Chương XIII Nhìn lại lịch sử

(Tiếp theo)

III Nghĩ gì về tòa Lạc giáo (Inquisition)?

Tòa lạc giáo thời Trung cổ



1. Ngay từ đầu, chúng ta hãy nhận xét rằng việc thành lập Tòa án Lạc giáo phụ thuộc vào sự kết hợp phức tạp giữa đặc điểm thiêng liêng và trần thế của chế độ thánh thiêng {1} thời Trung cổ Kitô giáo. Trên thực tế, nguồn gốc đầu tiên của nó là quyền lực hoàng gia hơn là ngôi Giáo hoàng. Nó xuất hiện như một hiện tượng của Kitô giáo cũng như một hiện tượng của Giáo hội. Và chỉ đến cuối đường cong nó mới tự tan hòa vào phạm vi các "dịch vụ" thừa tác hoặc các cơ quan thừa tác được đem vào hoạt trường bởi quyền lực thiêng liêng để phục vụ các mục đích riêng và duy nhất của nó.

Nói tóm lại, trong bi kịch Tòa lạc giáo, người ta phải đối mặt với bốn nhân vật: Đức tin của Giáo hội (không chỉ là đức tin của Giáo hội, mà còn là nguyên tắc thân thiết nhất và cao cả nhất của sự thống nhất của kinh thành trần gian); Lạc giáo (không chỉ là lỗi chống lại đức tin, mà còn là nguyên tắc sâu xa của sự tách biệt khỏi kinh thành trần gian); nhân sự của Giáo hội, trên hết là Đức Giáo Hoàng; và các nhân viên của kinh thành trần gian, trên hết là các vị Vua hoặc Hoàng đế, với những quan tâm chính trị, lòng thèm muốn và tham vọng của họ. Và trong bi kịch đang bàn, chính các vị Vua ngay từ đầu đã giữ vai trò hàng đầu; Robert le Pieux là người đầu tiên nổi lửa giàn thiêu chống lại những kẻ lạc giáo ở Pháp.

Từ thế kỷ thứ mười một này, lúc mà ý niệm thánh chiến đã xuất hiện, chính các vị vua của Pháp đã khởi xướng cuộc đấu tranh chống lại người Cathar. Nói cho ngay, họ theo đuổi một mục đích kép: bảo vệ cơ chế chính trị thánh thiêng chống lại tà giáo lấy cảm hứng từ Manikêô đặc biệt nguy hiểm đối với nó; và đồng thời giải quyết vấn đề của họ với các ước vọng độc lập của những người nói phương ngữ phía nam sông Loire [langue d’oc], những người có nền văn hóa cạnh tranh với nền văn hóa của phương Bắc, dù sao họ cũng đã hoàn toàn thành công trong việc tiêu diệt nền văn hóa tinh tế và thanh tao này.

Chúng ta đừng quên rằng trong chế độ thánh thiêng, các nhà lãnh đạo trần thế là chủ nhân trong ngôi nhà riêng của họ đối với các công việc của trái đất, nhưng, bao lâu các công việc này cũng là các công việc của Kitô giáo, thì họ phụ thuộc vào vị lãnh đạo tối cao của lãnh vựv thiêng liêng, và đôi khi, các công cụ của vị này; mặt khác, quyền lực thiêng liêng là người bảo đảm tối cao cho quyền lực trần thế và của kinh thành trần thế do vị này cai trị, đến nỗi quyền lực thiêng liêng có nhiệm vụ bảo vệ cao độ đối với quyền lực trần thế, không ngần ngại "pha mình", tôi có thể nói như thế, vào việc này. Ở đây, ta thấy có những yếu tố của một phép biện chứng nội tại mang nặng những mâu thuẫn, đôi khi âm ỉ, đôi khi gay gắt, giữa hai quyền lực. Trong vụ việc với người Cathar, các vị vua rất Kitô hữu của Pháp đã không bỏ lỡ việc nhắc lại cho quyền lực thiêng liêng nhớ những nhiệm vụ của họ đối với kinh thành như chính họ hiểu, và theo cách cuối cùng hàm ngụ một kiểu tống tiền: một là Giáo hoàng sẽ đảm nhiệm việc đứng đầu một cuộc truy đuổi tà giáo đang tàn phá miền Nam nước Pháp (không phải là không lan rộng ra miền Bắc và thậm chí cả vùng Flanders), hai là chính các giám mục của vương quốc và các thẩm phán hoàng gia sẽ tự đảm nhiệm bảo vệ đức tin Công Giáo bất chấp Đức Giáo Hoàng, và lãnh đạo cuộc thánh chiến chống lại kẻ thù bên trong. Lúc đầu, các vị Giáo hoàng đã cố gắng chống lại, cảm nhận rõ ràng rằng sứ mệnh của Giáo hội là hoán cải các linh hồn hơn là thiêu sống các thân xác. Sau đó, các vị đã nhanh chóng nhượng bộ cuộc tống tiền, và nhanh chóng phán đoán rằng phương pháp mạnh là phương pháp tốt, sự lo lắng lớn lao của các vị lúc đó trở thành người nắm trong tay quyền chỉ đạo chính của doanh nghiệp. Chính vì vậy mà Tòa Lạc giáo thời trung cổ đã ra đời.

2. Đó là một bất hạnh cho Giáo hội. Đồng thời, trong khi phục vụ lợi ích của Vương quyền ở Pháp, nó đã bảo vệ Thế giới Kitô khỏi những mối đe dọa của một lạc giáo cực kỳ quyến rũ và độc hại hơn. Nhưng hoạt vụ này đã được tiến hành với cái giá cao xiết bao (và với biết bao hậu quả cho tương lai)!

Vào thế kỷ mười một và tiền bán thế kỷ mười hai, trong số các thánh và các nhà cầm quyền cấp cao của Giáo hội, không hề thiếu những vị nghĩ rằng cuộc đấu tranh chống lại lạc giáo chỉ có thể được tiến hành, bằng cách rao giảng và bằng các biện pháp trừng phạt thuộc trật tự thiêng liêng. Thánh Bênađô nói: Capiantur non armis, sed argumentis [Hãy tiến hành chúng không phải bằng vũ khí mà bằng các luận điểm] {2}. Và ngay cả sau Công đồng Latêranô thứ hai (1139), Alexandrô III vẫn tuyên bố vào năm 1162: "Tốt hơn là nên tha tội cho những người có tội còn hơn là tấn công cuộc sống của những người vô tội bằng một mức độ nghiêm trọng quá mức... Khoan dung thích hợp với giáo phẩm hơn là nghiêm khắc” {3}.

Tuy nhiên, cũng chính vị Giáo hoàng đó, gặp nhiều khó khăn và khuất phục trước áp lực của Louis VII Trẻ, vào năm sau đó, đã kêu gọi các biện pháp vũ lực bằng cách ra lệnh cho các hoàng tử kết án người Cathar ngồi tù và tịch thu tài sản. Đó là bước đầu tiên.

Khoảng hai mươi năm sau, vào năm 1184, Công đồng Verona, do Đức Giáo Hoàng Luxiô III chủ trì, và được Hoàng đế Frédéric Barberousse tham dự, đã đánh dấu việc khởi đầu thực sự của Tòa lạc giáo, và địa vị của nó đã được xác lập ở Pháp, vào năm 1232-1235, bởi các sắc chỉ của Đức Grêgôriô IX {4}. Đức Alexanđêrô III đã khởi đầu việc sử dụng các hình phạt trần thế. Điều này giờ đây đã trở thành định chế. Và một khi cỗ máy pháp lý đã được thành lập, một số người, có lẽ là rất nhiều, ngoài những kẻ điên rồ như Robert le Bougre hay Conrad de Marbourg, sẽ được chỉ định làm cho nó hoạt động, đều là những con người, trong nội tâm của họ, gắn bó với các giới luật Tin Mừng, những người sẽ phục vụ nó một cách hoàn toàn trong trắng vô tội. Bản thân cỗ máy thì không hề có tính Tin Mừng.

3. Tôi nhận thức rõ ràng rằng liên quan đến chữ Inquisition, là cả một hình ảnh hoàn toàn phổ biến trong đó (đặc biệt là về các dè dặt pháp lý{5} phải tuân giữ trong các phiên tòa nhằm bảo vệ phần nào {6} bị cáo) tính chính xác lịch sử đã bị bỏ qua nhường chỗ cho sự kinh dị, và trong đó lòng nhiệt thành phản giáo sĩ cũ đã thống lĩnh hoàn toàn. Tuy nhiên, điều này không ngăn cản mọi thứ diễn ra như chúng thực sự là.

Lãnh vực thích hợp của Giáo hội là đời sống nội tâm của các linh hồn trong mối liên hệ của họ với Thiên Chúa, trong đó điều quan trọng chủ yếu là họ tự do mở lòng mình cho chân lý và các ân sủng thần linh. Lợi ích chung của Giáo hội hệ ở chính điểm này. Nếu cần có các biện pháp phẫu thuật nhằm cắt đứt khỏi Giáo hội những thành viên có những sai sót đe dọa lợi ích chung này, thì đó là vạ tuyệt thông. Nhưng những phương tiện tự nó phù hợp với Xêda, các phương tiện vật chất và áp chế thể lý, là những phương tiện xa lạ, không được thích nghi, tự chúng không cân xứng với mục đích chính cần được theo đuổi đối với những người lầm lạc vốn là thành viên của Giáo hội: tức là chữa lành họ. Đối với một mục đích như vậy, tự chúng, chúng không có hiệu quả gì, ngoại trừ nhờ sự can thiệp của một ngoại lệ.

Kể từ thời điểm một định chế được nhân viên của Giáo hội tạo ra nhằm chuyển chiếc gậy, ngục tối, việc tra tấn và giàn thiêu vào việc phục vụ lãnh vực thiêng liêng, người ta đã vướng vào một mối bòng bong chết người, trong đó bạo lực gia tăng không ngừng: người ta bắt giữ những kẻ lạc giáo để trừng phạt họ trong thân thể hoặc trong tài sản trần gian của họ; lúc đó, chúng giả mạo nền chính thống; lúc đó người ta tìm lại chúng, dùng mọi phương tiện để lục xét lương tâm người ta và vạch trần tư tưởng của họ; lúc đó sự cố chấp trở thành chai đá trong lòng người ta, cùng với sự căm ghét tất cả những gì mà những người theo đuổi chúng đại diện cho; lúc đó người ta theo đuổi họ và người ta đánh đập họ còn gay gắt hơn nữa; lúc đó, đối với những người thuộc giáo phái của họ, họ trở thành các vị tử đạo, mà tấm gương sẽ hết sức rạng rỡ...

Không thể tiến xa đến mức tận diệt (điều đã xảy ra với người Cathar và người Albigeois), Tòa Lạc giáo đã không thực sự ngăn chặn được bất cứ tà giáo nào; bởi vì tinh thần, ngay cả khi nó lầm lạc nghiêm trọng nhất, luôn mạnh hơn sức mạnh.

4. Tôi đã nói rằng Tòa Lạc giáo là một bất hạnh cho Giáo hội. Tôi không nói rằng nó là sự xấu xa trong ý hướng chính và trong mục đích của nó. Mục đích chính (để bảo vệ đức tin) là điều tốt; và mục đích (để loại bỏ lạc giáo) là điều tốt. Tuy nhiên, khi thành lập Tòa Lạc giáo, một lầm lỗi nào đó, một sai lầm nào đó trong phán đoán thực tế tự nó có tội một cách nghiêm trọng, hẳn đã diễn ra. Ở đây có một điểm quan trọng cần làm sáng tỏ, đó là trong khi cố gắng trung thành với sự thật khách quan, ta không vì thế mà bất công đối với chủ thể con người.

Trong sắc chỉ nổi tiếng Unam Sanctam, Đức Bonifaciô VIII tuyên bố rằng Giáo Hội có "hai thanh gươm." Hai thanh gươm do Giáo hội sở hữu này là gì? Theo cách giải thích tự do mà tôi cho phép mình đề xuất, chúng ta đừng nói rằng đó là thanh gươm thiêng liêng và thanh gươm trần thế; chúng ta hãy nói rằng trong Giáo Hội, thanh gươm đầu tiên là thẩm quyền giảng dạy, thẩm quyền Lời Chúa, lời từng nói: "đây là sự thật do Thiên Chúa mạc khải," từ đó đức tin của tôi tuân theo, và: "Thiên Chúa cấm không ai được làm điều này" do đó, tôi sẽ giữ mình không làm điều đó, hoặc tôi sẽ đi xưng tội nếu tôi làm điều đó?{7} Và chúng ta hãy nói rằng thanh gươm thứ hai là thẩm quyền bắt buộc hoặc cưỡng chế{8}, bất kể nó có sử dụng các biện pháp trừng phạt thiêng liêng thuộc vương quốc của Thiên Chúa hay không (và là những biện pháp có thể hoặc hoàn toàn thiêng liêng – thiêng liêng đối với mục đích tức khắc và thiêng liêng một cách nội tại hoặc tự trong chúng - như vạ tuyệt thông, hoặc thiêng liêng đối với mục đích tức khắc nhưng trong chính chúng và có tính trần thế từ trong nội tại){9}, hoặc thậm chí, như trường hợp của mọi chế độ thánh thiêng, nó còn sử dụng các biện pháp trừng phạt trần thế vốn thuộc riêng cơ chế chính trị trần thế và quyền lực dân sự, quyền lực thiêng liêng lúc đó là người bảo đảm và bảo vệ tối cao những quyền lực này, và có thể yêu cầu chúng phục vụ mình nhân danh các mục đích và giá trị thiêng liêng, mà trong một chế độ như vậy, vốn được tích hợp trong lợi ích chung của kinh thành trần thế.

Bây giờ chúng ta hãy hướng về Tin Mừng, và hãy cầu xin chính lời Chúa hướng dẫn chúng ta.

Chúng ta đọc trong Thánh Luca (22:38): " Các ông nói: ‘Lạy Chúa, đã có hai thanh gươm đây’. Người bảo họ: ‘Đủ rồi!'”

Nhưng đó là thanh gươm thứ hai, thanh gươm trói buộc mà Simon Phêrô rút ra từ trong vỏ, khi Chúa Giêsu bị bắt, ông đã chặt tai phải của tôi tớ thầy thượng phẩm {10}. Và Chúa Giêsu nói gì với ông? "Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm "{11}.

Quyền lực thiêng liêng sở hữu hai thanh gươm. Nhưng khi nó sử dụng thanh gươm thứ hai, - và nhất là khi, như ở thời Trung cổ, nó sử dụng lúc phải nhờ đến vũ lực trần thế, - nó phải xỏ nó trở lại vỏ bọc ngay lập tức. Đó là một thanh gươm chỉ nên thỉnh thoảng mới sử dụng, và càng họa hoằn, và càng ít càng tốt (cắt tai, - đó là điều người ta có thể làm, phải không, trong việc sử dụng một thanh gươm).

Do đó, trong mục đích chính của Tòa án lạc giáo (để bảo vệ đức tin) và trong mục đích của nó (để bài trừ tà giáo) không hề có sai lầm. Nhưng khi rút thanh kiếm ra một cách không thể đặt nó trở lại trong vỏ, đã có một sai lầm, một sai sót, - chắc chắn là do chế độ thánh thiêng và não trạng của thời đại kéo theo hầu như không thể tránh khỏi - nhưng tự nó gây tổn hại cho Thiên Chúa một cách nặng nề khủng khiếp. Sai lầm, sai sót tai hại trong việc phán đoán thực tế của các vị Giáo hoàng thế kỷ thứ mười hai và mười ba {12} là đã thiết lập việc sử dụng vũ lực và các phương tiện vũ lực trong các vấn đề thiêng liêng thành dịch vụ hoặc cơ quan thừa tác thường trực của quyền lực thiêng liêng, nói ngắn gọn là thành định chế, được cấu tạo để tồn tại mãi, và có tầm quan trọng lớn lao, và đã tin tưởng vào những điều này mà quên đi tinh thần nào mới là tinh thần của Giáo Hội và tinh thần nào mới là tinh thần của các tôi tớ của Giáo hội. Và, do đó, họ đã đưa nhân sự của Giáo hội trong nhiều thế kỷ đi vào một con đường không đúng đắn.

Như tôi đã trình bầy ở trên, một định chế như vậy đặt lên hàng đầu một hành động dự phòng, một hành động bằng chính phương thức được nó sử dụng, đã phá hủy các điều kiện bình thường cần thiết để đạt được mục đích chính mà Giáo hội theo đuổi: chữa khỏi lạc giáo, và cả sự trở lại của những người không phải là Kitô hữu. Định chế này không có khả năng thực sự đạt được mục đích của riêng nó, ngoại trừ bằng cách trục xuất hàng loạt (không bao giờ chắc chắn), hoặc bằng cách tận diệt nhờ một cuộc thập tự chinh nào đó (điều này chỉ có thể hiếm hoi). Và trong khi cố gắng trở thành chính đáng (đã có những giáo luật gia ủng hộ điều này), nó phải tự làm cho mình ra khắt khe: do đó thất bại trong một cố gắng tuyệt đối chính yếu, vốn tương ứng với mong đợi của con người và bắt nguồn từ ý muốn của Chúa Kitô đối với các tôi tớ của Người: nghĩa là trong cách thức trong đó nhân sự của Giáo hội hành động, và ngay cả trong cách thức trong đó guồng máy tư pháp và hành chính, mà nó sử dụng, hàng động, luôn luôn xuất hiện tình bác ái thiêng liêng và tình yêu huynh đệ, vốn là chính sự sống của Giáo hội. Trong chính nó, Tòa lạc giáo là một tệ nạn làm vấy bẩn lịch sử nhân loại và là một sự xúc phạm lớn đối với Thiên Chúa.

Đó là điều tôi trả lời câu hỏi: nghĩ gì về Tòa lạc giáo? với việc xem xét sự việc một cách hoàn toàn khách quan, và theo điều chúng thực sự là.

Nhưng bây giờ, khi xem xét sự việc từ phía chủ thể con người, và từ phía các điều kiện cụ thể trong đó con người đang hiện hữu, tôi nghĩ rằng sẽ thật vô lý và có tinh thần biệt phái khi coi các vị Giáo hoàng của thế kỷ 12 và thế kỷ 13 có tội về phương diện luân lý vì đã làm những gì họ đã làm. Tôi xác tín rằng khi làm những gì họ đã làm, lương tâm của họ rất trong sáng. Họ không nhìn thấy sai lầm nặng nề của việc thể chế hóa các phương tiện vũ lực trần thế, và lý do dẫn đến sai lầm này. Thứ nhất, vì, để thấy được điều này như chúng ta thấy ngày nay, kinh nghiệm lịch sử hướng dẫn chúng ta đã không có ở thời Trung Cổ; nói cách khác vì họ là những người thuộc thời đại của họ. Các vị Giáo hoàng thuộc về thời đại của họ, cũng như thuộc về những ý tưởng thường nhận được chung và được họ tin tưởng mà không cần xem xét chúng. Dưới mắt người Trung Cổ, không gì tự nhiên hơn việc sử dụng vũ lực.

Và sau đó vì họ thấy mình rơi vào một tình huống bi thảm: cùng một lúc phải đấu tranh với các vị vua và Hoàng đế đang bao vây nền độc lập của Giáo hội, đấu tranh chống lại những rắc rối nội bộ xảy ra sau này, và đấu tranh chống lại lạc giáo đe dọa Kitô giáo. Họ chỉ thấy rằng ý hướng chính của Tòa lạc giáo là điều tốt, và mục đích của nó là điều tốt. Phần còn lại không đáng kể. Vụ việc đối với họ là ơn cứu rỗi công cộng; và ta biết rằng thực hiện các biện pháp cứu rỗi công cộng luôn luôn đòi hỏi một sự mù quáng nào đó, điều này không nhất thiết làm hoen ố lương tâm của người thực hiện chúng.

5. Tất cả những gì tôi vừa nói về các vị Giáo hoàng của thế kỷ mười hai và mười ba, cả về lỗi lầm hoặc sai lầm trong phán đoán thực tế mà xét một cách khách quan họ đã phạm khi thành lập Tòa Lạc giáo lẫn về sự vô tội mà với nó, khi xem xét chủ thể con người, họ đã phạm sai lầm này, điều rõ ràng là cần phải nói rằng các Công đồng khác nhau trong cùng một thế kỷ cũng đã quy định thể chế này.

Những Công đồng này, ngay cả khi mang tính đại kết như các Công Đồng Latêranô, đã không làm chúng ta nghe thấy ở đấy tiếng nói không thể sai lầm của Giáo hội Trái đất và Thiên đàng, đã không đem lại cho chúng ta một giáo huấn - có giá trị cho mọi thời đại - về vấn đề đức tin hoặc về luân lý, như họ đã làm trong một số nghị định khác của họ. Chính trong vấn đề ngẫu nhiên và đặc thù, về những gì phù hợp với một thời điểm nhất định và trong những hoàn cảnh nhất định, mà họ đã đưa ra các sắc lệnh đang bàn, chẳng hạn, những sắc lệnh liên quan đến tình trạng nô lệ của người Do Thái đối với các Kitô hữu, hoặc một cuộc thập tự chinh phải được thực hiện{13}. Các Nghị phụ của các Công đồng này và các vị Giáo hoàng đã phê chuẩn các quyết định của họ, khi đó đã hành động như những nguyên nhân chính, chứ không phải với như công cụ của ngôi vị Giáo hội; họ có thể sai lầm.

Người ta có nghĩa vụ tuân theo họ vì người ta có nghĩa vụ tuân theo bất cứ thẩm quyền hợp pháp nào, ngay cả khi nó sai lầm (trừ trường hợp lương tâm phản đối một cách bất khả kháng, một số chế tài nào đó mà người ta có thể phải chịu và có lẽ cần phải chịu một cách sẵn lòng). Nhưng liên quan đến các sắc lệnh mà tôi vừa nhắc đến, người ta đã tuân theo không phải chính ngôi vị của Giáo hội; chính những con người – lúc đó làm cho tiếng nói của họ được lắng nghe, và hành động theo sáng kiến riêng của họ - được Thiên Chúa giao quyền cai quản Giáo hội trên trái đất; nói cách khác, chính với nhân sự - với những nhân sự cao cấp nhất - của Giáo hội, hành động như nguyên nhân chính, mà người ta phải xử lý và chính họ là những người ta tuân theo.

6. Một điểm cuối cùng vẫn cần được thảo luận. Nó liên quan đến cách thức mà các tòa án của Tòa Lạc giáo hành xử trên thực tế. Về mặt này, có hai điều đặc biệt gây tai tiếng cho chúng ta và tự chúng không thể chấp nhận được. Tôi nghĩ đầu tiên đến thủ tục được các quan Tòa lạc giáo tuân theo khi họ tuyên án tử hình cho kẻ thù của đức tin, nghĩa là, lên giàn hỏa. Trước tiên, họ cần ý thức rằng Giáo hội tự cấm mình đổ máu; kết quả là họ đã trao người có tội cho cánh tay thế tục, vốn không ngăn cấm mình đổ máu và không gửi người tới giàn hỏa. Như vậy, người ta đã chơi trò lừa đảo; kẻ thù của đức tin đã bị thiêu sống; và các nhà thần học đã tự miễn bổn phận kép của họ đối với các Tòa Lạc giáo và các giáo phẩm.

Tiếp theo, tôi nghĩ đến việc thường sử dụng tới tra tấn (giá, cột treo người, đuốc rực lửa; sau này, ở Ý và ở Tây Ban Nha, hình phạt kẹp chân và hình phạt nước) như một phương tiện để lấy được lời thú tội mà dựa vào giá trị của nó, người ta sẽ quyết định phải hành xử ra sao đối với bị cáo hoặc đối với những người mà anh ta tố cáo.

Ở đây một lần nữa, ta nên phân biệt giữa sự việc trong chính chúng hay về phía sự thật khách quan, và sự việc về phía chủ thể con người.

Xem xét sự việc theo bản thân chúng, hoặc theo sự thật khách quan, không cần phải nhấn mạnh tới giá trị đạo đức của hai thủ tục được đề cập: chúng cấu thành những lỗi nghiêm trọng.

Việc sử dụng tra tấn để lấy lời thú tội, - và lời thú tội được coi là hợp lệ, - tự nó là một lỗi nghiêm trọng chống lại công lý.

Việc trao người có tội cho cánh tay thế tục, tự nó đã là một hành vi đạo đức giả{14}. Vì chính các nhà thần học là quan tòa, đã tiến hành cuộc điều tra và tuyên bố bản án về lạc giáo chính thức hoặc yêu thuật. Do đó, họ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về hình phạt tử hình do bản án đem lại; trong thực tế, cánh tay thế tục chỉ là một công cụ. Hơn nữa, chắc chắn người ta sẽ yêu cầu cánh tay này, trong một công thức đạo hạnh, có thể nói là cầu xin, tha cho kẻ có tội khỏi cái chết. Và nếu thỉnh thoảng xảy ra việc một hoàng tử thực hiện nghiêm túc công thức đạo hạnh này, thì chính ông ta sẽ bị vạ tuyệt thông. Trong chính nó, thủ tục này là một lỗi nghiêm trọng chống lại Giáo hội. Vì sau khi nhắc lại rằng Giáo Hội không nên đổ máu, thì bất chấp mưu mẹo hợp pháp của họ, các thẩm phán của Tòa lạc giáo đã đổ trách nhiệm đổ máu lên chính Giáo Hội, vì Tòa Lạc giáo là một tòa án của Giáo hội{15}, và vì người ta coi hành vi của tòa án này như hành vi “của Giáo Hội” (điều này sai, đến nỗi vết nhơ tung ra chống lại Giáo Hội hoàn toàn không chạm tới khuôn mặt của ngôi vị Giáo hội, của Nàng dâu Chúa Kitô; tuy nhiên họ vẫn cứ tung nó ra). Khi trao nộp kẻ lạc giáo cho cánh tay thế tục, để đưa anh ta đến cái chết, điều họ làm tự nó là một sự phản bội tinh thần của Giáo hội, người không đổ máu, vi phạm bởi những người muốn phục vụ Giáo Hội.

7. Sau điều trên, có cần phải nói rằng nếu xét sự việc về phương diện chủ thể con người, các thẩm phán của Tòa Lạc giáo, khi vi phạm điều tự chúng cấu thành lỗi nặng, trong hai trường hợp tôi vừa trình bầy, có đáng qui tội về mặt luân lý và thực sự phạm tội trước mặt Thiên Chúa không? Chúng ta hãy cẩn thận ở đây để không phạm một sự dại dột. Vì đã có những vị thánh {16} trong số các quan tòa lạc giáo. Và cả những người không phải là thánh, nhưng nếu coi tất cả đều là những kẻ đạo đức giả và những kẻ man rợ, ta sẽ mắc lỗi lầm tương tự như lỗi lầm của chính họ.

Điều quan trọng cần xem xét ở đây là sự ngây thơ hoàn toàn và không thể cưỡng được của con người thời Trung Cổ (một sự ngây thơ mà dấu vết vẫn còn xuất hiện nơi những con người của thế kỷ XVII, khi họ không ngần ngại đưa tất cả những người không phải Công Giáo xuống Hỏa ngục); và cách riêng, là sự ngu dốt hoặc thờ ơ hoàn toàn và không thể cưỡng được, trong đó, - bất kể các quan điểm của họ về các khả năng của linh hồn được phân tích về phương diện triết học đúng đến đâu ở các khía cạnh khác, - họ thấy mình liên hệ đến vũ trụ của những điều chủ quan đúng nghĩa, hoặc của những điều mà trong sự thân mật của chủ thể vượt quá mô tả khách quan của họ và phủ nhận sự mô tả mà người ta tạo ra cho chính mình về chúng theo mô tả duy nhất này. (Chẳng hạn, họ buộc người Do Thái hoặc người Hồi giáo sống trong lãnh thổ Kitô giáo phải thường xuyên nghe các bài giảng về chân lý Kitô giáo, mà không thấy rằng chính điều này đủ làm họ nổi sùng chống lại các chân lý này. Đối với họ, những người Do Thái và Hồi giáo này sống trong lầm lạc: Lời sự thật phải giải thoát họ khỏi lầm lạc này.)

Liên quan đến việc trao kẻ có tội cho cánh tay thế tục, chúng ta cần xem xét cả sự ngây thơ thời trung cổ lẫn quan điểm riêng của chế độ thánh thiêng. Theo quan điểm này (và niềm tin của các bộ luật mọi thời vào tính hợp pháp của hình phạt tử hình), điều phù hợp là trật tự thế tục, cơ quan chính trị trong phạm vi riêng của nó, được đổ máu những kẻ lạc giáo, vốn đe dọa lợi ích chung của nó. Các thẩm phán của Tòa lạc giáo thuộc một lĩnh vực khác, lãnh vực Giáo Hội vốn tự cấm việc đổ máu. Một khi họ đã đưa ra phán quyết của mình và tuyên bố: "Người này hoặc người nọ là một kẻ lạc giáo", họ đã hoàn thành nhiệm vụ của họ trong phạm vi của mình rồi. Phần còn lại không liên quan đến họ (và đây, chính là sự ngây thơ, vì trên thực tế, điều này quan tâm đến họ một cách đặc biệt, vì họ là các thẩm phán); họ nhắm mắt trước việc kết án tử hình, họ làm ngơ nó (trong thực tế, họ không làm ngơ và không thể làm ngơ nó: nhưng họ đã vạch một đường ranh giới trừu tượng, cho một bức tường ngăn cách thực sự giữa việc tuyên bố ai đó là lạc giáo và đưa anh ta vào giàn hỏa). Ý niệm cho rằng thủ tục của họ là đạo đức giả, và điều này làm Giáo hội ra sai trái làm thế nào có thể thâm nhập vào tâm trí họ được?

Liên quan đến việc tra tấn, cũng là một sự ngây thơ tương tự: nếu một người biết sự thật liên quan đến một điều gì đó cố chấp từ chối tiết lộ sự thật này cho các thẩm phán đang thi hành đầy đủ quyền điều tra của họ, đó là bởi vì anh ta có trong mình những trở ngại mạnh mẽ: sợ bị trừng phạt, hoặc ý chí gian tà, gắn bó với giáo phái của mình và sợ làm hại nó, ấy là chưa nói tới quyền lực của ma quỷ luôn ngăn cản anh ta thú nhận sự thật đang được đề cập. Do đó, những người của luật pháp có quyền phá vỡ những trở ngại này! Tra tấn là một phương thuốc đặc biệt mạnh mẽ, nhưng cần thiết, để mở lưỡi của người bị thẩm vấn và lôi sự thật ra khỏi miệng anh ta. Cuối cùng, trong khi làm cho cuộc điều tra diễn tiến, nó đã giải thoát anh ta khỏi chứng tê liệt không thể chữa khỏi bằng cách khác. Làm sao những người chỉ nhìn một phía đeo như thế có thể thấy rằng khi tra tấn người này, họ không những đưa ra một điển hình tàn ác lạnh lùng, mà còn bạo hành đối với một lãnh vực thánh thiêng: tức phẩm giá và nhân cách, vũ trụ nội tâm, tự nó đòi hỏi sự tôn trọng tuyệt đối, của một hữu thể được tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa, và được làm sinh động ngay cả những sợi nhỏ nhất của cơ thể họ bởi một linh hồn vốn là tinh thần? và thay vì sự thật, họ chỉ làm phun ra từ cửa miệng đầy hoảng sợ vì đau khổ của anh ta những lời thú nhận bất cứ điều gì và bằng lòng bất cứ điều gì miễn là chấm dứt được cơn cực hình?

Nền văn minh hiện đại của chúng ta được khai sáng hơn về tất cả những điều này so với thời Trung cổ, nhưng ở tất cả các xã hội tự do, việc thực hành tra tấn vẫn không được bãi bỏ{17}. Tuy nhiên, trong vấn đề này, bốn loại khác biệt làm nó khác biệt với thời Trung cổ: ngày nay người ta tra tấn với lương tâm xấu và một cách che giấu, nhờ các phương tiện, theo quốc gia, hoặc của cảnh sát Nhà nước hoặc của lực lượng cảnh sát "song song" và của các cơ quan mật vụ; ngày nay người ta có những kỹ thuật hoàn thiện hơn nhiều, và việc tra tấn tinh thần {18} tỏ ra cũng hữu hiệu đáng sợ như tra tấn thể xác; ngày nay người ta biết rằng những lời thú tội lấy được đôi khi cung cấp thông tin chính xác dưới sự đe dọa của điều tồi tệ nhất, nhưng người ta cũng có thể khiến người bị tra tấn nói tất cả những gì người ta muốn, điều này rất có lợi để đánh lừa dư luận hoặc để giáng đòn hạ cấp; ngày nay ai đã thú nhận vì bị tra tấn là một người hạ cấp, trong khi vào thời Trung cổ, anh ta là một người mà người ta áp dụng sức mạnh trong tình trạng thi hành nghĩa vụ, và là người, nếu sau đó anh ta trở lại đức tin chân chính, có thể tham vọng trở thành một quan tòa lạc giáo...

Cuối cùng, có một sự khác biệt thứ năm, và là một trong những điều có giá trị lớn thời nay: ngày nay một giáo phẩm không còn chơi trò chơi này nữa.

Tôi có thành công không (bất chấp những ghê tởm nhuốm màu đa cảm mà tôi xin thú nhận) trong việc cho thấy những người của thời Trung Cổ và các thẩm phán của Tòa Lạc giáo, khi họ thực hành tra tấn{19}, và khi họ giao nộp kẻ lạc giáo, mà máu của người này họ không muốn đổ ra, cho cánh tay thế tục khiến anh ta trở thành tro bụi, có thể làm một cách ngây thơ điều mà tự nó vốn là một lỗi nghiêm trọng, và do đó người ta tự giải thích với chính mình rằng có những vị thánh trong số các quan tòa lạc giáo? Các vị thánh cũng là những người thuộc thời đại của họ, những người không nhìn thấy điều những ý kiến người ta thường nhận được ở thời đại của họ và không ai nghĩ đến việc kiểm tra chúng {20}, đã ngăn cản họ nhìn ra. Thật không dễ chịu khi phải nói ra điều này; tuy nhiên, nó là sự thật.

8. Tòa lạc giáo thời trung cổ kéo dài bốn thế kỷ (thế kỷ thứ mười hai đến thế kỷ thứ mười lăm), không nhiều nếu người ta cho rằng Giáo hội sẽ tồn tại cho đến tận thế, nhưng vẫn là một khoảng thời gian đáng kể. Và sau khi trôi qua một chút thời gian nữa, nó vẫn còn đè nặng lên chúng ta, bởi vì chúng ta là những hữu thể được ban tặng một trí nhớ. Và nó đã được tiếp nối bằng các thời kỳ tòa lạc giáo khác, về điều này tôi sẽ nói sau đây một vài lời... Sự kiện vẫn là mỗi người trong chúng ta, bất kể họ có thể ghê tởm ra sao về cuộc phiêu lưu khủng khiếp của thời trung cổ này, đều cảm thấy đích thân bị dày vò và bối rối một cách khó hiểu bởi ý tưởng cho rằng Thiên Chúa đã cho phép điều này.

Tại sao Thiên Chúa đã cho phép điều này? Đối với một câu hỏi như vậy chắc chắn người ta chỉ có thể trả lời bằng những câu nói lắp bắp khiêm tốn. Do đó, chúng ta hãy lắp bắp thêm một lần nữa, vì chúng ta là những cái đầu biết suy nghĩ.

Xem ra đối với tôi, người ta có thể nói rằng nếu Thiên Chúa cho phép Tòa Lạc giáo, - điều xấu xa này tự nó đã xúc phạm Người một cách nghiêm trọng, và là một trong những vết nhơ của một thế giới Kitô giáo bởi rất nhiều khía cạnh khác thân thiết với trái tim Người, - là bởi vì điều cần thiết là tại một thời điểm nhất định của lịch sử, cảm thức về sự Siêu việt tuyệt đối phải đi vào tâm thức con người, đi vào những lớp sâu thẳm nhất trong da thịt chúng ta – một cản thức khôn nguôi, quá cao và quá thần linh để bất cứ tâm trí được tạo dựng nào cũng có thể tự hình thành cho mình một ý tưởng về nó, về Đức tin siêu nhiên trong tính thống nhất không thể phân chia và trong sự nghiêm khắc không tì vết của nó. Ở đây không phải là vấn đề của những mệnh đề chân thực chỉ được đọc trong một cuốn sách; đây là vấn đề của một sự thật hẳn phải thiêu đốt chúng ta đến tận xương tủy.

Đằng sau những bày trò pháp lý và những cuộc tra tấn của Tòa lạc giáo còn có một mầu nhiệm thần linh vô cùng đáng sợ hơn - và vô cùng thương xót: đó là mầu nhiệm của những đòi hỏi của Đức tin, sẽ cứu, nơi người đã nhận được hồng phúc này, những đòi hỏi toàn diện, vô điều kiện, hoàn toàn không gì lay chuyển được, những điều mà con người bằng bất cứ giá nào cũng phải có được cảm thức, mặc dù Thiên Chúa đã, vì điều này, để cho diễn ra một sai lầm khủng khiếp nơi các nhân viên trong Giáo hội của Người, và một trò chơi tàn nhẫn trong đó điều ác và điều tốt, lỗi lầm và sự vô tội đã xáo trộn các lá bài của các thừa tác viên của Giáo Hội cũng như các đối thủ của họ. Đối với mầu nhiệm này của trật tự thần linh, các nạn nhân của Tòa lạc giáo là những nhân vật tê tái và biểu tượng đẫm máu. Tôi hy vọng rằng Thiên Chúa đã tiếp nhận hết thẩy họ vào nước Thiên đường của Người. Họ đã hy sinh để có thể đóng một lần vĩnh viễn, bằng sắt nung, một kho tàng của cuộc sống vĩnh cửu: cảm thức về sự Siêu việt tuyệt đối của Đức tin thần học, vào các thành viên của Giáo hội trên trái đất, - vào tất cả những người sẽ đến sau thời các tông đồ (họ đã có máu của các vị tử đạo) và thời đầu Trung cổ.

Cho đến tận thế, Giáo hội sẽ lưu giữ và sẽ trân trọng kho báu này. Chúng ta hãy thương xót những kẻ yếu bóng vía ngày nay chỉ những muốn làm nó tan biến theo gió bốn phương.

Thời kỳ trong đó những ngọn lửa của giàn hoả được đốt lên ở khắp mọi nơi nhưng thắp sáng trên bầu trời hình ảnh tối cao của Đức Tin, được thiết lập trên chân lý tuyệt đối và tính tuyệt đối không thể phân chia của Lời Chúa, chắc chắn vĩ đại hơn thời kỳ trong đó, trong sự mù mờ của những hóc tường của họ, các thanh niên đáng thương tự tưởng tượng mình là Kitô hữu chiếu đèn pin của họ khắp Mười Điều Răn và Kinh Tin Kính để thực hiện các lựa chọn của họ, rồi sau đó, vừa bắt mạch vừa tuyên bố: Tôi tin vào Tin mừng nhưng không tin vào Nguyên tội hoặc vào Địa ngục, và tôi rất nghi ngờ về sự sống lại của Chúa Giêsu, tôi tin rằng tôi bị cấm giết người nhưng tôi không hề tin chút nào rằng tôi bị cấm gian dâm v.v.

Liệu một thời kỳ như vậy có kéo dài được không? Nó không có sự ngây thơ của thời Trung cổ, nhưng nó có sự ngu ngốc, điều mà thời Trung cổ không hề có. Và sự ngu ngốc không phải là một bảo đảm tốt để chống lại những tai nạn của lịch sử.

Da mihi intellectum ...[xin ban cho con trí hiểu]
Viam veritatis elegi ...[con đã chọn đường chân lý] {21}
Si non credideretis, non permanebitis [nếu bạn không tin, thì đừng tuân giữ]{22}.

Còn tiếp