Diễn văn về chủ đề Đại Hội Công Giáo Việt Nam tại Đức Chủ đề: “Laudato Si, Hãy Ngợi Khen Chúa“

Thân ái mến chào Đại Hội,
Chào mừng các em thiếu nhi và các bạn trẻ,
Chào mừng tất cả quý ông bà anh chị em đến từ 11 cộng đoàn CGVN tại Đức cũng như quý khách đến từ các nước khác.
Thay mặt cho các linh mục trong tuyên úy đoàn xin mến lời chào tới tất cả quý nam nữ tu sĩ, quý linh mục đang hiện diện…

Thuyết trình về Thông điệp "Laudato sí - Chăm sóc Ngôi nhà chung của chúng ta"

Hình ảnh đại hội

Kính thưa ĐH,

Lễ CTT là lễ sinh nhật của Hội Thánh.

Ngày Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là ngày khởi đầu của Hội Thánh, nói đúng hơn đó là ngày “Sinh Nhật” của Hội Thánh, ngày các môn đệ Chúa Kitô không còn “đóng kín cửa vì sợ người Do Thái” (Ga 20:19), nhưng bắt đầu mở toang cửa, mạnh dạn bước ra ngoài rao giảng TIN MỪNG PHỤC SINH cho dân ngoại (Cv 2:14…) và kết quả đã có nhiều người sám hối tin nhận Chúa và xin lãnh nhận Phép Rửa để gia nhập Hội Thánh Chúa (Cv 2:41). Chính Chúa Thánh Thần, Thánh Thần của Chân Lý và Sự Sống, Đấng Phù Trợ mà Chúa Phục Sinh hứa ban, đã biến cải các Tông đồ nhát sợ và dốt nát trở nên những người can đảm, thông thạo Thánh Kinh và ghi nhớ mọi điều Chúa Giêsu đã giảng dạy.

Kể từ ngày đó, nhờ ơn Chúa Thánh Thần tác động và hướng dẫn, bước chân truyền giáo của các môn đệ Chúa Kitô đến mọi hang cùng ngõ hẻm, dù gian lao thử thách, vẫn tiếp tục phát triển qua dòng lịch sử cho đến ngày nay, và Hội Thánh được mở rộng đến moi dân, mọi nước (Lc 24:47) để đem Tin Mừng tình thương và ơn cứu rỗi đến cho mọi người, để tất cả những “ai tin thì sẽ được cứu rỗi...” (Mc 16:15…).

Mừng lễ vọng Chúa Thánh Thần là chúng ta mừng cuộc sáng tạo đầy yêu thương của Thiên Chúa : mỗi người chúng ta đã được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Nhờ đó, chúng ta nhận biết Đấng Tạo Thành trời đất. Và với lòng biết ơn vô bờ bến, chúng ta mở rộng vòng tay đón nhận món quà thánh thiêng và quý giá của Thiên Chúa cho toàn thể chúng sinh: đó là mẹ trái đất và vũ trụ bao la xinh đẹp …

Thánh Kinh mạc khải cho chúng ta biết, thế giới không tự mình hiện hữu; nhưng đến từ Thánh Thần, Lời có sức sáng tạo của Thiên Chúa. Ngay từ khi "Đất trời trống không mông quạnh, và tối tăm trên mặt uông mang, và Thần Khí là là trên mặt nước" (xem St 1, 2),Thánh Thần Chúa bay lượn trên mặt nước trong cảnh hỗn mang và vũ trụ đã được khai sinh.

Chính vì vậy, trời đất phản chiếu sự khôn ngoan của Thiên Chúa : “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự việc tay Ngài làm” (Tv 19,2). Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI đã diễn tả thật tuyệt vời như sau: “Sự khôn ngoan này hé mở cho chúng ta thấy được điều gì đó về Thánh Thần sáng tạo của Thiên Chúa. Chúng ta phải nhìn tạo vật như là hồng ân được trao ban cho chúng ta, không phải để bị hủy diệt, nhưng để trở thành ngôi vườn của Thiên Chúa” (Trích bài giáo lý về Chúa Thánh Thần).

Chúa Thánh Thần là Ðấng Sáng Tạo, đến trợ giúp chúng ta với bẩy hồng ân cao quý. Ngài đã buớc vào trong lịch sử của thế giới trong công trình tạo dựng, vào lịch sử của Hội Thánh ngày lễ hiện xuống. Trong tình thương quan phòng của Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần đến gặp nhân loại chúng ta qua mỗi tạo vật. Vì Ngài là Tình Yêu, là sự hiệp nhất, Chúa Thánh Thần trao ban cho chúng ta sự sống và sự tự do của con cái Thiên Chúa. Tất cả mọi tạo vật đều khao khát Chúa Thánh Thần. Thánh tông đồ Phaolo nói rằng thụ tạo “nóng lòng hướng tới” sự giải thoát và “rên siết” như nỗi đau đớn sinh con (x. Rm 8,20-22). “Năng lực có khả năng di chuyển thế giới không chỉ là một sức mạnh vô danh và mù quáng, mà là hoạt động của Thần Khí của Thiên Chúa, là Đấng “bay là là trên mặt nước” (St 1,2) lúc khởi đầu việc tạo dựng” (Đức Biển Đức XVI, bài giảng, 31-5-2009). Chúng ta cùng tha thiết khẩn nguyện trong những ngày Đại Hôi 2017 này: “Xin hãy đến, Lạy Chúa Thánh Thần, Ðấng sáng tạo...”

Đại hội CGVN tại Đức lần thứ 41 năm nay có chủ đề „Laudato Si“ Hãy Ngợi Khen Chúa“

-Đây là chủ đề thời sự nóng bỏng trên thế giới, tại Quê Hương Việt Nam từ mấy năm qua với thảm họa ô nhiễm biển miền Trung, tại nước Đức chúng ta đang sinh sống và ngay trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người chúng ta…

Nóng bỏng nhất là biến cố TT. Donald Trump của Hoa Kỳ đã tuyên bố rút chân ra khỏi hiệp định Paris về khí hậu tại vườn hồng tòa bạch ốc vào chiều tối thứ sáu đầu tháng sáu hôm qua. Dưới thời Tổng Thống Barack Obama, Hoa Kỳ đồng ý cùng với 198 quốc gia khác, từ nay đến năm 2025, giảm khí thải từ 26% đến 28% so với mức khí thải của năm 2005, tức vào khoảng 1.6 tỉ tấn.

Các khoa học gia nói rằng, trái đất gần như chắc chắn sẽ bị nguy hiểm vì sẽ nóng sớm hơn, do quyết định của tổng thống, bởi vì Hoa Kỳ là quốc gia xả khí thải nhiều làm tăng nhiệt độ toàn cầu. Các tính toán cho thấy, rút khỏi Hiệp Ước Paris sẽ làm bầu không khí có thêm khoảng 3 tỉ tấn carbon dioxide mỗi năm – đủ để làm tan các tảng băng nhanh hơn, làm nước biển dâng lên cao hơn, và làm cho thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Vì Hoa Kỳ là quốc gia thải chất carbon dioxide nhiều thứ nhì thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

Liên hiệp truyền thông CGVN hải ngoại qua bản tin trong Vietcatholic tựa đề „Phản ứng Công Giáo đối với việc Tổng Thống Trump rút chân ra khỏi hiệp định Paris về khí hậu“ của ký giả Vũ Văn An đã tóm lược như sau:

Mới tuần trước, Tổng Thống Trump thưa với Đức Giáo Hoàng Phanxicô rằng ông sẽ đọc thông điệp Laudato Si’ về môi trường và thay đổi khí hậu của ngài. Nhưng căn cứ vào các biến cố ngày 1 tháng Sáu hôm qua, rõ ràng một là ông chưa đọc thông điệp này, hai là ông không đồng ý với những gì Đức Phanxicô viết trong đó.

Quả thế, ngày 1 tháng 6, tại Vườn Hồng, Ông Trump đã tuyên bố rằng Hiệp Chúng Quốc sẽ rút chân ra khỏi Hiệp Định Khí Hậu Paris, một hiệp định mà hầu như mọi quốc gia trên quả địa cầu này đều đã tham gia để giảm thiểu các hậu quả của việc thay đổi khí hậu. Như thế, Hoa Kỳ cùng với Syria và Nicaraguay là ba nước duy nhất không cam kết đối với các giới hạn tự nguyện ghi trong hiệp định.

Khắp Hoa Kỳ và thế giới, các nhà lãnh đạo Công Giáo nhanh chóng lên tiếng tỏ ý lo ngại. Sau đây, theo tạp chí America, là một số lo ngại này:

Các giám mục Hoa Kỳ

Đức Cha Oscar Cant của Las Cruces, chủ tịch Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình Quốc Tế của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã ra một tuyên bố như sau: “Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, cùng với Đức Giáo Hoàng Phanxicô và toàn thể Giáo Hội Công Giáo, vốn nhất quán đề cao hiệp định Paris như bộ máy quốc tế quan trọng để cổ vũ việc quản lý môi trường và khuyến khích giảm thiểu việc thay đổi khí hậu. Quyết định của Tổng Thống không tôn trọng sự cam kết của Hiệp Chúng Quốc đối với hiệp định Paris là điều gây bối rối sâu xa.

“Thánh Kinh khẳng định giá trị của việc săn sóc tạo thế và săn sóc lẫn nhau trong tình liên đới. Hiệp định Paris là một thỏa thuận quốc tế nhằm cổ vũ các giá trị này. Quyết định của Tổng Thống Trump sẽ có hại cho nhân dân Hiệp Chúng Quốc và thế giới, nhất là những người nghèo nhất, những cộng đồng dễ bị thương tổn hơn cả. Các tác động của việc thay đổi khí hậu đã được cảm nghiệm qua việc dâng cao mực nước biển, những vụ tan băng đá, nhiều cơn bão tăng tốc, và nhiều vụ hạn hán thường xuyên hơn.Tôi chỉ có thể hy vọng rằng: Tổng Thống sẽ đề xuất các phương cách cụ thể nhằm giải quyết việc thay đổi khí hậu hoàn cầu và cổ vũ việc quản lý môi trường”.

Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện Khoa Học và Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện Các Khoa Học Xã Hội

Sáng ngày 1 tháng Sáu, nhật báo Ý la Repubblica cho đăng cuộc phỏng vấn Đức Cha Marcelo Sánchez Sorondo thuộc Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện Khoa Học. Ngài gọi hành động của Tổng Thống Trump là một “thảm họa” và là một “cái vả vào mặt” Vatican. Trả lời một câu hỏi về mối liên hệ của Giáo Hội với khoa học, Đức Cha Sorondo nhận định rằng chủ trương coi thế giới không thể nào tiếp tục sống được nếu không dựa vào cácbon và dầu hỏa cũng “giống như nói rằng trái đất không tròn vậy”. Ngài cũng cho rằng việc rút chân ra này là kết quả của việc dựa vào các sắc lệnh tổng thống để chống lại việc thay đổi khí hậu.

Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, người đã đồng ý tham gia Thoả thuận Paris, đã ngay lập tức chỉ trích quyết định của ông Trump:

"Ngay cả khi không có sự đóng góp của Hoa Kỳ trong vai trò lãnh đạo, ngay cả khi chính quyền này đi cùng một vài nước khác khước từ tương lai, tôi tin rằng các quốc gia, các thành phố, các doanh nghiệp của chúng ta sẽ đứng lên và làm thậm chí còn nhiều hơn nữa để dẫn dắt, và để bảo vệ hành tinh mà chúng ta có cho các thế hệ tương lai," ông nói trong một tuyên bố.

“Đây là một hành động điên rồ của tổng thổng này,” ông Jerry Brown, thống đốc California, nói, và phản kháng mạnh mẽ quyết định này, cho rằng đây là “hành động sai lầm của một người có chức vụ cao nhất quốc gia.”

Chủ tịch Câu lạc bộ Sierra nói trong một thông cáo gửi cho VOA qua email: "Donald Trump đã mắc sai lầm lịch sử mà cháu chắt của chúng ta sẽ nhìn lại với nỗi kinh ngạc về chuyện làm sao mà một nhà lãnh đạo thế giới có thể xa rời thực tế và đạo đức như vậy,"

-Như vậy quyết định chọn chủ đề „Laudato Si“ Hãy Ngợi Khen Chúa cho ĐH 41 là một đề tài thật sự nóng bỏng, khẩn thiết vì liên quan đến mỗi người chúng ta, liên quan đến tính mạng của hơn 90 triệu dân tộc Việt Nam, liên quan đến toàn thế giới, nhất là cho thế hệ con cháu chúng ta…

Vài hàng về ý nghĩa chính yếu của Thông điệp Laudato Si:

Ngày 13.03.2013, Đức Hồng Y Jorge Mario Bergolio, sau khi đắc cử Giáo hoàng, đã nhận tên Thánh Phanxicô thành Assissi. Thánh nhân là tác giả ‘Kinh Hòa bình’ và ‘Bài ca Vạn vật’ để ca ngợi các công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Do đó, ngày 29.09.1979, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II công bố Thánh nhân là Bổn mạng các nhà môi sinh học. Quan niệm sống Thánh Phanxicô là sống với, sống chung chan hòa giữa con người và mọi tạo vật. Tiếp nối công trình Thánh Phanxicô, Đức đương kim Giáo hoàng đã viết và gởi cho tín hữu Công Giáo và mọi người thiện chí khắp nơi Thông điệp ‘Laudato Sí’.

Ngày 18.06.2015, Thông điệp ‘Laudato sí’ (Hãy ngợi khen Thiên Chúa) về bảo vệ thiên nhiên được Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành. Thông điệp lấy tên từ lời cầu của thánh Phanxicô. ‘Laudato sí, mí Signore’ (Lạy Chúa của con, con chúc tụng Chúa), trong ‘Bài ca Vạn vật’ nhắc nhở mọi người rằng trái đất là ‘căn nhà chung của chúng ta’.

Đức Thánh Cha đã đặt câu hỏi như là trọng tâm thông điệp ‘Loại thế giới nào chúng ta muốn chuyển lại cho những người đến sau chúng ta, cho các trẻ em đang lớn lên?’ và để mời chúng ta ‘săn sóc căn nhà chung’. Người viết tiếp ‘Nghi vấn này không chỉ liên quan đến môi trường mà thôi, vì ta không thể đặt câu hỏi chỉ một phần’, và điều này khiến phải tự hỏi về ý nghĩa cuộc sống và những giá trị làm căn bản cho đời sống xã hội: ‘Chúng ta đến trần thế này để làm gì? Chúng ta hoạt động và tranh đấu với mục đích nào? Tại sao trái đất lại cần chúng ta?’. ‘Nếu chúng ta không đặt những câu hỏi căn bản này, thì tôi không tin rằng những quan tâm của chúng ta về môi trường có thể có những giải đáp quan trọng’.

‘Laudato sí, mí Signore’ (Lạy Chúa của con, con chúc tụng Chúa). ‘Bài ca Vạn vật’ nhắc chúng ta trái đất là căn nhà chung của mình, ‘cũng như người chị chúng ta, chúng ta chia sẻ cuộc sống với chị ấy, và như người mẹ tươi đẹp đón nhận chúng ta trong vòng tay mẹ’ (1). Do ‘chúng ta là đất’ (x. St 2,7), nên thân thể chúng ta được cấu thành nhờ những thành tố của trái đất, không khí là yếu tố mang lại cho chúng ta hơi thở và nước từ trái đất làm cho chúng ta được sống và được bổ dưỡng’ (2).

Trong thời đại chúng ta, trái đất bị ngược đãi và cướp phá đang kêu than và những tiếng than trách đó đang hiệp với những tiếng rên xiết của những người bị bỏ rơi trên thế giới này. Đức Thánh Cha Phanxicô mời chúng mình hãy lắng nghe họ, tất cả và từng người, cá nhân hay tập thể (gia đình, quốc gia và cộng đồng quốc tế) hãy ‘hoán cải về môi sinh’, theo đề nghị của Thánh Gioan Phaolô II, tức ‘đổi hướng’, đón nhận vẻ đẹp và trách nhiệm dấn thân để ‘săn sóc căn nhà chung’.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô tha thiết xin chúng ta: " 'Ngôi nhà chung' của chúng ta đang đổ nát, và gây tổn thương đến tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo nhất trong chúng ta".Do đó, tôi kêu gọi mọi người hãy có tinh thần trách nhiệm, dựa trên nhiệm vụ mà Thiên Chúa đã trao cho loài người khi tạo dựng vũ trụ, đó là: ‘cầy cấy và gìn giữ khu vườn’ mà loài người được đặt vào (x. St 2:15). Tôi mời gọi tất cả mọi người đón nhận tài liệu này với trái tim rộng mở, một tài liệu nằm trong hệ thống học thuyết xã hội của Giáo Hội."

Sám hối về môi sinh

Thói dửng dưng và ích kỷ lan rộng làm cho vấn đề môi trường thêm trầm trọng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô dành những lời phê phán mạnh mẽ nhất cho những người giàu không quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu, và nhất là ảnh hưởng của nó đối với người nghèo

Ích kỷ cũng dẫn đến sự bốc hơi các khái niệm về công ích. Trong thế giới của Laudato Si’ không có chỗ cho thói ích kỷ hay dửng dưng. Chúng ta không thể chăm sóc thiên nhiên “nếu cõi lòng chúng ta thiếu sự nhân hậu, lòng thương xót và quan tâm đến người đồng loại của chúng ta” (số 91).

Trong Laudato Si’ (LS), tại số 217, nhắc lại lời của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI “Các sa mạc bên ngoài ngày càng nhiều, vì những sa mạc bên trong đã quá bao la”, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định: “Cuộc khủng hoảng sinh thái, vì thế, đòi hỏi sự hoán cải nội tâm sâu sắc”, qua đó, người tín hữu làm cho “hoa trái của cuộc gặp gỡ giữa họ với Đức Giêsu Kitô trở nên chứng tá trong mối tương quan của họ với thế giới xung quanh”.

Quả thực, “đây không phải là một tùy chọn hay một khía cạnh thứ yếu của kinh nghiệm Kitô giáo của chúng ta” (LS số 217), mà là một thực tại quan trọng trong đời sống Kitô hữu.

Hơn ai hết, chúng ta phải là những tông đồ của ơn hoán cải.

Một cuộc hoán cải cá nhân và cộng đồng

Là một cuộc hoán cải đúng nghĩa, hoán cải sinh thái đương nhiên và trước hết phải là cuộc hoán cải của mỗi cá nhân, trong đó, “chúng ta xét lại đời sống và nhận chân những gì chúng ta gây thiệt hại đến công trình tạo dựng của Thiên Chúa ngang qua những hoạt động của chúng ta và cả những hành động cần làm mà chúng ta bỏ qua” (LS số 218).

Trong LS số 220, Đức Thánh Cha nhắc đến bốn thái độ căn bản trong cuộc hoán cải sinh thái:

• Biết ơn: “Trước hết là lòng biết ơn và sự cho không, nhận biết rằng thế giới là quà tặng yêu thương của Thiên Chúa, và chúng ta được mời gọi âm thầm noi theo lòng quảng đại của Ngài trong sự hy sinh tự hiến và trong những việc lành phúc đức.”

• Hiệp thông với toàn thể tạo thành: “Sự hoán cải này cũng bao hàm một nhận thức trìu mến về sự liên kết của chúng ta với toàn thể thụ tạo, cùng dự phần trong sự hiệp thông hoàn vũ tuyệt vời. Là tín hữu, chúng ta không nhìn thế giới từ bên ngoài mà từ bên trong, ý thức về các mối dây Chúa Cha đã liên kết chúng ta với tất cả mọi hữu thể.”

• Phát triển khả năng bản thân: Đó là “việc phát triển cá nhân và những khả năng Thiên Chúa ban tặng”. “Chúng ta đừng hiểu sự ưu việt của chúng ta là một lý do để vinh vang cá nhân hay thống trị một cách vô trách nhiệm, nhưng đó là một trách nhiệm nghiêm túc xuất phát từ niềm tin của chúng ta.”

• Góp phần giải quyết các vấn đề sinh thái: “Sự hoán cải sinh thái có thể thúc đẩy chúng ta sáng tạo và nhiệt thành hơn trong việc giải quyết các vấn đề của thế giới và trong việc hiến dâng chính bản thân chúng ta lên Thiên Chúa “như một của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Người” (Rm 12,1).”

Như mọi cuộc hoán cải, cuộc hoán cải sinh thái gồm ba bước:

• nhận biết những sai lỗi,
• sám hối chân thành,
• và khao khát thay đổi.

Điều đáng nói: Đức Thánh Cha đề nghị hoán cải không chỉ về những hành động tàn phá môi trường. Ngài nói đến một cuộc hoán cải toàn diện: về những sai lầm, những tội lỗi, những thiếu sót và cả những thất bại của chúng ta trong việc chăm sóc ngôi nhà chung (LS số 218). (trích bài „Việt Nam cần lắm một cuộc hoán cải sinh thái“của Ngọc Hùynh)

Sau khi học hiểu thông điệp Laudato sí này, việc xét mình, - phương thế mà Giáo Hội luôn cổ võ để định hướng cuộc sống của mình dưới ánh sáng tương quan với Chúa, - phải bao gồm một chiều kích mới: không những cứu xét xem ta đã sống tình hiệp thông với Thiên Chúa, với tha nhân và với bản thân như thế nào, nhưng còn với toàn thể các loài thụ tạo và thiên nhiên nữa.

Đó cũng là cuộc hoán cải mà Đức Mẹ Fatima đã nhắc cho con cái loài người từ 100 năm qua.

Kính thưa Đại Hội

Trong những ngày ĐH quý giá này, không những chúng ta có dịp để tay bắt mặt mừng gặp gỡ nhau…Là tín hữu của gia đình Hội Thánh, chúng ta là chi thể của Chúa phục sinh, chúng ta hãy sống gắn bó với Chúa, sống tình huynh đệ và tung vãi niềm tin yêu cho mọi người đặc biệt trong những ngày đại hội này và trong cuộc sống thương ngày, để mọi người nhìn ra bộ mặt đầy yêu thương của Chúa đang hiện diện giữa thế gian.

Chúng ta có dịp may được học hỏi thông điệp quý giá và thiết thực này qua Cha Thomas Nguyễn Đình Anh Nhuệ để hiểu biết vấn đề có liên quan đến vận mạng thế giới, vận mạng của gia đình chúng ta, của Quê hương dấu yêu, của thế hệ tương lai con cháu chúng ta.

và cha Phalo Dũng sẽ giúp các bạn trẻ học hiểu và yêu mến công trình tạo dựng thiêng liêng của Cha trên trời.

Nguyện chúc tất cả một ĐH tràn đầy hồng ân của Chúa Thánh Thần

Ước gì Mười hai hoa trái của Chúa Thánh Thần tỏa hương thơm và sinh quả ngọt trong cuộc đời mỗi người : đó là bác ái - hoan lạc - bình an - kiên nhẫn - quảng đại - nhân từ - từ tâm - khoan dung - trung tín - khiêm nhu - tiết độ - khiết tịnh.

Chúa Thánh Thần là cánh buồm đẩy chúng ta tiến tới. Ngài là Đấng ban cho chúng ta khả năng có tràn đầy niềm hy vọng, giúp chúng ta không bao giờ chán nản ngã lòng, và trở thành những người gieo vãi niềm hy vọng và sự ủi an trong trái tim con người và trong toàn vũ trụ. (ĐTC Phanxicô).

Lm. Stephanô Bùi Thượng Lưu
(Đại diện tuyên uý đoàn CGVN tại Đức)