1. Cha sở Việt Nam tại Mỹ thân mẫu vừa qua đời vì vi rút Tầu, lại bị cướp, nhà tạm cũng bị mất

Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, cho biết một giáo xứ người Mỹ gốc Phi ở Denver vừa bị cướp nhà tạm, có cả Mình Thánh Chúa trong đó.

CNA mô tả vụ này là một vụ cướp hơn là một vụ trộm xét vì tính chất táo tợn của nó, cũng như những thiệt hại trong vụ việc.

Đây là một ngôi thánh đường lâu đời của người Mỹ gốc Phi ở Denver. Nhà thờ đã bị cướp một số đồ vật có giá trị vào đêm thứ Hai 30 tháng 8, trong đó, đáng chú ý nhất là nhà tạm và một số bánh thánh đã được thánh hiến.

Bọn cướp đã tấn công vào nhà thờ Công Giáo Curé d'Ars và cướp sạch tất cả các áo lễ được sử dụng cho các thánh lễ từ tủ áo. Chúng đã xông vào bằng cách đá bể cánh cửa gỗ. Chúng cũng lấy một máy tính xách tay dùng để phát trực tiếp Thánh lễ và một bảng âm thanh dùng để kết nối với micrô của nhà thờ.

Cha Joseph Cao, linh mục Việt Nam, cha sở của nhà thờ, cho biết ngài vẫn chưa biết những ai đã thực hiện vụ cướp, diễn ra vào khoảng đêm thứ Hai 30, rạng sáng thứ Ba 31 tháng 8. Cha Cao nói, đây là vụ đột nhập đầu tiên vào nhà thờ.

Những kẻ tấn công cũng loại bỏ bốn camera an ninh khắp nơi trong cung thánh, để bảo đảm rằng chúng không bị quay video. Chúng cũng cắt tất cả các đường ống bằng đồng nối từ lò sưởi của tòa nhà ở tầng dưới, và các ống đồng tại một cầu thang bên ngoài tòa nhà, và làm nước ngập tầng hầm của nhà thờ.

Khoảng 8:40 sáng ngày 31 tháng 8, Cha Cao phát hiện cửa ngoài của nhà thờ đã bị cạy tung. Ngài tìm thấy một chiếc ghế lật ngửa và một số bánh thánh chưa được thánh hiến trên mặt đất khi ngài bước vào gian cung thánh. Sau đó ngài nhận ra rằng nhà tạm đã biến mất, và phát hiện ra tình trạng lũ lụt trong tầng hầm.

“Trái tim tôi chùng xuống. Tôi cảm thấy vô cùng bất lực. Chúng tôi cầu nguyện cho sự trở lại an toàn của Thánh Thể.”

Bảo hiểm có thể sẽ thanh toán cho hầu hết các món đồ bị đánh cắp, nhưng tất nhiên, Mình Thánh Chúa Kitô là vô giá.

“Như bạn có thể tưởng tượng, điều này rất tàn khốc đối với toàn bộ cộng đồng,” Phó tế Clarence McDavid nói với CNA.

“Chúng tôi có những người đã ở đây có lẽ từ giữa những năm 60. Tôi đã là một phó tế ở đây được 34 năm”.

Giáo xứ Curé d'Ars có từ năm 1952, và tên của ngôi thánh đường là nhằm tôn vinh Thánh John Vianney, vị thánh bảo trợ của các linh mục quản xứ đã chăm sóc các linh hồn ở Ars, bên Pháp, vào thế kỷ 19.

Cho đến những năm 1970, chủ yếu nhờ vào sự thay đổi nhân khẩu học trong khu vực, giáo xứ Curé d'Ars đã phục vụ khoảng 200 gia đình chủ yếu là người da đen.

Cung thánh đã được làm phép và trang trí lại như một không gian linh thiêng vào ngày 31 tháng 8.

Cha Cao đã cử hành thánh lễ đền tạ để chuộc tội cho những kẻ đã đánh cắp nhà tạm. Ngài và Phó tế McDavid đã đi khắp nhà thờ, làm phép và rảy nước Thánh lên những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi vụ cướp.

“Những đồ vật có thể được thay thế, nhưng Thánh Thể là một món quà quý giá vô cùng, và đó là điều không thể được thay thế,” Cha Cao nói trong bài giảng.

“Cái ác dường như chiến thắng; nhưng chúng ta biết cuối cùng Chúa sẽ thắng, chúng ta thực sự tin như vậy. Bởi vì Thiên Chúa mạnh hơn sự dữ rất nhiều”, Cha Cao nói.

Cuối thánh lễ, một số giáo dân đã xin vị linh mục và vị phó tế chúc lành và cầu nguyện cho họ.

Tòa nhà hiện tại của nhà thờ được cung hiến vào năm 1978 dưới thời Cha sở Robert Kinkel. Giáo xứ sau đó đã chào đón Charlie Bright với tư cách là phó tế người Mỹ gốc Phi đầu tiên trong tổng giáo phận Denver.

Cha Cao hiện vẫn còn đang phải để tang mẹ là bà cố Maria Đỗ Thị Đượm qua đời ngày 10 tháng 11 năm ngoái 2020 vì coronavirus. Thánh lễ an táng cho bà cố đã được cử hành tại nhà thờ Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam ở Denver hôm 21 tháng 11, 2020.
Source:Catholic News Agency
2. Bài Giáo lý Hàng tuần của Đức Phanxicô: Thư Thánh Phaolô Gửi Tín hữu Galát, ‘Những người Galát ngu ngốc’

Ngày 01 tháng 9 năm 2021, tiếp tục loạt bài giáo lý trong buổi yết kiến chung vào thứ Tư hàng tuần, về Thư của Thánh Phao-lô gửi tín hữu Galát, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về việc Thánh Phaolô mô tả người Galát là ngu ngốc.

Điều đáng lưu ý là trong bài giáo lý tuần này, không những Đức Phanxicô không rút lại bất cứ điều gì ngài dạy trong bài giáo lý ngày 11 tháng 8 về việc Luật Môsê không đem lại sự sống ơn thánh, trái lại, ngài gián tiếp trả lời giáo sĩ Arousi của Tòa Giáo trưởng Israel rằng lời ngài dạy không phải của con người mà là của Thiên Chúa, vì quả chỉ có Thiên Chúa mới làm chúng ta nên công chính, không phải việc giữ luật, tuy việc này cần thiết.

Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:



Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!

Chúng ta sẽ tiếp tục giải thích Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát. Đây, lời giải thích này, không phải là điều gì mới mẻ, nó là giải thích của tôi: điều chúng ta đang nghiên cứu là điều Thánh Phaolô nói trong một cuộc xung đột rất nghiêm trọng với người Galát. Và nó cũng là Lời Chúa, vì nó đã đi vào Kinh thánh. Chúng không phải là điều mà ai đó đã tạo ra: không. Nó là một điều gì đó đã xảy ra thời đó và có thể tự lặp lại. Đây chỉ là một bài giáo lý về Lời Chúa được phát biểu trong Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát; không có gì khác. Điều này phải luôn được ghi nhớ. Và trong bài giáo lý trước, chúng ta đã thấy Thánh Tông đồ Phaolô cho các Kitô hữu đầu tiên của Galát thấy nguy hiểm như thế nào khi rời khỏi con đường mà họ đã bắt đầu đi bằng cách nghinh đón in Mừng. Thật vậy, nguy cơ là nhượng bộ chủ nghĩa duy hình thức, một trong những cám dỗ dẫn đến giả hình, điều mà chúng ta đã nói ở lần trước. Từ bỏ chủ nghĩa duy hình thức, và phủ nhận phẩm giá mới mà họ đã nhận được: phẩm giá của những người được Chúa Kitô cứu chuộc. Đoạn văn chúng ta vừa nghe là đoạn mở đầu phần thứ hai của Lá thư. Cho đến nay, Thánh Phaolô đã nói về cuộc đời và ơn gọi của ngài: về việc ân sủng của Thiên Chúa đã biến đổi đời ngài ra sao, đặt nó hoàn toàn vào việc phục vụ công cuộc truyền bá Tin Mừng. Tại thời điểm này, ngài trực tiếp thách thức người Galát: ngài đặt trước mặt họ những lựa chọn mà họ đã chọn và tình trạng hiện tại của họ, vốn có thể vô hiệu hóa kinh nghiệm ân sủng mà họ đã sống.

Và những từ ngữ mà Thánh Tông đồ dùng để nói với người Galát chắc chắn không nhã nhặn: chúng ta đã nghe rồi. Trong các Thư khác, ta có thể dễ dàng tìm thấy các cụm từ như “Anh em” hoặc “các bạn thân mến”; ở đây không, bởi vì ngài đang tức giận. Ngài nói chung “Những người Galát” và ít nhất 2 lần gọi họ là “ngu ngốc”, đây không phải là một thuật ngữ lịch sự. Ngu xuẩn, vô tri, có thể có nhiều ý nghĩa… Ngài làm vậy không phải vì họ không thông minh, nhưng vì, hầu như không biết ra điều đó, họ có nguy cơ đánh mất đức tin nơi Chúa Kitô mà họ đã nhiệt thành đón nhận. Họ ngu xuẩn vì họ không ý thức được rằng điều nguy hiểm là đánh mất kho tàng quý giá, vẻ đẹp, sự mới mẻ của Chúa Kitô. Sự ngạc nhiên và nỗi buồn của Thánh Tông đồ rất rõ ràng. Một cách cay đắng, ngài kích thích các Kitô hữu đó nhớ lại lời công bố đầu tiên của ngài, với lời này, ngài cho họ khả thể đạt được một sự tự do mới mẻ, cho đến nay vẫn chưa được ai hy vọng.

Thánh Tông đồ đặt câu hỏi cho tín hữu Galát, với ý định lay chuyển lương tâm của họ: đây là lý do tại sao nó mạnh mẽ như thế. Đó là những câu hỏi khoa trương, bởi vì người Galát biết rất rõ rằng việc họ đến với đức tin vào Chúa Kitô là hoa trái của ân sủng nhận được qua việc rao giảng Tin Mừng. Ngài đưa họ trở lại điểm xuất phát của ơn gọi Kitô hữu. Lời họ đã nghe từ thánh Phaolô tập chú vào tình yêu Thiên Chúa, được bày tỏ trọn vẹn qua sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Thánh Phaolô không thể nào tìm được cách diễn đạt thuyết phục hơn về điều mà có lẽ ngài đã lặp lại với họ nhiều lần trong lời rao giảng của ngài: “Không còn phải là tôi sống nữa, nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi. Và cuộc sống hiện tôi đang sống trong xác thịt tôi là sống bởi đức tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu tôi và hiến chính Người vì tôi ”(Gl 2: 20). Thánh Phaolô không muốn biết ai ngoài Chúa Kitô bị đóng đinh (xem 1 Cr 2: 2). Người Galát phải nhìn vào biến cố này, không để mình bị phân tâm bởi những lời công bố khác. Nói tóm lại - ý định của Thánh Phaolô là buộc các Kitô hữu nhận ra điều đang bị đe dọa, để họ không để mình bị mê hoặc bởi giọng nói của nữ nhân ngư muốn dẫn họ đến một tôn giáo chỉ dựa trên việc tuân thủ các giới luật một cách lo lắng. Bởi vì những người truyền giảng mới đến Galát đã thuyết phục họ rằng họ nên quay trở lại và quay trở lại với những giới luật mà họ đã tuân giữ và hoàn thiện trước việc Chúa Kitô đến, một việc vốn là tính nhưng không của ơn cứu rỗi.

Ngoài ra, người Galát hiểu rất rõ những gì Thánh Tông đồ đang đề cập đến. Chắc chắn họ đã có kinh nghiệm về tác động của Chúa Thánh Thần trong các cộng đồng của họ: cũng như trong các Giáo hội khác, lòng bác ái và các đặc sủng khác nhau cũng đã được biểu lộ ở giữa họ. Khi bị thử thách, họ phải trả lời rằng những gì họ đã trải qua là kết quả của sự mới mẻ của Chúa Thánh Thần. Do đó, lúc khởi đầu của việc họ đến với đức tin là sáng kiến của Thiên Chúa, không phải của loài người. Chúa Thánh Thần đã là tác nhân kinh nghiệm của họ; nay đặt Người vào hậu cảnh để dành ưu thế cho việc làm của chính họ - tức là, việc thực hiện các giới răn của Lề luật - sẽ là một điều ngu xuẩn. Sự thánh thiện phát xuất từ Chúa Thánh Thần và từ tính nhưng không của ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu: điều này làm chúng ta ra công chính.

Bằng cách này, Thánh Phaolô cũng mời gọi chúng ta suy tư: chúng ta phải sống đức tin của mình như thế nào? Liệu tình yêu của Chúa Kitô, bị đóng đinh và sống lại, có còn là trung tâm của cuộc sống hàng ngày của chúng ta như nguồn mạch của sự cứu rỗi, hay chúng ta bằng lòng với một vài nghi thức tôn giáo để cứu lương tâm của chúng ta? Chúng ta phải sống đức tin của chúng ta ra sao? Chúng ta có gắn bó với kho tàng quý giá, với vẻ đẹp của sự mới mẻ của Chúa Kitô, hay chúng ta thích điều gì đó thu hút chúng ta nhất thời nhưng sau đó lại khiến chúng ta trống rỗng bên trong hơn? Điều phù du thường gõ cửa trong những ngày sống của chúng ta, nhưng nó là một ảo ảnh đáng buồn, khiến chúng ta nhượng bộ sự hời hợt và ngăn cản chúng ta nhận ra điều gì mới thực sự đáng sống. Thưa anh chị em, chúng ta hãy giữ vững xác tín rằng, ngay cả khi chúng ta bị cám dỗ muốn quay đi, Thiên Chúa vẫn tiếp tục ban tặng các ơn phúc của Người. Trong suốt lịch sử, ngay cả ngày nay, sự việc xảy ra giống như những gì đã xảy ra với người Galát. Cả ngày nay nữa, người ta đến và kêu gọi chúng ta, họ nói rằng, "Không, sự thánh thiện nằm ở các giới luật này, trong những điều này, bạn phải làm điều này điều nọ", và đề nghị một lòng đạo không linh hoạt, sự không linh hoạt khiến chúng ta mất tự do trong Thánh Thần mà ơn cứu chuộc của Chúa Kitô đã ban cho chúng ta. Anh chị em hãy coi chừng sự cứng ngắc mà họ đề nghị với anh chị em: hãy cẩn thận. Bởi vì đằng sau mỗi sự thiếu linh hoạt đều có điều gì đó xấu xa, đó không phải là Thánh Thần của Thiên Chúa. Và vì lý do này, Lá Thư này sẽ giúp chúng ta không nghe theo những đề nghị cực đoan đó khiến chúng ta đi lui trong đời sống thiêng liêng của chúng ta, và sẽ giúp chúng ta tiến tới trong ơn gọi vượt qua của Chúa Giêsu. Đây là điều mà Thánh Tông đồ nhắc lại với người Galát khi ngài nhắc họ nhớ rằng Chúa Cha “ban Chúa Thánh Thần cho anh em và làm các phép lạ nơi anh em” (3: 5). Ngài nói ở thì hiện tại, chứ ngài không nói “Chúa Cha đã ban Chúa Thánh Thần cho anh em”, chương 3, câu 5, không: ngài nói – Chúa Cha “ban cho”; ngài không nói, "đã làm", nhưng ngài nói "làm". Bởi vì, bất chấp mọi khó khăn mà chúng ta có thể gây ra cho hành động của Người, Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta mà đúng hơn ở với chúng ta bằng một tình yêu đầy thương xót của Người. Người giống như người cha ấy, ngày nào cũng lên sân thượng để xem con trai mình có trở về hay không: tình yêu thương của Chúa Cha không bao giờ làm cho chúng ta mệt mỏi. Chúng ta hãy cầu xin sự khôn ngoan để luôn ý thức được thực tại này, và quay lưng lại với những người cực đoan, chuyên đề nghị cho chúng ta một cuộc sống khổ hạnh giả tạo, xa rời sự phục sinh của Chúa Kitô. Chủ nghĩa khổ hạnh là cần thiết, nhưng chủ nghĩa khổ hạnh khôn ngoan, chứ không giả tạo.