1. Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit bênh vực một linh mục dâng lễ có giáo dân tham dự

Tính cho đến sáng thứ Bẩy 25 tháng Tư, tử vong tại Pháp đã lên đến 22,245 người, trong số 159,828 trường hợp nhiễm coronavirus.

Trong một diễn biến đang gây xôn xao dư luận tại Pháp, Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit đã tố cáo sự can thiệp của các cảnh sát vũ trang tại một nhà thờ ở Paris trong một thánh lễ.

Cảnh sát vũ trang đã xông vào một nhà thờ ở Paris vào hôm Chúa Nhật 19 tháng Tư sau khi một người hàng xóm kế bên nhà thờ đã thông báo cho các quan chức thực thi pháp luật về một “thánh lễ bí mật”.

Sáng Chúa Nhật ngày 19 tháng 4, Cha Philippe de Maistre đang cử hành thánh lễ tại giáo xứ Saint-André-de-l'Europe, nằm ở quận 8, Paris, thì cảnh sát vũ trang bước vào nhà thờ ra lệnh cho ngài dừng lại. Cha Philippe de Maistre đã không chấp hành và tiếp tục dâng thánh lễ.

Kể từ khi lệnh cách ly có hiệu lực, giáo xứ đã đề nghị anh chị em giáo dân theo dõi các thánh lễ trên Youtube và Facebook. Cha Philippe de Maistre đang cử hành thánh lễ phát sóng trực tiếp trên mạng xã hội, khi cảnh sát vào nhà thờ với đầy đủ súng ống. Ngài giải thích tình huống lúc đó với tờ Le Figaro như sau.

“Chúng tôi có bảy người: bản thân tôi, một người giúp lễ, một ca viên, một người chơi đàn organ và ba giáo dân để thưa gởi và đọc sách thánh. Giữa thánh lễ, ba cảnh sát vũ trang bước vào nhà thờ. Tuy nhiên, theo luật của Pháp, cảnh sát chỉ được phép vào nhà thờ theo yêu cầu của linh mục giáo xứ, hoặc nếu trật tự công cộng bị đe dọa.

Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit, Tổng Giám mục Paris, đã lên án mạnh mẽ cách hành xử của cảnh sát với Đài phát thanh Notre Dame. Ngài nói:

“Chúng ta đang ở một thời kỳ khá đặc biệt, gợi lại những thời kỳ nhất định của nước Pháp không mấy vui vẻ gì, chẳng hạn như thời Chiếm Đóng. Hôm Chúa Nhật vừa qua cảnh sát trang bị súng ống đã bước vào một nhà thờ. Trong thánh lễ Chúa Nhật đó chỉ có một linh mục, và vài người phụ giúp ngài. Thế rồi, một người hàng xóm, rõ ràng là quá tử tế như bạn có thể tưởng tượng ra, đã gọi cảnh sát và nói rằng ‘có một thánh lễ bí mật’. Không có bí mật gì cả! Có một thánh lễ, bởi vì thánh lễ được cử hành mỗi ngày. Chúng tôi vẫn có quyền cử hành thánh lễ với một số tối thiểu người tham dự để tránh lây lan. Tôi cử hành Thánh lễ mỗi Chúa Nhật, và thậm chí mỗi ngày.”

“Vấn đề là đột nhiên cảnh sát vào nhà thờ vũ trang đầy đủ vũ khí. Tuy nhiên, cảnh sát chính thức bị cấm không được nhà thờ với vũ khí. Không có kẻ khủng bố nào ở đó. Bạn phải giữ đầu óc tỉnh táo và ngăn chặn trò xiếc này. Chúng tôi sẽ nói và trong trường hợp bị cô lập này, sẽ gào lên rất to.”

Bộ Nội vụ Pháp nói với tờ L’Express rằng các thừa tác viên có thể cử hành thánh lễ trực tuyến “nhưng đằng sau cánh cửa đóng kín. Các thừa tác viên có thể được một số người giúp đỡ, nếu cần thiết, và với số lượng nhỏ nhất có thể được để ghi lại buổi lễ.”

Phản ứng của Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit là hoàn toàn trái ngược với phản ứng của Đức Cha Antonio Napolioni của giáo phận Cremona. Trong một tình huống tương tự, 12 giáo dân vừa mất người thân vì coronavirus đã đến tham dự thánh lễ tại nhà thờ San Pietro Apostolo, trong thành phố Gallignano, thuộc giáo phận Cremona.

Cảnh sát đã làm gián đoạn thánh lễ và yêu cầu cha Lino Viola đuổi anh chị em giáo dân ra khỏi nhà thờ. Ngài từ chối và giải thích rằng trước hoàn cảnh của họ thê thảm như thế “Tôi là ai mà yêu cầu người ta ra khỏi nhà thờ? Thật không phải là con người khi bảo họ đi ra.”

Mỗi tín hữu tham dự trong Thánh lễ này bị phạt €280, riêng cha Viola bị phạt đến €680.

Đức Cha Antonio Napolioni đã không hỗ trợ linh mục của ngài và đã trách Cha Viola “không tuân thủ các quy định hiện hành liên quan đến tình trạng khẩn cấp, và lệnh cấm cử hành các Thánh Lễ có sự hiện diện của các tín hữu.”



2. Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý, kêu gọi tái tục các thánh lễ

Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý đã viết một bức thư kêu gọi tái tục các Thánh lễ Chúa Nhật khi đất nước này bắt đầu nới lỏng các hạn chế di chuyển và tụ tập để ngăn chặn sự lây lan coronavirus.

“Đã đến để tái tục việc cử hành các Thánh lễ Chúa Nhật, các lễ tang, rửa tội và tất cả các bí tích khác, theo các biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh đối với các cuộc tụ họp của nhiều người ở những nơi công cộng,” Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti của tổng giáo phận Perugia đã viết như trên trong một lá thư gửi cho giáo phận của ngài hôm 23 tháng Tư.

Các thánh lễ có dân chúng tham dự đã bị đình chỉ trên khắp nước Ý trong gần bảy tuần qua sau khi chính phủ Ý ban hành sắc lệnh ngày 8 tháng 3 đình chỉ tất cả các nghi lễ tôn giáo công cộng, bao gồm cả các tang lễ.

Hôm 21 tháng Tư, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte cho biết chính phủ sẽ công bố kế hoạch vào cuối tuần này về việc Ý sẽ từ từ dỡ bỏ các hạn chế di chuyển và tụ tập để ngăn chặn sự lây lan coronavirus và mở lại các doanh nghiệp sau ngày 3 tháng Năm. Kế hoạch này cũng cho biết khi nào các cuộc tụ họp công khai của các tôn giáo sẽ có thể tiếp tục.

Một tuyên bố ngày 15 tháng 4 từ Hội Đồng Giám Mục Ý cho biết các giám mục ở Ý đã thảo luận với chính phủ, để xác định một chính sách liên quan đến việc cử hành phụng vụ cho các tín hữu với ít hạn chế hơn.

Theo Đức Hồng Y Bassetti, “Tình huống mà thế giới đang trải qua gây căng thẳng cho mỗi con người và cả các cộng đồng Kitô giáo, như một thực thể nhân loại. Giáo Hội Công Giáo, nói riêng, đang phải đối mặt với một tình huống chưa từng có.”

Đức Hồng Y nhấn mạnh trong thư của ngài rằng việc đình chỉ các Thánh lễ công khai là một thời gian mà giáo dân được kêu gọi trưởng thành trong đức tin của họ. Trách nhiệm của giáo dân là suy niệm lời Chúa và cầu nguyện các giờ kinh Phụng vụ trong nhà của mình. Đó là điều phù hợp với chiều kích tư tế trong phép Rửa Tội.

Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý cho biết mọi người đã phản ứng với thử thách này bằng sự quảng đại, sáng tạo và dũng cảm. Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh rằng, việc theo dõi các thánh lễ trên mạng thông qua việc phát trực tuyến không giống như việc hiện diện trong Thánh lễ, là “nguồn mạch và đỉnh cao của đời sống Kitô hữu”.

“Những gì chúng ta đang trải qua hôm nay chắc chắn là một giờ phút khủng hoảng; Từ ngữ ‘crisi’ - ‘khủng hoảng’ theo nghĩa sâu sắc của từ này, từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là ‘giudizio’ - ‘phân định’ - một cơ hội để đánh giá thực tại và cuộc sống của chúng ta, và đưa ra các lựa chọn,” Đức Hồng Y Bassetti nói.

Ngài kết luận rằng “Trong giờ phút này của lịch sử, Chúa mặc khải cho chúng ta về những gì chúng ta thực sự là, và những gì chúng ta thực sự đáng tin tưởng.”



3. Cha Federico Lombardi : Vai trò của truyền thông trong cuộc khủng hoảng hiện nay

Cha Federico Lombardi là linh mục dòng Tên, đã được Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 bổ nhiệm làm Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh từ ngày 11 tháng 7 năm 2006, thay thế Tiến sĩ Joaquín Navarro-Valls, một giáo dân đã giữ chức vụ này trong 22 năm. Cha Lombardi cũng lãnh đạo Đài phát thanh Vatican và Trung tâm Truyền hình Vatican. Ngài đã đảm nhận cả ba trọng trách này trong hơn 10 năm cho đến khi xin nghỉ hưu vì tuổi tác từ ngày 31 tháng 7 năm 2016.

Vatican News vừa công bố bài đầu tiên trong một loạt các bài viết của ngài với chủ đề “Sống qua thời khủng hoảng”. Bài đầu tiên có tựa đề “Empty piazzas, filled spaces” – “Các quảng trường trống không, các không gian đầy ắp”.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi qua lời dịch sang Việt Ngữ của Kim Thúy.

Trong thời kỳ này, hàng triệu và hàng triệu người ở Ý và trên thế giới đã và đang theo dõi, những khoảnh khắc cầu nguyện do Đức Giáo Hoàng chủ sự thông qua truyền hình và các phương tiện truyền thông xã hội. Đó là một mức độ lắng nghe thật phi thường. Và không có gì lạ. Với mỗi khía cạnh của sự tham gia thể chất và các mối quan hệ mà chúng ta phải từ bỏ, tình huống này tự nhiên khiến chúng ta phải bù đắp bằng những giao tiếp thông qua các phương tiện truyền thông. Bên cạnh đó, tình huống này khiến chúng ta phải đi tìm những từ ngữ và hình ảnh đáp ứng kỳ vọng sâu sắc của chúng ta về niềm an ủi, niềm khắc khoải tìm kiếm ánh sáng trong thời gian đầy những bóng tối, cũng như niềm cậy trông trong thời buổi đầy những bất định.

Năm 2013, khi Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu cử hành thánh lễ buổi sáng tại Santa Marta với một nhóm tín hữu - một trong những đổi mới đầu tiên và đặc trưng nhất trong triều giáo hoàng của ngài – thì có một yêu cầu được đưa ra ngay lập tức từ TV 2000, là đài truyền hình do Hội đồng Giám mục Ý điều hành. Họ xin được truyền hình trực tiếp các thánh lễ này để một tầng lớp khán giả rộng lớn hơn có thể theo dõi khoảnh khắc cầu nguyện cảm động đó với Đức Giáo Hoàng. Tôi nhớ rõ rằng tại thời điểm năm 2013 đó, điều này đã được thảo luận với chính Đức Giáo Hoàng và yêu cầu trên đã được xem xét. Kết luận sau đó là không phát trực tiếp các Thánh lễ đó, bởi vì, không giống như các cử hành công khai, Đức Thánh Cha muốn giữ một đặc tính thân mật và riêng tư, đơn giản và tự phát hơn, trong đó chủ tế và cộng đoàn không cảm thấy rằng họ đang ở trước mắt thế giới. Chắc chắn, có thể phát sóng các hình ảnh nổi bật và ngắn gọn về bài giảng và Phụng vụ, nhưng không thể phát sóng toàn bộ. Trên thực tế, có nhiều dịp khác, trong đó một số lượng lớn khán giả có thể theo dõi Đức Giáo Hoàng, khi ngài cố ý nói với không chỉ những người có mặt, mà cả một lượng khán giả lớn hơn nhiều được kết nối bằng các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông khác.

Bây giờ tình hình đã thay đổi. Không có cộng đoàn các tín hữu ở Santa Marta, thậm chí một nhóm nhỏ cũng không có. Ngoài ra, Thánh lễ của Đức Giáo Hoàng - mà ngài cử hành gần như chỉ có một mình - được truyền hình trực tiếp và được theo dõi bởi là một số lượng rất lớn người xem. Họ nhận được sự thoải mái và an ủi, họ tham gia với ngài trong lời cầu nguyện và được ngài mời gọi “hiệp thông thiêng liêng” bởi vì họ không thể nhận được Mình Máu Thánh Chúa Kitô một cách bí tích. Mầu nhiệm được cử hành là như nhau, nhưng cách tham gia vào việc cử hành đã thay đổi. Trong bài giảng của ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô thích nhìn vào mắt những người có mặt và đối thoại với họ. Bây giờ ánh mắt và giọng nói của ngài được truyền đi qua trung gian công nghệ thông tin, nhưng những ánh mắt và lời nói của ngài vẫn có thể chạm đến những con tim. Cộng đoàn không còn hiện diện về mặt thể lý nữa, nhưng họ vẫn ở đó, và thực sự, thông qua cá nhân của vị chủ tế, được hợp nhất chung quanh Chúa là Đấng đã chết và đã sống lại.

Kinh nghiệm của Đức Giáo Hoàng khi nói và cầu nguyện trong Đền Thờ Thánh Phêrô và thậm chí trước quảng trường Thánh Phêrô hoàn toàn trống rỗng cũng tương tự như thế, và thậm chí còn mạnh hơn nữa. Đã bao nhiêu lần trong những năm qua, chúng ta thấy mình tung ra những con số đầy ấn tượng hơn bao giờ hết về sự hiện diện của các tín hữu: 50, 100, 200 nghìn người... lấp đầy Quảng trường, thậm chí tràn ra khắp Đại Lộ Hòa Giải, và có những lúc vươn đến tận Sông Tiber... Có những cuộc tụ họp đông đến mức không đếm nổi... Trong thế kỷ qua, chúng ta đã học được cách dần dần thêm vào sự hiện diện thể lý này, nhiều người khác, nhờ radio, rồi truyền hình, rồi các công cụ truyền thông mới, và đã mở rộng các cuộc tụ họp đó đến các phần khác nhau của thế giới. Cách riêng là trong các buổi ban phép lành Urbi et Orbi, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, với lời chúc mừng Giáng sinh và Phục sinh bằng hàng chục ngôn ngữ, đã giúp chúng ta hiểu rằng cộng đoàn được tập hợp tại quảng trường Thánh Phêrô là trung tâm, trung tâm của một cuộc tụ họp lớn hơn rất nhiều, lan rộng khắp tất cả các châu lục, được hợp nhất bởi mong muốn lắng nghe một thông điệp cứu rỗi, nhờ tiếng nói của Đức Giáo Hoàng.

Bây giờ chúng ta thấy Quảng trường hoàn toàn trống rỗng, nhưng cộng đoàn lớn hơn vẫn hiện diện về mặt tinh thần, chứ không phải về mặt thể lý, và có lẽ thậm chí còn nhiều hơn và đoàn kết mạnh mẽ hơn so với các dịp khác. Vào thời điểm này, chỉ có Đức Giáo Hoàng mới có thể có mặt ở quảng trường Thánh Phêrô, cũng như trong Nhà nguyện Santa Marta. Tuy nhiên, Giáo hội, là cộng đoàn phổ quát của các tín hữu, thực sự được kết hợp mạnh mẽ nhờ các liên kết rất sâu sắc bắt nguồn từ đức tin và trong trái tim con người.

Quảng trường trống rỗng, nhưng trong sự trống rỗng của nó, người ta nhận thấy sự hiện diện rất mãnh liệt và sự giao thoa giữa các mối quan hệ tinh thần của tình yêu, lòng trắc ẩn, đau khổ, mong muốn, ước vọng, và hy vọng... Đó là một dấu chỉ mạnh mẽ sự hiện diện của Thánh Linh là Đấng liên kết “Nhiệm thể” Chúa Kitô: một thực tại thiêng liêng tự thể hiện chính mình khi cộng đoàn kết hợp và hiện diện một cách thể lý, nhưng không bị ràng buộc và giới hạn trong sự hiện diện thể lý, và lạ lùng thay, trong những ngày này, lại được trải nghiệm một cách mạnh mẽ hơn và rõ ràng hơn. Chúa Giêsu đã từng nói với ông Nicôđêmô, là người đã đến gặp Người vào ban đêm: “Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy”.

Source:Vatican News


4. Tiểu bang Missouri đòi Tầu Cộng bồi thường tổn thất thiệt hại vì coronavirus, sơ khởi 44 tỷ Mỹ Kim

Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình với Fox Business hôm thứ Sáu 24 tháng Tư, Ông Eric S. Schmitt, Bộ trưởng Tư Pháp thứ 43 của Missouri kể từ năm 2019 đến nay, cho biết Trung Quốc phải đền cho tiểu bang của ông 44 tỷ Mỹ Kim.

Theo ông Schmitt, Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về từng cái chết, từng tổn thất tài chính trong kinh doanh, và trong các chi phí y tế gây ra bởi đại dịch coronavirus kinh hoàng tại tiểu bang Missouri.

Ông nói rằng khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát vào tháng 12 và tháng Giêng, đã ra lệnh dừng việc thử nghiệm các mẫu mới và phá hủy các mẫu hiện có, đồng thời chặn đứng tất cả những ai cố gắng cảnh báo với thế giới. Nó đã bắt những người tố giác, và cho phép hàng ngàn người rời khỏi Vũ Hán, và ra nước ngoài sau khi nó đã rõ ràng rằng một căn bệnh truyền nhiễm rất cao đã bùng phát ở đó.

Chính quyền Trung Quốc đã tham gia vào một chiến dịch lừa dối, các nhà chức trách không có những hành động cần thiết, dẫn đến loại virus độc ác này lan rộng trên toàn cầu. Và Missouri đã không tránh khỏi điều đó.

Khi được hỏi nếu Trung Quốc không đền thì sao? Ông Schmitt nói với “Họ sẽ phải đền” và thêm rằng đó mới chỉ là số tiền sơ khởi dựa trên các thống kê cho đến nay.

Hiệp hội Henry Jackson, gọi tắt là HJS, gồm các phân tích gia chiến lược của Anh, nói với tờ Daily Mail rằng Trung Quốc nợ nước Anh 3.2 ngàn tỷ bảng Anh, tức là khoảng 4 ngàn tỷ Mỹ Kim thiệt hại kinh tế. HJS cho biết thêm là nếu tính chung các thiệt hại về y tế, chưa kể tổn thất nhân mạng, là điều không thể quy ra tiền, Trung Quốc nợ nước Anh 5.2 ngàn tỷ bảng Anh, tức là khoảng 7 ngàn tỷ Mỹ Kim.

Chương trình 60 minutes tối thứ Sáu 24 tháng Tư cho biết Úc cũng đang tính toán các tổn thất để đòi Trung Quốc phải bồi thường.