THÁI HÀ – NHÌN LẠI ĐỂ ĐI TỚI

Vụ việc Thái Hà tạm lắng. Những biến động bên ngoài tạm yên. Tuy nhiên, những đợt sóng của công lý và hoà bình tiếp tục trào dâng. Khắp mọi miền đất nước các buổi thắp nến cầu nguyện cho công lý và hoà bình tiếp tục dẫy tràn.

Đi đâu, người dân đều nhắc nhở sự kiện Thái Hà như một điểm sáng trong một xã hội ngột ngạt, vàng thau lẫn lộn.

Tới đâu, vụ việc Thái Hà cũng được kể như một “cú hích” làm thay đổi nhận thức của xã hội về công bằng, về sự thật, về tôn giáo và làm thức tỉnh lương tâm của những con người thiện chí mong ước xã hội mỗi ngày một phát triển hơn.

Bên cạnh đó, vụ việc Thái Hà cũng đã làm cho Giáo Hội Việt Nam một lần thấy rằng đức tin không bao giờ tách biệt khỏi cuộc sống đời thường.

Sự kiện Thái Hà giờ đây đã trở thành mối quan tâm của nhiều ngành, nhiều giới. Chưa bao giờ, kể từ năm 1954, một sự kiện tôn giáo lại lôi kéo được sự chú ý của công luận như sự kiện Thái Hà.

Chính quyền thì lúng túng, sử dụng luật rừng.

Giáo quyền thì một lần có cơ hội nhìn lại mình trong sứ mạng ngôn sứ mà Chúa đã giao và một lần biểu lộ cách mạnh mẽ sự hiệp thông vốn thuộc về bản chất của Giáo Hội - sự hiệp thông mà đã từ lâu, do hoàn cảnh, do sợ hãi, đã không được quan tâm đứng mức.

Đối với cộng đồng tín hữu, sau những năm dài sống trong sự phân biệt đối xử tôn giáo, trong bách hại, trong sợ hãi, biến cố Thái Hà làm mở tung cánh cửa sợ hãi. Các tín hữu đường hoàng bước ra khỏi nỗi sợ hãi cố hữu đã gặm nhấm lương tâm của rất nhiều người. Nhiều tín hữu đã được ơn trở lại. Đây có thể coi là một dấu chỉ thiêng liêng Chúa ban cho Giáo Hội làm tiền đề cho một đường hướng mục vụ thời đại của Hội thánh.

Sự kiện Thái Hà đã và đang là mối lo của nhà cầm quyền - một chính thể bất công, thiếu tôn trọng công lý và sự thật, thì cũng đã và đang là dấu chỉ của Tin mừng giữa một thời đại đen tối và tội lỗi. Các vị lãnh đạo trong Hội thánh, các tín hữu Chúa Kitô, giờ đây, được biết đến như một nhân tố mới, quan trọng và cần thiết cho việc xây dựng một xã hội dân sự - nền tảng của một xã hội dân chủ, văn minh.

Những phân tích về tình hình chính trị xã hội gần đây cho thấy: để tiến tới một nền dân chủ, công bằng, cần thiết phải xây dựng một xã hội dân sự, nơi đó, các quyền của con người được tôn trọng. Muốn thế, cần phải qui tụ được sức mạnh của các tổ chức xã hội, các đoàn thể tôn giáo, các tiếng nói đa nguyên, nhưng trên hết phải qui tụ được sức dân.

Giáo Hội Công giáo có thế mạnh là sự hiệp thông trong đức tin. Chính sự hiệp thông này – trong vụ việc Thái Hà và Toà Khâm sứ, đã là một thách thức lớn làm cho các cơ quan công quyền lúng túng, dẫn họ tới những hành vi sai lầm, gây chia rẽ nội bộ làm cho chính thể suy yếu.

Bản Quan điểm của Hội Đống Giám mục Việt Nam gửi Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, lấy lại quan điểm của Công Đồng Vaticanô II, khẳng định vai trò của Giáo Hội trong Xã hội: “Giáo Hội không làm chính trị, nhưng không đứng bên lề xã hội”.

Đức tin Công giáo dạy rằng, Chúa Giêsu nhập thể là để nhập thế. Ngài không đứng bên lề xã hội. Trái lại, Ngài đã mạnh mẽ tố cáo một chế độ xã hội vô luân, bất công, chà đạp lên sự thật và công lý. Ngài đã từng nói với các giới chức lãnh đạo Dothái: “Nòi rắn độc kia”. Với Hêrôđê, Ngài gọi ông là “Con cáo già”. Ngài đã nhập cuộc và dấn thân cho một xã hội tự do và công bằng hơn. Ngài nói: “Tôi đến để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”. Đứng về phía sự thật, về công lý là đứng về phía Chúa Giêsu. Đứng về phía sự thật và công lý cũng là đứng về phía người nghèo, người bị áp bức bất công.

Giáo Hội của Chúa thì không thể không đứng về phía sự thật.

Sứ mạng ngôn sứ của người Công giáo trước hết và trên hết, phải được bắt đầu bằng việc tố cáo những bất công và bằng việc mạnh mẽ công bố một nền hoà bình thực sự trong sự thật và lẽ công bằng theo gương của Chúa Giêsu.

Ngọn nến của Công lý và Hoà bình, giờ đây, đã được thắp lên. Chớ ngủ quên kẻo ngọn nến ấy bị dập tắt.

Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2008