Thách Đố Hiện Thân Tình Yêu của Giáo Hội như Một Cộng Đoàn Tình Yêu, qua thông điệp mới của ĐGH Biển Đức XVI.



Rồi đã đến lúc đời con khát nước không phải chỉ vì đời cha ăn mặn, mà vì chính đời con đã ăn mặn bạo hơn! Định luật nhân quả này thật hiển nhiên, rất khoa học, mà nền văn minh đương đại đang phải trả giá, trong gia đình, ngoài xã hội, dưới thẳm sâu tâm hồn, và ngay cả với môi sinh. Cơn khát này đã được nhà tiên tri thời đại là Kahlil Gibran diễn lên thị kiến trong cuốn Tiên Tri (the Prophet) có số người đọc nhiều nhất thời cận đại chỉ sau cuốn Kinh Thánh: Khi mà giếng của bạn đầy nước mà bạn khát, thì cơn khát này chẳng khủng khiếp lắm sao?! Và không có gì có thể làm cho bạn hết khát được!

Như thế, người ta mới kinh ngạc nhận ra rằng, Thần Lực từ trên cao đã soi dẫn Đức Benedito XVI chọn viết thông điệp đầu tiên với một đề tài ít ai ngờ được: viết về Tình Yêu. Quả vậy, qua thông điệp này, Đức Benedito XVI không chỉ là một sứ ngôn của thời đại, một "Người Được Chúc Phúc" (Benedictus), mà còn là một bác sĩ chẩn mạch đúng căn bệnh của nền văn minh bây giờ, khơi lên nguồn ánh sáng tinh khôi đến choáng váng ngất ngây từ trong một bầu khí đầy khói đen đặc, trong lúc chính chúng ta, những con người đang bị dồn, bị ép, bị đẩy tới mé vực cầm thú, với nguy cơ là mảng óc và chất nhân ái của con tim đang mất dần sức đề kháng !

ĐIỀM THỜI ĐẠI: MỘT NỀN VĂN MINH THẦN CHẾT

Với thông điệp đầu tiên, Thiên Chúa là Tình Yêu, Đức Benedito XVI đúng là một ân huệ không chỉ cho Giáo Hội Công Giáo, mà cho cả nhân loại trong một khúc quanh thật đen tối này. Hiện tượng giới trẻ buông thả, bung phá thác loạn thì thật rõ. Có mặt mọi nơi, từ các ngóc ngách phố phường cho đến bên trong trường học, và đang len lỏi vào tận mỗi gia đình. Kìa, tờ báo địa phương vừa đăng tin về cơn số Rave mới toanh. Đó là tên đặt cho một trào lưu vừa phát khởi, cách đây mấy năm còn trong bóng tối, nhưng nay đã công khai ra mắt. Tạm gọi là Tụ Hội Rửng Mỡ Lên Cơn, nơi tạo ra những cảm giác mê ly ngây ngất bằng đủ mọi loại thuốc từ ma túy đến những loại tạo ảo giác mới như LSD, MDMA... Buổi tụ hội đã được chuẩn bị cả mấy tháng, đám trai gái choai choai từ nhiều tiểu bang kéo về. Cả ngàn đứa ăn mặc lố lắng không thể tả đã chầu chực ở trước rạp từ tối, dù mãi 10g mới mở cửa. Và sau đó là một cảnh buông thả được tờ báo kể lại một cách rất chi tiết. Khói thuốc đủ loại bắt đầu bốc tỏa ám ảnh thôi miên. Ánh sáng đủ màu chớp chớp giật giật từ nhiều phía theo điệu nhạc inh tai nhức óc làm bung cả thần kinh. Cả một đám trẻ như một bày thú được xua vào rừng, được kích thích cùng độ bằng những phương tiện kỹ thuật cao độ nhất, để sống với những bản năng thú vật trong một điệu thác loạn nhất. Nhiều đứa đạt ảo giác trong cơn thuốc ngất đi theo nhịp nhảy. Đám trẻ đúng là được bơm đẩy lên cơn, rầm rập suốt đêm như vậy với mồ hôi nhễ nhãi và cơn khát cùng độ cho tới 6g sáng thì mới bắt đầu gục xuống và tàn lịm đi. Kết quả là 26 đứa phải chở đi nhà thương vì quá độ thuốc. Mãi thì cảnh sát mới khám phá được và ra tay can thiệp. Những đứa còn lại thì vật ra nằm ngổn ngang như những đống thịt thiu bầy hầy, với những con mắt lờ đờ vô hồn. Một số đứa ngồi phờ phạc chờ một ngày mới bắt đầu mà không biết sẽ đi đâu và làm gì. Và quang cảnh hội trường thì không thể tưởng tượng được là bẩn thỉu và nhớp nhúa tới cỡ nào. Rác rưởi tràn ngập và mùi xú uế xông lên nồng nặc đến nôn ọe.

DẤU CHỈ NÀO TỪ MỘT THẢM KỊCH ?

Đây mới chỉ là một trong muôn vàn nét khác nhau của thảm kịch tuổi trẻ, thảm kịch của nhân loại ở đầu thiên niên kỷ thứ ba này, lúc mà nền văn minh tưởng rằng đã lên cao độ. Nền văn minh nào đã đưa đám trẻ đến mức này?! Đừng chỉ biết lên án tuổi trẻ!

Bao người đang trăn trở tìm câu trả lời đàng sau những hiện tượng điên loạn. Giữa những lên cao vênh mặt của trí tuệ loài người mà số trẻ tự tự bây giờ đã lên mức quán quân. Những vụ bắn vào nhà trường, những băng hoại luân lý, những đổ vỡ gia đình và xã hội đã khiến những người lạc quan nhất cũng phải giơ tay lên than trời. Phản ứng thì cũng rất khác nhau. Có người đổ tội, kết án; có người chỉ biết than trách hay buông xuôi... Đã đến lúc nhiều người nhận ra rằng thảm kịch tuổi trẻ chính là sản phẩm do cả một nền văn minh đương đại sản xuất ra, là hậu quả tất yếu của cả một hệ thống tư duy biến thành thể chế và nếp sống. Từ lý thuyết nhân bản vô thần và chủ nghĩa hư vô của Friedrich Nietzsche đến hiện sinh phi lí của Jean Paul Sartre. Những mánh khóe chính trị, những lừa bịp con buôn, những chộp giật xã hội nhân danh những "chủ nghĩa" do tham sân si hoành hành điều khiển. Tuổi trẻ là những con mồi, là những nạn nhân, là những sản phẩm đồng loạt. Không một từ nào được nói đến nhiều cho bằng từ tình yêu, từ nhân bản. Nhưng không một thời đại nào tình yêu và nhân bản lại có thể sụp đổ tồi tệ như ngày nay. Người có phải là chó sói của người không? Nét nhân ái còn đọng lại chút nào trong lương tri con người ngày nay không? Lý do đơn giản nhất là những danh từ đó chỉ là trò gài "game" do những lái buôn và những mánh khoé chính trị đẻ ra, khiến con người như chênh vênh giữa hai bờ sinh tử, trôi lều bều trên mặt sóng đại dương mà chẳng có cái nền hay bến đậu nào làm tiêu chuẩn. Vì thế mà Đức Benedito XVI đã từng đề cập trong cuốn sách nổi tiếng của ngài: Tìm Giá Trị Trong Thời Đại Rối Loạn (Values in the Time of Upheaval). Và thông điệp này muốn cống hiến cho nhân loại cơ may tìm lại cái bản tính người của mình, vẫn gọi là bản sắc, cái căn tính, cái làm cho mình khác với những động vật khác, chứ không phải chỉ là một con vật tranh mồi theo định nghĩa "người là con vật kinh tế!"

"Tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta là một vấn đề căn bản đối với cuộc sống và đặt ra những câu hỏi quan trọng: Thiên Chúa là ai và chúng ta là ai. Khi suy tư về điều này, chúng ta lập tức thấy mình bị ngăn trở bởi một vấn nạn ngôn ngữ. Ngày nay, thuật ngữ "tình yêu" đã trở thành một trong những từ được dùng cũng như bị lạm dụng thường xuyên nhất, một từ chúng ta gán cho nhiều ý nghĩa khác nhau (thông điệp #2).

CHÚNG TA ĐANG TRONG THỜI KỲ TIỀN SỬ

Những thừa mứa vật chất không làm cho người trẻ thỏa thuê, nhưng ngày càng cảm thấy nhầy nhụa, buồn nôn. Nền văn minh mà không đưa con người lên mức nhân bản hơn, sống cho ra người hơn, thì phải có gì sai trệch từ cơ chế và hệ thống. Vào thập niên ’60 và ’70, khi mà nếp văn minh vật chất lên cao đỉnh tự mãn thì thấy xuất hiện nhan nhản những loại sách "làm thế nào để hưởng thú" (how to enjoy). Bước sang thập niên ’90 và 2000 thì lại thấy hiện hình những cuốn sách "tìm cách chữa chạy" (how to heal) đầy khắp tiệm sách và trên các đầu giường: chữa chạy tình yêu, chữa chạy xung khắc gia đình, chữa chạy căng thẳng thần kinh, chữa chạy tắc máu, chữa chạy từ tổng thống đến đám choai choai v.v. Lịch sử tiến hóa của loài người từ cái ngày còn săn hái trong hang hốc đã trải qua bao tổ chức xã hội từ nông nghiệp đến kỹ nghệ, qua bao lý thuyết kinh tế thời mới... xem chừng vẫn chỉ loay hoay quành lui chung quanh cái dạ dầy của động vật tính nơi con người. Tổ chức xã hội có hợp lý mấy nào có hơn tổ ong, tổ kiến. Tìm kiếm hoài mà vẫn không thỏa, vạnh quạnh mãi mà vẫn không rõ mình là ai! Từ một hành tinh nhìn về trái đất, có lẽ chỉ thấy duy loại động vật mang mặt người là hay nhăn nhó khổ sở một cách tội nghiệp nhất. Mặt mũi toát ra nét tham sân si một cách tội nghiệp thay vì là hình ảnh Chúa. Có điều gì sai lệch từ gốc rễ, từ cấu trúc của cuộc hiện hữu?! Nhà khoa học và thần học Teilhard de Chardin đã nói "Chúng ta đang trong thời kỳ tiền sử của nhân loại," và Gaston Berger thì bảo: "Lịch sử con người chưa bắt đầu," vì chưa thực sự bước tới chiều kích tâm linh là nhân phẩm đích thật của con người. Đúng vậy. Nhìn từ trên cao và từ xa, cả trái đất cũng là một phi thuyền đang bay vào khoảng trống vô biên, đang chuyển vào ngàn năm mới. Nhìn lại lịch sử con người từ cái ngày còn ở trong hốc đá cho đến khi biết mặc quần jeans, mấy ngàn năm tưởng như một nháy mắt. Những thành quả, những phát minh, những lập thuyết đỉnh cao, những đền đài dinh thự, những bon chen chộp giật, những vênh mặt tự hào về trí lực con người, những con tàu vĩ đại cỡ Titanic... tất cả bỗng chốc thành chuyện nhảm nhí.

DẤU KHỞI ĐẦU MỘT CUỘC ĐẠI TỈNH NGỘ

Bác sĩ M. Scott Peck, một nhà tâm lý nổi tiếng với cuốn. Con Đường Ít Người Đi. (The Road Less Traveled) bán chạy ‘bestseller’ cả trên mấy chục năm nay, đã xuất bản thêm cuốn. Một Thế Giới Đang Đợi Sinh Ra. (A World Waiting To Be Born), làm rung chuyển nền văn minh đương đại. Điều lạ là một nhà tâm lý như Scott Peck mà lại tìm ra lý do những bung phá thác loạn từ những gì linh thiêng. Kinh nghiệm của ông như một bác sĩ với cơ thể: mọi cơ năng và tế bào đều liên hệ mật thiết với nhau. Sức sống gì gắn liền những bộ phận ấy? Bởi vì khi. bộ máy. đã rã thì chữa được chỗ này sẽ phát bệnh ở chỗ khác. Mất sức rồi thì mọi sự sẽ tự nhiên sập. Cũng thế, trời đất giống như một. bộ máy,. liên hệ với nhau. Scott Peck nói thẳng rằng cái sức nối kết các phần tử của. bộ máy. là chính Thần Lực từ Trời. Một nền văn minh mà bỏ Trời và lương tâm luân lý ra ngoài, và không còn cảm thấy phải có một kỷ cương tối thiểu để liên hệ với nhau, thì hậu quả tất nhiên là có thể làm những chuyện điên khùng một cách thản nhiên. Nguyễn Thùy và Trần Minh Xuân trong Nhân Loại Mới đã nhận định về dấu chỉ thời đại: "Tình trạng chán sống, bung phá và nổi loạn, sa đọa của tuổi trẻ, tình trạng ngán ngẩm buông xuôi của lớp tuổi về già, sự ẩn mặt của các nhà tư tưởng... là những báo biểu sự thoái hóa của xã hội về mặt nhân văn. Hầu như không một thức giả liêm khiết nào không bi quan về thực trạng văn hóa ngày nay... Đấy là những rẫy rụa, những phản ứng của cái trạng thái tâm lý ngột ngạt trước một xã hội ổn định mà bất an, tự do mà ràng buộc, sung mãn mà nghèo nàn... trong những sợi dây xích vô hình của cái "logic" tổ chức hợp lý". Chính những thảm kịch tuổi trẻ đang dẫn đến một thái độ quyết liệt phản ứng lại mọi cơ cấu, thách thức và lật ngược mọi thước đo giá trị. Đúng là một tuyên ngôn muốn phá bỏ cả một nền văn minh không còn làm cho con người hạnh phúc hơn, sống cho ra người hơn, mà càng ngày càng biến con người thành những con thú hành hạ nhau do lệnh của Thần Chết. Và đây cũng đúng là một "nghi thức điểm đạo" trang trọng dẫn vào một Cuộc Đại Tỉnh Ngộ, khai mở nhãn quan mới, xoay hẳn hướng đi cho chủng loại người, từ những "quả đắng cần thiết, quả đắng ân huệ." Chính vì cảm nhận ra chuyện này, mà cả mấy triệu người trẻ đã tụ về Roma vào dịp Đức Gioan Phaolô II qua đời. Họ tìm gì nơi một ông cụ già bệnh tật tay chân run rẩy nói không ra lời? Những nhà phê bình thời điểm đã nhận ra cơn khát của một thế giới mới đi tìm lẽ sống, phải có cái gì đưa con người vươn lên cao hơn khỏi cái túi thịt bầy nhầy này. Bernd Ulrich trong "Trọn Vẹn Đức Tin" đã diễn tả nét đó "Ông đã hoá thân thành một chứng chỉ của đức tin, nhiều người thậm chí thấy phần nào trong đó một dấu hiệu của Thượng Đế: Con người bất chấp mọi khả năng sinh tồn đã cạn mà vẫn sống tiếp, vẫn bôn ba, vẫn giảng đạo, vẫn tiếp khách, con người bất chấp tất cả vẫn rạng rỡ, vẫn cuốn hút giới trẻ như chỉ các minh tinh văn hoá Pop mới sánh nổi, con người ấy hẳn phải được một sức mạnh không thuộc về thế gian này nâng cánh." Và giáo sư Acquaviva thì nhìn thấy hình ảnh một con phượng hoàng vỗ cánh bay lên, như một biểu tượng khao khát vươn lên vô hạn của con người: "Người trẻ đối diện với cuộc sống và đặt vấn nạn về ý nghĩa cuộc đời một cách rất hăng say và đam mê. Chứng kiến những giờ phút hấp hối của một vị Giáo Hoàng là một câu trả lời biểu tượng cho các vấn nạn liên quan đến ý nghĩa của sự sống... Có một điều chắc chắn là với huấn giáo của mình và cái đập cánh cuối cùng này, Đức Karol Wojtyla đã có công nêu bật nhu cầu vĩnh cửu và vô tận hiện diện trong tấm lòng của con người ngày nay." Nhu cầu vươn tới vô biên đó như đã được cài đặt sẵn trong tâm khảm con người như cái máy điện toán Pentium với Windows XP mà mọi phần phải đồng bộ mới có thể chạy được. Không đồng bộ mà lạc điệu theo nhịp riêng là lãnh đủ! Điều này thánh Âu Tinh đã cảm nghiệm sâu xa sau những quả đắng khắc khoải giẫy giụa. Đó chính là cơn khát tìm nối được vào nguồn cội. Thiên Chúa là Tình Yêu, mà mọi tình yêu, từ tình yêu nam nữ, tình yêu gia đình, bạn bè, làng nước phải phát khởi từ đó, phải đồng bộ. Và con người chỉ là người thật khi vượt qua được tham sân si bít kín ích kỷ thành ủng thối, mà mang được con tim nhân ái mở tới. Con người là hình ảnh Chúa ở nơi khả năng biết yêu thương và nhận được yêu thương trong một tương quan cụ thể với cả xác thân và tình nghĩa "I -Thou" theo ngôn ngữ của Buber, chứ không phải một tương quan như với một biển lực vô ngã. Đó là nét chính phần I của thông điệp: từ Eros cụ thể xác thân, con người luôn khao khát vươn tới vô biên qua con đường Agape. Khả năng biết yêu thương và đón nhận yêu thương là cốt lõi của đời sống. Sự thật đơn sơ chỉ có vậy mà nay con người mới bỗng ngộ được sau những chặng dài đầy đọa chính mình và đầy đọa nhau.

THỜI ĐIỂM MỘT BÁC SĨ KHÁM PHÁ RA THUỐC MỚI KHỎI PHẢI MỔ TIM

Cách đây mấy năm, báo Newsweek đã cho in bìa hình bác sĩ Dean Ornish, để giới thiệu một người đang làm đảo ngược lối sống người Âu Mỹ và lung lay ngành thuốc bằng một loạt những khảo cứu đã được chứng nghiệm bằng khoa học từ trên mười năm nay.

Ngoài những hiện tượng tỷ lệ tự tử lên quá cao, do căng thẳng lan tràn thành cơm bữa, những buồn nôn của cuộc sống vô nghĩa, hai chứng bệnh tốn tiền nhiều nhất và làm chết nhiều nhất bây giờ là bệnh tắc tim và ung thư. Một cuộc giải phẫu mạch tim thường tốn cả mấy chục ngàn tiền Mỹ. Vậy mà bác sĩ Dean Ornish đã tìm ra cách thông mạch mà không cần phải giải phẫu hay dùng thuốc gì cả. Kinh nghiệm này ông đã học được từ chính đời ông. Những thất bại trong cuộc sống làm ông xuống tinh thần tột độ, mất hết nhuệ khí, đã có lần toan tự tử. Thế mà ông đã tìm lại được sinh khí nhờ tìm ra cách biết mở tâm cho người khác được. Từ giữa thập niên ’70, ông đã bắt đầu thực nghiệm với một nhóm nhỏ trong một thời gian bốn tuần: cùng bác cầu tình thân, chia sẻ được những ưu phiền, sinh hoạt và chia sẻ giờ tâm linh chung, và chỉ ăn rau, trái cây, đậu phụ... chứ không ăn thịt gì cả. Kết quả là 90% bớt được chứng tức ngực, và máu chạy khỏe khoắn hơn. Nhưng nhiều người hồ nghi kết quả này vì thời gian chưa đủ đảm bảo, và phương pháp lại quá nghiêm ngặt khắc khổ khiến cho khó mà có nhiều người áp dụng được. Vậy là bác sĩ Ornish phải bước xa hơn. Khi dạy ngành thuốc tại Đại Học California ở San Francisco, ông thiết lập ở Sausalito một Viện Khảo Cứu Y Học Phòng Ngừa (PMRI) với 48 bệnh nhân kéo dài cả năm trời. Hai mươi tám người này theo phương cách của ông; số còn lại thì cứ theo phương pháp thông thường ngừa bệnh. Và ông đã dùng máy trắc nghiệm hình để đo trong suốt năm. Kết quả được phổ biến năm 1990 đã làm mọi người kinh ngạc. Những người theo phương pháp thông thường thì trở nên tệ hơn trước, còn những người theo sát chương trình của bác sĩ Ornish thì có kết quả rất khả quan: mạch máu được khai thông, tim khỏe lại. Thế là các viện y tế quốc gia bỏ tiền ra hỗ trợ khảo cứu tiếp kéo dài bốn năm. Các hãng bảo hiểm cũng nhào tới tài trợ chương trình, vì cứu được một người bệnh tim nặng không phải giải phẫu tốn phí quá sức thì quả là một điều đáng đầu tư. Vì ở Mỹ nguyên chi cho việc mổ tim là 26 tỉ tiền Mỹ mỗi năm. Ngoài chuyện đồ ăn có quá nhiều chất choresterol, căn nguyên thứ ai cũng mạnh y như trên là chứng tách lìa tình thân. Kể cũng lạ đời, những người ghi tên tham dự chương trình nhiều khi phải trả tới 7 ngàn rưởi Mỹ kim để được sinh hoạt nhóm. Họ được hướng dẫn để có những hoạt động thể thao chung, có giờ tâm linh chung bằng tịnh niệm để nối vào nguồn sống, có chia sẻ những buồn vui lo lắng, những ấm ức trong lòng và tập làm việc hữu ích cho người khác... Bác sĩ Ornish thấy rõ cô đơn tách lìa thiếu tình thân là căn nguyên mọi chứng bệnh, mà gần nhất là bệnh tim và ung thư. Vì thế khẩu hiệu của chương trình từ chính cảm nghiệm của bác sĩ Ornish là:. Nếu bạn không mở tâm ra thì bác sĩ bắt buộc phải mổ tim bạn.. Karl Menninger, nhà tâm lý nổi tiếng, cho biết một kinh nghiệm đã được trắc nghiệm: "Nếu muốn cứu một người đang có ý định tự tử thì đừng mất công khuyên nhủ họ gì cả. Hãy tạo dịp cho họ có thể làm được một điều gì hữu ích cho người khác, thì họ sẽ tìm lại được niềm vui và lẽ sống". Vì thế mà ngay trong trại tập trung người Do Thái của Đức Quốc Xã qua những ngày khốn cùng nhất, Viktor Frankl vẫn tìm ra lẽ sống tự giúp được mình và đồng bạn. Và ông ghi lại thành tập sách nhỏ "Đi Tìm Lẽ Sống. (Search For Meaning) đã trở thành giáo khoa về tâm lý trị liệu, gọi là "logotherapy".

Như vậy, yêu thương không còn chỉ là một "giới răn" luân lý nữa, mà là một chứng nghiệm rất khoa học như một định lý, một công thức mang lại sức khoẻ ngay cả thể xác, và hồi phục tinh thần. Yêu thương chính là căn tính làm nên con người.

ĐỢT SÓNG THỨ BA: LẦN THỨ HAI KHÁM PHÁ RA LỬA

Mấy chục năm về trước, Alvin Toffler đã dự báo đà tiến của nhân loại qua cuốn Đợt Sóng Thứ Ba (The Third Wave). Nhân loại đã bước đi khá dài, từ du mục săn bắn đến định cư cầy cấy, từ văn minh nông nghiệp làng mạc đến công nghệ thị thành. Và bây giờ sắp phải chuyển sang đợt sóng thứ ba là đợt văn minh tâm linh. Những giằng giật miếng mồi dưới những danh từ hoa mỹ, thị trường tự do hay quốc doanh, cũng chỉ là những màn giẫy giụa trước khi lăn ra chết để nhường bước cho một bước tiến vượt lên trong diễn tiến thành người, nếu không muốn tự hủy diệt hay thụt lùi thành những con vượn cổ sơ. Không ngờ chương trình khảo cứu thực nghiệm khoa học của bác sĩ Dean Ornish lại là thời điểm chỉ cho thấy cơn bệnh thời đại và giá phải trả cũng như cách hồi phục. Dù sao thì những người tham dự chương trình của bác sĩ Ornish cũng phải trả bộn tiền để được chỉ cách kiêng bớt đồ ăn đi, và được họp nhóm để tập mở tâm ra cho những chia sẻ và khơi dậy tình thân chứ không muốn để các bác sĩ mổ tim nữa! Chất lửa yêu này không thể tạo ra được do những chộp giật, chỉ biết vơ vào ích kỷ, mà phải phát khởi từ chính Thiên Chúa là gốc rễ Tình Yêu như Kinh Thánh đã tỏ lộ. Chúa Ba Ngôi là Cha, và Con và Thánh Thần biểu hiện thành một cộng đồng tình yêu, và là một khuôn mẫu của san sẻ yêu thương, ràng buộc lấy nhau bằng sợi dây tình, nối liền những xa cách rời rạc, bác cầu cảm thông giữa ba góc cạnh, để có thể vững như kiềng ba chân. Những ràng buộc xem ra lẩm cẩm và lỉnh kỉnh trong cuộc sống đời thường vẫn tưởng cần phải được cắt đi cho thong thả, không ngờ lại là những dây leo hạnh phúc quấn giữ cho nhau. Vì căn bản của tình yêu là cho đi, là hy sinh quên mình. Thiên Chúa đã thể hiện tình yêu ấy nơi Chúa Giêsu. Vì thế, đón nhận Chúa Giêsu là lãnh được chất lửa này làm sinh lực chuyển lửa. ‘Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời’ (Ga 3:16).

Đây là thời điểm mà khoa học đã khám phá ra sự quan trọng của lửa tình yêu. Chính vào thời điểm này mà chủng loại người cần khám phá lại chất lửa của con tim, nếu không thì sẽ tự hủy diệt như loài khủng long bị diệt chủng khỏi mặt địa cầu cách đây khoảng 300 triệu năm vì quá lạnh do băng hà. Cũng khoảng 80 ngàn năm về trước, loài người tìm ra được lửa, nên cứu được chủng loại người khỏi bị chết lạnh. Jean-Jacques Arnaud đã làm phim "Đi Tìm Lửa" (Quest for Fire) rất thành công nói lên được điều đó. Nhà thần học và cũng là nhà khoa học nổi tiếng Teilhard de Chardin đã phát biểu một khám phá mang chất tiên tri: "Một ngày kia khi đã chế ngự được gió, sóng biển, thủy triều, trọng lực, chúng ta sẽ khơi được mạch năng lượng tình yêu. Đó là lúc trong lịch sử nhân loại lần thứ hai khám phá ra lửa".

QUI TRÌNH LÀM RA LỬA

Khoa tâm lý ngày nay đã khám phá ra qui trình tạo dựng được tình yêu hạnh phúc. Từ Erich Fromm, Leo Buscaglia, Robert Johnson, Karl Menniger đến M. Scott Peck và Dean Ornish. Đúng như lời thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu khẳng định: càng vơ vào ích kỷ thì càng đói khát và bị ứ đọng ủng thối; biết cho đi, hy sinh quên mình thì hoa tình yêu hạnh phúc bắt đầu nở. Đúng là con đường của Phúc Âm, nhưng lại là con đường ít người dám đi, mặc dù ai cũng khát khao hạnh phúc. Nói đến tình thương, tự nhiên người ta nghĩ ngay đến những tổ chức bác ái hay những hoạt động cứu trợ. Nhưng Đức Benedito XVI thì lại khởi đi từ cái nhà kho Tình Yêu là chính Thiên Chúa, Nguồn Tình Yêu. Người tín hữu như cái dây điện chuyển lực tình từ cái nguồn tình đó. Và chỉ là tín hữu khi mang trong mình chất tình đó trước mọi tổ chức hay hoạt động. Không ai cho cái mình không có (Nemo dat quod non habet), ngạn ngữ La-tinh có câu như vậy! "Yêu tha nhân vì thế được chứng minh là có thể trong cách thế mà Thánh Kinh và Chúa Giêsu đã chỉ ra. Nó được chứa đựng trong chính sự kiện này là trong Thiên Chúa và với Thiên Chúa, tôi yêu cả những người tôi không thích hay thậm chí không biết người ấy. Điều này chỉ có thể xảy ra trên cơ sở của một cuộc gặp gỡ thân mật với Chúa Giêsu, một cuộc gặp gỡ đã trở nên một sự hiệp thông ý chí, một cuộc gặp gỡ ảnh hưởng đến cả cảm xúc của tôi. Từ đó, tôi nhìn tha nhân này không chỉ với đôi mắt và cảm xúc của mình nhưng từ quan điểm của Chúa Giêsu Kitô. Bạn Ngài là bạn tôi. Vượt qua dáng vẻ bề ngoài, tôi cảm nhận nơi tha nhân một ao ước bên trong muốn thấy một dấu chỉ của tình yêu, của quan tâm. Tôi có thể trao cho họ dấu chỉ này không chỉ thông qua các tổ chức được hình thành cho những nhu cầu như thế, những tổ chức được chấp nhận có lẽ như một nhu cầu chính trị. Khi nhìn với đôi mắt của Chúa Kitô, tôi có thể trao cho tha nhân nhiều hơn những nhu cầu bề ngoài của họ; tôi có thể trao cho họ ánh mắt yêu thương mà họ thèm khát. Ở đây chúng ta thấy sự tương tác cần thiết giữa tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân mà Thư Thánh Gioan đã đề cập với một sự nhấn mạnh như vậy. Nếu tôi chẳng có chút liên hệ nào với Thiên Chúa trong đời tôi, tôi không thể thấy nơi tha nhân những gì nhiều hơn là họ, và tôi không thể thấy nơi họ hình bóng của Thiên Chúa". "Các thánh; hãy xem thí dụ Chân Phước Têrêxa Calcutta; thường xuyên canh tân khả năng yêu thương tha nhân của họ từ sự gặp gỡ với Chúa Thánh Thể, và ngược lại sự gặp gỡ này đạt được hiện thực và chiều sâu của nó trong sự phục vụ tha nhân. Tình yêu của Thiên Chúa và tình yêu tha nhân vì thế là không thể tách rời, chúng hình thành một giới răn duy nhất. Nhưng cả hai sống từ tình yêu của Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta trước" (Thông điệp Thiên Chúa Là tình Yêu #18).

THÁCH THỨC THỂ HIỆN MỘT CỘNG ĐOÀN TÌNH YÊU.

Thiên Chúa là Tình Yêu. Nhưng chẳng ai thấy Chúa bao giờ, mà thấy thân thể của Chúa là Giáo Hội đang chuyển diễn Tình Yêu. Vì "anh em là thân thể Đức Kitô, mà mỗi ngưới là một bộ phận" (1Cor 12:27). Vậy thì người tín hữu được trao nhiều quyền thật: quyền để cho Chúa chết, hay quyền cho Chúa sống lại nơi cộng đoàn đức tin đầy yêu thương của mình; quyền làm cho Đạo của mình đáng tin đầy chất thuyết phục hay đáng nghi ngờ! Quyền trở thành hiện thân của Chúa Tình Yêu được thông điệp diễn tả rất rõ nét, nhưng quả là một thách đố đến lạnh xương sống:

"Cái chết của Ngài trên thánh giá là tột đỉnh của việc Thiên Chúa quay ra đối nghịch lại với chính Ngài, trong đó, Ngài trao ban chính mình để nâng con người dậy và cứu rỗi con người. Đây là tình yêu ở dạng thức cao nhất. Khi chiêm niệm cạnh sườn bị lưỡi đòng đâm thấu của Chúa Kitô (x 19:37), chúng ta có thể hiểu được điểm khởi hành của Thông Điệp này "Thiên Chúa là tình yêu" (1 Ga 4:8). Chính đó là điểm để chiêm niệm chân lý này. Định nghĩa tình yêu của chúng ta cần phải bắt đầu từ đó. Trong chiêm niệm này, người Kitô hữu khám phá ra con đường theo đó cuộc sống và tình yêu của mình phải dõi bước theo" (thông điệp #12).

"Chúa Giêsu làm cho hành vi trao đi này tồn tại lâu dài qua việc thiết lập bí tích Thánh Thể trong bữa Tiệc Ly. Ngài tiên báo cái chết và sự phục sinh của Ngài bằng cách trao cho các môn đệ chính Ngài trong hình bánh và rượu, là mình và máu Ngài như manna mới (x Ga 6:31-33). Thế giới xưa đã lờ mờ nhận ra rằng của ăn đích thực của nhân loại; cái thực sự nuôi dưỡng họ như con người; trên hết là Logos, thượng trí vĩnh hằng: chính Logos này nay thực sự là của ăn cho họ; vì tình yêu. Bí tích Thánh Thể đưa chúng ta vào trong hành động tự cho đi của Chúa Giêsu. Hình ảnh cuộc hôn nhân giữa Thiên Chúa và Israel giờ đây được nhận ra trong cách thế chưa từng được nghĩ đến: hôn nhân này trước đây được hiểu là được hiện diện trước mặt Thiên Chúa, nhưng nay nó trở thành sự hiệp nhất với Thiên Chúa qua việc chia sẻ trong hồng ân tự hiến của Chúa Giêsu, chia sẻ mình và máu Ngài. "Huyền nhệm" có tính cách bí tích này đặt cơ sở trên sự hạ mình của Thiên Chúa xuống chúng ta, hoạt động ở mức độ rất khác biệt và đưa chúng ta đến những đỉnh cao hơn bất cứ điều gì phù phép nâng mình lên của nhân loại có thể đạt đến" (#13).

Dấu chỉ rõ nhất của quyền bính là bẻ ra như bí tích bẻ bánh thành của ăn nuôi người khác, là quì xuống phục vụ yêu thương những phần thấp hèn nhất. Thầy Tình Yêu mà đã chịu bẻ mình ra, để trái tim bị đâm thủng thành dòng tình yêu, chịu bẻ khom đầu gối quì xuống rửa chân cho các môn đệ, thì những người theo bước tình yêu. cũng phải rửa chân cho nhau" y như vậy, theo một cách thức và "địa vị" ấy. Cái lạ là ở thời đại này, ngôn ngữ bị "ăn gian" dễ sợ. Ở tiếng Anh, minister nghĩa gốc là người hầu hạ, là đầy tớ dân chúng, nhưng lại phải dịch là "bộ trưởng hay tổng trưởng"! Ai cũng tuyên bố mình đến để phục vụ, nhưng cung cách phục vụ của ông bộ trưởng hay của người đứng đầu lại khác với những đầy tớ thứ thiệt không còn chỗ nào khác để mà xuống thấp hơn!

Vì thế bác ái không có nghĩa là chấp nhận những tệ trạng "status quo" của xã hội hay ngay ở trong lòng Giáo Hội. Đôi khi sự yên lặng là đồng lõa hay tìm thủ lợi nhỏ nhoi hơn là thái độ khôn ngoan cẩn trọng. Lên tiếng bênh vực người thấp cổ bé miệng là bổn phận của vai trò ngôn sứ, dù nhiều khi phải trả giá đắt như Đức Giêsu đã phải trả trong hoàn cảnh của Ngài. "Xây dựng một xã hội công bằng và trật tự dân sự, nơi ấy mỗi người lãnh nhận điều thuộc về họ, là một nhiệm vụ cốt yếu mà mọi thế hệ phải luôn mãi quan tâm. Vì là một nhiệm vụ chính trị, nó không thể là trách nhiệm trực tiếp của Hội Thánh. Tuy nhiên, bởi vì đây cũng là một trách nhiệm quan trọng nhất của nhân loại, Hội Thánh buộc lòng phải trao tặng một sự đóng góp riêng, qua việc thanh tẩy lý trí và qua việc huấn luyện đạo đức, để hiểu biết và chu toàn những đòi hỏi của công bằng trong lãnh vực chính trị. Hội Thánh không thể và không phải gánh lấy cho mình cuộc chiến chính trị để đem lại một xã hội công bằng nhất. Hội Thánh không thể và không phải thay thế Chính quyền. Tuy nhiên đồng thời Hội Thánh không thể và không phải ở bên lề trong cuộc đấu tranh cho công bằng" (thông điệp #28).

NỮ THẦN CHÀMUNDÀ, ĐỨC BÀ SẦU BI CỦA XỨ ẤN.

Đây cũng là lúc thách thức người tín hữu con đường khơi lửa để mang được Tin Mừng cụ thể đến đồng bào của mình trong một hoàn cảnh cụ thể. Shusaku Endo (1923-1996) là một nhà văn Công Giáo Nhật được độc giả Nhật Bản và phương Tây biết đến và yêu mến còn hơn cả Kenzaburo Oe; nhà văn Nhật đoạt giải Nobel văn chương năm 1994.

Đề tài của ông thường xoay quanh tiến trình hội nhập của Kitô giáo vào tâm thức và hoàn cảnh cụ thể của Nhật. Đề tài này đã bắt đầu từ cuốn Người Da Trắng; Shiroi Hito (1955) đến cuốn Người Da Vàng; Kiroi Hito; đến cuốn Sao Chúa Mãi Im (Silence, Chin Muku, 1966) thì diễn tả đã khá sâu sắc; rồi ông còn muốn đi xa hơn: một Kitô giáo mang bản sắc Nhật với Cuộc Đời Chúa Giêsu; Iesu no Shogai; nhưng phải chờ đến Bên Dòng Sông Hằng (Deep River, Fukai Kawa, 1993), "người ta mới thấy được một thị kiến về một tâm thức mới chuyên chở được muôn dòng sông tư tưởng và tôn giáo, trong đó có Công Giáo". Fukai Ka. Deep River. (Bên Dòng Sông Hằng) đã khởi đi từ những khắc khoải của kiếp người nơi một số nhân vật khác nhau: Isobe đau khổ vì vợ chết, ông cố đi tìm vợ hy vọng đã được tái sinh nơi một người nào đó; Kiguchi cả đời bị ám ảnh bởi những chuyện hãi hùng trên đường tử thần phải ăn thịt người để sống sót khi thua trận ở Miến Điện; Numanda thoát chết vì cơn bệnh trầm kha một cách kỳ lạ; Mitsuko một cô gái điển hình của thế hệ trẻ tân thời xem ra yêu đời và nghịch ngợm, nhưng lại luôn trằn trọc với nỗi cô đơn của đời người mà không một điều gì có để lấp đầy, kể cả việc lập gia đình; Otsu là một thanh niên Công Giáo cả đời bị hút bởi hình ảnh Chúa treo trên thập giá trong nhà nguyện của Nhà Văn Hóa (Kultur Heim), khiến đã đi tu dòng bên Pháp nhưng rồi lại xin đi tìm ý nghĩa cuộc đời tiếp nơi những tiện dân bên xứ An do hình ảnh giữ mãi trong đời về tình yêu: "Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích. Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới. Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta..." (Isaia 53:2-4).

Đám người trên vì một túc duyên nào đó đã cùng gặp nhau trong một chuyến du lịch đến bờ Sông Hằng, con sông thiêng của người Ấn đã như người mẹ hiền bao dung đón nhận tất cả... "Ai cũng như ai, dòng sông đón cả vào lòng và mang đi, chẳng hề ruồng rẫy". Vì thế mà người Ấn, giầu cũng như nghèo chỉ mong tìm đến dòng sông này để chết và tro được thả trôi theo dòng sông mà được tái sinh vào miền miên viễn. Gây ấn tượng mạnh là hình ảnh nữ thần Chàmundà. Bà là biểu tượng cho mọi thống khổ của dân Ấn. Bệnh tật, đói khát, chết chóc, mà đã bao ngàn năm người An phải nếm trải, hiện ra trên bức tượng này. Cũng từ lâu lắm, bà khoác lên mình những bệnh tật mà họ đã khổ sở, và bà còn chịu cả những nọc độc bọ cạp, rắn hổ. Vậy mà bà vẫn thở hào hển, vừa hiến dâng cho con những giọt sữa từ bầu ngực teo khô của bà... Vậy mà bao người đau khổ đã tìm được ủi an với sức chữa lành. Đối với Otsu, Thiên Chúa Tình Yêu cũng đang đi vào cuộc đời như vậy. Ngài mang nhiều tên và bộ mặt khác nhau. Cứ gọi Ngài là Củ Hành cũng được "Cái dòng sông Tình Yêu còn có danh xưng là dòng sông Củ Hành cũng vậy, sẽ đón nhận tất cả mọi người và đưa đi, dù con người có xấu xa, nhơ bẩn như thế nào đi nữa" (bản dịch của Nguyễn Văn Thực, trang 266). Và linh mục Otsu đã ăn mặc như một tiện dân, ngày ngày đi giúp vác xác chết của những người nghèo khổ đến giàn hỏa táng bên bờ sông Hằng, vì nghĩ rằng Chúa Kitô đang có mặt tại đây và cùng cõng những người gục chết đó đến bãi hỏa táng, giống như Ngài đã từng vác thập giá vậy.

RƯỢU MỚI TRONG BẦU DA MỚI

Phải rồi. Một thế giới mới đang đợi sinh ra trên vai những hiện thân của Chúa Tình Yêu như thế. Ngài đã vác thập giá leo lên Núi Sọ, đã vác những đau thương của muôn người mà đi lên: "Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi" (Gioan 12:32). Ngày hôm nay đây người Kitô cũng đang dõi theo bước Ngài, và thấy chính Ngài đang cùng vác với mình, vác trên vai mọi khổ lụy của anh em mình, đồng bào mình, mà đi tới, đi vào lòng nhân loại mới... như Mẹ Têrêsa Calcutta, như những bàn tay đang lau vết cùi trên những thân thể lở loét hay chia sẻ từng giọt nước mắt của những người đang oằn oại trên đường khổ nạn... Thế giới này đang quá khát khao chất tình từ nguồn tình miên viễn hơn bất cứ đẳng cấp cơ cấu tổ chức hoặc thuyết lý thần học nào, hay hơn ngay cả những mẩu bánh trong cơn đói. Đôi khi nghe rằng nhiều người Âu Mỹ bỏ xa nhà thờ, ơ hờ với đạo. Chẳng phải vậy đâu. Vì cộng đoàn nào mang được chất tình mạnh hơn đẳng cấp và thể chế cằn cỗi, thì vẫn thu hút sống động. Họ khát chất rượu mới mà khó tìm thấy trong bầu da cũ, mà ngay cả bầu da cũ cũng chẳng còn chứa bao nhiêu chất rượu. Họ cần chứng tá, cần thấy được hiện thân của Chúa Tình Yêu mang chất rượu tình mới, tìm ra được lửa trong một nền văn hóa thần chết lạnh căm và tối mịt: "Một ngày kia khi đã chế ngự được gió, sóng biển, thủy triều, trọng lực, chúng ta sẽ khơi được mạch năng lượng tình yêu. Đó là lúc trong lịch sử nhân loại lần thứ hai khám phá ra lửa" (Teilhard de Chardin). Và đây cũng là lúc thách đố từng người tín hữu cũng như toàn thể Giáo Hội khi nhìn lại căn tính bản sắc của mình, trong mọi cơ chế tổ chức và hoạt động, như một cộng đoàn tình yêu, hiện thân của Thiên Chúa là Tình Yêu. Muốn chuyển được lửa mới, mang được rượu mới, khuôn mặt của cộng đoàn đó, hiện thân đó phải như là một người đang bị treo trên thập giá, cạnh sườn bị lưỡi đòng đâm thấu. Nhưng cũng chính từ trái tim được khai mở đó mạch năng lượng tình yêu tuôn trào.