Tranh chấp tài sản tôn giáo ở Trung Quốc

Tiến sĩ Tăng Chuyên Huy nói chính phủ Trung Quốc còn trả tiền thuê đất cho giáo hội

Người Công giáo ở Việt Nam, nhất là các giáo xứ ở Hà Nội, thời gian qua lên tiếng đòi lại những mảnh đất họ nói trước đây của giáo hội.

Chính quyền đã buộc phải hành động gấp rút, biến những nơi tranh chấp thành công viên phục vụ lợi ích công cộng dù các giáo xứ không hài lòng.

Là nước có những điểm khá tương đồng về chính trị và thể chế xã hội, liệu ở Trung Quốc có đang xảy ra những tình trạng này hay không, BBC Việt Ngữ đã hỏi Tiến sĩ nghiên cứu tôn giáo Trung Quốc, Tăng Chuyên Huy:


Ông Tăng Chuyên Huy: Lâu lắm rồi tôi không nghe thấy những vụ việc như thế nữa ở Trung Quốc. Sự bất mãn hiện giờ có chăng là xoay quanh chuyện quyền lực của Công giáo trong xã hội, ví dụ như chuyện chỉ định các giám mục.

Tôi nghĩ việc đòi đất của giáo hội chỉ xảy ra mạnh mẽ cách đây hơn hai chục năm, khi Trung Quốc bắt đầu quá trình đổi mới.

BBC: Cụ thể chuyện đó là như thế nào thưa ông?

TS Tăng Chuyên Huy: Thời kỳ cải cách những năm 50, chính phủ đã tịch thu đất bất kể đó là của Công giáo hay Phật giáo để phục vụ cho các mục đích của nhà nước. Nhưng khoảng 20 năm sau đó, chính phủ dần trả lại các khu đất thuộc về các tôn giáo.

Thậm chí, nhà nước còn trả tiền thuê nếu trên các khu đất đó vẫn còn các công trình đang hoạt động như trường học, tòa nhà chính phủ hay quân sự.

Các nhà thờ cũ giờ thường nằm ở vị trí đẹp trong thành phố, nên nếu chính phủ muốn trưng dụng hoàn toàn họ phải trả tiền theo đúng tỷ giá hiện thời hay cung cấp cho giáo hội các mảnh đất khác có diện tích lớn hơn. Tôi nghĩ phải 80% - 90% tài sản của các giáo hội đã được hoàn trả.


BBC: Vì sao chính phủ Trung Quốc thời kỳ đó lại nhượng bộ, thưa ông?

TS Tăng Chuyên Huy: Hồi đó, người Công giáo ở Trung Quốc liên tục đòi hỏi và yêu cầu trả đất nên chính quyền buộc phải đối thoại và hành động như vậy. Nhưng theo tôi được biết cũng không có nhiều cuộc đối đầu nghiêm trọng lắm.

BBC: Theo ông quan hệ có phần sóng gió giữa Trung Quốc và Vatican liệu sẽ đi tới đâu?

TS Tăng Chuyên Huy: Vatican thực ra muốn cải thiện quan hệ với chính quyền Bắc Kinh. Tôi nghĩ đối thoại cả chính thức và không chính thức đang diễn ra suôn sẻ.

Hồi năm 2005, một số tu sỹ từ Giáo hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc có tới diện kiến Giáo hoàng ở Vatican. Hay mới năm nay thôi, dàn nhạc giao hưởng Trung Quốc cũng đã trình diễn tại Vatican năm nay.

Nhưng nói thật là mối quan hệ này lại phát triển quá chậm chạp.

BBC: Liệu các giáo hội mà chính phủ Trung Quốc coi là ‘ngầm’ sẽ có tiếng nói nào đó trong xã hội không, thưa ông?

TS Tăng Chuyên Huy: Hiện có cả Công giáo chính thống và không thuộc quản lý của nhà nước, vốn thường hoạt động ‘ngầm’ ở Trung Quốc.

Các nhà thờ hoạt động ngầm không muốn nằm trong tầm kiểm soát của nhà nước. Họ vẫn còn bị chính quyền áp chế nên tìm cách lôi kéo những người dân bất mãn trong dân chúng nhằm thách thức chính phủ.

Nhưng tôi nghĩ là không ít giáo hội kiểu này muốn đoàn kết với giáo hội chính thống.

TS Tăng Chuyên Huy hiện là Phó ban Tôn giáo đương đại thuộc Viện Tôn giáo Thế giới, Học viện khoa học Xã hội Trung Quốc. Ông đã có nghiên cứu về ‘Vai trò của tôn giáo trong quá trình hiện đại hóa xã hội Trung Quốc thời kỳ 1978-2004’.