Chân dung người Tôi Trung của Đức Chúa

Người ta làm gì cũng có mục đích. Những việc đơn giản nhất như ăn thì để cho no bụng, uống nước cho hết khát, đi để đến một nơi nào đó, học để trau dồi kiến thức, đi làm để có tiền. Những việc to tát hơn thì cũng có mục đích lớn lao hơn. Xây nhà để làm tổ ấm cho gia đình. Ra trận quyết tử cho tổ quốc quyết sinh.

Bây giờ người ta gán ghép cho cuộc ra đi vào ngày 5-6-1911 từ Bến Nhà Rồng Saigon của Hồ Chí Minh là tìm đường cứu nước. Thật ra sau khi đến Marseille, Pháp ông đã nộp đơn xin vào Trường Hành Chánh Thuộc Địa Pháp để về nước làm quan nhưng bị từ chối. Đơn này vẫn còn được lưu giữ bên Pháp – được làm vua thua làm giặc. (http://en.wikipedia.org/wiki/Ho_Chi_Minh#First_sojourn_in_France)

Nhưng nhiều người lại thờ ơ, phủ nhận điều quan trọng nhất trong đời một con người: tôi sống để làm gì?

Tuy là người cộng sản duy vật vô thần, đứng trước cái chết Hồ Chí Minh cũng quay về bản năng gốc của một người bình thường: sợ chết nếu chết là hết. Chết là hết thì cuộc đời này không có ý nghĩa gì. Con người tha hồ giành giật cấu xé nhau để thụ hưởng cho đã đi kẻo chết là mất hết. Điều này các quan tham cộng sản VN rất giỏi. Nếu chết không phải là hết thì tôi sẽ đi đâu. Hồ Chí Minh là người khôn ngoan. Ông có sáng kiến là đi gặp Mác và Lê-nin (http://hanoi.vnn.vn/chuyen_de/9905/dichuc.html) vốn là lẽ sống của đời ông. Ngày 16/4/05, Vũ Kỳ, người thư ký riêng thân tín của Hồ Chí Minh, qua đời thì nhiều tờ báo tại VN lại đưa tin ông đã đi gặp Hồ Chí Minh để tiếp tục hầu hạ người như khi còn sống (nếu thế thì những người chết oan dưới tay ĐCSVN cũng sẽ đi tìm HCM chăng?)

Những người có lương tri phải nhìn nhận rằng vũ trụ này không thể tự nhiên mà có. Thể nào cũng phải có một Đấng Tạo Thành. Một công trình vĩ đại như thế không thể nào không có một mục đích cũng vĩ đại không kém. Ngài dựng nên vũ trụ này làm gì? Đây là một câu hỏi không bao giờ tìm ra được một câu trả lời thỏa đáng khi nào thời gian còn vẫn trôi đi và con người vẫn còn tiến lên trong lịch sử.

Dân Riêng của Thiên Chúa tức là dân Is-ra-el trong Cựu Ước và Giáo Hội Công Giáo ngày nay luôn được Thiên Chúa liên tục mặc khải ra ý muốn của của Ngài một cách đặc biệt. Lịch sử của dân Is-ra-el và GHCG cho thấy Thiên Chúa luôn dùng các Ngôn Sứ để nói lên ý muốn của Ngài. Trái với sự ngôn khoan của con người, Thiên Chúa không chọn một người tài giỏi nhất, xuất sắc nhất, đạo đức nhất để làm Ngôn Sứ.

Sa-lô-môn phải kêu lên: “Tôi chỉ là một đứa con nít” (1V 3,7) Tình trạng của Mô-sê còn thê thảm hơn, ông bị cà-lăm (nói lắp) mà phải đi loan báo Lời Thiên Chúa sao? “Lạy Chúa, xin xá lỗi cho con, từ hồi nào đến giờ, ngay cả từ lúc Chúa ban lời cho tôi tớ Ngài, con không phải là kẻ có tài ăn nói, vì con cứng miệng cứng lưỡi.” (Xh 4,10).

Trong toàn lịch sử, Dân Thiên Chúa luôn ở dưới sự hướng dẫn của các Ngôn Sứ như thế.

Mặc khải về ý muốn của Thiên Chúa cho từng người và toàn lịch sử lên tới tột đỉnh nơi con người Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa Làm Người.

Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. (Dt 1,1). Khác với các Ngôn Sứ phải đón nhận Lời Thiên Chúa để công bố cho toàn dân. Đức Giê-su còn là chính Lời của Thiên Chúa. Ông Si-môn Phê-rô liền đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68).

Đức Giê-su, với bản tính Thiên Chúa, thì tuyệt đối tốt lành, không hề có một khiếm khuyết nào. Khi người bị lột trần truồng để đóng đinh vào thập giá thì ngay người gian phi chịu đóng đinh với Người cũng phải nhìn nhận: Ông này đâu có làm điều gì trái (Lc 23,41). Người chỉ huy cuộc hành hình của Người còn phải thốt lên: “Người này đích thực là người công chính” (Lc 23,47).

Nhưng Đức Giê-su cũng phải tuân phục theo ý của Thiên Chúa. Vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi (Ga 6,38). Người mang nơi thân mình tất cả những thương tích, đau đớn mà một kiếp người và toàn nhân loại có thể có. Chính vì người phải chịu những thương tích đó nên đau khổ của mọi chúng sinh mới có ý nghĩa, tức là không còn phải là đau khổ nữa, mà đích thực là vinh quang. Thật vậy, Đức Ki-tô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người. Người không hề phạm tội; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối. Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe; nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình. Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành. (1Pr 2,21-25)

Mọi người Công Giáo, nhờ phép Thánh Tẩy, đều mang ơn gọi trở thành Ngôn Sứ giữa dòng đời. Họ đều phải chia sẻ thân phận đau khổ và vinh quang của những Người Tôi Trung:

Tử thi những người tôi tớ Chúa,
chúng đem liệng cho chim trời ăn;
xác những kẻ hiếu trung với Ngài,
lại quẳng làm mồi cho dã thú
(Tv 79,2)

Ta đã nắm tay ngươi,
đã gìn giữ ngươi và đặt làm giao ước với dân,
làm ánh sáng chiếu soi muôn nước,
để mở mắt cho những ai mù loà
(Is 42,6-7)

Để nói với người tù: "Hãy đi ra",
với những kẻ ngồi trong bóng tối: "Hãy ra ngoài
." (Is 49,9)

Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn,
giơ má cho người ta giật râu.
Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ
(Is 50,6)

Dân Ta đã bị đem đi mà không được một đồng,
còn bọn người thống trị thì reo cười hể hả,
và suốt ngày danh Ta không ngớt bị cười chê
! (Is 52,5)

Tôi trung của Ta
mặt mày tan nát chẳng ra người,
không còn dáng vẻ người ta nữa
(Is 52,14)

Xin cám ơn Đức TGM Ngô Quang Kiệt, các giáo sỹ, tu sỹ, giáo dân Hà Nội đã thể hiện vai trò Người Tôi Trung của Đức Chúa giữa đời thường. Quý vị yêu thương ai nhất trên đời này nếu không phải chính những kẻ đàn áp, lăng nhục, bỏ tù quý vị. Họ chính là những kẻ đáng thương nhất vì đang bị mù lòa, kiềm kẹp, khống chế và bị bỏ tù trong dục vọng lầm lạc của mình.

Cột trụ của GHCG không phải chỉ có Phê-rô, Tông Đồ Trưởng, mà còn có Phao-lô, người đã đứng về phe đấu tố và ném đá Tê-pha-nô cho đến chết. Năm 2008, kỉ niệm năm thứ 2000 năm sinh của Phao-lô, đã được GH chọn làm năm của Phao-lô. Chính Đức Giê-su đã tỏ mình ra cho ông. Ta là Giê-su mà ngươi đang bắt bớ! (Cv 9,5) Cầu mong nhờ dòng máu của những Người Tôi Trung, chính trong đám người mất trí cuồng nộ hò hét đập phá kia, những người đang diễn lại Cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su, cảnh tàn sát các tín hữu tiên khởi ngoài hí trường Collosseum của bạo chúa Nê-rô (37-68), cảnh đổ máu của các Thánh Tử Đạo VN, Chúa sẽ lôi kéo về những Phao-lô cho thời đại mới.