ÁNH SÁNG LẠ

Từ những thập niên cuối của thế kỷ trước, người ta nói rất nhiều về đĩa bay. Đó là những hiện tượng mà người ta nghi rằng từ những hành tinh khác có sự sống văn minh đến thăm trái đất. Có cả một ủy ban làm việc suốt bốn mươi năm nghiên cứu về các dạng đĩa bay. Thế nhưng có một ánh sáng khác còn quan trọng hơn cũng đến từ những hành tinh xa xôi, ban sự sống trực tiếp cho trái đất này, người ta lại ít chú ý, đó là mặt trời. Ánh sáng của vật thể lạ đĩa bay kia, người ta còn chưa kết luận liệu có thật là đến từ một xứ sở có sự sống hay không? Nhưng mặt trời đem ánh sáng, đem sự sống đến cho trái đất này thì là có thật. Việc nghiên cứu đĩa bay để tạo nên một sức hấp dẫn cho các nhà nghiên cứu, tìm hiểu về nguồn gốc của sự sống con người đến từ đâu vẫn là một đề tài luôn luôn được chú ý, theo dõi, nghiên cứu. Vào thời đại của chúng ta thì người ta lại không nghiên cứu sự sống nhiều bằng nghiên cứu văn hóa sự chết, và đó là sự xuống dốc, vì khi người ta không còn để ý đến cuộc sống văn minh của sự sống thì người ta lại bắt đầu rơi vào văn hóa của sự chết, tức là ích kỷ, đam mê hận thù. Vì thế bóng tối nhiều hơn ánh sáng.

Giáo Hội Công Giáo chúng ta mừng lễ Chúa Giáng Sinh theo Tin Mừng của thánh Gioan đã khẳng định: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến trong thế gian và chiếu soi cho mọi người” (Ga 1,9). Ngài đến không phải như đĩa bay đi vào trong quĩ đạo của trái đất. Ngài đến không chỉ là ánh sáng mặt trời trao ban sự sống thể xác cho thế giới. Nhưng Ngài đến trong ánh sáng cứu độ để trao ban sự sống đời đời cho con người. Với một ý nghĩa lớn lao như thế thì việc Ngôi Lời làm người ở giữa chúng ta là một quà tặng vô giá Thiên Chúa trao ban cho con người. Là ánh sáng đi vào trong vùng tối của tâm linh mà không một thứ ánh sáng nào trong vũ trụ này chiếu soi tới, những ngóc ngách của những tâm hồn u tối, những ẩn khuất của những cõi lòng u uất, những nỗi buồn day dứt, những nỗi cô đơn, những thân phận của những con người bị bỏ rơi, bị khinh bỉ trên trái đất này, những người đau khổ vì bệnh tật, vì những thất bại. Họ đã bao trùm cho mình một bóng tối thì ánh sáng của Ngôi Lời hôm nay chiếu soi tận bóng tối đó. Cho nên, ánh sáng mà Thiên Chúa Ngôi Hai nhập thể làm người đem đến cho trần gian hôm nay là một thứ ánh sáng lạ. Thứ ánh sáng này không phải ai cũng thấy. Người ta nhọc công để đi tìm xem có phải là sao chổi hiện ra trên bầu trời vào thời mà ba vị vua kia đi tìm Chúa Hài Đồng không? Người ta cũng nhọc công để xem xem có hiện tượng nào trong vũ trụ này có nhật thực, nguyệt thực của các ngôi sao, các thiên thạch đã từng rơi vào trái đất vào thời ba vua đi tìm Chúa Cứu Thế không? Nhưng người ta quên mất rằng ánh sáng lạ có thể bừng lên từ trong trái tim chứ không phải từ quĩ đạo của trái đất. Và ánh sáng lạ đó đã thôi thúc, đã khiến cho ba vua thao thức đi tìm Chúa Giáng Sinh. Như vậy, có một thứ ánh sáng đi vào trong vùng tối của tâm linh, đi vào trong ngóc ngách của tâm hồn, đi từ trong trái tim của con người bừng tỏa biến họ trở thành những người thiện tâm, thiện chí để đi theo sự thúc đẩy của ánh sáng ấy. Các mục đồng cũng thế, họ là những người được thúc đẩy, ánh sáng ấy đến từ Thiên Chúa, người ta gọi là Thiên Thần đã hiện ra với mục đồng. Họ cũng nhìn thấy ánh sáng lạ đó, có thể bằng mắt thường, có thể không phải mà là bằng con mắt của tâm linh. Thứ ánh sáng đã làm cho con mắt của họ nhận ra dấu chỉ của một Hài Nhi mới sinh bọc trong khăn, đặt nằm trong máng cỏ là Thiên Chúa. Chúng ta đừng vội buồn khi nghĩ rằng thời đại của chúng ta ánh sáng ấy không còn chiếu giãi. Người Kitô hữu hôm nay được ánh sáng ấy chiếu soi trong tâm hồn để nhận ra dưới một hình bánh mỏng mảnh đơn sơ kia lại chính là Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Đó cũng chính là ánh sáng đã chiếu soi để đức tin dạy cho chúng ta nhận ra dưới hình bánh mỏng mảnh ấy là chính Thiên Chúa Ngôi Hai nhập thể làm người và ở cùng chúng ta. Ánh sáng khiến những người Kitô hữu đi vào trong tòa giải tội. Một lời của linh mục đọc lời tha tội mà người hối nhân nhận ra đó là lòng thương xót của Chúa, cánh tay quyền năng của Chúa thực hiện qua tay linh mục tha tội cho họ từ trong lương tâm đang bị đè nặng vì tội lỗi, đang đau khổ vì áp lực của sự dữ bỗng nhiên được giải thoát. Đấy không phải là ánh sáng thiên linh của Chúa chiếu dọi vào trong tâm hồn của họ đó sao?

Người Ki tô hữu hôm nay được mời gọi đi vào xã hội, dẫu có rất nhiều những sự dữ, có rất nhiều những thách đố, nhưng họ được mời gọi sống một đời chân thật, làm chứng cho sự thật như lời Chúa Giêsu tuyên bố trước tòa Philatô: “Ai thuộc về sự thật thì nghe tiếng tôi”(Ga 18,37). Bởi vậy, giữa những sự gian giảo người Kitô hữu phải sống chân thật; giữa những sự hưởng thụ gấp gáp người Kitô hữu đòi hỏi phải sống công chính, quảng đại; giữa những sự mà người ta chỉ biết sống gấp thì người Kitô hữu được mời gọi sống tốt hơn nữa trong cuộc đời này; giữa những điều làm người ta dễ đi đến tuyệt vọng vì đau khổ, vì sự chết, vì thất bại thì người Kitô hữu được mời gọi thánh hóa và tín thác vào Chúa để nhận ra Thập Giá của Chúa ban ơn cứu độ cho mỗi người. Đấy không phải là ánh sáng thiên linh đã đi vào trong vùng tối của con người để biến tâm hồn của họ trở nên hy vọng, trở nên đầy lạc quan sao? Vì vậy, trong bối cảnh của văn hóa của sự chết đang tràn lan khắp nơi khiến cho người ta có thể giết các thai nhi một cách vô tội vạ; khiến cho người ta có thể lao vào nghiện hút coi đó như là một sự say đắm; khiến cho người ta có thể hưởng thụ trên nước mắt của người khác mà vẫn cứ điềm nhiên; khiến cho người ta có thể tìm đủ mọi cách dù là gian giảo, dù là mưu mô, dù là làm khổ người khác khi người ta sản xuất thuốc giả, sản xuất xi măng giả để khiến cho cả công trình hàng tỉ đồng bị sập đổ. Người ta rút ruột công trình để công trình thế kỷ chỉ còn lại trong một vài chục năm rồi hỏng. Người ta sẵn sàng làm tất cả để đạt được cái hưởng thụ. Người Kitô hữu được mời gọi chống lại những điều đó để làm chứng về sự thật. Chúa Giêsu đến trong trần gian là để chặn đứng mọi sự dữ, để xua đi những tội lỗi, để nối lại con đường công chính. Người Kitô hữu dám can đảm chấp nhận tất cả để chống lại những dòng chảy của văn hóa sự chết. Đó không phải là ánh sáng bởi trời mời gọi trỗi dậy như là lời bài hát “Thôi đứng lên nào, theo ánh sáng sao”. Đã có ba vua đi theo. Đã có những mục đồng đi theo và đã có hàng triệu triệu những tâm hồn đi theo. Trong đó có những vị thánh tử đạo đã đi theo bằng cả mạng sống của mình. Đấy không phải là ánh sáng sự sống để làm cho người ta thức dậy và đi theo ánh sáng thiên linh đó sao?

Ngày hôm nay, Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta. Ánh sáng đã che phủ trong thân xác của Hài Nhi Giêsu nhưng không phải là để khuất lấp, mà là để đi sâu hơn nữa vào tâm hồn mỗi người chúng ta. Vì vậy chúng ta vui mừng vì có Thiên Chúa ở cùng chúng ta; chúng ta vui mừng vì thế giới của chúng ta có quá nhiều điều để nói nhưng Thiên Chúa đã đem lại cho chúng ta sự thật. Thiên Chúa đã đem lại cho chúng ta ánh sáng. Thiên Chúa đã đem lại cho chúng ta mẫu mực để căn cứ vào đó, chúng ta xây dựng một thế giới hòa bình, công chính yêu thương và hạnh phúc. Nếu không có Chúa Giêsu Kitô đi vào trong thế giới này, người ta biết lấy ai làm chuẩn để xây dựng một con người công chính? Người ta biết lấy gì để chứng minh cho một định nghĩa thế nào là sự thánh thiện? Người ta biết lấy tiêu chuẩn nào để xác định rằng đây là một ánh sáng của chân lý với ánh sáng của con người tự đặt ra trong các triết thuyết của mình? Như vậy, ánh sáng đã đến trong trần gian này không chỉ ở cùng chúng ta mà còn là để cho chúng ta một mẫu mực, để cho chúng ta được sống lại bằng một cuộc sống mới. Xây dựng một xã hội văn minh, cũng như văn hóa của sự sống, tình thương và trách nhiệm, lương tâm và tâm linh được khơi lên từ chính trong hang đá máng cỏ năm xưa. Từ nay, người Kitô hữu không chỉ dừng bước trước hang đá để nhìn tiêu cực vào đó với bóng tối thâm u của sự chết mà là nhìn thấy đề tài suy niệm rằng từ đây ánh sáng tâm linh xuyên qua sự nghèo khó, xuyên qua sự tối tăm, xuyên qua thần lực của sự dữ để đi vào trong tâm hồn của những người nghèo, của những người thiện chí. Xây dựng từ trong đống đổ nát đó một thế giới của văn minh, của văn hóa sự sống. Hạnh phúc của người Kitô hữu hôm nay là như thế. Là có Chúa ở cùng, là có Chúa đồng hành, là một thế giới được xây dựng nên từ trong đống đổ nát của sự dữ và cho chúng ta một hạnh phúc không chỉ hứa hẹn trong tương lai mà đã bắt đầu ngay từ trong trần gian này.

Hôm nay, người Kitô hữu được mời gọi tiến đến ánh sáng của Ngôi Lời Nhập Thể. Ngôi Lời mà chúng ta được chiêm ngắm qua Hài Nhi Giêsu.

Chúa là ánh sáng rạng ngời

Hôm nay sinh xuống làm người dương gian.

Be-lem ơn phúc ngập tràn

Nguồn ơn cứu độ trao ban loài người.

Xin cho con được Nước Trời.

Xin Cho con sống với Ngôi Lời Giáng Sinh. Amen.