Như chúng tôi đã tường trình, sáng thứ Sáu 25 tháng Giêng, lúc 10 giờ 30, Đức Thánh Cha đã chủ sự phụng vụ thống hối với các bạn trẻ tù nhân tại Trung Tâm cải huấn trẻ vị thành niên Las Garzas de Pacora.

Sau cuộc gặp gỡ tại đây, lúc 11 giờ 50 Đức Thánh Cha đã đáp trực thăng về tòa Sứ Thần cách đó 46 cây số.

Hoạt động tiếp theo và cũng là hoạt động nổi bật nhất trong ngày thứ Sáu là buổi đi đàng thánh giá diễn ra tại Juan Pablo II.

Sáng thứ Bẩy, 26 tháng Giêng, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ lúc 9 giờ 15 để thánh hiến bàn thờ Vương Cung Thánh Đường Santa Maria la Antigua /santa maˌrɪˈa latɪˈgʊa/ và cũng là Nhà thờ Chính tòa của tổng giáo phận Panama cùng với các Giám Mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và các đại diện giáo dân.

Ngôi nhà thờ này, còn được gọi là nhà thờ Thánh Tâm, nằm trong khu phố cổ của thành phố Panama, đã được khởi công xây dựng vào năm 1688. Tuy nhiên, 108 năm sau đó, tức là vào năm 1796, ngôi nhà thờ mới được chính thức thánh hiến. Thật thế, năm 1671, để trốn thoát cuộc bao vây của chính quyền, tên hải tặc Henry Morgan đã tạo ra một trận hỏa hoạn thiêu rụi khu phố cổ khiến cho việc xây cất ngôi thánh đường bị hoãn lại nhiều lần.

Nhân đây, chúng tôi cũng xin giải thích thêm điều này: Antigua là tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là cổ xưa. Khi người Tây Ban Nha đến Panama vào thế kỷ 16, họ mang theo trong cuộc hành trình vượt biển một bức ảnh Đức Mẹ từ nhà thờ chánh tòa thành Seville, và gọi đó là bức ảnh Santa María la Antigua, hay Đức Mẹ Cố Hương, Đức Mẹ nơi nhà thờ chánh tòa cũ, ở quê hương Tây Ban Nha của họ. Bức ảnh này được tin tưởng đã mang đến nhiều phép lạ cho các tín hữu Panama. Vì thế, Giáo Hội Panama nhận Santa María la Antigua là quan thầy.

Cũng cần nói thêm, tổng giáo phận thủ đô Panama là giáo phận xưa nhất tại Mỹ Châu, đã được thành lập vào năm 1514 sau khi các nhà truyền giáo thuộc dòng Phanxicô đặt chân đến quốc gia này.

Đức Tổng Giám Mục José Dimas Cedeño Delgado, 85 tuổi, là Tổng Giám Mục Hiệu tòa của tổng giáo phận thủ đô Panama, và Đức Tổng Giám Mục José Domingo Ulloa Mendieta, 62 tuổi, là Tổng Giám Mục đương chức của tổng giáo phận này, và cũng là Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Panama.

Theo niên giám 2017 của Tòa Thánh, tổng giáo phận thủ đô Panama có 1,729,000 tín hữu, 96 giáo xứ, 205 linh mục trong đó có 84 linh mục triều và 121 linh mục dòng, 68 phó tế vĩnh viễn, 236 nam tu sĩ không có chức linh mục, 256 nữ tu và 67 chủng sinh.

Tổng giáo phận thủ đô Panama có hai vị Giám Mục Phụ Tá là Đức Cha Pablo Varela Server, 76 tuổi và Đức Cha Uriah Ashley, 74 tuổi.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Trên con đường hành trình rao giảng, Chúa Giêsu ngồi nghỉ bên bờ giếng Giacóp, giờ đó vào khoảng giờ thứ sáu, có một người phụ nữ Samaria tới kín nước. Chúa Giêsu nói với bà: Xin cho tôi chút nước! (Ga 4: 6-7).

Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe cho chúng ta thấy Chúa Giêsu thấm mệt trên bước đường hành trình rao giảng của Người. Vào giữa trưa, khi mặt trời oi nồng nóng bức hơn bất cứ lúc nào thì Chúa ngồi lại nghỉ bên giếng nước. Chúa đang mong được uống ngụm nước hầu làm làm dịu bớt cơn khát của mình, hầu kín múc cho mình lại sức để tiếp tục con đường rao giảng.

Các môn đệ cũng xác tín về sứ mệnh rao giảng Tin mừng của Chúa cho người túng nghèo, nhỏ bé, bị chèn ép, công bố tự do cho những kẻ bị giam cầm và giải phóng cho các tù nhân, an ủi những người than khóc và tuyên bố năm hồng ân cho tất cả! (xem Is 61: 1-3). Các Tông đồ ý thức đây là chương trình làm tiêu hao sinh lực của Thầy; nhưng các ngài cũng cho chúng ta thấy nhiều khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời của Thầy, những khoảnh khắc bộc trần nét nhân loại như chúng ta mà chúng ta dễ dàng bắt gặp trong cuộc sống.

Mệt mỏi từ cuộc hành trình

Chúng ta không khó khăn để tìm ra trong cuộc sống bận rộn của chúng ta, để bắt gặp những hoàn cảnh và hiệp thông với cảm nghiệm của Chúa chúng ta. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng biết trải nghiệm sự mệt mỏi của mình như Chúa. Chúa cảm thấy thấm mệt và biết mệt mỏi ra sao, nên trong những mỏi mệt của mình, trong các cuộc tranh đấu cho quê hương dân tộc… chúng ta, cộng đồng chúng ta và mọi người cảm thấy mệt mỏi và chán nản trước trọng trách! (xem Mt 11:28).

Có nhiều lý do cho sự mệt mỏi trên hành trình của chúng ta trong tư cách là linh mục, tu sĩ nam nữ hoặc các thành viên của các phong trào giáo dân: vì từ thời gian hoạt động quá dài, không có giờ để ăn uống, nghỉ ngơi và sinh hoạt cùng gia đình, đến các điều kiện và mối quan hệ làm việc đòi hỏi khác! Điều đó làm chúng ta kiệt sức và thất vọng. Từ những bổn phận đơn giản thường ngày đến tập quán hàng ngày làm chúng ta không còn giờ để giải trí thư giãn! Những thói quen và công việc ấy cứ diễn ra từ ngày này sang ngày khác. Từ những vấn đề nhỏ thông thường đến những dự án to nhỏ áp lực và làm chúng ta căng thẳng. Đó là một trọng trách chúng ta phải gánh chịu.

Đối với người tu sĩ, chúng ta không thể kham nổi những đòi hỏi của cuộc sống tận hiến, nếu chúng ta không tìm cho chính mình một giếng nước, làm dịu cơn khát và tăng cường sinh lực cho cuộc hành trình của chúng ta. Tất cả những cảnh trạng này đòi hỏi, những giờ cầu kinh thinh lặng, đó chính là giếng nước mà chúng ta cần kiếm tìm!

Lâu nay, chúng ta thấy có một hiện tượng rất tinh tế mà chúng ta thường bắt gặp trong cộng đoàn của chúng ta, nỗi khát mong này không liên quan gì đến Chúa của chúng ta, đó chính là một mong mỏi mà chúng ta có thể gọi là nỗi khát mong “một niềm hy vọng”. Nỗi khát mong này chúng ta có thể cảm nhận được như - trong Tin Mừng - mặt trời oi nồng không thương tiếc làm con người nhoài mệt không muốn tiến bước... Cha không đề cập đến sự mỏi mệt của trái tim (xem Redeemoris Mater, 17; Evangelii Gaudium, 287) của những người ai cảm thấy mệt nhừ vào cuối ngày, nhưng vẫn giữ được nụ cười thanh thản và biết ơn. Cha muốn nói về nỗi khát mong khác, xuất phát từ việc nhìn về tương lai trước thực tại, thiếu thốn về tài lực lẫn năng lượng, tài nguyên và khả năng hầu có thể thực hiện được sứ mệnh của chúng ta trong thế giới đầy thách thức và thay đổi này.

Đó là một khát vọng cần thiết. Một khát vọng đến từ những viễn ảnh tương lai mà không biết làm thế nào để vượt thắng được những chống đối, những chướng ngại của xã hội chúng ta đang đối diện, ngay cả trong lãnh vực tâm linh tôn giáo! Những đổi thay não trạng của xã hội khiến chúng ta phải đối phó với thực tế, mà trong nhiều trường hợp, chúng ta nghi nan cả về nâng đỡ của tôn giáo trong thế giới ngày nay. Với một tốc độ thay đổi quá nhanh có thể làm tê liệt các lựa chọn và ý kiến của chúng ta, trong khi những gì có ý nghĩa và quan trọng trong quá khứ giờ đây dường như không còn thích hợp nữa!

Nỗi khát vọng cấp thiết này đến từ việc nhìn thấy Giáo hội của chúng ta đang bị bị tổn thương bởi tội lỗi trước những tiếng kêu thống thiết nguyện cầu lên Thiên Chúa Cha: Cha ơi, sao Cha lại bỏ rơi con? (Mt 27:46).

Chúng ta có thể quen với một cuộc sống khát mong về một mối kỳ vọng trước một tương lai bất ổn và vô định, và viễn ảnh này mở đường cho một chủ nghĩa thực dụng đen tối len lỏi vào trung tâm của đời sống cộng đoàn của chúng ta. Mọi thứ dường như đang diễn ra bình thường, nhưng trong thực tế, đức tin đang bị suy sụp và lụn bại. Thất vọng về thực tại mà chúng ta không hiểu hoặc chúng ta nghĩ rằng nó không có chỗ đứng trong thông điệp của chúng ta, chúng ta có thể trở thành một trong những dị giáo tồi tệ nhất trong thời đại của chúng ta, rằng Chúa và cộng đoàn của chúng ta không có gì để nói hoặc để đóng góp cho thế giới mới hiện tại (xem Evangelii Gaudium, 83). Những điều mà trước đây Giáo hội đã từng là muối và ánh sáng cho thế giới quá khứ.

Cho tôi uống

Sự mệt mỏi từ cuộc hành trình có thể xảy ra; và chính chúng ta cảm thấy được. Dù muốn hay không, chúng ta hãy can đảm thân thưa cùng Thiên Chúa Cha rằng: “Xin hãy cho con một chút nước”. Như trường hợp của người phụ nữ Samaria và có lẽ với mỗi người chúng ta, chúng ta mong muốn được làm dịu đi cơn khát của chính mình không phải với bất kỳ thứ nước nào mà với dòng nước phát sinh từ suối nguồn đời đời (Ga 4:14). Giống như người phụ nữ Samaria trong quá khứ đã mang theo những bình lu trống rỗng không tình yêu, chúng ta cũng ý thức rằng không phải bất kỳ từ đâu chúng ta cũng có thể kín múc lấy năng lượng và viễn kiến cho sứ mệnh của mình. Không phải nơi một ý tưởng mới, như đang mời gọi chúng ta có thể làm dịu đi cơn khát mong của chúng ta. Như chúng ta đã biết, không phải những kiến thức về tôn giáo, cũng như các lựa chọn và truyền thống trong quá khứ hay hiện tại, khiến chúng ta nể phục những người đã nỗ lực đạt được những thành quả và khát vọng trước những giá trị tinh thần và chân lý (Ga 4:23).

Chúa Giêsu phán cùng người phụ nữ Samaria “hãy cho tôi chút nước uống”, Chúa đang yêu cầu chúng ta hãy nói những lời tương tự. Để nói với tha nhân, chúng ta cũng hãy mở cửa và để cho nỗi khát vọng giảm bớt cơn khát của chúng ta trở thành tình yêu như Chúa Giêsu dành cho tha nhân và chúng ta với lòng thương xót và mời gọi chúng ta đi theo Ngài. Để nói những lời đó, chúng ta hãy làm sống lại ký ức về khoảnh khắc, lúc chúng ta bắt gặp ánh mắt của Chúa và của thầy chúng ta, khoảnh khắc khiến chúng ta nhận ra rằng Chúa yêu chúng ta, không chỉ trên bình diện cá nhân mà còn trên bình diện cộng đồng (xem Homily tại Lễ Vọng Phục Sinh, 19 tháng Tư 2014). Điều đó tăng kích sức lực cho bước đường tận hiến và giúp chúng ta trung thành với lời mời gọi của Chúa, lắng nghe và kín múc những cảm hứng cho công cuộc tông đồ, cho những kế hoạch mục vụ hay dự án… Như Chúa đã hỗ trợ các thánh nhân của Chúa, các Đấng lập dòng, các Giám mục coi sóc các cộng đoàn của chúng con - Chúa đã mang lại sức sống và hơi thở mới cho mọi khoảnh khắc của lịch sử, cho dù nhiều lúc chúng ta thấy hy vọng và phẩm giá con người dường như bị bóp nghẹt đang làm cho chúng ta tan tác!

Hãy cho tôi chút nước uống, có nghĩa là tìm cho được sự can đảm, hầu được thanh luyện và đem lại cho thân xác ơn đặc sủng - không chỉ cho đời sống tôn giáo mà còn cho toàn bộ cuộc sống của Giáo hội – hầu chúng ta có thể sống chứng tá cho Chúa trong xã hội ngày nay. Điều này có nghĩa là không chỉ nhìn lại quá khứ với lòng biết ơn, mà còn tìm kiếm nguồn cảm hứng hầu làm âm vang một cách mạnh mẽ sứ mệnh cho Chúa một lần nữa trong xã hội chúng ta đang sống (xem. Đức Giáo Hoàng Phanxicô-Fernando Prado, Sức mạnh của một ơn gọi, 42).

Hãy cho tôi chút nước uống, có nghĩa là nhận ra rằng chúng ta cần Chúa Thánh Linh trợ giúp để biến chúng ta thành những người tu sĩ nam nữ biết lưu tâm đến Tin mừng cứu độ của Thiên Chúa. Xác tin rằng, như Chúa đã thực hiện trong quá khứ, Ngài đang hoạt động trong thời gian hiện tại và Chúa sẽ tiếp diễn trong tương lai… Hãy tìm về cội nguồn hầu giúp chúng ta xác tín trong hiện tại và kín múc sinh lực cho tương lai với niềm xác tín: “Chúng ta sống mà không sợ hãi gì, hãy thích ứng với cuộc sống hiện tại một niềm đam mê gắn bó vào lịch sử, đắm chìm trong mọi sự với một đam mê của những người đang yêu…” (xem Đức Giáo Hoàng Phanxicô-Fernando Prado, Sức mạnh của một ơn gọi, 44).

Một niềm hy vọng mòn mỏi sẽ được chữa lành mà tận hưởng nỗi niềm chờ mong đặc biệt của trái tim khi chúng ta không sợ quay tìm về nguồn tình yêu, mà đối diện với thực tại và những thách đố của chúng ta hôm nay trong cùng một ánh mắt đã truyền cảm hứng các nhạc sĩ viết lên những bài ca cảm tạ... Theo cách này, chúng ta sẽ tránh được nguy cơ đi tìm khởi điểm từ chính mình; nhưng chúng ta tìm được ánh mắt của Chúa Kitô, lúc Chúa đang đi kiếm tìm chúng ta, để gọi cho chúng ta và mời chúng ta lên đường tiếp nối sứ vụ Chúa trao trong xã hội và thế giới ngày nay.