Corpus mysticum [Nhiệm Thể]
Trước chiến tranh, de Lubac đã viết một cuốn sách, tức cuốn Corpus mysticum [Nhiệm Thể], nhưng không thể xuất bản cho đến năm 1944. Ngài được bổ nhiệm làm giám khảo thứ hai cho việc bảo vệ một luận án tiến sĩ về Tổng Phó tế Florius thành Lyons (thế kỷ thứ chín), và vì vậy ngài đã phải đọc kỹ về lịch sử thần học của Bí tích Thánh Thể. Trong khi đi nghỉ ở Aix-en-Provence để hồi phục sức khỏe, ngài đã tận dụng cơ hội, không những để nhiều lần gặp gỡ Maurice Blondel đáng kính, mà còn để nghiên cứu mối liên hệ giữa Thánh Thể và Giáo Hội. Không dựa vào bất cứ ý tưởng có sẵn nào từ các tài liệu thứ cấp, de Lubac mải mê nghiên cứu các nguồn và thực hiện một khám phá đáng lưu ý liên quan đến câu định nghĩa Giáo hội là Corpus Christi (Nhiệm thể Chúa Kitô), như Thánh Phaolô vốn gọi Giáo hội. Trong suốt thiên niên kỷ đầu tiên, nhiều sắc thái chuyên biệt hơn đã được thêm vào ý niệm Corpus Christi. Mình thật của Chúa Kitô, Corpus Christi verum là Giáo hội, thì Corpus Christi mysticum là Thánh Thể. Vào đầu thời kỳ trung cổ, người ta nhấn mạnh hơn đến sự Hiện diện Thực sự của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể, và các tĩnh từ đã được chuyển vị. Giờ đây, Mình Thánh Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể là Corpus Christi verum, trong khi Giáo hội trở thành Corpus Christi mysticum. Trong cuốn sách ngài đặt tựa đề Corpus mysticum (10), de Lubac cho thấy trong những thế kỷ tiếp theo, Giáo hội như một mầu nhiệm đức tin đã dần dần biến mất khỏi tâm thức Kitô hữu như thế nào (11). Việc tái khám phá khái niệm bí tích về Giáo hội này đã dứt khoát dọn đường cho lối hiểu về Giáo hội đã được Công đồng Vatican II thiết lập, trong đó, điều 1 của Lumen gentium, nói: “Giáo Hội ở trong Chúa Kitô như bí tích hoặc dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại”.
____________________________________________________________
Ghi Chú
1 Henri de Lubac, Images de l’abbé Monchanin [Hình ảnh của Cha Monchanin] (1967). Tập sách nhỏ này đã giành được giải thưởng Grand prix catholique de littérature [Đại giải thưởng Văn chương Công Giáo] năm 1968.
2 Henri de Lubac, “Apologétique et théologie” [Khoa Hộ giáo và Thần học], được xuất bản như một tiểu luận trên tạp chí Nouvelle revue théologique (Tân Tạp chí Thần học] năm 1930.
3 Hans Urs von Balthasar, Test Everything, Keep What Is Good [Khảo sát Mọi sự, Giữ lại Những Gì tốt đẹp] (San Francisco: Ignatius Press, 1986), trang 11-12.
4 Xavier Tilliette, “Henri de Lubac achtzigjährig”, Internationale Katholische Zeitschrift Communion 5 [“Henri de Lubac ở tuổi tám mươi ”, Tạp chí Công Giáo Quốc tế Communion 5] (1976): 187, số 12.
5 Victor Fontoynont, SJ. (1880-1958), nguyên là hiệu trưởng nghiên cứu thần học ở Lyons-Fourvière.
6 Jean Daniélou, SJ. (1905-1974), là sinh viên và là bạn của de Lubac. Năm 1943, ngài được bổ nhiệm làm giáo sư về văn học và lịch sử Kitô giáo thời kỳ đầu tại Học viện Công Giáo ở Paris. Ngài đồng sáng lập loạt sách Sources chrétiennes và cộng tác tại Công đồng Vatican II. Năm 1969, ngài được phong Hồng Y.
7 Henri Bouillard, SJ. (1908-1981), là giáo sư thần học tín lý ở Lyons-Fourvière và là tổng biên tập đầu tiên của bộ sách Théologie. Năm 1950, ngài, de Lubac và những người khác bị gọi về Lyons vì nghi ngờ họ đang giảng dạy một “thần học mới”. Năm 1957, ngài lấy một văn bằng tại một trường đại học công lập ở Paris với luận án về Karl Barth. Năm 1967, ngài gia nhập nhân viên giảng huấn của Học viện Công Giáo ở Paris.
8 Yves Congar, O.P. (1904-1995), được bổ nhiệm làm giáo sư thần học tín lý tại học viện của Dòng Đa Minh ở Le Saulchoir vào năm 1931. Từ năm 1956 đến năm 1968, ngài giảng dạy ở Strasbourg, và từ đó về sau, ở Paris. Cùng với de Lubac, năm 1960, ngài được bổ nhiệm vào ủy ban thần học chuẩn bị Công đồng Vatican II. Ngài được phong Hồng Y vào năm 1994.
9 Karl Rahner, tập san Catholicisme, Zeitschrift für Katholische Theologie 63 [Tạp chí Thần học Công Giáo] (1939): 443tt., In lại trong K. Rahner, Sämtliche Werke [Karl Rahner, Tòan tập], vol. 4 (1997), trang 484tt.
10 Henri de Lubac, Corpus mysticum: L’Euchariste et l’Église au Moyen Âge, Etude historique [Nhiệm thể: Than1h thể và Giáo Hội thời Trung cổ] (Paris: Aubier, 1944).
11 Về chủ đề này, xem bên dưới, trang 179-81.
__________________________________________________________________
Thế Chiến hai và cuộc kháng chiến trí thức
Ngày 10 tháng 5 năm 1940, Quân đội Đức bất ngờ xâm chiếm Pháp. Chiến tranh và sự chiếm đóng đã buộc de Lubac phải trốn khỏi Lyons hai lần. Bất chấp những khó khăn bên trong và bên ngoài, đó là thời gian sáng tạo và phong phú. Việc ngài vật lộn trí thức với các ý thức hệ Quốc xã và Mácxít đã dẫn đến những tác phẩm có giá trị vượt xa những dịp khiến sáng tác ra chúng.
Sau khi Paris bị chiếm đóng vào ngày 14 tháng 6 năm 1940, Pháp bị chinh phục. Thống chế Pétain (1856-1951), người đã tạo nên danh tiếng cho chính mình trong Thế Chiến thứ nhất bằng cách bảo vệ thành công Verdun và là người đã nắm giữ các chức vụ chính trị khác nhau kể từ cuộc chiến đó, được Quốc hội bầu làm đệ nhất bộ trưởng (hoặc thủ tướng) vào ngày 16 tháng 6. Ông thương lượng việc ngừng bắn với Hitler tại Compiègne vào ngày 22 tháng 6. Nước Pháp chia thành Vùng phía Bắc bị chiếm đóng và Vùng phía Nam tự do. Vào ngày 11 tháng 7, Pétain còn được bổ nhiệm làm quốc trưởng. Trụ sở chính của Chính phủ Vichy được đặt tại khu nghỉ dưỡng sức khỏe Vichy ở Trung Tâm Massif. Pétain hợp tác một cách hạn chế với thế lực chiếm đóng và ban bố luật theo đường lối Quốc Xã liên quan đến người Do Thái. Song song với chính phủ Vichy, một Ủy ban quốc gia lâm thời của những người Pháp tự do được thành lập tại Luân Đôn dưới sự lãnh đạo của Tướng de Gaulle. Cho đến khi Khu vực phía Nam cũng bị chiếm đóng, Lyons là trung tâm của Nước Pháp Tự do và do đó cũng là trung tâm của cuộc kháng chiến trí thức và chính trị.
Các bản thảo trong rương hành lý của ngài
Vào tháng 6 năm 1940, de Lubac, cùng với một nhóm đồng nghiệp, lần đầu tiên rời Lyons để lên đường đến La Louvesc (nằm ở phía nam Lyons, ở Trung tâm Massif), để trốn tránh quân Đức đang tiến tới. Trong hành lý của mình, ngài mang theo những tài liệu mà ngài đã sưu tầm cho cuốn Surnaturel. Tại vị trí an toàn, ngài sắp đặt các đoạn trích theo thứ tự, và cuốn sách bắt đầu thành hình. Theo hồi ký của de Lubac, nó đã sẵn sàng để xuất bản sớm nhất là vào năm 1941.
Sau khi Pháp đầu hàng và bị phân chia, đường phân giới được vẽ về phía bắc của Lyons, và do đó de Lubac quay trở lại Lyons, và học viện lần đầu tiên được tiếp tục hoạt động như thường lệ. Trong năm học 1941-1942, de Lubac đã giảng về nhà xã hội chủ nghĩa Pháp thời kỳ đầu, là Pierre Joseph Proudhon (1809-1865). Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, ngài đã có thể xuất bản chúng thành sách (1).
Proudhon, người đã cãi nhau dữ dội với Karl Marx vào năm 1848 và cuối cùng chia tay với ông ta, đã mê hoặc de Lubac như một người tìm tòi, mặc dù bề ngoài đi theo những con đường khác và chiến đấu chống lại Giáo hội, nhưng trong suốt quãng đời còn lại của mình, ông vẫn không thể thoát khỏi ý tưởng về Thiên Chúa.
Cuốn sách về Proudhon, dựa trên một loạt các bức thư chưa từng được biết đến trước đây hoặc ít nhất chưa được xuất bản và các tài liệu khác, chưa được đánh giá như là tài liệu nguồn và vẫn là khởi điểm cần thiết cho các nghiên cứu thêm về chủ đề Proudhon và Kitô giáo.
Chiến tranh lan tới Lyons
De Lubac đã minh nhiên bác bỏ rằng ngài đã nhiều lần bị quân Đức bắt giữ, như đôi khi đã được báo cáo. Tuy nhiên, đúng là sau khi quân đội Đức tiến quân vào vùng vẫn được tự do cho đến nay, bao gồm cả Lyons, vào mùa thu năm 1942, ngài phải trốn khỏi thành phố một lần nữa vào năm 1943, vì Gestapo đang tìm kiếm ngài. Lần này ngài tìm được nơi ẩn náu trong một nhà dòng ở Vals (một suối nước khoáng ở phía nam Lyons). Ngài đã sử dụng khoảng thời gian hoàn toàn ẩn dật này để soạn lại và mở rộng cuốn Surnaturel của ngài. “Tận dụng các nguồn tài liệu do thư viện Vals cung cấp, bản thảo đã phình to lên. Khi tôi quay trở lại Lyons ngay sau khi quân đội Đức bỏ đi, nó đã sẵn sàng được chuyển đến nhà in ”(Phục Vụ Giáo Hội, trang 35).
Tuy nhiên, cuốn sách thứ ba có nguồn gốc trong những năm chiến tranh và cho thấy rõ ràng những dấu vết của cuộc kháng chiến trí thức của ngài chống lại chủ nghĩa toàn trị: Le drame de l'humanisme athée (Bi kịch của chủ nghĩa duy nhân bản vô thần), năm 1944, cũng giống như cuốn Catholicisme, là một tác phẩm gồm các tiểu luận thoạt đầu được viết độc lập với nhau. Phần đầu bao gồm một loạt các bài thuyết giảng nửa bí mật dọc theo đường lối chống Quốc xã, trong khi phần thứ hai, thuần nhất hơn, là bài thuyết giảng của ngài về Auguste Comte và khái niệm “tôn giáo tích cực” của nhà văn này; phần thứ ba là sưu tập một số tiểu luận “nhiệt tình nhưng, tôi phải thừa nhận, khá hời hợt” về Dostoyevsky (Phục Vụ Giáo Hội, trang 40). Bản dịch tiếng Đức đầu tiên của Eberhard Steinacker (Die Tragodie des Humanismus ohne Gott [Bi kịch của chủ nghĩa duy nhân bản vô thần] (1950), hiện đã không còn bản in) được thay thế bằng bản tiếng Đức năm 1984 đã được sửa đổi của Hans Urs von Balthasar (2). Bản vừa kể, giống như ấn bản tiếng Pháp được sửa đổi và mở rộng năm 1983, bao gồm như phần phụ lục một tiểu luận khác về chủ đề “Nietzsche như nhà huyền nhiệm học”, mà de Lubac đã xuất bản năm 1950 trong tuyển tập Affrontements mystiques [Các cuộc Đụng độ Huyền nhiệm]. Tiểu luận này, như von Balthasar nhận định, “cũng rất quan trọng đối với sự hiểu biết hiện đại của chúng ta về Nietzsche vì, với sự minh mẫn đặc trưng của mình, Henri de Lubac cố gắng vượt qua hay duy trì câu đố tâm lý về những nỗ lực của Nietzsche đến hoặc duy trì sự mâu thuẫn giữa ‘Overman’ [siêu nhân] và ‘Eternal Return’[luân hồi?] (*)”(Le drame de l'humanisme athée ,trang 10). Ý tưởng căn bản của các tiểu luận cá thể là sự hiểu lầm hoàn toàn bi thảm về chủ nghĩa nhân bản hiện đại, chủ nghĩa này khiến Thiên Chúa và con người chống lại nhau và bắt nguồn từ giả định cho rằng sự phụ thuộc vào Thiên Chúa hạ thấp con người và hủy hoại tự do của họ, đến nỗi con người chỉ có thể đạt được sự vĩ đại thực sự của mình khi họ từ bỏ ý tưởng về Thiên Chúa. Trong một đoạn văn khác, de Lubac quả quyết chủ đề khá súc tích: “Thiên Chúa bị bác bỏ vì đã hạn chế con người, và người ta quên rằng chính mối liên hệ của con người với Thiên Chúa đã ban cho họ “ một thứ vô hạn” nào đó. Thiên Chúa bị bác bỏ vì đã nô dịch con người, và con người quên rằng chính mối liên hệ của con người với Thiên Chúa đã giải thoát họ khỏi mọi nô dịch.... Không có Thiên Chúa, con người bị mất nhân tính ”(DG, tr. 194, 193).
Kháng chiến trí thức, Les Cahiers du Témoignage chrétien
Với cuốn Résistance chrétienne à l’antisémitisme (Kitô giáo đề kháng chủ nghĩa bài Do Thái) (1988) (3), de Lubac có ý định nhắc lại nhiều sáng kiến đa dạng mà các Kitô hữu đã thực hiện để chống lại việc đàn áp người Do Thái và để bảo vệ những nỗ lực đó khỏi những giải thích sai lầm. Dù không nhằm biện minh cho lập trường của mọi giám mục đối với chính phủ Vichy, de Lubac đã dứt khoát phủ nhận rằng ngài là tác giả của một cuốn hồi ký gán cho ngài trong những năm ngay sau cuộc chiến tranh mà giới giám mục Pháp bị chỉ trích dữ dội (4). De Lubac minh nhiên muốn loại kháng chiến chống lại chủ nghĩa Quốc xã của ngài được hiểu là cuộc kháng chiến trí thức chứ không phải chính trị. Điều này càng trở nên cấp thiết đối với ngài, vì lập trường chính trị của nhiều bề trên không hề rõ ràng.
Vào tháng 10 năm 1940, chính phủ Vichy ban hành luật đầu tiên liên quan đến người Do Thái (sẽ có tính hạn chế hơn nữa bằng các biện pháp khác, đặc biệt là những luật được thông qua vào ngày 2 tháng 6 năm 1941). Tất cả người Do Thái ở Pháp buộc phải đăng ký và đeo Ngôi sao Đavít ở nơi công cộng: đây là những biện pháp sơ bộ dẫn đến việc trục xuất và giết người hàng loạt. Giữa những người trở lại Kitô giáo, có sự phân biệt giữa những người được rửa tội trước ngày 25 tháng 6 năm 1940 và những người được rửa tội sau ngày đó. Tại các rạp chiếu phim của Pháp, bộ phim tuyên truyền Jud Süss của Quốc xã đã được trình chiếu. Trong một bản thông báo bí mật gửi cho một trong những bề trên dòng của mình, ngày 25 tháng 4 năm 1941, de Lubac bày tỏ sự ngỡ ngàng của mình trước những thủ tục thấp hèn và vô nhân đạo, theo đó chủ nghĩa bài Do Thái đang cố gắng thu hút người ủng hộ ở Pháp (5). Ngài nhắc lại việc dứt khoát bác bỏ bất cứ hình thức bài Do Thái nào theo Huấn quyền của Giáo hội; ngài chỉ trích ngành lập pháp và cảnh báo chống lại việc xâm nhập của tinh thần độc ác này vào cả các cơ sở tu trì. Bản thông báo đã được các bề trên của ngài đón nhận nồng nhiệt, trừ Cha Norbert Boynes, SJ., Phụ tá Bề trên cả, người đã đến thăm Pháp trong giai đoạn 1940-1942 và phản đối sự thiếu trung thành với chế độ Vichy của nhiều tu sĩ dòng Tên trẻ. De Lubac, một trong những người bị những lời buộc tội này nhắm tới, đã viết một bức thư đầy nhiệt huyết để tự bào chữa gửi cho Bề trên Giám tỉnh của mình (ngày 24 tháng 7 năm 1941), trong đó ngài đấu tranh chống lại những nỗ lực “tống khứ [ngài] khỏi Dòng Tên vĩnh viễn, có thể nói như vậy ”, mà không nêu rõ lý do buộc tội. Ngài khẳng định nhiều lần rằng ngài chưa bao giờ vi phạm hai nguyên tắc vốn quy định tác phong của các tu sĩ Dòng Tên trong các vấn đề chính trị: (1) Các tu sĩ Dòng Tên không được tham gia vào chính trị mà phải làm việc cho Nước Chúa. (2) Lòng trung thành cần có đối với chính phủ phải được phân biệt với lập trường của người ta liên quan đến việc lập luật của nó, về việc này, nhà thần học có thể mạo hiểm để đưa ra phán đoán, đặc biệt vào lúc khi việc thực hành tôn giáo bị đe dọa nghiêm trọng (xem ASC, 245-46 ).
Về khía cạnh trên, chúng ta nên lưu ý, ngoài các tiểu luận đã đề cập trước đây từng được thu thập trong cuốn Bi kịch của Chủ nghĩa Duy Nhân bản Vô thần, việc tham gia của de Lubac trong dự án mang tên Cahiers du Témoignage chrétien (Tập san Chứng từ Kitô giáo), do Cha Pierre Chaillet, SJ cầm đầu. Vào mùa thu năm 1941, tập đầu tiên xuất hiện. Nó mang tựa đề France, prends garde de perdre ton âme (Hỡi Nước Pháp, hãy cẩn thận kẻo mất linh hồn) và được viết hoàn toàn bởi Cha Gaston Fessard, SJ. Các tập khác sau đó nhanh chóng xuất hiện liên tiếp. De Lubac không những viết cho bộ này (ẩn danh), để không ai xác định được quyền tác giả của những đóng góp đặc thù, mà còn cẩn thận duyệt từng tập và thậm chí đọc các bản in thử. Chúng giả thiết phải duy trì một tiêu chuẩn bác học cao, đồng thời thể hiện lòng trung thành hoàn toàn với Giáo Hội Công Giáo.
Tổng Giám mục Paris, Đức Hồng Y Jean-Marie Lustiger, nhớ lại rằng ngài đã tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 50 giải phóng Paris (năm 1944) bằng cách cử hành Thánh lễ Tạ ơn tại Nhà thờ Đức Bà Paris vào tháng 8 năm 1984:
“Vào ngày đó, tôi đã có duyên được Đức Hồng Y de Lubac ở bên cạnh, và tôi có thể trích dẫn một số bài báo của ngài mà trong thời chiến đã xuất hiện trên tạp chí hầm trú Témoignage chrétien (Chứng từ Kitô giáo) và điều đó mang lại vinh dự lớn cho Giáo hội. Các bản văn linh đạo và thần học này cũng có tính chính trị, theo nghĩa mạnh nhất của từ này; chúng nói tới việc tôn trọng con người và việc phủ nhận sự sùng bái ngẫu tượng. Chính sự kiện, bốn mươi năm sau, Đức Hồng Y de Lubac và tôi đã đồng tế thánh lễ đó tại nhà thờ Đức Bà Paris với sự hiện diện của các viên chức chính phủ có nghĩa là một phán quyết đã được thông qua đối với thời kỳ đó — và đối với tôi điều đó dường như rất quan trọng ”(6).
Trong một số của tập san Témoignage chrétien, các biên tập viên đã công bố bản văn sau đây của Giám mục Berlin, tức Bá tước Konrad von Preysing (7), người, trong thời Đệ tam Quốc xã, là một trong những nhà lãnh đạo Giáo hội can đảm đứng ở tiền tuyến trong cuộc chiến tâm linh của Giáo hội chống lại chế độ Quốc Xã ở Đức.
“Chúng ta không thể nghi ngờ gì nữa: chúng ta là những Kitô hữu, dấn thân vào một trận chiến cam go. Chống chúng ta, một tôn giáo khát máu đang trỗi dậy. Các dấu hiệu chiến đấu đang nhấp nháy ở khắp mọi nơi, khắp mọi nơi từ việc khinh bỉ bác bỏ giáo lý của Chúa Kitô đến lòng căm thù say sưa và lộ liễu. Một loạt các tuyên bố [hàng loạt các cáo buộc] vay mượn từ cả lịch sử lẫn hiện tại đang tràn dâng chống chúng ta. Mục tiêu của trận chiến rất rõ ràng: đó là việc đàn áp và trục xuất Kitô giáo. Một tiếng reo vui mừng chiến thắng đang dấy lên từ hàng ngũ chống Kitô giáo (ASC, trang 51-52) ”.
Hai năm sau khi chiến tranh kết thúc, vào thứ Bảy, ngày 30 tháng 8 năm 1947, de Lubac gặp Đức Giám Mục Konrad von Preysing tại Berlin: “Khi, vào năm 1947, tại Berlin, tôi có cuộc trò chuyện với Đức Cha von Preysing, chúng tôi ôm nhau lòng đầy xúc động, nói rằng, từ cả hai phía, chúng tôi đã lãnh đạo cùng một cuộc chiến, chống lại cùng một kẻ thù của Chúa Kitô, với cùng một vũ khí thiêng liêng” (ASC, trang 51). Theo Herbert Vorgrimler (8), de Lubac coi cuộc gặp gỡ của ngài với Đức Cha von Preysing và cuộc trao đổi của họ về chủ đề Kháng chiến là một trong những “sự kiện quan trọng nhất trong cuộc đời ngài”.
Sau chiến tranh von Preysing là giám mục của một thành phố bị chia cắt, nửa phía Đông của thành phố này từng được giải phóng khỏi một chế độ độc tài toàn trị để rồi lại nằm dưới sự thống trị của một chế độ độc tài khác. Trong một lá thư mục vụ vào năm 1949 về mối liên hệ của con người hiện đại với Thiên Chúa, ngài đã trích dẫn gần như từng chữ những phân tích của de Lubac từ cuốn Bi kịch của Chủ nghĩa Duy Nhân bản Vô thần. “Trong hơn một trăm năm nay, thế giới hiện đại từng mơ ước và nói về một cuộc giải phóng hoàn toàn của con người. Người ta vốn tin rằng ý tưởng về Thiên Chúa là trở ngại cho việc phát triển tự do của con người, việc giải phóng con người không thể khả hữu nếu không có sự giải phóng khỏi Thiên Chúa. Chúng ta đang đứng trước những tàn tích mà quá trình giải phóng con người đã mang lại. Những tàn tích hữu hình, rờ mó được, nhưng đau đớn hơn: đó là tàn tích tinh thần” (9).
Những đám mây đen của chiến tranh đã gần như tan biến khi những nghi ngờ về tính chính thống của de Lubac lại trồi lên. Trận bão bùng phát vào năm 1946.
______________________________________________
Ghi Chú
(*)Eternal return (Tiếng Đức: Ewige Wiederkunft; cũng gọi là eternal recurrence) là một khái niệm cho rằng vũ trụ và mọi hiện hữu và năng lực đều đã tái xuất hiện, và sẽ tiếp tục tái xuất hiện, vô tận lần trong thời gian hoặc không gian bất tận.
1 Henri de Lubac, Proudhon et le christianisme (Proudhon và Kitô giáo] (1945). Bản tiếng Anh: The Un-Marxian Socialist: A Study of Proudhon [Một nhà duy xã hội Phi Máxxít: Một Nghiên cứu về Proudhon] của R. E. Scantlebury (New York: Sheed & Ward, 1948).
2 Henri de Lubac, Le Drame de l’humanisme athée [Bi kịch của Chủ Nghĩa Duy Nhân bản Vô thần] (1944); Bản tiếng Đức Über Gott hinaus: Tragödie des Atheistischen Humanismus [Bên ngoài Thiên Chúa: Thảm kịch của Chủ nghĩa Duy Nhân bản Vô thần] của Hans Urs von Balthasar (1984). Bản tiếng Anh: The Drama of Atheist Humanism [Bi kịch của Chủ Nghĩa Duy Nhân bản Vô thần], của Edith M. Riley (New York: Sheed & Ward, 1950); của Albert Wimmer (San Francisco: Nhà xuất bản Ignatius, 1995). Ấn bản năm 1995 được trích dẫn ở đây là DAH.
3 Henri de Lubac, Christian Resistance to Anti-Semitism: Memories from 1940-1944 [Kitô giáo phản kháng chống lại chủ nghĩa bài Do Thái: Các Hồi ký từ năm 1940-1944], Bản tiếng Anh của Elizabeth Englund (San Francisco: Ignatius Press, 1990). Được trích dẫn là CR.
4 Jacques Prévotat, “Les Évêques sous l’Occupation: un démenti du cardinal de Lubac” [Các Giám Mục thời Chiếm đóng: Lời Cải chính của Đức Hồng Y de Lubac], Communio (ấn bản tiếng Pháp), 17 (1992): 126-32.
5 Bản thông tri của Henri de Lubac chống lại chủ nghĩa bài Do Thái đã được công bố toàn bộ trong Jean Chelini, L’Eglise sous Pie XII: la Tourmente [Giáo Hội dưới thời Đức Piô XII: Sóng gió ba đào], 1939-1945 (1983), trang 295-310. Các đoạn trích cũng được in trong CR, tr. 251.
6 Xem Jean-Marie Lustiger, Choosing God, Chosen by God [Chọn Chúa, Được Chúa chọn] (San Francisco: Ignatius Press, 1991), trang 89-90. Lustiger, sinh là người Do Thái năm 1926, được rửa tội vào ngày 25 tháng 8 năm 1940, sau khi được Giám mục Courcoux của Orleans giảng dạy. Năm 1979, chính ngài được phong làm Giám mục Orleans; và năm 1980, Tổng Giám mục Paris. Năm 1983 (cùng với de Lubac), ngài được phong Hồng Y. Mẹ của Lustiger bị sát hại vào năm 1943 ở trại Auschwitz.
7 Konrad von Preysing (1880-1950) trở thành Giám mục Eichstätt năm 1932, Giám mục Berlin năm 1935; và ngài được phong Hồng Y năm 1946.
8 Herbert Vorgrimler, “Henri de Lubac”, trong Hans Jürgen Schultz, chủ biên, Tendenzen der Theologie im 20. Jahrhundert: Eine Geschichte in Portraits [Xu hướng thần học thế kỷ XX: lịch sử trong các phác thảo tiểu sử] (1966), tr. 419.
9 Trích dẫn từ Stephan Adam, Bischof Konrad von Preysing [Giám mục Konrad von Preysing] (1996), trang 190tt., số 812.
Kỳ sau: Một nền “Thần học Mới”?