Sinh ra trong một gia đình Do Thái và trở lại Công Giáo, nhà triết học kiêm nhà thơ Raïssa Maritain có một tầm quan trọng lớn trong cuộc đời trí thức của chồng bà là Jacques. Việc tái phát hành Nhật ký của bà giúp chúng ta khám phá một nhà huyền nhiệm mà sức hút đối với "cuộc sống chiêm niệm giữa thế gian" đã ảnh hưởng một phần lớn đến việc canh tân đời sống thiêng liêng trong thế kỷ 20.



Ấn bản Desclée de Brouwer được xuất bản vào ngày 26 tháng 9 năm 2018, một ấn bản mới ở dạng bỏ túi của Nhật ký Raïssa, tập hợp những ghi chú tinh thần của Raïssa Maritain giữa việc trở lại đạo của bà vào năm 1906 và cái chết của bà vào năm 1960. 55 năm sau ấn bản đầu tiên của nó vào năm 1963, phải dành một ý nghĩa nào cho lần tái bản một tác phẩm vốn chỉ được biết đến như một bản lưu hành khá kín đáo? Ngày nay phải dành cho nó vị trí nào trong vô số các công trình linh đạo đã xuất hiện từ đó và lấp đầy các thư viện của chúng ta? Liệu nó có còn có thể trả lời các câu hỏi tâm linh của chúng ta, vốn được đặt ra trong một bối cảnh giáo hội, xã hội, trí thức và nhân bản rất khác không? Những câu hỏi này ngày nay càng cần được đặt ra vì, đối với nhiều độc giả và Kitô hữu, tên tuổi của Maritain không còn gợi lên nhiều điều nữa.

Một cuộc gặp gỡ có tính quyết định

Đây có lẽ là ý nghĩa đầu tiên ta có thể tìm thấy trong lần tái phát hành này: góp phần khôi phục một vị trí cho cuộc sống và công trình của vợ chồng Maritain ở Pháp. Raïssa Oumançoff sinh năm 1883 tại Rostov-sur-le-Don trong một gia đình Do Thái di cư đến Pháp năm 1893. Là một sinh viên xuất sắc, bà nhanh chóng học tiếng Pháp và bắt đầu nghiên cứu khoa học tại Sorbonne. Tại đây, bà đã gặp Jacques Maritain, cháu trai của Jules Favre, được giáo dục một cách rất xa bất cứ tôn giáo nào và đã đậu cử nhân triết học. Họ kết hôn năm 1904. Khát khao cái tuyệt đối và chân lý, họ bị ngột ngạt bởi chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa khoa học thịnh hành lúc bấy giờ, đến mức dự trù tự tử nếu không có ánh sáng mới nào đến với họ. Sau đó, họ tìm thấy ánh sáng đầu tiên trong các giảng khóa của Henri Bergson mà họ cùng theo học tại Collège de France. Nhưng sự giải thoát chỉ đến nhờ cuộc gặp gỡ có tính quyết định với nhà văn Công Giáo Léon Bloy, người đã dẫn họ, với Véra, em gái của Raïssa, đến việc trở lại đạo và lễ rửa tội trong Giáo Hội Công Giáo năm 1906. Sau đó Véra đến ở với họ và chia sẻ cuộc sống của họ, cho đến khi qua đời vào năm 1959.

Raïssa được biết đến một phần vì là vợ của nhà triết học Công Giáo này, người đã có ảnh hưởng rất mạnh về trí thức và tâm linh đối với Công Giáo Pháp từ năm 1920 đến năm 1950. Công trình của ông, viết trong luồng canh tân học thuyết Tôma khai mào vào cuối thế kỷ 19, diễn tả ý muốn được bước vào đối thoại với thời hiện đại, để làm nổi các bất cập của nó, các ngõ cụt nhân bản và tâm linh, đồng thời giúp các Kitô hữu nhận ra "các sự thật bị giam cầm" của thời hiện đại và kêu gọi họ nắm lấy nó để gieo mầm cho một Kitô giáo mới.

Rất khó đề cập một cách ngắn gọn công trình phong phú, cô đọng và phức tạp này. Chúng ta hãy đề cập đến các tác phẩm của ông trong thời kỳ giữa hai thế chiến, Primauté du spirituel (Tính Nhất đẳng của tinh thần [1927]), Religion et Culture (Tôn giáo và Văn hóa [1930]) hay Humanisme intégral (Chủ nghĩa nhân bản toàn diện [1936]), những cuốn đã gây ảnh hưởng sâu sắc đến các phong trào Công Giáo Tiến hành và nhiều chiến sĩ đang tìm kiếm một đáp ứng Kitô giáo cho các nhu cầu của thời đại. Chúng ta cũng hãy đề cập đến những lập trường rất rõ ràng của ông đối với các chế độ phát xít và độc tài xuất hiện trong thập niên 1930, vai trò luân lý và trí thức của ông đối với nước Pháp Tự do trong Thế Chiến thứ hai và sự tố cáo sớm sủa và rõ ràng của ông đối với chủ nghĩa bài Do Thái.

Theo bước chân chàng

Do đó, Raïssa là vợ của một nhà trí thức lớn, và một phần lớn cuộc đời của bà đã dành để hỗ trợ ông trong hoạt động của ông trong tư cách một triết gia: hiệu đính, sửa chữa, thư từ... Bà là thợ cả trong công trình của ông và ông không bao giờ giấu diếm điều đó. Do đó, chúng ta có nên xếp bà vào số những phụ nữ sống dưới bóng một người đàn ông vĩ đại không? Điều này có thể hiểu sai bản chất sâu xa của mối liên hệ gắn bó vợ chồng Maritains. Nó cũng hiểu sai các năng khiếu trí thức, triết học và nghệ thuật của riêng Raissa. Là nhà triết học và nhà thơ, được phú bẩm một mẫn cảm nghệ thuật sâu sắc, bà là tác giả của một số tuyển tập thơ và tiểu luận triết học.

Cuối cùng, sẽ là hiểu sai chứng từ của chính “người đàn ông vĩ đại”, người không ngừng nhắc đi nhắc lại trong suốt cuộc đời rằng chính ông mới là người sống theo đường lối của vợ chứ không phải ngược lại. Cuốn Nhật ký này là một minh chứng cho điều đó. Được Jacques xuất bản ba năm sau cái chết của Raïssa, đây là dấu hiệu của tình yêu sâu sắc mà ông luôn dành cho bà, và là cách để cho cả thế giới biết điều ông nợ nơi bà. Chính theo nghĩa này, ông viết trong phần dẫn nhập rằng "nếu có điều gì hay ho trong tác phẩm triết học của tôi và trong các cuốn sách của tôi, thì nguồn sâu xa và ánh sáng phải được tìm kiếm trong lời cầu nguyện của nàng và trong hiến lễ nàng đã dâng lên Thiên Chúa".

Những tình bạn vĩ đại ở Meudon

Nhưng ngoài một bằng chứng của tình yêu và sự công nhận, ông và những người đã biết rõ về bà tin chắc rằng cuộc sống tinh thần của Raïssa, được tiết lộ qua các trang của nó, có thể trở thành nguồn ánh sáng cho nhiều người khác. Những người thân thiết với cặp vợ chồng này đều biết rằng sự hiện diện tinh thần của họ có liên quan rất nhiều đến ảnh hưởng mà ngôi nhà Maritain có được trong giới nghệ thuật, văn học và trí thức của những năm 1920 và 1930. Định cư ở Meudon, ngôi nhà của họ, mở cửa cho tất cả mọi người, là một nơi ẩn náu và là nơi qua lại của nhiều linh hồn đang tìm kiếm: Jean Cocteau, Éric Satie, Arthur Lourié, Nicolas Nabokov, Nicolas Berdiaev, Georges Rouault, Marc và Bella Chagall, Julien Green, Jean Hugo... Đối với nhiều người, đó là một nơi khám phá đức tin và bước đầu tiên hướng tới việc trở lại đạo. Đối với nhiều người khác, một nơi đơn giản của đối thoại trí thức và nghệ thuật.

Nhưng đừng nhầm lẫn! Trong số các biến cố và nhiều cuộc gặp gỡ đánh dấu cuộc đời bà, cuốn Nhật ký cho chúng ta biết khá ít. Về những sự kiện này, bà đã cho chúng ta một chứng từ tuyệt vời trong Les Grandes Amitiés (1949), cuốn sách, cho đến ngày nay, vẫn là dẫn nhập hay nhất về cuộc đời của vợ chồng Maritain. Tuy nhiên, cuốn Nhật ký mang nhiều dấu vết của nó: các suy tư về nghệ thuật, thi ca và ân sủng, đề cập đến các chuyến thăm viếng và trao đổi với nhiều bạn bè ở Meudon và về các biến cố lịch sử ảnh hưởng đến gia đình (hai cuộc thế chiến, các biến cố tôn giáo và chính trị của thời kỳ giữa hai cuộc chiến, thời sự nghệ thuật và trí thức). Nhưng tất cả điều này chỉ được gợi nhớ, bởi vì đó không phải là mục đích của những ghi chú thân mật mà Raïssa đã lưu giữ nhưng không xem xét tới việc xuất bản chúng. Đúng hơn, chúng nên được xem như sườn bên trong, mặt giấu ẩn của những Tình bạn Vĩ đại. Bằng những nét vẽ nho nhỏ tiếp nối nhau, chúng ta thấy sự hiện diện của Thiên Chúa dần dần tỏ hiện trong cuộc đời của Raïssa và của những người thân cận với bà, một sự hiện diện mà bằng cách xuyên qua linh hồn họ, đánh dấu một phần của lịch sử "giấu ẩn" của thế kỷ 20 và hé cho chúng ta hành động bí mật của Thiên Chúa trong thế giới và trong cuộc sống của chúng ta. Và về điều này, cuốn Nhật ký của Raïssa vẫn là một chứng từ đặc biệt và có tính khai sáng cho chúng ta ngày nay.

Chiêm niệm “trên các nẻo đường”

Theo Jacques, người thúc đẩy tâm linh thực sự của “tổ ấm Maritain” ở Meudon này chính là Raïssa. Để hiểu rõ hơn, chúng ta cần nhớ rằng sau cuộc trở lại của bà, đôi vợ chồng trẻ đã trải nghiệm một sức hút mãnh liệt vào đời sống tu trì chiêm niệm kín cổng cao tường. Và Raïssa nhanh chóng cảm thấy được mời gọi bước vào một ơn gọi chiêm niệm thực sự. Nhưng quan niệm thời bấy giờ dành việc này một cách nghiêm ngặt cho đời sống tu trì mà thôi. Do đó, để đáp ứng các kỳ vọng của nó, tổ ấm Maritain phải phác họa đường đi riêng của mình. Và rất nhanh chóng, được sự khuyến khích của Jacques và Véra, Raïssa quyết định dành một phần lớn thời gian hàng ngày của mình cho việc cầu nguyện. Chính bà giúp tổ ấm tìm được sự cân bằng giữa việc dấn thân mãnh liệt của nó vào thế giới và sự khao khát cuộc sống huyền nhiệm, do đó mở ra con đường dẫn đến một hình thức đời sống tâm linh mới cho những giáo dân dấn thân vào thế giới mà bà sẽ phác họa sau này với công thức "chiêm niệm trên những nẻo đường".

Và chính điều này đã đem ý nghĩa của nó lại cho lần xuất bản đầu tiên của cuốn Nhật ký vào năm 1963: cho phép chúng ta theo dõi hành trình thân mật của Raïssa, những dò dẫm của bà trong việc hòa giải cuộc sống giáo dân dấn thân vào thế giới của bà với lời kêu gọi sống đời sống huyền nhiệm được ngỏ với mọi Kitô hữu và, hơn thế nữa, được Đấng Tạo Hóa ngỏ với mọi người. Và chính ý nghĩa này, vẫn còn nguyên vẹn, đã mang trọn tính liên quan của nó vào ấn bản mới này.

"Không giữ lại bất cứ điều gì"

Cuốn Nhật ký cho chúng ta đặc ân nhìn thấy sự gần gũi thiêng liêng của một người phụ nữ, được thúc đẩy sâu xa bởi khát vọng kết hợp với Thiên Chúa và đồng thời xác tín rằng ơn gọi của mình là sống như một giáo dân để làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa trong thế giới. Hai lời kêu gọi này, tiếp tục được ngỏ với các Kitô hữu ngày nay, gây ra nhiều giằng co trong bà. Vì vậy, tháng 12 năm 1933, bà từng nhận định rằng: “Chúng tôi dấn bước trong bóng tối, gặp phải hàng nghìn chướng ngại vật. Nhưng chúng tôi biết rằng ‘Chúa là tình yêu’, và sự tin cậy nơi Thiên Chúa là Ánh sáng của chúng tôi. Tôi có cảm giác rằng những gì được yêu cầu ở nơi chúng tôi là sống trong cơn lốc, không giữ lại bất cứ điều gì thuộc bản thể của mình, không giữ lại cho chúng tôi, cả nghỉ ngơi, tình bạn, sức khỏe lẫn thư giãn - nói tóm lại, để bản thân lăn theo các làn sóng của ý chí thần linh cho đến ngày ý chí này nói: đủ rồi. »

Các tiểu đệ Chúa Giêsu

Con đường “chiêm niệm trên những nẻo đường” này đã nối kết qua các công trình của vợ chồng Maritain các nguyện vọng của nhiều Kitô hữu, giáo dân hay tu sĩ và đóng một vai trò quan trọng trong việc canh tân đời sống thiêng liêng trong thế kỷ 20. Đã đành, đây chỉ là một con đường trong số rất nhiều con đường khác. Nhưng nó đã được bước theo, hoàn thiện và mở rộng bởi nhiều phong trào tu trì. Đặc biệt, nó đã đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định linh đạo của Dòng Tiểu đệ Chúa Giêsu, được thành lập vào năm 1933 bởi René Voillaume nhằm làm cho di sản của Cha de Foucauld sinh hoa kết quả. Chính ở trong dòng này, tại Toulouse, Jacques đã sống sau cái chết của Raïssa, thậm chí mặc cả áo dòng của họ, hai năm trước khi ông qua đời năm 1973. Chính dòng này là những người theo đuổi với ông việc định nghĩa con đường chiêm niệm mới này trong lòng thế giới và là những người đã khuyến khích ông trong việc xuất bản cuốn Nhật kỳ của Raïssa. Do đó, lẽ dĩ nhiên ông đã yêu cầu bề trên của dòng, Cha René Voillaume, viết lời tựa.

Vị trên, khi mô tả kinh nghiệm linh đạo của Raïssa, khẳng định trong đó rằng bà "tham gia vào giáo huấn của Thánh Têrêsa thành Lisieux, và giáo huấn mà toàn bộ cuộc đời của Anh Charles của Chúa Giêsu đã truyền lại cho chúng ta và liên kết kinh nghiệm này trọn vẹn với việc canh tân thiêng liêng đang diễn tiến, mà đối với ngài có đặc điểm "ở mối quan tâm khôi phục lại sự chiêm ngưỡng Thiên Chúa ở vị trí đầu tiên, và đưa nó trở lại với trọn vẹn thế giới, giữa sự khốn cùng hoàn toàn của thế giới, như một điều cần thiết sinh tử cho sự triển nở xum xuê của đời sống Kitô hữu như các giáo dân vốn được kêu gọi đem nó ra sống”. Và chính điều này đã duy trì trọn vẹn sức mạnh cho cuốn Nhật ký của Raïssa: nó nhắc nhở chúng ta rằng trước khi tìm cách đem chứng từ Kitô giáo vào thế giới, chúng ta phải, bằng việc cầu nguyện, dấn bước tới gặp gỡ Thiên Chúa để trở thành và mãi là những Kitô hữu chân chính.

Nguồn: Antoine Mourges - publié le 12/10/18 https://fr.aleteia.org/2018/10/12/raissa-maritain-contemplative-dans-le-monde/