Luke Coppen của tạp chí The Pillar, ngày 19 tháng 3 năm 2024, cho rằng đây có thể coi là một tuần quan trọng đối với đạo Công Giáo ở Đức.
Vào thứ Tư, các giám mục và các nhà lãnh đạo giáo dân sẽ tham dự một cuộc họp bất thường để thảo luận về tương lai của dự án “con đường đồng nghị”.

Và vào thứ Sáu, các giám mục Đức sẽ tham gia một vòng đàm phán mới với các viên chức Vatican, những người lo ngại dự án có thể dẫn đến sự bất hòa giữa Rome và Giáo hội ở Đức.

Hai cuộc họp có thể giúp giải quyết một câu hỏi đang đè nặng lên Giáo hội Đức trong những tháng gần đây: Liệu “ủy ban đồng nghị” – một cơ quan gồm các giám mục và giáo dân được thành lập sau khi Con đường đồng nghị kết thúc một năm trước – đã chết hay còn sống?

Con đường/ủy ban/hội đồng đồng nghị là gì?

Trước hết, xin cập nhật nhanh các sự kiện gần đây.

Năm 2018, một nghiên cứu do các giám mục ủy quyền đã kết luận rằng hơn 3,600 trẻ em và thanh thiếu niên bị lạm dụng tình dục trong Giáo Hội Công Giáo ở Đức từ năm 1946 đến năm 2014.

Hội đồng giám mục và cơ quan giáo dân có ảnh hưởng, Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức (ZdK), đã cùng nhau phát động Con đường đồng nghị vào năm 2019, để đối phó với cuộc khủng hoảng lạm dụng và trong bối cảnh một cuộc rời khỏi Giáo hội hàng loạt của người Công Giáo.

Hội đồng giám mục và Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức đã trình bày Con đường đồng nghị như một phản ứng cần thiết đối với các khuyến nghị của nghiên cứu, trong đó bao gồm “sự thay đổi trong cơ cấu quyền lực giáo sĩ”, sự chú ý nhiều hơn “đến những phát hiện của y học tình dục hiện đại” và việc tăng các khoản thanh toán bồi thường.

Từ năm 2020 trở đi, Con đường đồng nghị đã quy tụ các giám mục và giáo dân tại năm hội nghị được công bố rộng rãi để thảo luận về bốn chủ đề chính: quyền lực, chức linh mục, phụ nữ trong Giáo hội và tình dục.

Con đường đồng nghị chính thức kết thúc vào tháng 3 năm 2023 với việc phê chuẩn các nghị quyết hỗ trợ các nữ phó tế, xem xét lại vấn đề độc thân linh mục, giáo dân thuyết giảng trong Thánh lễ, ban phép lành đồng tính và “đa dạng giới tính”.

Trong số các nghị quyết được thông qua – dài tới 150 trang bằng tiếng Anh – có một nghị quyết dành riêng cho “việc củng cố bền vững tính đồng nghị”.

Văn bản, được phê duyệt vào năm 2022, kêu gọi thành lập một cơ quan trung gian gọi là ủy ban đồng nghị để chuẩn bị cho việc thành lập một “hội đồng đồng nghị” thường trực gồm các giám mục và giáo dân “muộn nhất là vào tháng 3 năm 2026”.

Ủy ban đồng nghị lâm thời sẽ bao gồm 27 giám mục giáo phận, 27 thành viên Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức và 20 người khác được bầu tại phiên họp cuối cùng của Con đường đồng nghị.

Ủy ban, được thành lập theo “cách thức bình đẳng giữa các thế hệ và giới tính”, sẽ đảm bảo rằng các nghị quyết của Con đường đồng nghị được thực hiện tại các giáo phận ở Đức, đồng thời đặt nền móng cho hội đồng, vốn sẽ vừa là “cơ quan tư vấn vừa ra quyết định”.

Hội đồng sẽ “đưa ra các quyết định cơ bản có ý nghĩa cấp giáo phận về kế hoạch mục vụ, quan điểm tương lai của Giáo hội, cũng như các vấn đề tài chính và ngân sách của Giáo hội mà không được quyết định ở cấp giáo phận”.

Thách thức Rôma

Vào tháng 1 năm 2023 - trước khi Con đường đồng nghị kết thúc - Rôma đã ra hiệu phản đối hội đồng đồng nghị, lập luận rằng điều đó sẽ làm suy yếu quyền lực của các giám mục như được nêu trong các tài liệu của Công đồng Vatican II.

Nó nói rằng các giám mục không có nghĩa vụ phải tham gia vào ủy ban đồng nghị, nhưng không minh nhiên phản đối việc thành lập ủy ban này.

Vào tháng 6 năm 2023, bốn trong số 27 giám mục giáo phận của Đức đã phủ quyết việc sử dụng quỹ chung để chi trả cho việc tiếp tục dự án Con đường đồng nghị.

Bất chấp sự không chắc chắn về nguồn tài trợ của mình, Ủy ban đồng nghị đã tổ chức cuộc họp khai mạc vào tháng 11 năm 2023, tại đó các thành viên đã phê chuẩn các quy chế và quy tắc thủ tục của cơ quan.

Các quy chế đã từ bỏ một cách gây tranh cãi một quy tắc đồng nghị vốn qui định rằng các quyết định đòi hỏi đa số 2/3 trong số các giám mục, cũng như giáo dân. Trên thực tế, điều này có nghĩa là các thành viên giáo dân có thể thông qua các nghị quyết mà không cần sự hỗ trợ của các giám mục.

Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức đã thông qua các quy chế, nhưng họ cũng cần sự chấp thuận của hội đồng giám mục Đức. Vào tháng 2 năm nay, Vatican đã yêu cầu các giám mục Đức không bỏ phiếu về các quy chế, đồng thời nói rằng các bước tiếp theo hướng tới việc thành lập một hội đồng đồng nghị sẽ không có giá trị, “với những hậu quả pháp lý tương ứng”.

Các giám mục Đức đã chú ý đến yêu cầu này, nhưng không rõ điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Liệu dự án Con đường đồng nghị có bị dừng lại một cách run rẩy không? Nếu không có sự chấp thuận của hội đồng giám mục, thì chính xác Ủy ban đồng nghị là gì?

Chủ tịch hội đồng giám mục, Đức Giám Mục Georg Bätzing dường như vẫn để ngỏ mọi lựa chọn vào tháng 2, chỉ nói rằng các giám mục coi trọng bức thư của Vatican.

Các cuộc gặp gỡ ở Đức và Rôma

Tình trạng của Ủy ban đồng nghị đã trở nên rõ ràng hơn một chút vào tuần trước, khi trang web chính thức của Giáo hội Đức, katholisch.de, đưa tin về một lá thư ngày 14 tháng 3 gửi cho các thành viên của nó.

Các tác giả – Giám mục Bätzing và chủ tịch Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức Irme Stetter-Karp – xác nhận rằng cuộc họp ủy ban thứ hai dự kiến vào tháng 6 sẽ diễn ra theo kế hoạch, “để xây dựng dựa trên các cuộc thảo luận tốt tại cuộc họp khai mạc”.

Các đồng chủ tịch của Ủy ban đồng nghị cũng thông báo rằng một cuộc họp bất thường của một cơ quan được gọi là hội nghị chung sẽ được tổ chức vào thứ Tư tuần này, ngày 20 tháng 3.

Các thành viên của hội nghị chung – 10 giám mục và 10 giáo dân – thường gặp nhau hai lần một năm để thảo luận về các nhiệm vụ chung cho cả hội đồng giám mục và Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức.

Bức thư lưu ý rằng hội nghị chung “hiện đang kỷ niệm 50 năm hiện hữu và công việc đồng nghị tiếp theo việc thành lập vào năm 1974 do kết quả của Thượng hội đồng Würzburg,” một tiền thân của Con đường đồng nghị vào những năm 1970.

Theo katholisch.de, cuộc họp bất thường sẽ giải quyết “câu hỏi làm thế nào để tiếp tục giải quyết nội dung các nhiệm vụ của ủy ban đồng nghị trong hoàn cảnh hiện tại”.

Tiếp theo cuộc họp sẽ diễn ra vào Thứ Sáu, ngày 22 tháng 3, bằng các cuộc đàm phán giữa các giám mục Đức và các viên chức Vatican, trong ranh giới đỏ do Rôma đặt ra vào tháng 10 năm ngoái.

‘Con đường vô pháp luật’

Bức thư ngày 14 tháng 3 và cuộc họp bất thường nhấn mạnh rằng sự lãnh đạo của hội đồng giám mục Đức và Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức vẫn hoàn toàn cam kết với cả ủy ban đồng nghị lẫn hội đồng đồng nghị.

Nhưng ủy ban hiện đang hiện hữu trong một vùng đen trắng lẫn lộn khó xử. Nếu không có sự chấp thuận của các giám mục Đức đối với các quy chế của mình, liệu ủy ban có giá trị gì không? Có vẻ như không, theo bức thư tháng Hai của Vatican.

Trong một chuyên mục ngày 16 tháng 3 trên tờ Die Tagespost, giáo sư giáo luật đã nghỉ hưu Heribert Hallermann lập luận rằng ủy ban là bất hợp pháp.

Ông viết, “[Bức thư ngày 14 tháng 3] giờ đây cho thấy rằng ủy ban đồng nghị có ý định tiếp tục công việc của mình như kế hoạch ban đầu - không những trái với trật tự pháp lý hiện hành của Giáo hội, mà còn không có quy chế hợp lệ”.

“Đàng khác, các cơ quan thường xuyên bị nại tới luật pháp, khả thể dự đoán và tính minh bạch đang hoàn toàn dấn thân vào con đường vô luật pháp, tùy tiện và thất thường.”

Trong khi đó, các kiến trúc sư của Con đường đồng nghị tiếp tục nhấn mạnh rằng ủy ban đồng nghị hài hòa với luật Giáo hội, bất chấp mọi bề ngoài trái ngược, và hội đồng đồng nghị cũng sẽ như vậy.

Một ủy ban dở sống dở chết?

Kể từ năm 2019, các kiến trúc sư của Con đường đồng nghị đã trả lời mọi câu nói “không” từ Rôma bằng câu “dạ, nhưng”. Họ hứa sẽ giải quyết các mối quan ngại của Rôma trong khi vẫn tiếp tục thực hiện các kế hoạch của mình, xác lập “sự kiện trên thực địa” trước khi Vatican có thể ngăn cản chúng.

Vào tháng 11, có vẻ như họ đã thực hiện thành công chiến lược này một lần nữa. Họ đã thành lập ủy ban đồng nghị bất chấp việc Vatican nhấn mạnh rằng mục tiêu trọng tâm của nó - thành lập hội đồng đồng nghị - là không hợp lệ.

Cuộc họp thứ hai đã được lên kế hoạch vào tháng 6, nhưng có lẽ dựa trên giả định rằng hội đồng giám mục sẽ thông qua các quy chế của mình trong thời gian chờ đợi. Nhưng nếu không có sự chấp thuận chính thức của các giám mục, ủy ban sẽ có vẻ vô hiệu khi các thành viên nhóm họp tại Mainz vào ngày 14-15 tháng Sáu.

Do đó, ủy ban đồng nghị dường như không chết cũng không sống, mà là một thứ gì đó ở giữa: một loại dở sống dở chết sẽ ẩn nấp khi các giám mục Đức và các viên chức Vatican gặp nhau trong tuần này.