I. CÁC QUY ĐỊNH TỔ CHỨC TUYỂN CỬ TỔNG THỐNG.

Chiếu theo các điều 6, 7 và 58 của Hiến pháp ngày 04.10.1958, Cộng Hòa Pháp Quốc sẽ tiến hành tổ chức tuyển cử Tổng thống vào ngày 22.04.2012, vòng nhì sẽ vào ngày 06.05.2012, nếu cần.

Điều 6. Tổng thống được bầu với nhiệm kỳ năm năm trong một cuộc tuyển cử phổ thông đầu phiếu trực tiếp.
Không ai có thể đảm nhiệm hơn hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Các thể thức để thực hiện điều này được xác định bằng một đạo luật tổ chức (loi organique, luật giải thích việc áp dụng các quy định của Hiến pháp).

1/ Nguyên thủy, Hiến pháp ngày 04.10.1958 ấn định Tổng thống được bầu với nhiệm kỳ bảy năm trong một cuộc đầu phiếu gián tiếp. Cử tri đoàn gồm dân cử hai Viện Lập pháp, các Hội đồng Tỉnh (conseils généraux), các Viện Lãnh địa Hải ngoại (Territoires d'Outre-Mer) và đại diện dân cử các Hội đồng Thành phố, Thị xã.
Sau cuộc Trưng cầu dân ý ngày 28.10.1962 với kết quả 61,75% số phiếu hợp lệ trả lời ‘Oui’ đồng ý chấp thuận việc Tổng thống được bầu trong một cuộc phổ thông đầu phiếu trực tiếp. Ngày 06.11.1962, Luật tổ chức số 62-1292 được Tổng thống Charles de Gaulle ban hành.

2/ Nhiệm kỳ bảy năm và vô hạn định số nhiệm kỳ được giảm còn năm năm bởi tu chỉnh bởi Luật số 2000-964 ngày 02.10.2000, tiếp sau cuộc Trưng cầu dân ý ngày 24.09.2000 với kết quả 73,21% số phiếu hợp lệ trả lời ‘Oui’, tức chấp thuận. Số người tham dự chỉ ở mức 30,19% số cử tri ghi danh. Ngoài ra, số phiếu bất hợp lên cao 16.09% số cử tri tham dự cuộc Trưng cầu dân ý.

3/ Không ‘hơn hai nhiệm kỳ liên tiếp’ được quy định bởi luật tổ chức số 2008-724 ngày 23.07.2008 về tối tân hóa các định chế đệ Ngũ Cộng hòa (Modernisation des institutions de la Ve République), sau khi được Quốc hội thông qua ngày 09.07.2008, Thượng nghị viện ngày 16.07.2008 và Lưỡng viện hợp Congrès ngày 21.07.2008.

Điều 7. Tổng thống được bầu bởi một đa số tuyệt đối phiếu bầu hợp lệ. Nếu không đạt được kết quả này ở vòng bầu cử đầu tiên, thì tiến hành vào ngày mười bốn sau đó, một vòng bầu cử thứ hai. Chỉ hai ứng cử viên thu được số phiếu nhiều nhất trong vòng bầu cử đầu tiên.
Cuộc tuyển cử được mở ra theo lời mời của Chính phủ.
Cuộc bầu cử Tổng thống mới diễn ra ít nhất hai mươi ngày và nhiều nhất ba mươi năm ngày trước khi quyền của Tổng thống đương nhiệm đáo hạn.

[Phần còn lại Điều 7 này đề cập về những trường hợp chức vụ Tổng thống bị khiếm khuyết hay các ứng cử viên thất lộc hay vô năng lực… chưa xảy ra lúc này, xin chưa nhắc đến.]

Điều 58 quy định Hội đồng Hiến pháp trách nhiệm về việc tiến hành các cuộc bầu cử, kiểm tra các khiếu nại và, sau cùng, công bố kết quả cuộc bầu cử.

II.- THÀNH PHẦN THAM DỰ TUYỂN CỬ.

A. Các Cử tri.

Tổng thống được tuyển chọn trong một cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu trực tiếp mở ra cho mọi người :
- đủ 18 tuổi hay hơn trong ngày bầu cử ;
- công dân mang quốc tịch Pháp ;
- hưởng dụng toàn quyền dân sự và chính trị ;
- có tên ghi trong danh sách cử tri.

B. Các Ứng cử viên.

Tổng thống được bầu với nhiệm kỳ năm năm trong một cuộc tuyển cử phổ thông đầu phiếu trực tiếp. Ứng cử viên phải hội đủ:

a./ Các điều kiện về nội dung :
- có ít nhất 18 tuổi (đến năm 2011, bắt buộc phải 23 tuổi, Luật ngày 14.04.2011) ;
- có quốc tịch Pháp ;
- hưởng dụng toàn quyền dân sự và chính trị ;
- có ghi tên trong danh sách cử tri ;
- hợp lệ tình trạng nghĩa vụ quân sự ;
- hoàn thành một tuyên bố tài sản ;
- có một trương mục ngân hàng cho việc tranh cử.

b./ Điều kiện về hình thức : Sự giới thiệu ứng cử viên.
Hồ sơ nộp đơn ứng cử Tổng thống bắt buộc phải đính kèm ít nhất 500 giấy giới thiệu (parrainage = sự đỡ đầu, nhưng ở đây chúng ta tạm dùng chữ ‘giới thiệu’) của các vị dân cử tại ít nhất 30 tỉnh (départements) hay Lãnh địa Hải ngoại (Territoires d'Outre-Mer) và, tại mỗi tỉnh, số người giới thiệu không vượt quá số 10% tổng số vị giới thiệu (tức 50).

* Các dân cử có quyền giới thiệu (khoảng 43.000, con số không chính xác do có những người kiêm nhiệm hơn một chức vụ và một dân cử chỉ được quyền ký giới thiệu cho một ứng cử viên) :
- Thượng nghị sĩ (343 vị) ;
- Dân biểu Quốc hội (577) ;
- Dân biểu Nghị viện Âu châu (73) ;
- Thị trưởng (Maires, 36.635) ;
- Nghị viên Hội đồng Tỉnh (Conseillers généraux, 4.042) ;
- Nghị viên Hội đồng Vùng (Conseillers régionaux, 1.880) ;
- Chủ tịch Liên thành phố (Présidents d’intercommunautés, 2.599).

Các giấy giới thiệu cần thiết phải được nạp tại Hội đồng Hiến pháp trể nhất lúc 18 giờ ngày 16.03.2012 (luật định: 37 ngày trước ngày bầu cử vòng một 22.04.2012).

Hội đồng Hiến pháp bắt thăm chỉ lấy đúng 500 giấy giới thiệu và kiểm soát tính hợp lệ của các giấy này và công bố tên các người ký các giấy giới thiệu này vào ngày 20.03.2012. Các dân cử đã qua đời, chữ ký giới thiệu vẫn có giá trị, nhưng không dự bắt thăm.

** Luật ngày 06.11.1962 qui định để trở thành ứng cử viên ứng cử Tổng thống cần phải được sự giới thiệu của 100 công dân đang giữ một chức vụ dân cử. Tuy nhiên, qua các cuộc bầu cử sau đó, số số ứng cử viên đã gia tăng: năm 1965 (với 6 người), 1969 (7) và 1974 (12). Do đó, luật tổ chức số 62-1292 ngày 18.06.1976 ấn định ứng cử viên tham gia ứng cử Tổng thống phải có sự giới thiệu của ít nhất 500 vị dân cử và Hội đồng Hiến pháp kiểm soát tên họ cùng chức vụ những công dân ký giới thiệu đúng số cần thiết để hợp thức hóa hồ sơ ghi danh ứng cử.

*** Mục đích việc gia tăng số người giới thiệu từ 100 lên 500 là để chận bớt số ứng cử viên ‘theo sở thích riêng’ (candidatures fantaisistes), nhưng kết quả cũng không khả quan lắm. Áp dụng lần đầu năm 1976, chỉ giảm được 2 ứng cử viên so với trước đó, tức còn 10 vị. Năm 2002, lại tăng đến 16 (kỷ lục)… Phải chăng vì vậy, năm đó, đã có ‘động đất chính trị’ (tremblement de terre politique) lúc 20 giờ ngày 21.04.2002 khi các màn ảnh truyền hình truyền đi những dự đoán kết quả tuyển cử Tổng thống mà ông Jean-Marie Lepen Mặt trận Quốc gia (FN, Front National), với 16,86% số phiếu hợp lệ, bước vào vòng nhì với Tổng thống Jacques Chirac, thay vì đương kiêm Thủ tướng Lionel Jospin như các Viện Thống kê tiên đoán trước đó. Lập tức, chấn động làm rung chuyển nước Pháp đã truyền đi cả Liên hiệp Âu châu lẫn nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Dựa vào kinh nghiệm đó, vào năm 2007, đảng Xã hội (PS, Parti Socialiste) đã đề nghị các nhóm chính trị trong đảng cùng tổ chức sơ tuyển (primaires) và ‘ngầm’ yêu cầu dân cử của đảng không giới thiệu ứng cử viên ngoài đảng.

Liên minh vì Phong trào Nhân dân (UMP, Union pour un Mouvement Populaire) có thể cũng đã làm như vậy. Cả hai đảng làm như vậy vì ngại bị chia phiếu cho ứng cử viên, làm giảm khả năng vào vòng nhì vì ông Lepen vẫn còn đó, dù, theo kết quả các cuộc thăm dò dân ý, sự tín nhiệm vào ông đã giảm do ứng cử viên đã hứa thực hiện nhiều điều như ông, năm 2007.

Ngoài ra, các Thị trưởng độc lập (không đảng phái, rất nhiều tại các thành phố nhỏ) cũng không muốn phiền phức vì cử tri tín nhiệm có thể không muốn họ giới thiệu cho ứng cử viên nầy hay ứng cử viên khác, nhất là giới thiệu cho ông Le Pen, bị cho là ‘kỳ thị chủng tộc’. Thêm vào đó, các vị này có thể bị các ‘áp lực chánh trị’ từ các dân cử cấp trên nhìn với đôi mắt thiếu thiện cảm vì bị cho là ‘theo Lepen’, có thể bị giảm hay mất trợ cấp dành cho đơn vị tuyển cử của mình. Thôi thì từ chối cho yên thân. Nhưng, chúng ta hy vọng vẫn có những dân cử người Pháp can đảm thi hành quyền hiến định này.

Mặc dù, lần trước, sau khi chính quyền bị chỉ trích là thiếu dân chủ, ông Brice Hortefeux (UMP), thứ trưởng đặc trách các cơ quan hành chánh địa phương, đã yêu cầu các dân cử giới thiệu cho ông Jean Marie Le Pen và ông Olivier Besancenot (LCR, Ligue Communiste Révolutionnaire, Liên đoàn Cộng sản cách mạng). Phải chăng giới thiệu cho ông Le Pen để tránh tiếng và hy vọng ông Besancenot để chia phiếu bà Ségolène Royal (đảng Xã hội)? Cuối cùng, cả hai ông đều đủ điều kiện để tham gia cuộc bầu cử và đã có 12 ứng cử viên tham dự năm 2007.

Cuộc tuyển cử qua, câu chuyện ‘parrainage’ cũng đi vào quên lửng… ‘Gouverner, c'est prévoir’ (Cầm quyền là phải tiên liệu), Hành pháp (UMP), vớiù một Dự luật (Projet de Loi), và Lập pháp (ngự trị bởi UMP và PS), với một Đề nghị Luật (Proposition de Loi), đã cải thiện vấn đề. Dù vô tình hay cố tình, những người có trách nhiệm đều đáng trách. Do đó, vấn đề lại tranh cải trong lần tuyển cử đang tiến hành.

Vì gặp những khó khăn, do đó, nhiều đề nghị phải cải tổ việc giới thiệu :

1. Chủ tịch Hiệp hội các thị trưởng, Jacques Plissard, ngày 22.02.2007, đã có hai đề nghị :
- tên những dân cử ký giới thiệu không cần phải công bố vì sự nặc danh là một hình thức cho phép thị trưởng được tự do hành động theo lương tâm;
- cho phép thị trưởng ký hai giới thiệu để không biết ông (hay bà) thật sự ủng hộ ứng cử viên nào.

2. Do dân giới thiệu nhưng chưa ai đồng ý bao nhiêu người (từ vài chục ngàn hay một, hai trăm ngàn).

3. Các ứng cử viên đã đạt được số phiếu hơn 5% tổng số phiếu bầu biểu thị trong lần ứng cử trước.

(Còn tiếp)