“Gia đình là nơi giáo dục đầu tiên cho con cái. Gia đình là nôi ươm mầm ơn gọi. Gia đình là nơi nuôi dưỡng đức tin. Gia đình là nơi đào tạo người Kitô hữu đích thực”.

Lời mời gọi trên đây đã thôi thúc tôi đến tham dự buổi chia sẻ của nữ tu Maria Nguyễn Thị Hồng Quế OP, phụ trách Chương trình Chuyên đề Giáo dục thuộc Ban Mục vụ Gia đình TGP TPHCM với đề tài: “Phút Hồi Tâm” tại 14g30 ngày 07/12/2013, tại Trung tâm Mục vụ TGP TPHCM.

Tân Phúc-Âm-Hóa đời sống gia đình

Khởi đi từ Thư Chung HĐGMVN ngày 10/10/2013 về đường hướng mục vụ của Giáo Hội Việt Nam trong 3 năm 2014, 2015, 2016 về Tân Phúc-Âm-Hóa, Sr. Maria nhắc nhớ đến từ ngữ Tân Phúc-Âm-Hóa đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II dùng khi ngài về thăm quê hương Ba Lan. Theo Đức Thánh Cha, “mới” không phải là một Phúc Âm mới, vì “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8), nhưng là mới về lòng nhiệt thành, mới trong phương pháp và mới trong cách diễn tả. Sr. Maria quảng diễn thêm:

- Mới về lòng nhiệt thành: Là làm mới lại tương quan giữa chúng ta với Đức Giêsu Kitô, để mối tương quan ấy hướng dẫn toàn bộ đời sống chúng ta.

- Mới trong phương pháp: Là biết vận dụng những phương pháp thích hợp để đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của thời đại về nhiều mặt, văn hóa cũng như khoa học kỹ thuật.

- Mới trong cách diễn tả: Là cố gắng nghiên cứu và sử dụng những phương cách diễn tả phù hợp, để con người ngày hôm nay có thể hiểu và lĩnh hội được sứ điệp Phúc Âm.

Đặc biệt, trong năm 2014, Giáo Hội Việt Nam quan tâm đến việc Tân Phúc-Âm-Hóa đời sống gia đình. Theo Sr. Maria, việc giáo dục đức tin cho con cái trong gia đình rất cần thiết, bởi lẽ “Gia đình là nơi giáo dục đầu tiên cho con cái. Gia đình là nôi ươm mầm ơn gọi. Gia đình là nơi nuôi dưỡng đức tin. Gia đình là nơi đào tạo người Kitô hữu đích thực”. Thế nhưng, với xu hướng phát triển của thời đại, việc giúp con cái suy niệm Tin Mừng, và giờ đọc kinh chung trong gia đình cũng cần được đổi mới, để giúp người trẻ có thể cảm nhận và chạm đến tình yêu của Chúa nhiều hơn. Theo Sr. Maria, có nhiều cách để canh tân kinh nguyện gia đình, và Sr. Maria đã giới thiệu việc dùng cách cầu nguyện với “Phút Hồi Tâm” để canh tân. PHT đã được các gia đình, hội đoàn và 43 quốc gia trên thế giới áp dụng.

Phút hồi tâm - Giúp gia đình hạnh phúc

Với những hình ảnh sinh động, Sr. Maria quảng diễn: Thánh Phêrô phải có đức tin mạnh mẽ mới dám đi trên mặt nước để đến với Chúa Giêsu. Nhưng khi gió lồng lên dữ dội, nỗi sợ hãi ùa vào, lòng tin bị chao đảo với sóng gió, lúc đó Phêrô thấy mình bị hút xuống lòng biển. Ông chỉ kịp kêu lên: “Lạy Thầy, xin cứu con”. Hoài nghi và sợ hãi đã làm Phêrô trở nên nặng nề, và ông bị nhận chìm xuống. Từ đó, Sr. Maria đã mời gọi mọi người, dù trong hoàn cảnh nào, với những lý do nào, chúng ta hãy dành cho Chúa một phút riêng tư để cầu nguyện với Chúa, đặc biệt là giờ kinh tối.

Qua trao đổi, nhiều người nhận định: Sau một ngày lao động vất vả để kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình, cùng với những bon chen, thách đố trong nghề nghiệp, học tập và cuộc sống... khiến giờ kinh tối không còn mấy gia đình Công Giáo duy trì, hoặc có duy trì thì vẫn chủ yếu là đọc cho đủ kinh rồi đi ngủ. Thế nhưng, kinh nguyện là phương thế hữu hiệu cho việc giáo dục đức tin cho con cái, và là chất keo gắn kết mọi người lại với nhau hầu mang lại hạnh phúc cho tổ ấm gia đình. Tiếc thay, phương thế này đang bị các gia đình Công Giáo lãng quên và thay thế vào đó bằng những loại hình giải trí như: phim ảnh, truyền hình, computer, game, điện thoại…

Do đó, để củng cố đức tin và xây dựng gia đình hạnh phúc, chúng ta cần phải tái lập lại những giờ kinh nguyện trong gia đình, và chính cha mẹ phải đóng vai trò quyết định cho vấn đề này. Tuy nhiên, nội dung kinh nguyện gia đình phải chính là cuộc sống gia đình: “Vui mừng và cực nhọc, hy vọng và u buồn, ngày sinh và ngày kỷ niệm chu niên, kỷ niệm ngày cưới của cha mẹ, những chuyến xa nhà và trở về, những chọn lựa quan trọng và quyết liệt, cái chết của những người thân yêu... đều là những dấu hiệu về sự hiện diện ưu ái của Thiên Chúa trong cuộc sống gia đình; những biến cố ấy cũng phải trở thành những lúc thuận tiện cho lời tạ ơn, khẩn nguyện, cho sự tin tưởng phó thác của gia đình trong bàn tay Cha chung trên trời” (FC 59).

PHT là dịp giúp cho cha mẹ con cái gần nhau, tình thân gia đình được gắn bó, biết được các sinh hoạt trong ngày của con cái, giúp đức tin con cái được vững mạnh, biết phó thác mọi việc cho Chúa.

Mỗi gia đình nên dành riêng một góc thân mật, ấm cúng, nơi gia đình quây quần bên nhau mỗi tối, nơi anh chị em nói lên lời thương yêu nhau, hòa giải với nhau, tìm hiểu nhau.

Mỗi cộng đoàn, khối văn phòng… cũng nên dành thời gian trong một ngày, một tháng để thực hiện PHT. Theo dõi PHT của khối Văn phòng thuộc Chương trình Chuyên đề, mọi người đã nhận thấy đây là giây phút tuyệt vời để các thành viên cầu nguyện, tạ ơn Chúa vì bao hồng ân Ngài trao ban, cũng như tạ lỗi với Chúa và xin lỗi anh em với những gì mình đã xúc phạm đến Chúa và với anh em, để từ đó có được những quyết tâm để thay đổi chính mình, hầu ngày càng trở nên hoàn thiện hơn… Qua đó, các thành viên hiểu được công việc của nhau, cũng như nỗi ưu tư và khắc khoải của từng người…

Để giúp cộng đoàn hiểu và thực hành cầu nguyện với “Phút Hồi Tâm” một cách hữu hiệu nhất trong gia đình, gia đình Anh Chị Thiện - Cúc và 3 cháu nhỏ đã cầu nguyện với “Phút Hồi Tâm”, trong đó cha mẹ, con cái đã luôn trải lòng mình ra, để đón nhận được tình thương của mọi người trong gia đình, hầu hạnh phúc gia đình luôn bền chặt.

Buổi học kết thúc, mọi người ra về với quyết tâm: Mỗi người sẽ cố gắng tạo sự đồng cảm của mọi thành viên trong gia đình cũng như cộng đoàn, để sau một ngày làm việc, mỗi gia đình sẽ thực hiện PHT. PHT sẽ mỗi người sẽ dành thời gian để đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa. Ngài đang ở với tôi, Ngài thấy tôi và nghe tôi. Ngài biết rõ con người của tôi hiện nay. Ngài sẽ nâng đỡ tôi vững bước vào ngày mai. Để từ đó tôi sẽ trở nên con người “mới” mỗi ngày.