhận ra Thầy mình và đã lầm tưởng là người giữ vườn. Giải thích thế nào chuyện hai môn đệ đi làng Emmau ròng rã gần cả ngày vừa đi vừa đàm đạo với Thầy Giêsu mà cũng không nhận ra Người. Chắc chắn diện mạo của Đấng Phục Sinh có chút nào đó đổi thay. Thế thì căn cứ vào đâu mà các môn đệ xác tín Đấng hiện ra với mình là Thầy chí thánh năm xưa ?

Dựa vào các dữ liệu Tin Mừng chúng ta có thể xác định rằng dù vóc dáng hay diện mạo Đấng Phục Sinh đã có chút gì đổi thay khác trước đây, nhưng tấm lòng, cung cách hành xử của Người vẫn chẳng hề đổi thay. Dù là khách được mời nhưng Người lại làm công việc của người phục vụ, cầm lấy bánh bẻ ra trao cho hai môn đệ và hai vị đã nhận ra Thầy chí thánh năm xưa đã hơn hai lần làm công việc này phục vụ trên dưới mười ngàn người no nê bánh cá (x.Lc 24,13-35). Thầy đây, đừng sợ ! Các môn đệ không thể nào quên vị Thầy luôn sát cánh bên mình những khi mình gặp sóng gió hiểm nguy (x.Lc 24,36-43). Hãy thả lưới bắt cá ! Và một mẽ cá lạ lùng khiến Phêrô và nhiều môn đệ khác trên bờ hồ Tibêria làm sao quên được cách đây ba năm đã từng được một mẽ cá nặng chất đầy hai thuyền gần chìm (x.Ga 21.1-14).

Làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh tức là làm cho cho tha nhân, nhất là bà con lương dân, anh chị em khác đạo nhận ra Đấng đã phục sinh, Người đang sống và mãi đồng hành với nhân loại để yêu thương, phục vụ nhân loại cho đến chết bằng chính cuộc sống của những người tin rằng Chúa Kitô đang sống trong mình thì mới là vấn đề. Và đây chính là trọng tâm và là điểm tới của việc loan báo Tin Mừng Phục Sinh.

Tạ ơn Chúa qua truyền thông, tôi cảm nhận Chúa Phục Sinh đang sống trong vị cha chung toàn Giáo Hội, Đức Phanxicô khi thấy Ngài sau khi cúi xuống rửa chân cho 12 anh chị em tị nạn thì Ngài ngước mắt lên nhìn họ và mĩm cười, bắt tay. Một chút niềm vui tự nhiên và cả thánh thiêng khi phục vụ tha nhân minh chứng cho sự đích thực của tình yêu tự hiến. Mong sao có được rất nhiều người thấy và tin, tin Đấng Phục Sinh đang sống, đồng hành với mình giữa cảnh đời nhiễu nhương này.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột