LỄ GIỖ LẦN THỨ 177 THÁNH PHÊRÔ LÊ TÙY

Sáng nay, ngày 11 tháng 10 năm 2010, tại Trung tâm hành hương giáo họ Bằng Sở- Giáo phận Hà Nội, Đức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã chủ sự Thánh lễ giỗ lần thứ 177 của Thánh Phêrô Lê Tùy. Cùng đồng tế với ngài có gần 60 linh mục, đông đảo nam nữ tu sĩ và hơn hai mươi ngàn khách hành hương lương giáo đến từ khắp các vùng miền.

Xem hình ảnh

Thánh Phêrô Lê Tùy sinh trưởng trong một gia đình nề nếp khá giả tại làng Bằng Sở. Năm 1773, năm cậu mở mắt chào đời cũng là năm hai thánh linh mục Vinh Sơn Liêm và Castanẽda Gia lãnh triều thiên tử đạo tại Hà Nội do án xử của chúa Trịnh Sâm. Cảm kích trước tấm gương hào hùng ấy, khi cậu lớn lên, song thân đã lo liệu gởi cậu theo học tại chủng viện Nam Định. Trong những năm học, cậu tỏ ra rất thông minh, khôn ngoan và đạo đức. Sau khi lãnh chức phó tế, thày Phêrô được cử đi giúp Đức cha De la Mothe Hậu lo việc truyền giáo ở Nghệ An. Ít lâu sau, thày thụ phong linh mục, làm phó xứ Đông Thành, Chân Lộc, rồi làm chính xứ Nam Đường. Trong 30 năm liền, nhà truyền giáo Lê tùy hoạt động công khai đắc lực phục vụ Giáo hội Việt Nam. Đến ngày 6 tháng 1 năm 1833, vua Minh Mạng ra chiếu chỉ cấm đạo trên toàn quốc nên cha phải hoạt động âm thầm trong bóng tối.

Ngày 11 tháng 10 năm 1833, ngày giáo hội thời đó kính Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, cha Tùy tiến ra pháp trường chợ Quân Ban như đi dự hội, vẻ mặt vui hớn hở, đến nỗi dân đi xem và quân lính đều nói: "Xưa nay chưa thấy ai bị đem đi xử mà lại can đảm như thế". Ngài đã được phúc tử vì Danh Đức Giêsu.

Đến ngày 27 tháng 5 năm 1900, Đức Lêo XIII suy tôn cha Phêrô Lê Tùy lên bậc Chân Phước. Ngày 19 tháng 6 năm 1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh. Lễ kính ngài vào ngày 11 tháng 10.

Trong thánh lễ hôm nay, mọi người quy tụ để mừng sinh nhật thứ 177 trên trời của Cha Thánh và để tôn vinh người con ưu tú của quê hương Bằng Sở cũng như của Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam. Cũng ngày 11 tháng 10, Giáo Hội nhắc chúng ta kính chân phước Giáo hoàng Gioan XXIII, vị Giáo hoàng đã khai mạc Công đồng Vatican II và chính ngài đã thiết lập hàng Giáo phẩm Việt Nam cách đây 50 năm mà chúng ta đang long trọng cử hành Năm Thánh. Vì thế, cuộc hành hương của anh chị em trong và ngoài giáo phận hôm nay cũng mang một ý nghĩa đặc biệt đối với Giáo hội tại Việt Nam, Đức Tổng Giám Mục Phêrô đã nói trước khi bước vào Thánh lễ.

"Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu". Trong phần chia sẻ Lời Chúa, Đức Tổng Giám Mục một lần nữa nhấn mạnh đến mẫu gương Thánh Phêrô Lê Tùy qua nhiều gian đoạn cuộc đời ngài:

- Từ thời niên thiếu, thánh nhân được nhận xét là một người "rất thông minh, khôn ngoan và đạo đức"; đó là vốn liếng mà ngài được Chúa cho khi vào chủng viện Nam Định và ngài làm sinh lợi gắp trăm.

- Khi đi làm mục vụ ở nhiều họ đạo khác nhau trong suốt 30 năm, người luôn được đánh giá là "linh mục vui tính, hiền hòa và rất nhiệt thành trong sứ vụ chủ chăn". Đức cha Hậu (De la Motte) đã nhận xét về cha: "Không ai là không hài lòng với cha Tùy".

- Nhân một lần đi xức dầu cho môt bệnh nhân gần chết, ngài bị bắt và bị điệu đến trước mặt quan. Mọi người đều thương và muốn cứu ngài, nên khuyên ngài hãy xưng là y sĩ, đừng xưng là linh mục thì quan có thể cứu được ngai, nhưng ngài từ chối nên bị tống giam vào ngục. Nhiều người đã nhận xét: "Suốt thời gian trong tù, lúc nào cha cũng giữ được nét vui tươi, hồn nhiên, cam đảm trước mọi khổ nhục. Thái độ đó làm nhiều người thán phục."

- Và đứng trước cái chết, ngài rất bình tỉnh và trả lời với người đưa tin: "Bấy lâu nay thật tôi không dám đợi trông ơn lớn lao như vậy". Ngài dùng bữa tối như thường lệ, rồi lặng lẽ một mình, tránh mọi cuộc tiếp xúc để dọn mình lãnh triều thiên tử đạo."

Đức Tổng Giám Mục nói tiếp, là con cháu của thánh Phêrô Lê Tùy, chúng ta hãy nhìn vào gương của ngài để noi theo, và hãy xin ngài cầu bầu cho chúng ta cũng biết sống như ngài để được hưởng phúc chết lành bất cứ cách nào và khi nào như ý định của Chúa.

Cuối Thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục đã ban phúc lành cho dân Chúa và hôn xương thánh Phêrô Lê Tùy, sau ngài là quý cha đồng tế và khách hành hương.