Elise Ann Allen của tạp chí Crux, ngày 19 tháng 2 năm 2024, tường trình rằng khi các giám mục Đức họp trong tuần này để thúc đẩy tiến trình cải cách quốc gia của họ, Vatican đã đe dọa hành động theo giáo luật nếu họ từ chối tuân thủ lệnh ngưng bỏ phiếu về quy chế của một ủy ban mới gây tranh cãi mà trước đó đã bị bác bỏ.



Là một phần của đại hội hiện tại diễn ra từ ngày 19-22 tháng 2 tại Augsburg, khoảng 60 thành viên của Hội đồng Giám mục Đức tham dự đã lên kế hoạch giải quyết các kết quả của quá trình cải cách “Con đường Đồng nghị” vừa được kết thúc gần đây của họ và bỏ phiếu về các quy chế của một “Ủy ban Đồng nghị” có nhiệm vụ thành lập một “Hội đồng Đồng nghị” quốc gia mới.

Tuy nhiên, sau khi nhận được một lá thư mới từ Vatican đe dọa các biện pháp trừng phạt, các giám mục Đức dường như đã tạm dừng cuộc bỏ phiếu đó.

Một ấn bản bằng tiếng Đức của bức thư – đề ngày 16 tháng 2 và có chữ ký của Quốc vụ khanh Vatican, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, Đức Hồng Y người Á Căn Đình Victor Fernández, và Bộ trưởng Bộ Giám mục người Hoa Kỳ, Đức Hồng Y Robert Prevost – đã được công bố trên trang mạng của Hội đồng Giám mục Đức.

Theo bản dịch tiếng Ý của bức thư được đăng trên trang tin tức Settimana News của Ý, các Đức Hồng Y Parolin, Fernández và Prevost cho biết cần phải “bày tỏ một số mối quan ngại” và “cung cấp một số dấu hiệu” liên quan đến việc bỏ phiếu về các quy chế của Ủy ban Đồng nghị.

Họ nói rằng những dấu hiệu này “đã được trình lên Đức Thánh Cha và được ngài chấp thuận”.

Lưu ý rằng các quy chế được đề xuất nói rằng “nhiệm vụ đầu tiên” của ủy ban là thành lập Hội đồng Đồng nghị, Vatican cho biết loại cơ quan giáo hội này “không được giáo luật hiện hành dự liệu trước và do đó một nghị quyết của Hội đồng Giám mục Đức theo nghĩa này sẽ không có hiệu lực, kèm theo hậu quả pháp lý liên quan.”

Trích dẫn các điều khoản cụ thể của Giáo luật, Vatican cho biết không có cơ sở cho Hội đồng Đồng nghị như Hội đồng Giám mục Đức hình thành, “cũng như không có sự ủy nhiệm nào được Tòa thánh ban hành” để thành lập nó.

“Ngược lại, [Tòa thánh] đã bày tỏ điều ngược lại,” bức thư viết.

Ý tưởng thành lập Hội đồng Đồng nghị, một cơ quan điều hành bao gồm cả giám mục và giáo dân để giám sát thường trực giáo hội ở Đức, đã được thông qua trong phiên họp toàn thể lần thứ tư của “Con đường Đồng nghị” của Đức vào tháng 9 năm 2022, với mục đích đưa ra “các quyết định cơ bản có tầm quan trọng siêu giáo phận.”

Hội nghị đó cũng đã phê chuẩn một “Ủy ban Đồng nghị” do Đức Giám Mục Georg Bätzing của Limburg, chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức và giáo dân đồng chủ trì, có nhiệm vụ cụ thể là thành lập Hội đồng Đồng nghị để hoạt động tích cực từ năm 2026.

Vào tháng 1 năm ngoái, những người đứng đầu một số cơ quan chính của Vatican đã viết một lá thư cho các giám mục Đức phủ quyết Hội đồng Đồng nghị với lý do rằng nó tạo thành một hình thức thẩm quyền giáo hội mới không được công nhận về mặt giáo luật, và về cơ bản sẽ chiếm đoạt thẩm quyền của hội đồng các giám mục quốc gia.

Trong lá thư đó, Vatican cho biết không có giám mục nào bị buộc phải tham gia vào Ủy ban Đồng nghị, và họ nhấn mạnh rằng Giáo Hội Đức không có thẩm quyền thành lập một thực thể giáo luật mới, chẳng hạn như Hội đồng Đồng nghị.

Tuy nhiên, trong hội nghị mùa xuân của các giám mục Đức một tháng sau đó, vào tháng 3 năm 2023, Giám Mục Bätzing thông báo rằng các kế hoạch vẫn sẽ được tiến hành và Ủy ban Đồng nghị sẽ được thành lập bất chấp những lo ngại của Vatican.

Cả Vatican và Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhiều lần can thiệp trực tiếp vào tiến trình đồng nghị của các giám mục Đức kể từ khi nó được khởi động vào năm 2019, với mục đích cải cách cơ cấu giáo hội để ứng phó tốt hơn với các vụ tai tiếng giáo sĩ toàn quốc lạm dụng.

Vào tháng 6 năm 2019, Đức Phanxicô đã viết một lá thư cho người Công Giáo Đức cảnh cáo không nên quá chú trọng vào “các cải cách cơ cấu hoặc hành chánh thuần túy”.

Trong một lá thư gửi các nhà thần học Đức và những người chỉ trích Con đường Đồng nghị vào tháng 11 năm 2023, Đức Giáo Hoàng đã chỉ trích cả Hội đồng Đồng nghị lẫn Ủy ban Đồng nghị, nói rằng chúng “không thể dung hòa với cơ cấu bí tích” của giáo hội, và rằng các sáng kiến này có nguy cơ làm rạn nứt sự hiệp nhất của Giáo Hội.

Vatican và các giám mục Đức đã tổ chức các cuộc họp thường kỳ kể từ chuyến viếng thăm ad limina của các giám mục Đức vào tháng 11 năm 2022 tới Rome, trong thời gian đó một lệnh tạm dừng đã được đề xuất đối với tiến trình hội nghị ở Đức, để tiếp tục đối thoại giữa những bất đồng của họ, tuy nhiên, trong khii đó, các Giám Mục tiếp tục thúc đẩy diễn trình dự hoạch Hội đồng Đồng nghị.

Khi Ủy ban Đồng nghị tổ chức cuộc họp khai mạc vào tháng 11 năm 2023, những người tham gia đã phê chuẩn các quy chế của nó, trong số những điều khác cho phép cơ quan thông qua các nghị quyết với đa số đơn giản là 2/3, không giống như Con đường Đồng nghị, vốn yêu cầu 2/3 sự ủng hộ của cả các giám mục và giáo dân mới thông qua các nghị quyết.

Chỉ với 23 giám mục thành viên trong ủy ban, sau khi bốn vị từ chối tham gia, hơn một nửa trong số 70 thành viên của ủy ban là giáo dân, nghĩa là, về mặt lý thuyết, các nghị quyết có thể được thông qua mà không có sự chấp thuận của bất cứ giám mục nào trong nước.

Trong lá thư ngày 16 tháng 2, Vatican lưu ý rằng các quy chế của Ủy ban Đồng nghị nêu rõ rằng chúng chỉ có thể có hiệu lực khi có nghị quyết chung của Hội đồng Giám mục Đức và Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức – một cơ quan giáo dân có ảnh hưởng bao gồm nhiều tổ chức Công Giáo khác nhau ở Đức.

Các quy chế đã được Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức phê duyệt ngay sau cuộc họp của Ủy ban Đồng nghị vào tháng 11 năm 2023.

Tuy nhiên, Vatican cho biết, nghị quyết Hội đồng Giám mục Đức sẽ có vấn đề vì nó “không thể hoạt động như một thực thể pháp lý trong lĩnh vực thế tục”.

Vatican cho biết những vấn đề này và những vấn đề khác đã được nêu rõ trong chuyến thăm ad limina năm 2022 của các giám mục Đức, đồng thời lưu ý rằng những mối quan ngại này đã được nhắc lại trong bức thư do các viên chức Vatican gửi vào tháng 1 năm ngoái với mệnh lệnh cụ thể của Đức Thánh Cha “không được tiếp tục thành lập hội đồng này”.

Bức thư viết: “Việc phê chuẩn các quy chế của Ủy ban Đồng nghị sẽ mâu thuẫn với các hướng dẫn của Tòa thánh ban hành theo ủy ban đặc biệt của Đức Thánh Cha, và một lần nữa sẽ đưa ra cho ngài một sự đồng lõa”.

Về phương diện này, Vatican lưu ý rằng trong cuộc họp vào tháng 10 năm ngoái, người ta đã quyết định rằng chủ đề về một “cơ quan tư vấn và ra quyết định cấp giáo phận” như Hội đồng Đồng nghị sẽ được thảo luận trong cuộc họp tiếp theo giữa các viên chức của Hội đồng Giám mục Đức và Vatican.

Bức thư cho biết: “Nếu các quy chế của Ủy ban Đồng nghị được thông qua trước cuộc họp này, thì câu hỏi sẽ đặt ra là về ý nghĩa của cuộc họp này và, nói chung hơn, của tiến trình đối thoại đang diễn ra”.

Vatican đã yêu cầu Hội đồng Giám mục Đức xem xét nội dung của bức thư và bày tỏ hy vọng rằng bức thư cũng sẽ được xem xét trong đại hội của Hội đồng Giám mục Đức vào tuần này.

Một phát ngôn viên của hội đồng giám mục xác nhận với hãng thông tấn KNA của Đức rằng cuộc gặp giữa các thành viên Giáo triều Rôma và Hội đồng Giám mục Đức hiện đang diễn ra theo lịch trình nhưng không tiết lộ khi nào cuộc họp đó sẽ diễn ra.

Ủy ban Đồng nghị hiện đang được lên kế hoạch tổ chức cuộc họp toàn thể lần thứ hai vào tháng 6, tuy nhiên, không rõ liệu cuộc họp đó có thực sự được tổ chức hay không dựa trên lá thư gần đây nhất của Vatican.