1. Sáng sớm thứ Sáu, Nga lại mở các cuộc không kích lần thứ 10 trong tháng này, vào nhiều khu vực của Ukraine
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Sáu 19 tháng Năm, Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat cho biết cảnh báo không kích đã vang lên khắp Ukraine vào đầu ngày thứ Sáu, với một số khu vực sau đó báo cáo có tiếng nổ.
Các cảnh báo được mở rộng đến tất cả các khu vực của đất nước trong khoảng một giờ kể từ 2 giờ sáng theo giờ địa phương.
Trong cuộc tấn công lần thứ 10 trong tháng này và là lần thứ hai trong vòng chưa đầy 24 giờ qua, các lực lượng Nga đã phóng liên tiếp các đợt máy bay không người lái về phía thủ đô,
“Chiến thuật này của Điện Cẩm Linh là một nỗ lực nhằm áp đảo lực lượng phòng không của chúng ta và gây áp lực tâm lý lên dân thường. Họ sẽ không đạt được mong muốn đâu!” Đại Tá Yurii Ihnat nói.
“Tất cả các mục tiêu trên không hướng tới Kyiv đã bị tiêu diệt bởi lực lượng phòng không của chúng ta.”
Theo Đại Tá Yurii Ihnat, quân xâm lược đã tung ra 22 máy bay không người lái và 6 hỏa tiễn hành trình từ hướng Bắc và hướng Đông Nam. Lực lượng phòng không đã bắn hạ 16 máy bay không người lái và 3 hỏa tiễn hành trình Kalibr. Đã có thiệt hại ở một số khu vực Ukraine. Một phụ nữ 64 tuổi bị thương nặng.
Ông nhận định rằng: “Nhà nước khủng bố Nga đang cố gắng làm cạn kiệt lực lượng phòng không Ukraine và người dân Ukraine.”
2. Mỹ báo hiệu cho các đồng minh rằng sẽ không ngăn họ xuất khẩu máy bay phản lực F-16 sang Ukraine
Các nguồn tin quen thuộc với các cuộc thảo luận cho biết, chính quyền Biden trong những tuần gần đây đã báo hiệu cho các đồng minh Âu Châu rằng Mỹ sẽ cho phép họ xuất khẩu máy bay chiến đấu F-16 sang Ukraine. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Tòa Bạch Ốc đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ các thành viên Quốc hội và các đồng minh nhằm giúp Ukraine mua máy bay trong bối cảnh các cuộc không kích của Nga ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, các quan chức chính quyền không biết về bất kỳ yêu cầu chính thức nào của bất kỳ đồng minh nào về việc xuất khẩu F-16 và các quan chức Bộ Ngoại giao, những người thường được giao nhiệm vụ làm thủ tục giấy tờ để phê duyệt việc chuyển giao của bên thứ ba như vậy đã không được yêu cầu bắt tay vào làm việc.
Một số quốc gia Âu Châu có nguồn cung cấp máy bay phản lực do Mỹ sản xuất, trong đó có Hà Lan, nước đã báo hiệu sẵn sàng xuất khẩu một số loại máy bay này sang Ukraine. Nhưng Hoa Kỳ sẽ phải chấp thuận việc chuyển giao của bên thứ ba vì công nghệ nhạy cảm của Mỹ đối với máy bay phản lực.
Trong khi Mỹ vẫn miễn cưỡng gửi bất kỳ chiếc F-16 nào của mình đến Kyiv, các quan chức Mỹ nói với CNN rằng chính quyền sẵn sàng phê duyệt việc xuất khẩu máy bay phản lực sang Ukraine nếu đó là điều mà các đồng minh quyết định làm với nguồn tài nguyên của họ.
Các quan chức hàng đầu Ukraine đã leo thang chiến dịch vận động hành lang công khai để mua F-16 do Mỹ sản xuất trong những tháng gần đây, lập luận rằng họ cần chúng khẩn cấp để phòng thủ trước các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái của Nga.
Các quan chức cho biết: Vấn đề dự kiến sẽ là chủ đề tranh luận tại hội nghị thượng đỉnh NATO tiếp theo ở Vilnius, Lithuania vào tháng 7.
Một câu hỏi mở khác là các phi công Ukraine sẽ được thụ huấn lái những chiếc F-16 này ở đâu. Phát ngôn nhân của Thủ tướng Anh Rishi Sunak hồi đầu tuần cho biết Anh và Hà Lan đang tìm cách thành lập một “liên minh quốc tế” không chỉ để mua máy bay phản lực cho Ukraine mà còn đào tạo phi công Ukraine.
Vào tháng 3, Hoa Kỳ đã tiếp đón hai phi công Ukraine tại một căn cứ quân sự ở Tucson, Arizona, để đánh giá kỹ năng của họ bằng cách sử dụng thiết bị mô phỏng chuyến bay và đánh giá xem họ cần bao nhiêu thời gian để học lái các loại máy bay quân sự của Hoa Kỳ, bao gồm cả F-16. Nhưng Hoa Kỳ hiện không có kế hoạch mở rộng khóa đào tạo đó, một quan chức quốc phòng nói với CNN, mặc dù Quốc hội đã dành tiền trong ngân sách năm 2023.
3. Quân Nga tiếp tục bỏ rơi hàng loạt các thiết bị tại thành phố Bakhmut
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Sáu 19 tháng Năm, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết đối phương tiếp tục tập trung nỗ lực chính vào các hướng Lyman, Bakhmut, Avdiyivka và Maryinka – trong 24 giờ qua, 29 cuộc giao tranh đã diễn ra ở 4 khu vực đó. Những trận chiến khốc liệt nhất diễn ra tại Bakhmut và Marinka.
Theo Thứ trưởng Hanna Maliar, tại thành phố Bakhmut, quân Ukraine chiếm được các vị trí chiến lược ở hai bên sườn và bao vây quân Wagner từ phía Bắc thành phố. Giao tranh vẫn diễn ra ác liệt vì thất bại ở thành phố Bakhmut được coi là một sỉ nhục lớn đối với người Nga.
Trong 24 giờ qua, 660 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 4 xe tăng, 4 xe thiết giáp, 12 hệ thống pháo, 1 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 1 hệ thống phòng không, và 10 xe chuyển quân và nhiên liệu.
Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 19 Tháng Năm, khoảng 201.760 quân xâm lược Nga bị loại khỏi vòng chiến. Tổn thất của quân xâm lược còn bao gồm 3.777 xe tăng, 7.377 xe thiết giáp, 3.210 hệ thống pháo, 564 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 319 hệ thống phòng không, 308 máy bay chiến đấu, 294 máy bay trực thăng, 2.769 máy bay không người lái cấp tác chiến và chiến thuật, 1.011 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 6.083 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 419 đơn vị thiết bị chuyên dụng.
4. Trận chiến giành Bakhmut đang nghiêng về phía Ukraine — Và Nga biết điều đó
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Battle For Bakhmut Swinging in Ukraine's Favor—And Russia Knows It”, nghĩa là “Trận chiến giành Bakhmut đang nghiêng về phía Ukraine — Và Nga biết điều đó.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Nga đã thừa nhận rằng Ukraine đã giành lại được nhiều lãnh thổ trong trận chiến giành Bakhmut, nơi các lực lượng của Kyiv được cho là đang tiến vào hai bên sườn của thành phố trong khu vực Donetsk.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết hôm thứ Tư rằng lực lượng Dù của họ đã đạt được những tiến bộ nhỏ nhưng thừa nhận rằng Ukraine đang tiếp tục các cuộc phản công gần Bohdanivka, 3 dặm về phía tây bắc của thành phố, và Ivanivske, 4 dặm về phía tây.
Kênh phân tích quân sự phò Cẩm Linh Rybar kêu gọi các lực lượng Nga phản ứng trước các hành động của Ukraine. Điều này ám chỉ rằng các lực lượng của Mạc Tư Khoa đang mất thế chủ động ở khu vực Bakhmut.
“Các trận chiến ác liệt đang diễn ra ở hai bên sườn của Bakhmut, và cả hai bên đang đổ ngày càng nhiều lực lượng mới.”
“Thật không may, chúng ta đang ở thế phải chơi theo sự chỉ đạo của Lực lượng vũ trang Ukraine, kéo các đơn vị dày dạn kinh nghiệm nhất của lực lượng Nga vào 'cỗ máy xay thịt' Bakhmut”.
Tuy nhiên, người đứng đầu Tập đoàn lính đánh thuê Wagner, Yevgeny Prigozhin, đã bác bỏ những tuyên bố về việc Nga giành được các lãnh thổ của Ukraine và chỉ trích Bộ Quốc phòng Nga đã mô tả sai một cuộc rút lui hoảng loạn như là việc chiếm được các vị trí mới.
Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để bình luận.
Đại Tá Serhiy Cherevatyi, phát ngôn viên của Bộ chỉ huy quân sự miền đông Ukraine, nói rằng quân đội Ukraine đã tiến tới 500 mét về hướng Bakhmut trong một ngày, “giải phóng thêm nhiều đất Ukraine”.
Đại Tá Cherevaty cho biết hôm thứ Tư rằng mặc dù không có lợi thế về thiết bị hoặc nhân sự, nhưng “chúng ta đang đánh bại họ. Ngoài việc tiến hành một chiến dịch phòng thủ thành công, chúng ta cũng đang tấn công vào hai bên sườn.”
Cùng ngày, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết, quân đội Ukraine đã nắm giữ một vùng đất rộng 7,7 dặm vuông vừa được giải phóng ở ngoại ô Bakhmut.
Maliar cũng báo cáo về những bước tiến của Ukraine trong khu vực, mặc dù cô ấy thừa nhận rằng quân đội Nga vẫn đang tấn công dữ dội bên trong thành phố Bakhmut.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh, mặc dù các lực lượng của Ukraine đã tiến hành các cuộc phản công thành công xung quanh Bakhmut, nhưng các lực lượng Nga có thể đã tăng cường các nỗ lực tấn công của họ bên trong thành phố.
Tổ chức tư vấn cho biết hôm thứ Ba rằng điều này xảy ra “bất chấp nỗ lực được đánh giá rộng hơn nhằm sắp xếp lại thứ tự ưu tiên cho các hoạt động nhằm chuẩn bị cho các cuộc phản công tiềm năng của Ukraine.”
Nó diễn ra khi Ukraine cho biết lực lượng phòng không của họ đã bắn hạ thành công 29 hỏa tiễn của Nga, hai máy bay không người lái kamikaze và hai máy bay không người lái do thám trong cuộc tấn công kéo dài 8 giờ từ tối thứ Tư đến sáng thứ Năm.
Kyiv là mục tiêu chính của các cuộc tấn công, theo Andriy Nebytov, người đứng đầu cảnh sát khu vực Kyiv. Ông cho biết không có thiệt hại hoặc thương vong đáng kể.
5. Zelenskiy tham dự cuộc họp của Liên đoàn Ả Rập ở Ả Rập Saudi và sẽ lên đường sang Nhật Bản tham dự hội nghị G7
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã tới dự cuộc họp của Liên đoàn Ả Rập ở Ả Rập Saudi theo lời mời của liên đoàn này.
Trong thời gian đầu sau khi Putin đưa quân xâm lược Ukraine, Liên đoàn Ả Rập cố giữ một lập trường trung lập đối với cuộc chiến. Tuy nhiên, các giao dịch giữa Nga và Iran đã làm dấy lên những lo ngại của các nước trong vùng. Iran cung cấp các máy bay không người lái Shaded cho Nga, và ngược lại Nga cung cấp cho Iran các thiết bị và chuyên môn để mở rộng chương trình hạt nhân, và các loại hỏa tiễn tầm xa.
Việc Liên đoàn Ả Rập mời Tổng thống Zelenskiy tới dự cuộc họp cho họ họ có lẽ đã chọn đứng hẳn về bên nào.
Zelenskiy sau đó sẽ tới cuộc họp G7 ở Hiroshima, Nhật Bản từ thành phố Jeddah của Ả Rập Saudi trên một chiếc máy bay của chính phủ Pháp.
“Những điều rất quan trọng sẽ được quyết định ở đó và do đó, sự hiện diện của tổng thống của chúng tôi là vô cùng cần thiết để bảo vệ lợi ích của chúng tôi,” Oleksiy Danilov, thư ký của Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, cho biết.
6. Kissinger kêu gọi NATO phớt lờ những lời đe dọa của Putin
Hôm 25 Tháng Năm năm ngoái 2022, Tổng thống Ukraine Volodymr Zelenskiy đã thực hiện một cuộc tấn công dồn dập nhằm vào cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, người đã đề xuất một ngày trước đó rằng các cuộc đàm phán hòa bình nên nhằm tạo ra các biên giới dọc theo “đường giới tuyến” ở Donbas như nó đã tồn tại trước cuộc xâm lược của Nga. Henry Kissinger thường dùng các kiểu nói với cú pháp phức tạp. Nói một cách vắn tắt, ý ông ta là Ukraine phải nhượng bộ, phải nhường đất cho Nga để có hòa bình. Những người có chút hiểu biết về lịch sử Việt Nam cận đại đều hiểu rõ đề nghị này của Henry Kissinger đối với Ukraine, cũng là đề nghị nhằm bức tử miền Nam Việt Nam vào năm 1973.
Nhưng, một năm sau trước các chiến thắng dồn dập của quân Ukraine, Kissinger nói ông ta đã thay đổi ý kiến. Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Kissinger Tells NATO to Ignore Putin's Threats”, nghĩa là “Kissinger kêu gọi NATO phớt lờ những lời đe dọa của Putin.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.
Henry Kissinger, cựu ngoại trưởng Mỹ và cố vấn an ninh quốc gia, cho biết trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm thứ Năm 18 Tháng Năm rằng NATO nên đưa Ukraine trở thành thành viên bất chấp những cảnh báo của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Kissinger nói với The Economist: “Vì sự an toàn của Âu Châu, tốt hơn hết là nên để Ukraine vào trong NATO”.
Putin đã nói rằng một trong những mục tiêu của ông khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine là ngăn chặn sự mở rộng của NATO trên biên giới của Nga. Mục tiêu đó đã phản tác dụng khi Phần Lan và Thụy Điển bị thúc đẩy bởi cuộc xâm lược Ukraine để xin gia nhập khối quân sự Liên Minh Bắc Đại Tây Dương.
Putin đặc biệt phản đối việc Ukraine gia nhập NATO. Trong những tuần đầu của cuộc xâm lược vào năm 2022, Ukraine và Nga được cho là đã thảo luận về việc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cam kết không gia nhập NATO để đổi lấy một lệnh ngừng bắn, nhưng điều kiện đó đã bị hủy bỏ khi các cuộc đàm phán hòa bình bị đình trệ.
Putin cũng cho biết trong một cuộc họp báo ngay trước khi chiến tranh bắt đầu rằng Ukraine gia nhập NATO có thể làm tăng khả năng xảy ra xung đột Nga-NATO có thể biến thành cuộc chiến hạt nhân.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg từ lâu đã ủng hộ việc kết nạp Kyiv, mặc dù việc nước này gia nhập trong khi vẫn còn chiến tranh dường như là điều khó xảy ra. Tháng trước, ông còn đi xa hơn khi nói rằng “vị trí xứng đáng” của Ukraine là trong liên minh quân sự.
Kissinger nói với The Economist: “Theo quan điểm của tôi, những gì người Âu Châu đang nói là cực kỳ nguy hiểm. Bởi vì người Âu Châu đang nói: 'Chúng tôi không muốn họ gia nhập NATO, vì như thế là quá mạo hiểm. Và do đó, chúng tôi sẽ vũ trang cho họ và cung cấp cho họ những vũ khí tiên tiến nhất.' Làm sao điều đó có thể hoạt động được?”
Ông nói tiếp: “Chúng ta không nên kết thúc chiến tranh một cách sai lầm. Giả sử kết quả là mục tiêu trên có thể đạt được đi chăng nữa, thì đó sẽ là một nơi nào đó giống như hiện trạng trước ngày 24 tháng 2 năm 2022. Kết quả phải là một điều gì đó, trong đó Ukraine phải được Âu Châu bảo vệ chứ không thể tiếp tục là một quốc gia đơn độc lo cho bản thân”.
Newsweek đã liên hệ với Kissinger qua email để nhận xét.
Những bình luận của Kissinger cho tờ The Economist thể hiện một sự đảo ngược hướng đi so với một tuyên bố mà ông đưa ra năm ngoái.
Trong một cuộc thảo luận vào tháng 9 với Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, ông nói rằng ông “nghĩ rằng đó không phải là một chính sách khôn ngoan của Mỹ khi cố gắng đưa Ukraine vào NATO.”
Ông đã phần nào làm dịu lập trường đó khi phát biểu tại cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ vào tháng Giêng.
Kissinger phát biểu tại diễn đàn: “Trước cuộc chiến này, tôi đã phản đối việc Ukraine trở thành một thành viên của NATO vì tôi sợ rằng điều đó sẽ bắt đầu chính xác quá trình mà chúng ta đã chứng kiến hiện nay. Tuy nhiên, ý tưởng về một Ukraine trung lập trong những điều kiện này không còn ý nghĩa nữa”.
Trong cuộc phỏng vấn với The Economist, nhà ngoại giao đã nghỉ hưu thừa nhận rằng ông đã thay đổi quyết định, nói rằng ông “đang ở một vị trí kỳ lạ khi mọi người nói, 'Ông ấy đã thay đổi quyết định, giờ ông ấy ủng hộ việc Ukraine trở thành thành viên đầy đủ của NATO.'“
Kissinger cũng đã thay đổi lập trường của mình đối với Ukraine và lãnh thổ của nước này. Khi phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm ngoái, ông nói Zelenskiy nên chấp nhận từ bỏ đất đai để đạt được thỏa thuận hòa bình ngay lập tức với Putin. Giờ đây, ông dường như cảm thấy Nga sẽ từ bỏ cuộc xung đột mà không có nhiều điều kiện khác hơn là có thể giữ lấy Crimea.
Vẫn còn hằn học với Tổng thống Zelenskiy, Kissinger nói: “Chúng ta hiện đã trang bị vũ khí cho Ukraine đến mức nước này sẽ trở thành quốc gia được trang bị vũ khí tốt nhất và có ban lãnh đạo ít kinh nghiệm chiến lược nhất ở Âu Châu. Nếu chiến tranh kết thúc theo cách nó có thể xảy ra, với việc Nga mất đi nhiều lợi ích của mình, nhưng vẫn giữ được Sevastopol, là thành phố lớn nhất của Crimea, thì chúng ta có thể có một nước Nga không hài lòng, nhưng cũng có một Ukraine bất mãn – nói cách khác, là sự cân bằng của sự bất mãn,” ông nói trong cuộc phỏng vấn Economist của mình.
Trong một tài liệu tham khảo khác về Crimea, nơi Putin xâm chiếm và sáp nhập vào năm 2014, Kissinger nói: “Tôi muốn Nga từ bỏ phần lớn những gì họ đã chinh phục vào năm 2014, và công việc của tôi không phải là đàm phán một thỏa thuận hòa bình.”
Về phần NATO, Kissinger cho biết Nga cũng sẽ được lợi nếu Ukraine gia nhập khối này.
“Nếu tôi nói chuyện với Putin, tôi sẽ nói với ông ấy rằng ông ấy cũng an toàn hơn khi ở trong NATO với Ukraine,” ông nói.
7. Phân tích: Cuộc họp G7 có thể có ý nghĩa gì đối với cuộc chiến ở Ukraine
Cuộc họp G7 năm nay tại Nhật Bản có ý nghĩa đặc biệt, không chỉ vì vị trí của nó.
Các nhà lãnh đạo của các nền dân chủ tiên tiến nhất thế giới đang họp tại Hiroshima, nơi xảy ra vụ tấn công hạt nhân đầu tiên trên thế giới – đó là một lời nhắc nhở phù hợp về những rủi ro của chiến tranh hạt nhân khi họ thảo luận về Nga và cuộc xung đột ở Ukraine.
Trong khi nhiều chủ đề sẽ được thảo luận - từ việc chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực đến mức nợ tối đa của chính quyền Hoa Kỳ cho các dịch vụ công quyền - cuộc chiến ở Ukraine có thể sẽ vẫn là chủ đề hàng đầu trong chương trình nghị sự.
Các lực lượng của Kyiv đã được củng cố đáng kể nhờ vũ khí được cung cấp bởi hầu hết các quốc gia tập trung tại Hiroshima - Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Canada và Nhật Bản.
Khi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida – người đến từ Hiroshima – đến thăm Kyiv vào tháng 3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã ca ngợi ông vì đã giữ cho G7 đoàn kết sau Ukraine.
“Thủ tướng Kishida tuyên bố rằng, với tư cách là Chủ tịch G7, Nhật Bản sẽ duy trì sự thống nhất của G7 trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Nga và hỗ trợ Ukraine”, tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo cho biết.
Sau một tuần mà Zelenskiy đã công du Ý, Đức, Pháp và Anh tiếp tục bảo đảm các cam kết viện trợ hơn nữa từ nhiều quốc gia trong số này, Nga không thể mong đợi bất kỳ sự rạn nứt nào trong sự thống nhất của G7 tại hội nghị thượng đỉnh.
8. Phát ngôn nhân của Điện Cẩm Linh cho biết Mạc Tư Khoa đã đóng băng các tài khoản ngân hàng của Phần Lan để đáp trả “những hành động không thân thiện”.
Mạc Tư Khoa đã quyết định đóng băng các tài khoản ngân hàng của đại sứ quán và lãnh sự quán Phần Lan để đáp trả “những hành động không thân thiện” của nước này, phát ngôn viên Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm thứ Năm.
“Đây không phải là sáng kiến của phía Nga. Chúng tôi đang phản ứng với tình huống do chính quyền của một số quốc gia ở phương Tây tập thể tạo ra, thật không may, bao gồm cả Phần Lan. Chúng tôi luôn nói rằng chúng tôi không thể và sẽ không bỏ qua những hành động không thân thiện”, ông nói.
Các tài khoản ngân hàng của Đại sứ quán Phần Lan tại Mạc Tư Khoa và Tổng lãnh sự quán tại St. Petersburg đã bị chính phủ Nga đóng băng vào cuối tháng 4, Bộ Ngoại giao Phần Lan tại Helsinki nói với CNN hôm thứ Tư.
Trong một tuyên bố, Bộ nói thêm rằng họ đã “yêu cầu Nga bảo đảm các giao dịch thanh toán và tiền địa phương của các phái bộ ngoại giao Phần Lan”.
Phần Lan là một trong số các quốc gia Âu Châu đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga, kể từ khi Mạc Tư Khoa tiến hành cuộc xâm lược Ukraine. Quốc gia Baltic, có chung hơn 1.000 km hoặc 621 dặm biên giới đất liền với Nga, cũng đã tìm cách củng cố khả năng phòng thủ của mình trước nước láng giềng bằng cách gia nhập NATO vào tháng Tư.
Sự đáp trả của Nga cho thấy nước này có thể sử dụng vũ khí kinh tế tương tự như phương Tây đã sử dụng. Nhưng không rõ liệu nó có kế hoạch thực hiện các hành động tương tự chống lại các quốc gia khác hay không hay liệu nó chỉ tấn công một mình Phần Lan mà thôi.
9. Nga cho biết gia hạn thỏa thuận ngũ cốc mới nhất sẽ là lần cuối cùng nếu phương Tây không dỡ bỏ lệnh trừng phạt
Sau khi đồng ý gia hạn sáng kiến ngũ cốc ở Hắc Hải một lần nữa trong tuần này, Nga lại đe dọa sẽ ngừng thỏa thuận nếu các cường quốc phương Tây không đáp ứng yêu cầu dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt.
Nga đã đồng ý gia hạn thỏa thuận thêm hai tháng, cho đến ngày 17 tháng 7. Điều này được coi là mấu chốt để giải quyết nạn đói trên thế giới.
Mạc Tư Khoa thường xuyên phàn nàn rằng trong khi thỏa thuận cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc qua các cảng Hắc Hải, thì việc xuất khẩu của chính nước này lại bị cản trở bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây. Điện Cẩm Linh tuyên bố, một thỏa thuận với Liên Hiệp Quốc để giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyến hàng của Nga đã không mang lại kết quả.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết hôm thứ Năm sẽ không có cuộc đàm phán nào về việc mở rộng thỏa thuận hơn nữa trừ khi Nga nhận được sự nhượng bộ.
“Liên bang Nga nhắc nhở Mỹ, Anh và Liên Hiệp Âu Châu về sự cần thiết phải dỡ bỏ thực sự các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với phân bón và thực phẩm của Nga; ngay cả việc quyên góp phân bón của Nga cho các nước nghèo nhất cũng tiếp tục bị chặn do các lệnh trừng phạt,” tuyên bố của bộ này viết.
Thỏa thuận ngũ cốc trở nên cần thiết ngay từ đầu sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine. Sau cuộc xâm lược toàn diện, Mạc Tư Khoa đã phong tỏa xuất khẩu từ các cảng Hắc Hải quan trọng của Ukraine, bao gồm Odesa, Chornomorsk và Pivdennyi.
Việc phong tỏa đã khiến hàng triệu tấn ngũ cốc của Ukraine không thể đến được các quốc gia phụ thuộc vào các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine, cho đến khi Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ giúp môi giới thỏa thuận.
Đại sứ Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ Vasyl Bodnar cho biết:
“Những gì Nga đang cố gắng đính kèm hiện nay là các vấn đề liên quan đến đường ống dẫn khí a-mô-ni-ắc, các vấn đề liên quan đến việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với các ngân hàng và tổ chức liên quan đến buôn bán ngũ cốc và phân bón. Vấn đề này vẫn đang được thảo luận,” ông nói và khẳng định thêm rằng “sáng kiến về ngũ cốc tồn tại tách biệt với các yêu cầu của Nga”.
10. Giá lúa mì toàn cầu giảm khi thỏa thuận ngũ cốc Hắc Hải được gia hạn thêm 2 tháng
Giá lúa mì toàn cầu giảm mạnh vào hôm thứ Năm sau khi Ukraine và Nga đồng ý gia hạn thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng của Ukraine ở Hắc Hải.
Lúa mì trên Chicago Board of Trade giảm 2% xuống cón 6,12 USD một giạ. Giá đã giảm 23% kể từ đầu năm và 57% kể từ khi đạt mức cao nhất mọi thời đại là 14,30 đô la một giạ vào tháng 3 năm ngoái khi Nga xâm lược Ukraine.
António Guterres, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, nói với các nhà báo hôm thứ Tư: “Những thỏa thuận này quan trọng đối với an ninh lương thực toàn cầu. “Các sản phẩm của Ukraine và Nga nuôi sống thế giới.”
Thỏa thuận ngũ cốc, được ký lần đầu vào tháng 7 năm 2022, đã hết hạn vào hôm thứ Năm, nhưng các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Ukraine cho biết hôm thứ Tư rằng nó sẽ được gia hạn thêm hai tháng nữa.
Nga trước đó đã đe dọa rút khỏi thỏa thuận này, phàn nàn về một thỏa thuận liên quan với Liên Hiệp Quốc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển ngũ cốc và phân bón của Nga.
Tại sao sáng kiến này lại quan trọng? Thưa: Ukraine và Nga chiếm gần 1/3 lượng xuất khẩu lúa mì toàn cầu, theo Gro Intelligence, một công ty dữ liệu nông nghiệp. Họ cũng nằm trong số ba nhà xuất khẩu lúa mạch, ngô, dầu hạt cải và dầu hướng dương hàng đầu thế giới.
Sau cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm ngoái, Mạc Tư Khoa đã phong tỏa các chuyến hàng ngũ cốc quan trọng từ các cảng Hắc Hải của nước này. Điều đó có nghĩa là hàng triệu tấn ngũ cốc của khu vực đã không được chuyển đến nhiều quốc gia phụ thuộc vào các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine.
Trong những ngày sau cuộc xâm lược, giá lúa mì toàn cầu tăng chóng mặt, với việc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng có tới 47 triệu người có thể bị đẩy vào tình trạng “mất an ninh lương thực trầm trọng” vì chiến tranh.
Nhưng thỏa thuận ngũ cốc tháng 7 và các lần gia hạn của nó đã giúp “ổn định thị trường và giảm bớt biến động”, Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển, một cơ quan liên chính phủ, cho biết trong một thông cáo báo chí hôm thứ Tư, đã lưu ý rằng giá lương thực toàn cầu đã giảm 20% kể từ khi đạt đến mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 3 năm 2022.
11. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh
Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết như sau:
Nhà nước Nga có khả năng cấm các quan chức cấp cao từ chức một cách hiệu quả trong khi 'Chiến dịch quân sự đặc biệt' vẫn tiếp tục.
Các biện pháp có thể áp dụng cho ít nhất các nhà lãnh đạo khu vực, các quan chức an ninh và các thành viên của Chính quyền Tổng thống đầy quyền lực.
Về mặt riêng tư, nhiều quan chức có thể rất hoài nghi về chiến tranh, cũng như thường xuyên gặp căng thẳng trong công việc trong bộ máy thời chiến rối loạn chức năng. Lệnh cấm có khả năng được thực thi với những gợi ý mạnh mẽ rằng những người từ chức sẽ phải đối mặt với cáo buộc hình sự.
Cùng với lo ngại về những lỗ hổng năng lực mà những người từ chức sẽ để lại, các nhà chức trách có thể cũng đang cố gắng ngăn chặn bất kỳ ấn tượng nào liên quan đến chủ nghĩa thất bại và thúc đẩy ý thức trách nhiệm tập thể đối với cuộc chiến.