Chương Mười: Sự hiện diện vô hình trong Giáo Hội hữu hình và sự hiện diện vô hình của Giáo Hội hữu hình



I. Các nhận xét sơ khởi

Không có sự cứu rỗi bên ngoài Giáo hội, một công thức có ý nghĩa kép

1. "Không có sự cứu rỗi nào bên ngoài Giáo hội," - đây là một công thức hết sức mơ hồ. Vì người ta có thể hiểu nó theo hai nghĩa: hoặc là một khẳng định sai lầm giam hãm tâm trí trong ngục tối, nơi nó tin rằng nó buộc phải làm tuyệt vọng tất cả những người không phải là của chúng ta, hoặc là việc tuyên bố một chân lý thánh thiện trong đó chúng ta nuôi hy vọng đối với tất cả những người không phải là của chúng ta.

2. Trong nghĩa đầu tiên, công thức được đề cập có nghĩa là: "Không có sự cứu rỗi nào cho những ai không thuộc về Giáo Hội hữu hình một cách hữu hình." Thật không may, ý nghĩa đầu tiên này đã thịnh hành trong một thời gian dài. Người ta nói rằng Thánh Phanxicô de Sales đã khóc khi nghĩ rằng tất cả những người Thệ phản sẽ bị trầm luân. Nó lẫn lộn con người, thành viên chủ thể nhân bản trong một gia đình thiêng liêng không Công Giáo, và tội lạc giáo được xem xét một cách trừu tượng trong chính nó.

Theo nghĩa thứ hai, công thức được đề cập có nghĩa là: "Không có ơn cứu độ nào cho những ai không thuộc về Giáo hội hữu hình một cách hữu hình hay một cách vô hình." Và những người sau chắc chắn là vô số, gồm những người không phải là Kitô hữu cũng như những Kitô hữu không phải là Công Giáo: vì Giáo hội của Chúa Kitô mở rộng một cách vô hình ra ngoài giới hạn hữu hình của mình, và ôm ấp trong lòng tất cả những ai được cứu vớt bởi ân sủng của Chúa Kitô, ngay cả khi họ không biết Người, hoặc biết Người một cách kém cỏi, hoặc, vì bất cứ lý do gì mà lịch sử nhân loại tuy nghèo nàn nhưng không hiếm lời nói vê, tổ tiên của họ đã tách mình ra khỏi Giáo hội mà Phêrô, qua vị kế nhiệm của ngài, vẫn tiếp tục là vị lãnh đạo ở đây trên trái đất này, nói cách khác khỏi ngôi vị của Giáo hội dưới tình trạng trần thế của mình {1}.

Đôi Lời Về Ba Gia Đình Tâm Linh Lớn Không Phải Kitô Giáo

Đôi lời này là nhận xét sơ bộ thứ hai, - một loại lời nói đầu, dài hơn tôi muốn; để biết chút đỉnh về việc chúng ta đang nói về ai, tôi sẽ cố gắng phác họa những đặc điểm quan trọng, theo quan điểm của riêng tôi{2}, về một số gia đình tâm linh vĩ đại mà về họ các nghiên cứu tôn giáo so sánh ngày nay đã mở rộng nhiều nhận thức cho thế giới phương Tây một cách quý giá.

Chắc chắn tôi muốn chú ý trước tiên đến các tôn giáo nguyên thủy, và những tôn giáo nguyên thủy nhất trong số đó. Nhưng tôi thú nhận là không có đủ thông tin liên quan đến họ. Bên cạnh đó, chúng ta có ít dữ liệu về những người thượng cổ. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng họ "là những nghệ sĩ vĩ đại, những nhà quan sát đáng kể, những nghệ nhân thông minh" và, như Norbert Casteret khẳng định, là "những con người quan tâm đến linh đạo"{3}.

Dù sao, ở đây, khi nghĩ tới các gia đình tôn giáo không phải là Kitô giáo, điều khiến tôi quan tâm không phải là các tôn giáo nguyên thủy; mà trước hết là ba đại gia đình được tạo thành bởi Bà La Môn giáo, Phật giáo và Hồi giáo.

Đạo Bà la môn

1. Điều chủ yếu đối với một tôn giáo liên kết con người với nhau, và với Thiên Chúa, bằng một "đức tin" chung vào các chân lý thánh thiêng (chữ "đức tin" bao hàm nhiều sự đa dạng loại suy). Bà la môn giáo {4} là một tôn giáo theo nghĩa chặt chẽ của hạn từ này, và là tôn giáo cao qúy nhất mà con người đã đạt tới mà không cần sự trợ giúp của Mạc khải thừa hưởng từ Ápraham và từ Môsê{5}, do đó chỉ do lòng khát khao thể Tuyệt đối, Nguyên nhân của hữu thể, điều mà con người mang trong mình một cách tự nhiên{6}, và nỗ lực đã khơi dậy như thế trong tâm trí họ để hòa nhập vào thể Tuyệt đối này một cách nào đó.



Điều này có nghĩa là tại nguồn gốc của tôn giáo Bà La Môn có một đà đẩy [élan] của "huyền nhiệm học tự nhiên" với những khát vọng cao nhất của nó.

Một dấu ngoặc ở đây, để giải quyết vấn đề từ vựng. Đầu tiên, chữ "huyền nhiệm" mà tôi gọi là kinh nghiệm "thần bí", nói chung, bất cứ trải nghiệm sinh hoa trái nào về thể tuyệt đối. Sau đó, thành ngữ "huyền nhiệm học tự nhiên", chắc chắn không thích đáng lắm. Chúng ta hãy nhớ lại rằng có một "huyền nhiệm học siêu nhiên" - là huyền nhiệm học, trong đó, nhờ các hồng phúc của ân sủng và của Chúa Thánh Thần, linh hồn đi vào những cõi sâu thẳm của Thiên Chúa: người ta cũng có thể gọi đó là huyền nhiệm học về sự kết hợp của tình yêu. Trái ngược với huyền nhiệm học siêu nhiên này, "huyền nhiệm học tự nhiên" mà tôi đang nói ở đây là do các lực lượng duy nhất của bản chất con người vượt qua chính nó, vượt ra ngoài bất cứ khái niệm nào và vượt ra ngoài bất cứ việc làm nào của lý trí; có lẽ tốt hơn nên gọi nó là huyền nhiệm giải thoát, hay huyền nhiệm học tránh thời gian.

Tôi đã bàn tới nó trong một tiểu luận, trong đó, ít nhất dưới mắt tôi, có một số quan điểm quan trọng, và trong đó tôi hoàn toàn chú ý tới Ấn Độ giáo. Trải nghiệm huyền nhiệm của họ không có gì liên quan đến việc đi vào những cõi sâu thẳm của Thiên Chúa{7}.Tôi đã mô tả nó như một trải nghiệm hoàn toàn trí thức về sự hiện hữu thuần túy có tính bản thể của bản ngã, trong đó, bằng một thao tác kiên trì, trở lại diễn trình bình thường của hoạt động trí tuệ, linh hồn tự trút bỏ hết mọi hoạt động cụ thể và mọi tính đa dạng, và nhờ việc xóa bỏ mọi hành động ý tưởng này, đạt được và biết trong đêm tối, vượt quá mọi khái niệm, điều kỳ diệu siêu hình đó, thể tuyệt đối đó, sự hoàn hảo đó của mọi hành động và của mọi sự hoàn hảo, vốn là sự hiện hữu, sự hiện hữu có tính bản thể của riêng nó{8}. Chúng ta nên lưu ý điều này: việc xóa bỏ mọi hành động suy nghĩ mà ta đang bàn ở đây tự nó là một hành vi của linh hồn, độc đáo trong loại của nó và cực kỳ quan trọng{9}.

2. Một thứ huyền nhiệm học về sự giải thoát như thế, có khuynh hướng hướng tới thể Tuyệt đối thần linh và, một cách trung gian nhưng không có bất cứ suy luận thuần lý nào, đạt tới Nguyên nhân của hữu thể nhờ và trong kinh nghiệm siêu ý niệm [supra-conceptuelle] của thể tuyệt đối hữu hạn này: sự hiện hữu thuần túy của bản ngã con người{10}, mà theo ý kiến của tôi, đối với nhà triết học (tôi không nói với nhà sử học), đây là yếu tố đầu tiên được xem xét trong Ấn Độ giáo, giải trình cho lực đẩy sâu sắc nhất của nó.

Yếu tố thứ hai cần được xem xét là suy đoán siêu hình mà lực đẩy trên từng trải qua và xây dựng các hệ thống vĩ đại của nó với mục đích hoàn thành bản thân trong trải nghiệm mà nó vốn hướng tới (mặc dù việc vừa nói sau đó đã mang nhiều khía cạnh mới mẻ, như đã xẩy ra với giả định các khía cạnh mới, như nó xảy ra với bhakti [qui ngưỡng]){11}. Mặc dù Véda [phệ đàn] và Védânta [phái Phệ đàn đa] được cho là được mạc khải, nhưng "sự mặc khải" này (scruti), trong đó cũng có những tác phẩm của các nhà hiền triết đến sau (nó được kéo dài qua Upanishad [ưu bà ni sa đà]) và không hề được trình bầy như lời của Thiên Chúa được truyền tới chúng ta, mà là một chân lý phi thời gian được những người được linh hứng cảm nhận, tự để cho mình có những cách giải thích khác nhau từ nền tảng đến mức "thần học" của Ấn Độ giáo chỉ mang lấy những chiều kích của nó trong siêu hình học, hay đúng hơn nhiều nền siêu hình học của tôn giáo này{12}: một siêu hình học cao hơn siêu hình học của Aristốt và siêu hình học của triết học [falsafa] Hồi giáo, nhưng, vì trong yếu tính vốn có tính tôn giáo, và sử dụng các khái niệm với mục đích cuối cùng vượt quá chúng, thực tế đã có thể leo lên dãy Hi mã lạp sơn của họ chỉ bằng cách đi qua bóng tối và nhận được sự hỗ trợ ít nhiều bí mật của Trí Tưởng tượng và Thần thoại.

Như thế, họ tiến xa mà không cần đến sự nghiêm khắc mà một công việc thuần túy lý trí thường đòi hỏi. Hơn nữa, tuy không có ý niệm nào về sự tự do tuyệt đối của hành vi sáng tạo (đối với họ vũ trụ là biểu hiện cần thiết của lòng rộng lượng của Thiên Chúa), họ chắc chắn có xu hướng thừa nhận tính siêu việt của Thiên Chúa nhưng không thực sự đạt tới nó (linh hồn con người là một thể thức của Hữu thể thần linh; bao lâu về mặt tâm linh, nó cũng có cùng bản tính với Người; Người có một cơ thể vũ trụ...). Bản ngã (âtman), trong căn bản, y như nhau nơi Thiên Chúa và nơi con người, mặc dù nơi Thiên Chúa không hề có sự bất toàn và tương đối.

3. Cuối cùng, chúng ta biết rằng suy đoán siêu hình tự bản thân nó là một điều khó khăn. Mặt khác, để đạt tới trải nghiệm huyền nhiệm của trật tự tự nhiên, chẳng hạn như kinh nghiệm giải thoát, điều cần là phải sử dụng các kỹ thuật và kỷ luật rất nghiêm ngặt, và đòi hỏi, từ các năng lực trong bản chất của chúng ta, một nỗ lực tập trung suy niệm kéo dài bất tận, một điều không nằm trong tầm với của đại chúng.

Các nhà tư tưởng vĩ đại của Ấn Độ giáo đã đưa nỗ lực này lên quá cao đến mức đa số con người không thể sống ở bình diện này. Chúng ta đừng ngạc nhiên rằng trong quần chúng bình dân, nó đã nhanh chóng trở thành một thứ sùng bái ngẫu thần, trong đó có rất nhiều nam thần và nữ thần và coi con người rất thấp.

Đạo Phật

1. Phật giáo là một tôn giáo chỉ theo nghĩa mở rộng - rất mở rộng - của hạn từ này{13}. Trên hết, nó là một kỷ luật về tác phong và trị liệu tâm thức, một chế độ xa lánh mọi thứ cần được thực hành một cách liên tục (ít nhất bởi các khất sĩ [bikkhus], nếu không phải bởi quần chúng những người được rất nhiều công đức khi cúng dường cho họ). Trong đạo Phật, ngày càng đòi hỏi phải xác tín sâu sắc hơn rằng mọi sự đều là huyễn hoặc, phải thiền định rất lâu dài, phải tuân hành các quy tắc tỉ mỉ, và, trong Phật giáo "Đại thừa", phải có một lòng từ bi phổ quát do kinh nghiệm hoàn toàn về sự hư ảo của mọi sự: tất cả những điều này nhằm mục đích lôi kéo những người cuối cùng được giải thoát không những ra khỏi những đau khổ của cuộc sống trong thời gian, mà phân tích đến cùng, ra khỏi thân phận con người, và thậm chí ra khỏi thân phận hiện hữu. Xin cứu chúng con, chúng con cầu xin ngài, khỏi đại dương hiện hữu, như người ta đã hát trong một bài thánh ca Tây Tạng{14}.



Hoàn toàn trái ngược với trải nghiệm của người Bà La Môn về mukti, hay giải thoát (mà tôi đã mô tả ở trên như là một trải nghiệm trong đêm về sự hiện hữu thuần túy của bản ngã, qua nó và trong nó - do đó, một cách trung gian nhưng không có bất cứ khái niệm hay suy luận thuần lý nào - có sự nhận thức trong đêm về sự hiện hữu của Nguyên nhân hữu thể, hoặc của Bản ngã thần linh), kinh nghiệm Phật giáo về giải thoát, việc nhập vào nibbana (đây là từ tiếng Phạn) hoặc nirvâna [niết bàn] (đây là từ tiếng Sanscrit), theo quan điểm trong bài tiểu luận của chúng tôi về huyền nhiệm học tự nhiên, phải được được mô tả như một kinh nghiệm trong đêm về sự không hiện hữu của bản ngã, do chính lý do của chủ nghĩa hiện tượng triệt để được Phật giáo tuyên xưng.

Và đó là điều thay đổi nhiều điều. Tôi đã lưu ý ở trên rằng trong kinh nghiệm của người Ấn độ, việc xóa bỏ mọi hành vi suy nghĩ tự nó là một hành vi, một hành động cực kỳ quan yếu qua các phương tiện nhờ đó, linh hồn đạt được trong đêm sự hiện hữu (esse) thuần túy của bản ngã. Bây giờ một hành vi như vậy, một hành vi trong đó thực tại của bản ngã đạt tới cao điểm, rõ ràng nằm ngoài vấn đề, vì không có bản ngã. Và đối với sự thay đổi liên tục các hành vi chỉ là hiện tượng thuần túy của sự trở thành ảo ảnh, thì đó chính là điều cần phải vượt qua. Làm thế nào như vậy được? Một triết gia có quyền đặt câu hỏi này. Quả thực, có vẻ như điều thực sự được đòi hỏi chỉ có thể là sự biến mất hoàn toàn của Tinh thần. Và người ta không cảm nghiệm được sự biến mất của tinh thần này.

2. Việc chăm chỉ luyện tập thiền về bất cứ điều gì, có thể là về một hạn từ đơn nhất được lặp đi lặp lại vô thời hạn, - và trên hết là về tính vô thường của sự vật, - có thể dẫn đến một lượng khôn ngoan đáng kể, một lượng dũng cảm, đôi khi lượng dũng cảm anh hùng. Như thế, người ta nhận thấy trong số các nhà sư Phật giáo những nhân vật vĩ đại, những người làm rạng danh nhân loại.

Nhưng phải nói gì về thuật ngữ cuối cùng mà tất cả nỗ lực thiền định hướng tới? Việc đi vào cõi niết bàn, giả sử người ta đạt tới nó bằng cách sử dụng lâu dài các kỹ thuật thích đáng, có thể là một trải nghiệm huyền nhiệm về giải thoát chỉ bằng cái giá sống một mâu thuẫn: vì chính bằng một hành vi trong đó, trên thực tế thực sự, thực tại bản ngã lên đến cao điểm, mà linh hồn được ngây ngất trong sự không hiện hữu của bản ngã.

Tôi chắc chắn sẽ không dám mạo hiểm thử khám phá xem Zen [thiền] bao gồm những gì, - điều mà mọi bức màn của Phương Đông đều bảo vệ khỏi những ánh nhìn thiếu cân nhắc. Hơn nữa, làm thế nào người ta có thể tự hỏi mình việc bác bỏ tính nhất quán cho bất cứ điều gì hệ ở điều gì? Michel Perrin đã mạo hiểm việc này; trong một cuộc trò chuyện với một nữ tu sĩ Phật giáo cấp cao, tại tu viện Suji-Ji, ông hỏi, "Thiền là gì?" Trả lời: "Thiền là mọi sự, tuy nhiên nó không là gì cả; nhưng nó cũng là một điều gì đó". Rồi, sau một lúc im lặng đầy suy nghĩ, và một nụ cười tinh tế: "Nói về nó là nói những điều sai lầm; suy nghĩ là một trở ngại đối với trực giác; người ta chỉ có thể thực hành nó..."{15}.

Tuy nhiên, điều mà người ta thành công, bất kể họ có thể "trì độn" đến đâu, trong việc tri nhận nó, là một loại nhu đạo [judo] trong đó, bằng cách không làm đệ tử bối rối, sư phụ dẫn dắt họ, chắc chắn không tới bất cứ xác tín lý thuyết nào (xác tín cho rằng người ta coi trọng một điều gì đó: sự thật được nắm bắt một cách hợp lý){16}, nhưng tới một trạng thái tinh thần (hay đúng hơn là quan yếu, tâm sinh lý) chứng minh ngay cả trong một phản xạ nhỏ nhất rằng không có gì đáng để lo lắng bất cứ điều gì. Rồi - có lẽ - đột nhiên giác ngộ sẽ đến, tia sáng kỳ diệu hic et nunc [ở đây và lúc này] được tuyệt đối giải phóng khỏi mọi suy nghĩ.

Quả thực sẽ vô ích nếu tìm kiếm ở đó những chiều sâu siêu hình không thể hiểu thấu. Sẽ cũng vô ích nếu cho vào quên lãng gia vị đậm đà của sự huyền nhiệm hóa không thể tránh khỏi, vốn lên hương vị đầy cay ngọt cho những bí mật vĩ đại này của linh đạo.

Đạo Hồi

1. Hồi giáo là một tôn giáo theo nghĩa chặt chẽ của từ này, giống như Ấn Độ giáo, và chắc chắn là một loại hình cao nhã hơn và thuần khiết hơn Ấn Độ giáo, vì nó có một cảm thức cực kỳ mạnh mẽ về tính Thống nhất và Duy nhất [unicité] của Thiên Chúa, cũng như của sự siêu việt vô hạn của Thiên Chúa, - một ý thức cực kỳ mạnh mẽ nhưng vẫn quá phụ thuộc vào thước đo của con người: Hồi giáo không biết đến tam tính [trinity] của các Ngôi vị, một điều làm cho tính thống nhất của Yếu tính thần linh thần linh hơn nữa; và nó không biết đến sự rộng lượng mà với nó Thiên Chúa đã làm cho chính Người được biết đến, và sự rộng lượng này làm cho tính siêu việt vô hạn của Người thần linh hơn nữa.



Sự thực là một mặt, Hồi giáo dựa trên Mạc khải thừa hưởng từ Ápraham và từ Môsê, qua đó tư tưởng con người được củng cố và nâng cao trong đà đẩy [élan] của nó hướng về Thiên Chúa; và mặt khác, nó hoàn toàn phụ thuộc vào một "sự mạc khải" khác, một mạc khải chỉ xuất phát từ một ngọn lửa đơn thuần của con người (và không phải không có khói) mà với nó, trái tim của Môhamét đã được đốt cháy khi ông như thể bị một tiếng sét đức tin vào Thượng đế duy nhất đánh trúng, một đức tin siêu nhiên, người ta có thể nghĩ{17}, vốn day dứt ngay từ đầu bởi ngọn lửa đơn thuần của con người. Chính sự mạc khải khác này, sự mạc khải, nơi con cái của Ismael, đã thay thế cho thành tựu tối cao do chính Ngôi Lời Nhập Thể mang lại cho toàn bộ giáo huấn mà dân Israel đã nhận được từ Chúa Thánh Thần.

Đối với đạo Hồi, có năm vị tông đồ vĩ đại: "vị thứ nhất là Nôê, người đã vào Tầu 'nhân danh Thiên Chúa', và với ông, sau trận lụt, Thiên Chúa đã tái lập hiệp ước" {18}. Vị thứ hai là Ápraham, đã sẵn sàng hiến tế đứa con trai mà Thiên Chúa đã ban theo lời cầu nguyện của ông. Vị thứ ba là Môsê, người mà Thiên Chúa đã nói chuyện với trong Bụi Cây bốc lửa trên núi. Vị thứ tư là Chúa Giêsu, người được Thiên Chúa "đúc khuôn vào lòng Đức Maria", và là người, theo kinh Koran, chỉ có vẻ bị đóng đinh và tử hình.

Và Môhamét, tuy theo thứ tự thời gian, là vị thứ năm nhưng "về mặt phẩm chất thì ông là người đứng đầu tất cả, vì thông điệp của ông được xưng tụng là hoàn tất mọi thông điệp." Sự mạc khải mà Mohammed tiếp nhận được ghi lại trong một cuốn sách, kinh Koran, được Hồi giáo cho là chính Lời Thiên Chúa đọc cho Nhà tiên tri một cách siêu nhiên, và mạc khải này hoàn toàn lấy nó làm trung tâm.

2. Thiên Chúa của đạo Hồi là Thiên Chúa không thể tiếp cận được trong mầu nhiệm sự sống riêng của Người và Không thể tham dự vào, một Thiên Chúa không thể biết đến, hoặc, như Louis Gardet thích nói {19}, không thể hiểu thấu trong chính Người. Về Người, đức tin Hồi giáo biết đến "những cái tên đẹp nhất" để chỉ về Người, - và, trong mối liên hệ của các tạo vật với Người, Tính Toàn năng của Người, và Lòng Thương xót của Người đối với loài người; nhưng chỉ có vậy. Đến nỗi bởi một nghịch lý vĩ đại, chính trong falsafa [triết học Hồi giáo], trong các nhà siêu hình học vĩ đại (Avicenna đứng đầu bảng) thấm nhuần tư tưởng văn hóa Hy Lạp, - mà Algazel và các tiến sĩ của Kalam cho là đáng ngờ và bất chính thống, - mà ta cần phải tìm kiếm sự phong phú của tư tưởng Môhamét trong những điều không những chỉ liên quan đến vũ trụ tạo dựng, mà cả Hữu thể tự hữu.

Cuối cùng, chúng ta hãy lưu ý điều này: đối với nền chính thống Hồi giáo theo nghĩa hẹp, những ai, một cách phạm thượng, gán cho Thiên Chúa, một đam mê nhân bản, nhìn nhận rằng giữa Thiên Chúa và tạo vật của Người có một sự kết hợp tình yêu qua đó Người tự hiến cho tạo vật và biến đổi tạo vật này trong Người, vì sự thành tựu tối cao của nó cho nó và niềm vui vĩnh cửu, đồng bản thể cho Người là đã. (Chính đức tin vào Sự Nhập Thể và vào Chúa Thánh Thần đã soi sáng phần nào cho Kitô hữu về vấn đề này). Và chính vì ông tin vào tình yêu này ("Yếu tính của Thiên Chúa là Tình yêu", "Lạy Đấng Chí Thánh của con! con đã ôm, bằng trọn con người con, tình yêu của Ngài! Ngài đã tỏ mình Ngài cho con một cách đến nỗi đối với con chính Ngài đang ở trong con!”) mà Hallâj đã bị nhà cầm quyền kết án, đánh phạt, tùng sẻo và treo cổ chết trên giá phơi thây vào năm 309/922{20}.

Còn tiếp