NGƯỜI VIỆT NAM CÔNG GIÁO: (12)

CHƯƠNG IX. BÁO “CÔNG GIÁO VÀ DÂN TỘC”

Đọc xong bài “Kích động mâu thuẫn tôn giáo: Trò đùa với lửa” viết bởi tác giả Đặng Tự Do, đăng trên VietCatholic News ngày 22.02.2008, chúng tôi nhận thấy mình cần đọc trọn bài “Về vụ Tòa Khâm Sứ ở Hà nội” để được hiểu biết thêm những gì Linh mục Trương Bá Cần đã viết.

Trước ngày 30.04.1975, Linh mục Cần là Tuyên úy Thanh Lao Công (JOC, Jeunesse Ouvrière Chrétienne) và sau ngày, tất cả các báo đạo, đời phát hành tại Sài gòn đều bị đình bản. Chẳng bao lâu sau đó, ngày 10.07.1975, Linh mục Cần trở thành Tổng biên tập báo ‘Công Giáo và Dân Tộc’, tờ báo duy nhất mang danh Công giáo ra đời và tồn tại liên tục từ sau khi cộng sản chiếm Miền Nam đến nay.

Ngày 15.02.2002, chúng ta được biết tờ Hiệp Thông, Bản Tin của Hội đồng Giám mục Việt-Nam, đã được tái bản, hai tháng một lần, chỉ được phép in 100 bản (trong khi số người đặt mua lên tới 1200 người). Hiệp Thông từ số 33 đã được Ủy Ban Văn Hóa trao cho dunglac.net đưa lên mạng lưới. Do đó, rất nhiều người lầm tưởng ‘Công Giáo và Dân Tộc’ là cơ quan thông tin của Giáo hội Công giáo Việt-Nam.

1. Công giáo Việt-Nam trong Lòng Dân Tộc.

Đi vào địa chỉ internet www.dcv.org.vn, chúng tôi đọc thấy:

“… Trong suốt lịch sử hình thành và phát triển tại Việt Nam, quan hệ giữa Công giáo và Dân tộc thường khá phức tạp, nhiều khi gay go. Mối quan hệ này được dự liệu sẽ khó khăn hơn khi những người Cộng sản lãnh đạo đất nước. Trong bối cảnh đó, “tờ CGvDT” muốn là một nổ lực đóng góp khiêm tốn cho công việc giải quyết vấn đề chung, như một bước đi trên chặng đường hành hương cùng anh em đồng đạo tìm về Dân tộc. Vì thế nhóm chủ trương Tuần báo không có một tham vọng nào khác ngoài việc đóng góp cho vai trò và ý nghĩa chữ “VÀ” để người Công giáo được sống giữa lòng Dân tộc một cách trọn vẹn như mọi người công dân khác…” (nguyên văn).

‘Công giáo và Dân tộc’ là cơ quan ngôn luận của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt-Nam, gồm các linh mục và nam nữ tu sĩ uyên thâm học vấn sao lại cho rằng ‘quan hệ giữa Công giáo và Dân tộc thường khá phức tạp, nhiều khi gay go’?

Điều chúng ta xác tín là chính các linh mục và nam nữ tu sĩ này chưa sống thật và hòa mình với đời sống khó khăn của Dân tộc (đại đa số người Việt). Nói thật, thời Việt-Nam Cộng Hòa, các linh mục Huỳnh công Minh, Phan khắc Từ, Trương bá Cần và Vương đình Bích đều có nhiều phương tiện để đi du học hay công tác ngoại quốc nhiều hơn các linh mục khác. Khi ‘xuống đường’, các linh mục cũng được cảnh sát viên ‘ngại’ vì họ muốn tôn trọng các người tu hành. Đời sống vật chất chắc chắn được bảo đảm hơn so với đại đa số đồng bào. Do đó, các giáo sĩ và tu sĩ Công giáo này mặc cảm tự thấy xa Dân tộc và vội kết luận người (hay đạo) Công giáo không đồng hành và là Dân tộc qua ‘quan hệ giữa Công giáo và Dân tộc thường khá phức tạp, nhiều khi gay go’.

Sau ngày 30.04.1975, các giáo sĩ và tu sĩ Công giáo này trở thành những cán bộ, được sự tin cậy của Đảng, tự cho là họ nhiệm vụ làm ‘trung gian’ giữa Nhà Nước và Giáo Hội. Việc làm của họ ra sao? Sau gần 33 năm tung hoành trong 26 Giáo phận tại Việt-Nam, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt-Nam vừa được Đức Cha Nguyễn Văn Sang, Giám mục Thái Bình đánh giá là ‘chẳng có tác dụng gì’.

Trong khi đó, Hội đồng Giám Mục Việt-Nam, nhân kỳ họp Đại hội từ ngày 24.04 đến 01.05.1980 tại Hà nội. xác định Đường Hướng Mục Vụ được xây dựng dựa trên căn bản:

Hội Thánh trong Lòng Dân Tộc.

a)- Để sống trung thành với bản chất và sứ mạng của Hội Thánh, chúng ta phải là Hội Thánh của Chúa Giêsu Kitô trong lòng dân tộc Việt-Nam nghĩa là:

- Gắn bó với Chúa Kitô và hợp nhất với Hội Thánh toàn cầu;

- Gắn bó với Đức Giáo hoàng, vị đại diện của Chúa Kitô, người được Chúa giao trách nhiệm ‘chăn dắt đoàn chiên của Nguời’ (Gioan 21,15-18), và ‘làm cho anh em vững mạnh’ (Luc 22,32).

- Gắn bó với nhau trong tình huynh đệ theo kiểu mẫu Hội Thánh thời sơ khai: ‘Chỉ có một tấm lòng, một linh hồn, không một người nào nói là mình có của riêng nhưng đối với họ, mọi sự là của chung’ (Cv. 4,32, 2,42).

- Trung thành với tinh thẩn của Công đồng Vatican II là tinh thần cởi mở, đối thoại và hòa mình với cộng đồng xã hội mình đang sống.

Để đạt được mục đích ấy, trước hết chúng ta phải không ngừng hoán cải lương tâm và thay đổi cách sống của mọi cá nhân cũng như của mỗi cộng đoàn Dân Chúa trong Hội thánh ở Việt-Nam sao cho phù hợp với Phúc Âm hơn.

b)- Sự gắn bó và hòa mình với Dân Tộc và Đất Nước đưa tới những nhiệm vụ cụ thể mà chúng ta có thể tóm lại trong hai điểm chính:

- Tích cực góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng Tổ Quốc;

- Xây dựng trong Hội thánh một nếp sống và một lối diễn tả Đức Tin phù hợp với truyền thống Dân Tộc. (Xem đầy đủ trong ‘Người Việt-Nam Công Giáo 3’).

Đâu là sự khác biệt quan niệm giữa Hội đồng Giám Mục Việt-Nam và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt-Nam?

a. Hội đồng Giám Mục Việt-Nam, đại diện Kitô hữu họp thành Giáo hội Công giáo Việt-Nam, có nhiệm vụ loan báo Tin Mừng Đức Kitô luôn hiệp thông hoàn toàn với Đức Thánh Cha. Hội đồng Giám Mục Việt-Nam lấy mục đích xây dựng Giáo Hội mầu nhiệm - hiệp thông – truyền giáo và phục vụ con người trong xã hội (Tông huấn Pastores dabo vobis, số 12; 73-75) làm điểm quy chiếu cho mọi sinh hoạt và quyết định của mình.

Các Đức Giám mục mang quốc tịch Việt-Nam, có những nghĩa vụ, những quyền lợi và sống trong lòng Dân tộc như bao người Việt-Nam khác.

b. Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt-Nam, như họ đã ghi trong Điều lệ của Ủy ban Đoàn kết ghi rõ: Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt-Nam ‘là tổ chức đại diện phong trào yêu nước của người Công giáo Việt-Nam’, là ‘thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt-Nam’. (Mặt trận Tổ quốc Việt-Nam do Đảng Cộng sản dựng nên, bao gồm các đoàn thể nhân dân khác). Đối với họ Tổ Quốc là xã hội chủ nghĩa.

Sau ngày 30.04.1975, các linh mục này nhờ tay Chính quyền mới để áp lực Đức Cha Phaolô Nguyễn văn Bình, Tổng Giám mục Sài gòn và đe dọa các Linh mục khác. Nhờ các áp lực và đe dọa nầy, họ đã được trả bằng lương bổng do người dân lao động đóng thuế thì làm sao nói là họ và các nam nữ tu sĩ khác có thể đồng hành với Dân tộc. Đức cố Tổng Giám mục Sài gòn là một vị Mục tử nhân lành, chỉ muốn sự an hòa nơi Dân tộc, trên thuận dưới hòa trong Tổng Giáo phận đã nhận lãnh bao nhiêu ép buộc đau đớn từ nhóm linh mục này. Cho gần đến khi được gọi về Nhà Cha, vị Tổng Giám mục khả ái nói vẫn còn sợ Cộng sản. Họ là ai?

Trong một bài phỏng vấn của báo Eglises d’Asie (Pháp quốc) số 95, tháng 09.1990, khi được hỏi: “Thưa Đức Cha, có bao nhiêu Linh mục trong UBĐKCG?» Đức Cha Nguyễn văn Bình đã trả lời: “Có lẽ có tất cả chừng 30 người. Nhưng thực tế, chỉ có 5 hay 6 người những người khác chẳng mấy quan tâm đến Ủy ban. Họ là những Linh mục làm việc trong các giáo xứ. Thỉnh thoảng họ tới dự một phiên họp thế thôi.

Năm hay sáu người Đức Cha nói đó là ai? Trong lá thư đề ngày 25.12.1997 để báo cáo (hay mét) với lãnh đạo Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và Ban Tôn giáo TP. Hồ chí Minh về Phan khắc Từ và Trương bá Cần, Vương đình Bích viết: “Tôi thành khẩn nói rõ với hai anh Từ và Cần, là vấn đề thật của Tổ chức chúng ta, không phải là Nhóm Nghiên cứu (bị Phan khắc Từ giải tán, vì vấn đề tiền bạc), mà là Nhóm bốn anh em chúng tôi, Minh, Cần, Từ, Bích đã được lãnh đạo gầy dựng và giao cho nhiệm vụ điều động Phong trào Công giáo Yêu nước tại Thành phố này…».

Để được đầy đủ và công bình, chúng tôi xin ghi lại: “Ngày 29.10.1993, báo ‘La Croix’, phát hành tại Pháp, đăng bài phỏng vấn Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận (khi đó còn là Đức Tổng Giám mục phó Sàigòn, nhưng Nhà Nước Việt-Nam không cho Người trở lại Quê hương): “Những tín hữu Công giáo cộng tác với Nhà nước cộng sản. Đức Hồng Y cho biết Người không phán xét về những người nầy: họ có những lý do của họ. Chớ nên kết án tất cả mọi người…”. Đây là nhận định đúng của một Mục tử giàu lòng vị tha.

Chúng ta cũng cần biết dù Đức Cha Nguyễn văn Bình đã bắt buộc phải nhận những áp đặt của họ vì họ làm theo sự sai khiến của Đảng. Nhưng khi vấn đề không thuộc thẩm quyền của mình, Người đã phải từ chối như trong dịp phong Thánh cho 117 Chân phuớc Tử đạo Việt-Nam. Đức Cha đã khước từ sang Rôma để yêu cầu Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ngưng việc phong Thánh theo ý Nhà Nước. Quyết định Phong Thánh không thuộc thẩm quyền địa phương Giáo phận mà là các Thánh được tôn kính trên toàn Thế giới và ngày 16.11.1985, Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh văn Căn, Tổng Giám mục Hà nội, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt-Nam đã ký gởi đến Đức Thánh Cha Thỉnh nguyện thư xin Tòa Thánh phong Thánh cho 117 Chân phuớc Tử đạo Việt-Nam.

Trong Giáo hội Mẹ Việt-Nam qua nhiều thời đại, luôn đã có rất nhiều những vị mục tử nhân lành, dù phải qua muôn ngàn nguy biến, nhưng đã giữ vững được Hồng Ân Ơn Gọi thiêng liêng ấy. Dù nhiều người đã về với Chúa, nhưng hình ảnh chư Vị không bao giờ phai nhạt trong tâm trí những người tín hữu Việt tộc. Hình ảnh những vị mục tử đó là mẫu mực cho những tín hữu Công giáo chúng ta còn đang trên đường lữ thứ trần gian để bảo vệ Đức Tin và Giáo hội mình.

Khi viết đến đây, chúng tôi đọc được bài ‘Cuộc họp của Đoàn Chủ tịch, Ban Thư ký Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Việt Nam’, viết bởi Thiên Sứ

(http://vietcatholic.net/News/Html/52691.htm), chúng tôi không biết có thể nói thế nào nữa vì sự thật đã quá sức tưởng tượng của chúng tôi: các linh mục tranh nhau để được giới thiệu ra ứng cử Quốc hội, hay để "có xe riêng, lái xe riêng". Xin mời vào xem.

2. Bí tích Truyền Chức Thánh ghi dấu Linh mục đời đời.

Người tín hữu được hoàn toàn tự do nhận lãnh Bí tích Truyền Chức Thánh để trở thành Linh mục với những cam kết dành cho sứ nhiệm Linh mục, qui định bởi Giáo luật do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành ngày 25.01.1983, cách riêng Chương III: Nghĩa Vụ và Quyền Lợi Của Giáo Sĩ, Quyển 2. Dân Chúa.

Điều 273: Các giáo sĩ có nghĩa vụ đặc biệt là phải tỏ lòng kính trọng và vâng lời Đức Thánh Cha và Bản Quyền riêng. Nếu điều nầy được các yêu nưóc thực thi thì Đức Cha Nguyễn văn Thuận không bị cáo gian… Đức Khâm Sứ Henri Lemaitre không bị hành hung… Thân Xác đáng kính Đức Cha Nguyễn kim Điền, Tổng Giám mục Huế, vừa qua đời nằm trên cáng và bị bỏ dưới đất tại Tòa Tổng Giám mục Sài gòn…

Điều 277: (1) Các giáo sĩ buộc phải giữ sự khiết tịnh hoàn toàn và trọn đời vì Nước Trời, vì vậy họ phải ở độc thân, là một ơn đặc biệt của Thiên Chúa, nhờ đó các tác viên thánh có thể gắn bó với Đức Kitô dễ dàng hơn với một con tim không bị chia sẻ và được thong dong hơn để hiến thân phục vụ Thiên Chúa và nhân loại.

(2) Các giáo sĩ phải khôn ngoan khi giao tiếp với những người mà sự năng lui tới với họ có thể gây nguy hại cho việc giữ sự khiết tịnh hoặc sinh ra gương xấu cho giáo hữu.

(3) Giám Mục giáo phận có thẩm quyền ra những qui luật cụ thể hơn trong vấn đ» này và xét định về việc tuân hành trong những trường hợp riêng biệt.

Chúng tôi xin nhắc hai truờng hợp được công khai hóa tại Việt-Nam:

1. Truờng hợp minh bạch và can đảm của Giáo sư Nguyễn ngọc Lan. Khi biết mình không thể giữ được lời cam kết trong chức vụ Linh mục vì đã yêu người mình yêu, Giáo sư đã xin phép Đấng Bản quyền Giáo Hội để đi lập gia đình hợp với luật đời và nói lên lời giao ước hôn phối trước Thiên Chúa. Tuy vẫn mang chức Linh mục, nhưng Giáo sư không lợi dụng chức tước hiệu đó cho lợi ích cho bản thân. Trái lại, Giáo sư đã chọn cho mình cuộc sống bên cạnh người dân bị trị, đồng hành cùng những người đòi quy»n sống cho đồng bào và, dĩ nhiên, cũng như bao người muốn Tự do Dân chủ cho Dân Tộc khác, Giáo sư cũng đã bị hành hung bằng ngụy trang đụng xe, bị quản chế… Giáo sư đã thở hơi cuối cùng bên cạnh người yêu trọn đời, chị Huỳnh Thanh Vân, và đã được đóng ấn những Bí tích Công giáo cuối cùng bởi Linh mục Chân Tín, trước khi lên đường, theo ý Thiên Chúa gọi về Nhà Cha ngày 26.02.2007. Xin tạm biệt một Người Việt-Nam Công Giáo.

2. Truờng hợp Linh mục Phan khắc Từ cả nước Việt đều biết:

- Trước 30.04.1975, Linh mục đòi làm ‘Linh mục hốt rác’. Thời gần đây, Linh mục xin ứng cử Quốc hội;

- Linh mục Phan khắc Từ vừa có gia đình vừa là Cha tại nhà thờ Vườn Xoài, Tân Định (trích trang 717, Giáo hội Công giáo Việt Nam, niên giám 2004);

- Khả năng linh mục linh mục Phan khắc Từ sẽ là Chủ tịch và linh mục Thiện Cẩm sẽ là Tổng thư ký Ủy ban Đoàn kết Công giáo. (http://vietcatholic.net/News/Html/52691.htm).

Ngoài Điều 277 nói trên, chúng tôi xin trích hai điều sau của Giáo luật để quý đọc giả so sánh trường hợp nầy:

Điều 285: (1) Các giáo sĩ nên xa tránh tất cả những gì không xứng hợp với bậc mình, theo như những qui định của luật địa phương.

(2) Giáo sĩ nên tránh tất cả những gì, cho dù không xấu xa, nhưng xa lạ không thích hợp với bậc giáo sĩ.

(3) Cấm các giáo sĩ đảm nhận những chức vụ công quy»n có kèm theo việc hành sử quyền bính dân sự.

(4) Nếu không được phép của Bản Quyền riêng, giáo sĩ không được nhận làm Quản Lý những tài sản thuộc các giáo dân hoặc những chức vụ trần thế kèm theo nghĩa vụ phải kế toán sổ sách; cũng không được làm bảo chứng cho dù dựa vào tài sản riêng của mình nếu không tham khảo ý kiến của Bản Quyền riêng; phải tránh không nên cam kết những khế ước bảo lãnh trả một món nợ mà không định rõ căn nguyên.

Điều 287: (1) Các giáo sĩ hãy tận lực cổ võ duy trì hòa bình và hòa đồng giữa mọi người, dựa trên nền tảng công bằng.

(2) Các giáo sĩ không được tham gia tích cực vào các đảng phái chính trị, hoặc dự phần lãnh đạo trong các nghiệp đoàn, trừ khi nào, theo phán đoán của nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội, việc bảo vệ quy»n lợi của Giáo Hội và cổ võ công ích đòi hỏi như vậy.

(Trích http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/veritas/index.html).

3. Bài báo “Về vụ Tòa Khâm Sứ ở Hà nội».

Trong bài nầy, linh mục Trương Bá Cần có viết: «… Từ 1955, một vị Khâm sứ nữa được bổ nhiệm ở Sài gòn, song song với Đức Khâm sứ Dooley ở Hà Nội. Vị Khâm sứ của Miền Nam Việt Nam đặt trụ ở đường Hai Bà Trương – Quận I, chứ không phải ở Huế.» (Nguyên văn).

Việc phân chia lãnh thổ Việt-Nam không do quyết định của toàn dân Việt-Nam. Ngày 07.07.1954, Ông Ngô đình Diệm đã được Quốc Trưởng Bảo Đại bỗ nhiệm làm Thủ Tướng trước đó, tuyên bố thành lập Chính phủ đi»u hành quốc vụ trên toàn thể Quốc Gia Việt-Nam chạy dài từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà mau. Đêm khuya tối 20.07.1954, Cộng sản Việt-Nam và Thực dân Pháp đã ký Hiệp định Genève để chia đôi Đất Nước Việt-Nam. Chánh phủ hợp pháp Việt-Nam không có ký vào đó.

Như đối với các quốc gia Đông biển Baltique (Lettonie, Lituanie và Estonie) khi bị cưỡng bách gia nhập Liên Xô, Tòa Thánh phải nhìn nhận một thực tế có hai mi»n của một nước Việt-Nam.

Vì thế, sau Hiệp định Genève, vì Đức Khâm sứ Tòa Thánh (có thể tham khảo Chương V: Các Phái Viên Của Ðức Thánh Cha, Phần I: Các Tín Hữu, Quyển II: Dân Chúa, Giáo luật hiện hành) tại Đông Dương John Dooley không liên lạc được với các quốc gia thuộc quyền khác, nên, ngày 15.02.1956, Tòa Thánh cử Đức Cha Giuseppe Caprio làm Thanh Tra Tông tòa (Visiteur Apostolique, tiếng Pháp; Apostolic Visitor, tiếng Anh) tại Sài gòn để liên lạc được Miền Nam Việt-Nam, Laos, và Cambodge. Ngày 13.03.1957, vị Thanh Tra Tông tòa ở Sài gòn được nâng lên hàng Đại lý Khâm sứ (Régent Apostolique). Năm 1959, khi Đức Khâm sứ John Dooley rời Hà nội trong một cơn bệnh nguy kịch và, vài tuần sau đó, các nhân viên Toà Khâm sứ bị trục xuất, Tòa Thánh thiết lập Tòa Khâm sứ tại Sài gòn do Ngân sách Tòa Thánh và theo qui chế Ngoại giao, với Đức tân Khâm sứ Mario Brini. Đức Khâm sứ Mario Brini đã góp công lớn trong việc thiết lập ‘Hàng Giáo Phẩm Công Giáo Việt-Nam’ ngày 24.11.1960. Đức Giáo Hoàng Gioan 23 chỉ thiết lập Hàng Giáo Phẩm Công Giáo cho một Quốc Gia Việt-Nam chạy dài từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà mau. Dĩ nhiên, không lúc nào có hai Đức Khâm sứ đại diện Đức Thánh Cha tại Việt-Nam như linh mục Cần viết. Để chứng minh, xin mời quý đọc vào địa chỉ:

http://www.catholic-hierarchy.org/diocese/dxxvn.html và Delegation to Viêt Nam, phần ‘Past and Present Ordinaries’ sẽ không thấy tên Đức Cha Giuseppe Caprio.

4. Hiệp hội UCIP tặng thưởng Huy chương Vàng.

Báo "Công Giáo và Dân Tộc" luôn nhắc đến: “Ngày 21-9-2001, Báo CGvDT được hiệp hội UCIP tặng thưởng Huy chương Vàng vì “gương mẫu bảo vệ thông tin, vì nâng cao ý thức công dân, vì bảo vệ những quyền căn bản của mọi người, vì nhiều sáng kiến phục vụ chân lý và vì thăng tiến các giá trị”.....»

Thế mà đến nay, lại có nhiều người lên tiếng dẹp bỏ "Công Giáo và Dân Tộc". Nói về tờ báo công giáo, linh mục Thiện Cẩm than phiền, bài của mính luôn bị cắt xén và bị bỏ hẳn. Vụ nói về Pháp lệnh dịp đó linh mục Cần đi vắng mới đăng được. Báo Người Công Giáo bị phê phán gay gắt vì báo đạo mà toàn nói chuyện đời. Linh mục Thiện Cẩm nói khi vận động TGM Kiệt viết bài, TGM nói, "viết báo ấy cho xấu cả người viết".

Chúng tôi nghĩ đây là câu chuyện giữa nhóm các linh mục ‘Công Giáo và Dân Tộc’ và linh mục Michel Kubler, Chủ tịch Union catholique internationale de la presse, chọn trong hơn 750 nhóm tham dự thi đua năm 2001.