□ Nguyễn Trung Tây, SVD
Chuyện Bác Chuyện Em: Mặt Lì!

Chuyện Bác Chuyện Em bối cảnh xảy ra ở khắp nơi, Việt Nam, Mỹ, Úc, Do Thái… Em đi tu mà em cũng có thể là một nhân vật đã lập gia đình.


Bác và em dừng đường cày, ngồi dưới gốc cây đa, nhẩn nha mở gói cơm nắm trộn mè vừng ăn trưa. Tiếng chim cu kêu gọi bầy trưa hè nắng cháy lưng trần bóng lộn mồ hôi. Bướm lượn chập chờn. Trời cao trưa nay tô đậm mầu xanh ngắt. Mây trắng bông gòn bồng bềnh nổi trôi. Gió trưa hè từ trời cao hây hây thổi xuống mát rượi hồn người dân cày. Nhìn ra cánh đồng mênh mông trải ngút ngàn tầm mắt loang lổ những đường cày mới, quan bác rít thuốc lào Cái Sắn, thổi dài một hơi. Khói thuốc lâng lâng hồn, quan bác hứng chí mở miệng tâm sự chuyện thời xưa,

— Hồi đó cũng vất vả lắm tôi mới lấy được vợ…

Đã cầm lên điếu cày, nghe quan bác nói, em ngớ ngẩn ngưng ngang điếu thuốc lào Cái Sắn,

— Ủa, sao vậy hả bác? Em nhớ hôm đám cưới, quan bác mặt mày hớn hở, vui tươi… Em làm rể phụ… Bên họ đằng gái, ai nấy cười cười…

Bác nhăn nhăn mặt như khỉ ăn phải mắm tôm, nóng nảy, bắt bẻ quan em,

— Chú cứ giọng phường chèo. Đám cưới chứ đâu phải đám hát quan họ. Ai mà nói “cười cười”, cứ như chuyện tuồng. Đám cưới, người ta phải nói, “ai nấy cười tươi...”

Biết mình hứng chí nói nhảm, nhỡ nhời, em chữa ngay,

— Vâng! Thôi em xin bác! Bác biết cái tính em ưa nói giỡn. Em nhầm! Thôi, xin quan bác bỏ qua…

Em nối lại nhịp cầu,

— Thì bác đang nói cái hôm đám cưới…

Được nhời xin lỗi, quan bác tươi lại nét mặt, chép miệng, nói tiếp,

— Thì thôi… Đang nói chuyện là cái thời trước khi đám cưới. Tôi không nói ra thì ai nào biết…

Em tiếp chuyện,

— À! Em hiểu rồi. Mà bác nói chuyện… là chuyện nào?

Bác chép miệng,

— Khổ! Thì chuyện nhà bố vợ giàu khét tiếng cả mấy tổng, xe ô tô nổ tiếng máy bình bịch bon bon chạy trên đường cái từ ngoài ngõ vô tới tận cửa đình. Giàu nứt vách đổ tường như vậy thì làm sao ông ấy chịu để ý tới tôi...

Em trợn mắt,

— Ơ hay! Bác cứ ưa nói bỡn! Bác cũng con ông Trùm...

Bác kiên nhẫn giải thích,

— Thì đã hẳn là như vậy! Cụ thương Cụ đặt thầy tôi vào chức vụ Trùm cả chục năm nay rồi. Nhưng ông ngoại là điền chủ của mấy tổng, lại là người xóm lương, đời nào ông ấy chấp nhận thằng con ông Trùm xóm giáo làm rể… Chưa kể nhà tôi lại đẹp nhất làng, mà lại là con gái của cái làng có tiếng “Gái đẹp làng Sài, trai tài làng Cao” [1]. Ông có biết không, hồi đó hàng xóm có người còn mắng xéo, “Rõ là chuyện điả đeo chân hạc! Đũa mốc mà lại chòi mâm son”.

Bác mơ màng nhớ lại chuyện xưa,

— Ông đâu có biết, lúc nghe tôi thưa chuyện, thầy tôi cũng khuyên bảo, “Anh cũng biết, nhà người ta mâm cao cỗ đầy. Nhưng nhà mình, cái này cũng phải công bình mà nói, nhà mình cũng nhà ông Trùm xóm giáo. Cho nên tình thật mà nói, thầy u không ngại sai người sang đánh tiếng. Được, hay không được thì cũng chả sao. Tiếc gì mấy nhời… Nhưng trông người rồi cũng phải nghĩ tới ta. Mình người xóm giáo. Nhưng con gái ông ấy là người xóm lương. Biết người ta có chịu nhận lời gả con gái cho người xóm giáo hay không? Rồi còn cha cụ nữa. Anh cũng phải nghĩ, biết Cụ có chịu cho phép nhà mình thông gia, lấy con gái người lương hay không?…”

Em gật đầu,

— Thôi, em hiểu rồi. Bác không kể, ai mà biết… Vậy rồi sao...hồi đó bác lấy được vợ?

Bác chép miệng, đuôi mắt kéo dài nét tinh nghịch,

— Chuyện! Cụ có giận thì Cụ giận! Thầy u đồng ý hay không thì đó chuyện của thầy u! Tôi cứ lì cái mặt ra như thằng mõ làng. Một lần trèo cây dừa, một lần leo cây mít nhìn cửa son. Dừa cao, sẩy tay, té rớt xuống nền đất một cái bịch! Tưởng chết! Con gái điền chủ chạy ra đuổi chó dữ, gọi người ăn kẻ ở khiêng vào nhà bôi dầu gió… Lần trèo cây mít te tua hơn, cô ấy chạy ra chậm, con chó bẹc-giê to như bê con nhào tới cắn toác chân tôi ra… Sợ án mạng ngay tại sân nhà, gái làng Sài hốt hoảng sai người khiêng sang nhà thầy lang nhà bên cạnh dịt thuốc.

Bác nheo nheo mắt, cười cười,

— Cứ thế, có là phận thằng mõ trong làng thì con gái điền chủ cũng chạnh lòng thương xót, rồi là thương hại, cuối cùng thương luôn…

Quan bác buông nhời kết chuyện,

— Mà nhà tôi đã thương rồi thì có ai mà cản được lòng quyết tâm của cô con gái rượu cốm.

Em ngạc nhiên, ngó bác đăm đăm, tuồng như người dở hơi,

— Bác không nói chuyện bỡn đấy chứ…

Bác cự nự,

— Ơ hay! Cái ông này, chuyện vợ chồng chứ đâu phải chuyện phường chèo cám lợn mà mang ra làm trò hề ở đây.

Như đê làng có dịp tức nước vỡ bờ, bác tiếp nối câu chuyện,

— Ông biết, hồi đó bố vợ giận lắm. Nhưng không làm gì được cô cái gái rượu. Ông ấy gửi thẳng nhà tôi lên Hà Nội ở nhà bà cô ruột, phố Hàng Đào. Nhưng được dăm bữa nửa tháng, đích thân nhà tôi gọi anh phu chở thẳng cô chủ về lại làng. Nhà tôi kể, hồi đó bố vợ còn tính gửi thẳng cô con gái rượu sang tây… Nhưng chưa kịp mang cô ấy ra phi trường Gia Lâm, cô ấy đã trốn đi mất biệt. Cuối cùng, ông ấy cũng chịu thua…

Em nhặt que châm chọc tổ ong,

— Bác, nhìn mặt khờ khờ mõ làng như thế kia mà cũng lì gớm nhỉ… Bác quay lại cho em nom nom cái xoáy của bác được không…

Bác cộ mắt ốc nhốc,

— Ơ hay! Làm gì mà lại đòi coi cái xoáy của người ta…

Em giọng điệu quả quyết như cha cụ giảng thuyết trên tòa tuần bát nhật đại phúc,

— Thôi, bác chẳng cho nom cái xoáy thì cũng chả sao. Bác là chém chết cũng phải hai xoáy rồi.

Bác nhìn em ngơ ngơ như gái ngồi phải cọc,

— Tôi chẳng hiểu ông nói cái gì sất…

Em giải thích,

— Khổ, bác lại quên rồi. Đúng là người có tí tuổi. Bác quên ông bà mình có câu: “Một xoáy sống lâu! Hai xoáy lì đòn.”

Đang mải vui chuyện, bác không chấp nhời quan em mở nút hũ mắm tôm,

— Chuyện! Lì cũng một phần, nhưng cũng một phần cũng bởi quyết tâm ông ạ… Tôi mà không lì mặt. Vợ tôi mà không quyết tâm thì giờ cũng chẳng biết ra sao.

Bác nhìn ra ruộng cày thơm mùi đất mới, ngân nga mấy câu,

— Ở đời mà,

Mặt lì cộng với quyết tâm,

Cả hai hợp lại ra duyên vợ chồng.



Suy Niệm

Giakêu nổi tiếng với địa vị và tiền bạc, nhưng ông cũng nổi bật với lòng quyết tâm.

Là thủ lãnh của những người thu thuế trong vùng, “Do Thái gian—Giakêu” không được lòng của nhiều người Do Thái đương thời. Nhưng bù lại, Giakêu có địa vị trong xã hội. Đứng đầu nhân viên sở thuế, tiền bạc trong nhà Giakêu chắc chắn bạc vạn bạn nghìn.

Có địa vị, có bạc tiền, nhưng lỗ hổng tâm hồn người phú hộ thành Giêricô vẫn không được lấp đầy. Cho nên, ông nghiêng tai nghe ngóng, ông tìm tòi, ông chờ đợi.

Ngày rồi cũng tới. Nghe tin Chúa vừa đặt những bước chân vào cổng thành, không ngại lời ong tiếng ve, Giakêu quyết tâm nhập vào dòng người đông đảo tìm kiếm.

Nhưng Giakêu hình dạng thấp bé, mà dòng đời đông đặc ngược xuôi trước mặt tiếp tục chuyển xoay che kín hình bóng Chúa.

Nhưng bởi lòng quyết tâm, ông trèo lên cây sung…

Cuối cùng lòng quyết tâm của người thu thuế đã được Thiên Chúa đáp trả. Đi tới gốc cây sung, Chúa dừng lại một bước chân. Ngẩng đầu lên, Chúa gọi,

— Giakêu…


Lời Nguyện

Lạy Chúa, xin ban cho con trái tim quyết tâm;

Quyết tâm như trai gái quyết liệt yêu nhau;

Quyết tâm như Giakêu quyết liệt tìm kiếm nhìn mặt Con Trời;
Quyết tâm như Chúa chung thủy một lòng quyết liệt yêu con.

□ Nguyễn Trung Tây, SVD
www.nguyentrungtay.com

Chú thích

[1] Sài Thị và Cao Xá, Hưng Yên