Một số nhận định của bà Saskia Sassen, giáo sư xã hội học về các thành thị toàn cầu

Hồi trung tuần tháng Giêng năm nay - 2008 - bà Saskia Sassen, giáo sư xã hội học thuộc đại học Columbia New York, đã lãnh giải thưởng “Các thế giới di cư - Carige” tại Genova tây bắc Italia, vì đã có công nghiên cứu hiện tượng di cư trên thế giới. Trong dịp này bà cũng đã diễn thuyết tại đại học quốc gia Milano về các đường lối chính trị di cư, và tham sự đại hội về đề tài ”Giới trẻ và người di cư trong các thành phố toàn cầu”.

Nữ giáo sư Saskia Sassen gốc Hòa Lan, lớn lên tại Buenos Aires bên Argentina, và đã từng sống tại Italia một thời gian. Là giáo sư xã hội và kinh tế tại đại học Columbia New York bên Hoa Kỳ, bà Sassen đã là người đầu tiên khám phá ra sự tiến triển của các thành phố toàn cầu và các phân tích về hiện tượng toàn cầu hóa và các tiến trình xuyên quốc, đặc biệt về các vấn đề mới về quyền bính và sự bất bình đẳng, khiến cho bà nổi tiếng trên thế giới. Giáo sư Sassen đã viết nhiều sách, thường được trích dẫn và là các sách nền tảng cho những ai muốn tìm hiểu các thành phố toàn cầu, điển hình như cuốn ”Các thành phố toàn cầu” xuất bản năm 1991, ”Thành phố trong nền kinh tế toàn cầu” xuất bản năm 2004, và mới nhất là cuốn ”Xã hội học của sự toàn cầu hóa” xuất bản năm ngoái 2007. Trong năm 2008 này giáo sư sẽ cho xuất bản cuốn ”Đất đai, nền văn minh, quyền lợi” phân tích tiến hóa của hiện tượng toàn cầu từ thời Trung Cổ cho tới ngày nay.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của bà về các thành phố toàn cầu.

Hỏi: Thưa giáo sư Sassen, các thành phố toàn cầu đã thay đổi ra sao kể từ khi giáo sư đã đưa ra định nghĩa may mắn này?

Đáp: Chúng ta đang bước vào một thực tại rất sinh động không được dư luận công cộng biết tới. Trước hết con số các thành phố toàn cầu đã gia tăng nhiều. Cách đây 20 năm có ít các thành phố toàn cầu và chúng chỉ có ở Âu châu và Hoa Kỳ. Cùng lắm bên Á châu có Tokyo thủ đô Nhật Bản. Ngày nay có khoảng 50 thành phố toàn cầu, kể cả bên châu Mỹ Latinh và Đông Nam Á nữa.

Chúng đang ở trong một giai đoạn tiến hóa cuối cùng. Các thành phố toàn cầu này đã trở thành các khoảng không chiến thuật của nền kinh tế qua các hệ thống tiêu thụ và các trục thu hút tài chánh và không gian. Sự kiện này đã dẫn đưa tới chỗ đạt mức sống tiêu thụ và các mô thức phát triển.

Hỏi: Trong nghĩa nào thưa giáo sư?

Đáp: Tôi muốn nói rằng các tư bản toàn cầu được trang bị bởi các hệ thống hạ tầng cơ sở và các dịch vụ giống nhau, có thể tìm thấy tại Thượng Hải, cũng như tại Sao Paolo và Luân Đôn. Kể cả trên bình diện có thể trông thấy được. Các khách sạn, xe lửa, phi trường, các phương tiện liên lạc, văn phòng và các khu vực sinh sống dành riêng cho cộng đoàn quốc tế của các giới làm ăn đều được trang bị có tầm mức xứng đáng. Nhưng điều mới mẻ trong các năm qua đó là cùng với các dịch vụ giống nhau, còn có thêm sự khác biệt nữa, phát xuất từ một vùng đất đặc biệt. Nếu một đàng sự đua tranh toàn cầu đòi hỏi phải có tất cả các dịch vụ như nhau, thì đàng khác người biết đưa ra thêm cái gì đặc thù của mình cũng được tưởng thưởng. Và ngày nay tiềm năng của sự chuyên biệt này rất là lớn.

Hỏi: Giáo sư có thể trưng dẫn một vài thí dụ điển hình chứng minh cho sự kiện này hay không?

Đáp: Để hiểu thành phố toàn cầu cần phải quan sát những người đang phục hồi lịch sử kinh tế của mình. Thành phố New York lớn hơn Chicago rất nhiều. Thế nhưng hình thức đầu tư đặc thù, là các sức mạnh tương lai, lại thích thách đố nhau tại thị trường của thành phố Chicago, đã trở thành số một trên thế giới trong lãnh vực này hơn cả Wall Street ở New York nữa. Rồi chẳng hạn như New York khác với Luân Đôn. Nó là ”Silicon Valley” của tài chánh toàn cầu và nó đã huy động toàn khả năng hấp dẫn của mình để lôi cuốn các dư án toàn cầu và từ đó xâm lấn Âu châu. Trái lại Luân Đôn thủ đô của Anh quốc đã là thành phố toàn cầu hồi thập niên 1980, là một cánh cửa có khả năng tiếp đón các nhà đầu tư nhỏ, kể cả các nhà đầu tư của các quốc gia ít phát triển. Còn Paris với khả năng khổng lồ tập trung tiền tệ, thì thu hút các nhà tài chánh muốn đầu tư tại Âu châu. Trong khi Franfurt đã hoạt động từ năm 1400 là một trung tâm sử dụng các mạng lưới của mình để đạt các thị trường Hoa Kỳ. Và cứ thế, mỗi người sử dụng các cơ cấu hạ tầng của kỷ nguyên toàn cầu một cách đặc thù.

Hỏi: Thưa giáo sư, theo các dự kiến nhân số trong các thành phố thuộc các quốc gia đang trên đường phát triển, thì sẽ có rất nhiều người sinh sống bất hợp pháp và vì thế là những người nghèo. Giáo sư có đồng ý thế không?

Đáp: Vâng, đó là khuynh hướng trái nghịch của thành phố toàn cầu lớn mạnh một cách vô trật tự. Các xung khắc xã hội sẽ gia tăng. Trong các thành phố toàn cầu các ranh giới sẽ gia tăng, trong đó các chủ thể mới với các lợi nhuận mới sẽ tranh đấu với nhau. Hầu như không ai trong chúng ta biết các căng thẳng thường ngày mà thành phố Thượng Hải phải chứng kiến, với các cuộc nổi dậy xảy ra hằng ngày trong vùng ngoại ô đang phát triển. Tại đây các nông dân sống trong các khu xóm ổ chuột đụng độ với các tiểu điền chủ và với chính quyền thành phố có các cổ phần trên các vùng đất mà giới nông dân đến sống.

Hỏi: Làm thế nào để trở thành công dân có các quyền lợi trong thành phố toàn cầu thưa giáo sư?

Đáp: Cái mới mẻ đó là thành phố toàn cầu sản xuất ra các giới chức chính trị mới không hình thức. Việc toàn cầu hóa, là ra khỏi luật lệ và tự do hóa, đã lấy mất quyền bính khỏi tay Nhà Nước và tạo ra các vùng ra khỏi quốc gia. Nơi đó cơ cấu nhà nước đã không biến mất, nhưng rút lui và tương quan với công dân bị hư hoại. Chẳng hạn tổ chức đa quốc là một thể nhân và là diễn viên mới có các lựa chọn quan trọng đối với cộng đoàn. Nhưng cả một phụ nữ di cư khi phản đối việc kỳ thị con cái của họ ở trường học hay ngoài đường phố, cũng thực hành các thủ tục thương lượng với cảnh sát hay với các giáo viên hoặc với các dịch vụ công cộng, mà không chờ đợi nhiều từ giới chức đại diện cảnh sát hình thức. Nghĩa là họ tự giàn xếp để giải quyết các chuyện của mình. Nhưng các sinh hoạt này mở ra các con đường mới. Thật là điều rất quan trọng, khi các nhóm thiểu số tái khẳng định sự hiện hữu của họ. Chúng ta hãy lấy các băng đảng của giới trẻ vị thành niên của các sắc dân làm thí dụ. Khi được sử dụng một cách tích cực, chúng trở thành các văn phòng công dân trợ giúp giới trẻ ngoại quốc. Chính trị mới này xa lạ với cái sinh động bầu cử, vì người di cư có thể bị loại trừ không được quyền bỏ phiếu, và điều này chỉ có thể có trong một thành phố lớn.

Hỏi: Thưa giáo sư Sassen, Tây Phương đã không thành công trong việc giải quyết vấn đề các làn sóng di cư và việc hội nhập người di cư vào môi trường xã hội. Đâu là các mô thức có thể có thưa giáo sư?

Đáp: Không có các mô thức tổng quát. Chúng ta chỉ phải chú ý tới các hình thức kỳ thị chủng tộc có thể xảy ra. Chúng ta không chỉ được hỏi phải làm gì với tất cả các người di cư này, mà cũng phải tự hỏi xem chúng ta đang đối xử với họ như thế nào. Liên quan tới các làn sóng người di cư, đường lối chính trị xây tường rào cản ngăn của Hoa Kỳ là một thất bại. Vừa qúa tốn kém mà lại vừa vô ích. Cả Liên Hiệp Âu châu cũng gặp khó khăn tại các vùng biên giới giữa các quốc gia thành viên. Trong bối cảnh này tổ chức tội phạm buôn người phát triển. Nếu chúng ta muốn cai quản hiện tượng di cư, thì theo tôi không có giải pháp nào khác là các thỏa hiệp đa quốc và sự cộng tác giữa các quốc gia nơi người di cư bỏ đi và tới. Sau cùng chúng ta cũng phải tự hỏi xem đâu là các lý do thúc đẩy người dân bỏ nhà cửa ruộng vườn và quê hương của họ để ra đi tới một nước khác.

Hỏi: Thưa giáo sư, ngày mùng 6 tháng giêng năm nay, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nhấn mạnh rằng việc toàn cầu hóa là điều xấu xa, vì tạo ra cảnh vô trật tự và không phân phát sự giầu có cho tất cả mọi người một cách bình đẳng... Giáo sư nghĩ sao?

Đáp: Thật là điều quan trọng khi Đức Thánh Cha lên tiếng để bảo vệ những người bị gạt bỏ ngoài lề xã hội. Việc toàn cầu hóa đã giới hạn một số quyền vì lợi lộc của thị trường. Tuy nhiên trong 15 năm qua lịch sử đã chứng minh cho thấy ý thức hệ duy tự do, cho rằng thị trường tự động điều hòa các sự vật cho tốt hơn, đã thất bại tỏ tường.

(Avvenire 16-1-2008)