Đã lâu, nhất là từ ngày được Tòa thánh cho về hưu tại Tòa giám mục Thái Bình, tôi không còn viết về những đất đai tôn giáo đang bị tranh chấp. Và nhiều phía cho rằng, nhà nước đã dùng quyền cưỡng chiếm. Như trước đây, tôi đã từng viết để lên tiếng về vườn hoa Tòa khâm sứ là nơi tôi từng hoạt động và có nhiều liên hệ, hoặc ở Thái Hà là nơi tôi từng hiểu biết và gằn bó với Cha già Giuse Vũ Ngọc Bích…rồi đến vụ Thánh giá Đồng Chiêm cũng là nơi gần gũi với “nơi chôn rau cắt rốn” của tôi trong huyện Hoài Đức, còn những nơi xa xôi như Tam Tòa, Cồn Dầu, Thủ Thiêm, Vĩnh Long…tôi chỉ được nghe đọc trên các báo mạng và không trực tiếp, có những tin tức gì quan trọng và lại đã được sự hướng dẫn của bức thư HĐGM Việt Nam đề ra những nguyên tắc chung và để lại những trách nhiệm cho các chính quyền đạo đời tại địa phương. Nhưng đến nay, tôi thấy sự việc ở Cồn Dầu được nhiều người chú ý, và tình trạng đất đai gây nhiều căng thẳng khiến cho nhiều người phải lên tiếng, nhất là một người con ở Cồn Dầu là Đức cha Phêrô Trần Thanh Chung, nguyên giám mục Kontum.

Vậy những biến cố đó thực hư như thế nào tôi không nắm vững một cách xâu sắc, tôi chỉ xin phát biểu một số ý kiến chủ quan của tôi dựa vào một vài kinh nghiệm riêng tư:

Về đất đai, do chính quyền địa phương chiếm đoạt, thì theo quan điểm công giáo mà chính HĐGM Việt Nam đã lên tiếng là vi phạm vào quyền sở hữu tư nhân đang bị nhà nước chối bỏ “quyền tư hữu”. Đằng khác việc thu hồi đất đai cũng có nhiều dấu hiệu mờ ám như: Đất đó có phải là có sử dụng cho an ninh, quốc phòng, ích lợi công cộng, mà có thể chỉ dành là nơi du lịch sinh thái, thu lợi, kiếm tiền, đằng khác việc đền bù với giá rẻ thấp, sau đó có khả năng chuyển nhượng cho các nhà tư sản khác. Như hiện nay, đã thấy nhiều bản đề rao bán đất hoặc cho thuê tại khu vực Cồn dầu. Nên chăng, chắc chính quyền địa phương phải nắm rõ và giải quyết êm đẹp.

Tôi chỉ xin đưa ra một vài ý kiếm như sau:

Các đất đai xung quanh, kể cả nghĩa địa, rời đi nơi khác ở một số lớn gia đình các giáo dân, còn nhà thờ, nhà xứ vẫn y nguyên. Nếu nhà thờ vẫn còn tồn tại thì dùng để làm gì nếu xung quanh không còn có giáo dân... Còn nghĩa địa, nghe cổ kính tới hơn 300 năm, sao lại không được duy trì tôn tại và giữ lại như các nước trên thế giới như: Ở Pari nước Pháp có một nghĩa địa to lớn ở giữa thành phố, dùng để chôn cất các nhà văn, các nhà có công với đất nước.. Trong thời gian đi du lich, tôi đã từng đến nghĩa trang đó, cùng với một số người, đi thăm quan các ngôi mộ cổ đương thời của các vị văn gia, chính trị nổi tiếng. Ở nước Mỹ nhiều nơi còn lưu giữa các nghĩa địa cổ đó, ví dụ như: Philadelphia, tôi tới thăm một xứ họ, nhà thờ ở giữa một nghĩa trang và nhà xứ, nơi các Linh mục ở ngay lối vào cũng là một dãy các ngôi mộ. Hỏi ra, tôi mới biết theo cổ lệ, giáo dân đi lễ nhà thờ rồi ra ngay nghĩa trang viếng mồ ông bà, cha mẹ mình đã chôn cất, người sống, kẻ chết hiệp thông với nhau, dâng lễ cầu nguyện cho nhau. Đặc biệt nhất, khi tôi tới Toà thánh Vatican, gần sát ngôi thành đường Đến Thánh Phêrô vĩ đại, cách nhà thờ 10m, có một nghĩa trang nho nhỏ của người Đức, cố kính đẹp đẽ, nay vẫn còn được 4 bức tường quay kín, và có một lối đi cho khách thập phương vào kính viếng.

Nói đâu xa, ngay Thành phố Thái Bình, cũng còn lưu giữ một nghĩa trang dành cho các liệt sĩ…nó vẫn còn nằm giữa khu dân cư buôn bán tấp nập hoặc ở những huyện lỵ chung quanh ví dụ: Giáo xứ Văn Lăng, mà tôi đã nhiều lần tới làm lễ, không những bên cạnh nhà thờ, mà còn ngay ở những ngôi nhà mới xây, đằng trước là hai ngôi mộ, đằng sau là nghĩa địa, mở cửa sổ ra là thấy hai ngôi mộ ngay bên cạnh.

Thế thì đứng trước sự thu hồi đất đai, không đúng luật, đền bù không minh bạch nên gặp phản ứng rất quyết liệt, người chết, kẻ sống phiêu bạt đây đó, thì nên chăng việc di rời nghĩa trang đi nơi khác, có phải là biện pháp hợp tình hơp lý chăng và có cách nào thu xếp để đem lại sự bình an cho khu vực.

Thái Bình ngày 14/04/2012.
Nguyên Giám mục Thái Bình