Chúng ta sẽ tóm tắt cuốn L’Action trước, sau đó là công trình bộ bốn, để cuối cùng rút ra một cái nhìn tổng quan về nền triết học của Maurice Blondel.



I. - “Hành động” (1893), “Lá thư” (1896), “Lịch sử và tín điều "(1904)

Có thể đọc L’Action hai lần. Trước hết, người ta có thể khám phá ở đó nhiều phân tích tâm lý và đạo đức đáng ngưỡng mộ, mỗi phân tích đều có giá trị riêng và chúng cùng nhau tạo thành một tuyển tập phi thường, đủ để xếp Blondel vào hàng những “nhà đạo đức học” vĩ đại nhất của Pháp. Cho dù đó là tâm lý học của một người tài tử (dilettante), người biết cách kết hợp tất cả những nét quyến rũ của cuộc sống uyên bác, nghệ thuật, khiêu gợi và tôn giáo với sự an toàn thanh thản của cái chết hay là tâm lý học của chủ nghĩa bi quan yếm thế chuyên hát bài thánh ca siêu hình về hư vô và tìm cách tự phát sinh bằng cách cố ý tự hủy diệt và phủ nhận bản thân, bằng hàng nghìn nguồn gốc hoặc hình thức mù quáng và xung đột nội tâm, bằng ảnh hưởng và tác động lẫn nhau của các linh hồn, bằng ác tâm tai tiếng và tội lỗi, hay là tâm lý học về ý nghĩa đau khổ và trên hết là khổ hạnh (mortification) vốn là "thử nghiệm siêu hình" đích thực, từ ý nghĩa sâu sắc của cuốn L’Action, vốn bao gồm niềm tin vào vũ trụ, vào tình yêu và tình bạn, thứ tình vốn là cơ sở của đời sống xã hội, gia đình, quê hương hoặc nhân loại, người ta đều tìm thấy ở đó, như chúng ta đã nói, những trang sách đầy các quan sát phong phú và tinh tế đến mức chúng có thể trở thành một cuốn sách nguyện (bréviaire) được các linh hồn từng tự nuôi sống bằng các tâm tư của Pascal liên tục đọc.

Tuy nhiên, người ta có thể và cũng phải đọc L'Action không phải trong tư cách một nhà tâm lý học hay một nhà đạo đức học, mà là một nhà triết học. Nó có phụ đề: "Tiểu luận phê bình cuộc sống và khoa học thực hành", đủ cho thấy rõ ý nghĩa và phương pháp của nó. Blondel vừa là một triết gia vừa là một Kitô hữu. Là một triết gia, ông nghĩ rằng triết học không thể bỏ qua vấn đề vận mệnh cuối cùng của con người, nếu không sẽ không đáng một giờ bận tâm. Là một Kitô hữu, ông tin rằng mục đích cuối cùng vượt ra ngoài mọi tự nhiên, là “siêu nhiên” đúng nghĩa.

Chắc chắn, cùng đích siêu nhiên ấy vượt khỏi sự nắm bắt trực tiếp của lý trí, nếu không, nó sẽ không còn mang tính tôn giáo, được mạc khải, mà hoàn toàn là lý lẽ. Tuy nhiên, nếu điều đó đúng, thì nó phải tự biểu lộ cách nào đó trong thực tế cụ thể hiện sinh con người. Do đó, vấn đề là phải dùng các phương tiện triết học mà thôi để chứng minh rằng con người khao khát hướng tới một mục đích khác ngoài mục đích tự nhiên, điều siêu nhiên tự tỏ hiện với họ như một giả thuyết mà triết học không thể chứng minh được, nhưng đáp ứng những nhu cầu sống, mà một mình lý trí không thể thỏa mãn được. Để nghiên cứu vấn đề này, một đối tượng ưu tuyển tự trình diện với phân tích triết học: đó là Hành động. Phải hiểu hạn từ này chỉ bất cứ hoạt động chuyên biệt có tính nhân bản nào, dù là siêu hình, luân lý, thẩm mỹ, khoa học hay thuần túy thực tiễn. Do đó, chính vì muốn biết con người hoàn toàn dấn thân, như chúng ta sẽ nói hôm nay, mà Blondel đã khởi hành từ trải nghiệm tâm linh toàn diện này mà ông gọi là Hành động. Trên thực tế, theo nghĩa Blondel, đây chính là hoạt động của tinh thần trong nguồn gốc và trong toàn bộ diễn trình triển khai của nó.

Đặc điểm cốt yếu của tư tưởng này là tự đặt mình, ở bên kia trí hiểu và ý chí, vào tận nguồn gốc chung của cả hai, trong năng động tính khởi nguyên của hữu thể tinh thần, từ đó chúng rút ra sức mạnh của chúng để hành động. Đối tượng này của việc làm buộc ta phải dùng phương pháp thích hợp. Thực vậy, nó không thể chỉ là vấn đề mô tả tâm lý đơn giản, một mô tả không chứng minh được điều gì. Càng không phải là vấn đề áp đặt từ bên ngoài vào triết học một mục đích hoàn toàn ngoại tại mà nó không thể thừa nhận vào bên trong bản thân nó nếu không tự hủy hoặc hủy hoại chính mục đích này. Vấn đề của Blondel là vấn đề tự trị và dị trị (hétéronomie). Để giải quyết nó, phương pháp duy nhất có giá trị là phát hiện nhu cầu siêu nhiên trong bất cứ ý muốn nào, dù có ý thức hay không. Nó là một phương pháp hàm ý: nó hệ ở việc chứng minh rằng một đòi hỏi nhất thiết được ngụ hàm trong mọi ý muốn của con người.

Đó là điều Blondel gọi là phân tích tính tất định (determinisme) của Hành động, nghiên cứu nó không phải trong những gì ngẫu nhiên (contingent), mà là trong những gì tất yếu (nécessaire). Nói tóm lại, khi kết hợp đối tượng và phương pháp, luận án này đề cập đến tính biện chứng của hành động. “Cuộc sống của con người có hay không một ý nghĩa? và con người có một số phận hay không? Tôi hành động, nhưng thậm chí không biết hành động là gì, không muốn sống, không biết chính xác tôi là ai hoặc thậm chí tôi có hiện hữu hay không. Việc dường như hiện hữu này khuấy động trong tôi, những Hành động nhẹ nhàng và thoáng qua của một bóng đen, tôi nghe nó nói rằng chúng mang trong mình một trách nhiệm đời đời nặng nề, và dù có trả giá máu, tôi cũng không thể mua hư vô vì đối với tôi nó không hiện hữu: do đó tôi bị kết án phải sống, bị kết án phải chết, bị kết án sống đời đời! Tại sao thế và do quyền nào vậy, nếu tôi không muốn điều đó?... Vấn đề là không thể tránh khỏi; con người chắc chắn phải giải quyết nó và giải pháp này, đúng hay sai, nhưng nó có tính tự nguyện đồng thời nhất thiết, mọi người mang nó trong các Hành động của họ. Đó là lý do tại sao cần phải nghiên cứu Hành động; chính ý nghĩa của từ ngữ và sự phong phú trong nội dung của nó sẽ được hé mở từng chút một ”(L’Action, Dẫn nhập).

Do đó, có một biện chứng tất yếu, nội tại trong cuộc sống con người, chính vì nó là siêu hình học trong hành động. Người ta có thể gọi Blondel là một “Hegel theo Kitô giáo”. Điều đó đúng ở chỗ đối với cả hai, ý thức về mình bao hàm ý thức về vũ trụ: người ta không thể nghĩ đến bất cứ điều gì mà không nghĩ đến toàn bộ, người ta không thể ước muốn bất cứ điều gì mà không ước muốn điều vô hạn. Triết lý về trực giác là triết lý về dữ kiện tức khắc, ngay cả khi những dữ kiện này đòi một cuộc hoán cải và là những gì chưa được biết đến ngay lập tức. Triết học biện chứng là triết học trung gian. Tuy nhiên, không ai hơn Blondel đã tố cáo đặc quyền cổ điển của ý thức: tính tức khắc (phi trung gian), tính thỏa đáng tự cho là thích đáng đối với việc biết mình. Ngoài ra, việc thiếu thoả đáng của những gì chúng ta biết về bản thân mình và về những gì chúng ta là không phải là một sự kiện phụ thuộc và tạm thời, mà là một quy luật thiết yếu của tư tưởng chúng ta và là chân lý đầu tiên của triết học. Không phải lý tưởng là tính thống nhất hoàn hảo, tính hỗ tương toàn diện, nói tóm lại là trực giác. Nhưng lý tưởng này con người không với tới được, và trung gian liên tục là sự thay thế của một phi trung gian bất khả. Chúng ta cũng không bao giờ sở hữu được toàn vẹn hữu thể của chúng ta mà không có sự trung gian: yếu tính của tư tưởng là thống trị có dự án sự bất bình đẳng bên trong của chúng ta. Nói theo ngôn ngữ hiện đại, toàn bộ phương pháp của Blondel dựa trên sự phân biệt giữa việc đã sống (vécu) và suy nghĩ, giữa điều không suy nghĩ và điều được suy nghĩ. Hành động không thể bị giản lược vào ý niệm hành động, thực hành không thể bị giản lược vào khoa học thực hành. Có một suy nghĩ và hoạt động tự phát, không suy nghĩ. Triết học không thay thế chúng, nó không miễn chước chúng. Nó không thể gạt bỏ chúng nếu không tự phá hủy mình. Nó chỉ là sự phản tỉnh về hành động thực sự đã sống qua, một việc “lên chủ đề có suy nghĩ cho điều không được suy nghĩ ( thématisation réfléchie de l’irréfléchi)” (Duméry). Nhưng nếu nhận thức không thể thay thế cho thực hành hoặc bổ sung cho thực hành, thì nó vẫn không kém phần quan trọng, vì theo luật, không gì có thể thoát khỏi nó, bởi vì, dù không bao giờ đạt tới đó, nó vẫn cố gắng hiểu mọi thứ - ngay cả hành động của con người, ngay cả tôn giáo.

Vì vậy, cũng giống như Kant đã áp dụng phương pháp phản tỉnh dưới dạng phân tích hồi quy (analyse régressive) vào một dữ kiện ổn định, tức khoa học đã được cấu thành hoặc quy luật đạo đức, dạng phổ quát, Blondel áp dụng nó vào hành động của con người được coi như tính năng động đang mở rộng, vào tác nhân đang hành động. Có những hệ luận của việc hành động, nhưng những hệ luận này chỉ triển khai trong và thông qua hành động đang triển khai. Blondel tìm cách đưa chúng ra ánh sáng, mà không đánh giá hành động nhân danh một giá trị đã thiết lập sẵn. Ngược lại, ông để nó tự lên tiếng, bộc lộ tính tất định của chính nó bằng cách chỉ buộc nó bộc lộ những đòi hỏi bên trong của nó. Và đây là điều ba năm sau, trong Lá thư, ông gọi là phương pháp nội tại. Ngay trong ngày bảo vệ (luận án), ông đã vạch ra kế hoạch của mình một cách rõ ràng hoàn toàn. "Tôi không hề có tham vọng định hướng cuộc sống con người theo các quan điểm cá nhân của tôi, giải thích nó theo các sở thích của tôi, áp đặt lên nó một hệ thống ý niệm được xây dựng một cách biện chứng: không điều gì chống lại kế sách của tôi cho bằng cách đốn từ bên ngoài một lý tưởng được tạo ra cách giả tạo. Thay vì có ý định, trước tiên, như người ta từng làm gần như phổ quát, đặt để vào hành động điều không hề có ở đấy, tôi đã rất thận trọng cố gắng biện phân tất cả những gì vốn có ở đó, cho dù người ta có biết hay không, cho dù người ta có muốn nó hay không một cách minh nhiên. Có thể nói, tôi đã tự đặt mình vào bên trong hành động của con người, không phải để mang vào đó một đặc điểm mới, nhưng để nhận ra đâu là những đòi hỏi của nó, để đo lường trọn sự mở rộng không thể cưỡng lại của nó. Đối với tôi, dường như sức mạnh thực sự của triết học là dựa vào cái động lực bên trong này, một động lực tuy chậm mà chắc, sẽ sản sinh ra các hậu quả không thể tránh được” (Etudes blondeliennes, t. I, p. 81). Như thế, ném một máy dò phi thường vào hành động, Blondel mang lại một khám phá có độ phong phú vẫn còn bất tận và soi sáng trọn công trình của ông: hành động được tác động bởi một quy luật nội tại và sáng tạo, một kế sách nhằm thông tri cho nó và nó có khả năng biện phân được ý nghĩa. Có một dụng ý [intentionalité] nội tại, một loại ý đồ (visée) hoạt động bên trong hành động của con người. “Bản thể con người là hành động; họ là những gì họ tự làm”. Công thức này, trước khi là của Sartre, đã là của Blondel. Nhưng đối với ông, con người không tự làm bất cứ điều gì cả. Nếu hành động có thể là một đối tượng của khoa học, thì chính là vì nó có một luận lý mà triết học cho đến tận bây giờ đã sai lầm bỏ qua. Blondel cũng có thể rất đúng khi cho rằng ông không đề xuất bất cứ nền triết học duy phi lý nào, mà đúng hơn là một loại phiếm luận thuyết (panlogisme), loại luận lý tổng quát mà loại luận lý của Aristotle, của Bacon hoặc của Hegel sẽ chỉ là những trường hợp đặc thù. Và loại luận lý tổng quát này trước hết và trong nền tảng là luận lý của hành động.

Bây giờ chúng ta có thể rút ra một cách rõ ràng ý tưởng chính của luận án: nghiên cứu về hành động cho thấy con người luôn hành động chỉ để bằng mình và chắc chắn họ không thể đạt được điều này do một mình mình. Tôi quá lớn so với tôi! Từ bản thân tôi đến bản thân tôi có một khoảng cách vô tận mà hành động không ngừng nỗ lực lấp đầy, nhưng không bao giờ hoàn toàn thành công. Hành động của con người không thể tiếp cận với điều kiện không thể thiếu cho sự thành tựu của nó. Con người “không thể ngang bằng với các đòi hỏi của chính mình. Bằng sức mạnh của riêng mình, họ không thể thành công trong việc đặt vào Hành động được ước muốn (action voulue)của mình tất cả những gì ở đầu nguồn nguyên lý của hoạt động tự ý của họ (L’Action, tr. 338). Bây giờ chúng ta hãy sử dụng ngôn ngữ của Blondel và gọi ý chí ước muốn (volonté voulante) là điều nằm ở nguyên lý của hoạt động tự ý và ý chí được ước muốn (volonté voulue) là đối tượng của một ước muốn rõ ràng và được xác định. Tính tất định nhất thiết của ý chí là bằng các ý chí được ước muốn một cách hữu hiệu cố gắng cân bằng ý chí ước muốn sâu sắc nhất của nó. Mục tiêu của biện chứng pháp hành động là bộc lộ hàng loạt các mục đích mà ý chí không thể ngăn cản mình mong muốn. Các ý chí được ước muốn của ta chính là các mong muốn có ý thức và hữu hiệu phù hợp hay chống đối ý chí ước muốn và nhất thiết bằng các hành vi tự do. Tất cả việc triển khai hành động nhằm mục đích cân bằng chúng với nguyên lý của hoạt động tự ý, nhưng không hoàn toàn đạt được điều này. Như thế, bằng cách phát hiện trong các hành vi của chúng ta một sự không hoàn tất không những trong sự kiện, mà còn trong nguyên tắc, nghĩa là tính không thể hoàn tất trong bản chất và không thể sửa chữa, Blondel tiết lộ trong chúng ta một "nơi đã dọn sẵn", một "vết nứt rộng mở". Triết học dẫn chúng ta đến một lựa chọn mà nó biểu lộ nhưng không thể giải quyết được: lựa chọn tối cao, tức lựa chọn hệ ở việc hoặc yêu cái hữu hạn một cách vô hạn hoặc yêu cái vô hạn một cách vô hạn, chỉ có thể là sự kiện của chính con người. Nghịch lý thay, biện chứng pháp của hành động quả quyết rằng người ta không thể tự cân bằng chính mình mà không ra khỏi chính mình: phương pháp nội tại đạt tới một đòi hỏi tất yếu phải có sự siêu việt. Hay đúng hơn mọi nỗ lực phải hướng tới việc chứng minh rằng ngay từ đầu đã có tính nội tại của thể siêu việt trong chúng ta. Triển khai tính tất định của hành động là đào ra một khoảng trống để thể siêu nhiên đến lấp đầy. Nhưng thể siêu nhiên này, hiện diện với chúng ta như một dấu chỉ trống rỗng, chỉ có thể thực sự đạt tới và chiếm hữu trong hai hành vi, về cơ bản giống hệt nhau, nhờ đó chúng ta hiến mình cho Người và Người tự hiến mình cho chúng ta: đó không còn là triết học nữa, mà là một Hành động đại lượng mở cửa để chúng ta tiến tới Người, Đấng chỉ có Người mới cho phép chúng ta tham dự vào đó. Chắc chắn, người ta có thể từ chối sự "hoán cải" thực sự này lấy cớ để trung thành với chính mình. Nhưng đó chỉ là một chiếc mặt nạ và vẻ bề ngoài, vì sự khẳng định thực sự đòi một phủ định rõ ràng, vì để thể hiện bản thân một cách đầy đủ, người ta phải thiết lập ở trong mình một ý chí khác với ý chí của mình. Chính theo nghĩa này, sự khổ chế (mortification) xuất hiện như một thí nghiệm siêu hình học thực sự. “Chỉ có khổ chế mới nhận ra sự mâu thuẫn của phi hiện hữu (non-être) và, nhờ một loại thí nghiệm siêu hình học, mới tạo ra hiện hữu của chúng ta trong hiện hữu” (Premiers Écrits, p. 145-146). Theo nghĩa này, và chỉ theo nghĩa này, Gabriel Séailles đã không lầm khi nói rằng hành động là sự phục hồi từ ngữ và sự dị trị, nếu sự dị trị, một cách nghịch lý, trong quá trình biện chứng, đã tự xuất hiện như là điều kiện nhất thiết của sự tự chủ và từ ngữ như tinh thần trong hành động. Dù sao, ý chí ước muốn vừa là tính tự phát nguyên ủy vừa là chuẩn tắc nhất thiết. Nó không phục tùng các quy tắc bên ngoài, nhưng chắc chắn nó nêu chúng ra, ngay cả khi nó không thừa nhận chúng. Giống như trật tự, bất trật tự tự nó có quy luật của nó. Tự do không bao giờ là vô tổ chức: nó có một ý nghĩa, nhưng ý nghĩa này nội tại ngay trong nó. Và tính tất định của hành động không là gì khác hơn là luận lý học của ý chí ước muốn. Blondel nói rằng, trốn tránh số phận không phải là tránh khỏi đó. Người ta không thoát khỏi ơn gọi của mình, ngay cả khi họ thiếu sót đối với nó.

Còn tiếp