Chúa Nhật 29.12.2013, Giáo Xứ Việt Nam Paris hân hoan đón mừng Lễ Thánh Gia Thất thật đông đúc và sống động. Thánh Gia Thất cũng là Quan Thày của nhóm Gia Đình Trẻ. Các anh chị trong nhóm đã mừng lễ hôm nay cách sốt sắng và đặc biệt, qua việc tổ chức một buổi sinh hoạt cuối năm để mở đầu cho năm mục vụ 2014 mang chủ đề "Mời Gọi" với chương trình thật phong phú như sau:

A / Tham dự Thánh Lễ 11g30 với cộng đoàn:

Bài suy niệm lời NHƯ MỌI GIA ĐÌNH của Đức Ông Mai Đức Vinh:

Ba đạo sĩ bái từ ra đi, Thánh Giuse được mộng truyền : - Đem Con trẻ và Mẹ Người trốn sang Ai Cập vì Vua Hêrôdê âm mưu tìm kiếm sát hại con trẻ . -Vì thế , giữa đêm khuya, Ngài phải dẫn gia đình qua Ai Cập tỵ nạn và cư ngụ ở đó cho đến khi có lệnh đem gia đình trở về quê hương – Thánh Giuse thi hành y như lời báo mộng . Cho tới ngày được mộng báo : “ hãy đem Con trẻ và Mẹ Người về lại Do Thái , sống tại thành Nazarét”.

Đọc thong thả bài Tin Mừng và dừng lại vài phút suy niệm , chúng ta mới thấy : Phải có cái nhìn đức tin mới thấy được hạnh phúc cao vời cuả Thánh Gia . Còn cứ theo những biến cố đã xẩy ra , thì gia đình Giuse , Maria và Giêsu thật chao đảo , nhiều sóng gió , thử thách … Vì thế mỗi năm mừng lễ Thánh Gia Thất , chúng ta đừng quên rằng Thánh Gia đã trải qua một đời sống thực tế , cực nhọc và trân chuyên không kém mà còn hơn các gia đình Việt Nam tị nạn trước đây , hay các gia đình Syrie, Trung Phi , Phi Luật Tân hiện nay … Chính giữa những đau khổ , ba đào như vậy , mới thấy nổi bật đời sống đức tin và tình thương hiệp nhất của gia đình . Thánh Gia Thất thật gần gũi vói các gia dình nghèo khổ , xiêu bạt và trăm chiều thiếu thốn , chịu bao nhiêu thử thách mà vẫn kiên trung trong niềm tin .

Chúng ta hãy dựa theo lời Thánh Vịnh 127 mà ngợi khen Chúa và cầu nguyện cho các gia đình :

“ Lạy Chúa , phúc thay cho những 'người gia trưởng' biết kính sợ Thiên Chúa , ăn ở theo đường lối của Ngài . Chúa sẽ cho 'gia đình họ' an hưởng hạnh phúc , được nhiều may mắn và nhiều thành qủa tốt do công việc làm . Hơn thế , 'người gia trưởng sẽ hãnh diện' vì có hiền thê như cây nho đầy hoa trái Chúa trong gia thất ,

có con cái như những chồi non ôliu chung quanh bàn ăn …

Lạy Chúa , xin chúc lành cho gia thất chúng con … Amen”.

B / Dùng cơm chung tại phòng ăn Giáo Xứ

C / Thảo luận về đề tài "Hôn nhân giữa hai người đồng phái" (Mariage pour tous) từ 14g00 đến 17g00:

Hơn 20 quan khách gồm đủ mọi thành phần trong Giáo Xứ (từ các em thiếu nhi đến những bậc phụ huynh và nhiều vị cao niên) đã rủ nhau tìm về để góp ý, học hỏi và lắng nghe nhau vì đây là một đề tài lớn gây nhiều tranh cãi giữa các thế hệ và ảnh hưởng nặng nề đến nền tảng gia đình và giá trị hôn nhân về phương diện xã hội cũng như tôn giáo.

Phần thuyết trình của Giáo Sư Trần Văn Cảnh (với sự góp bút của Đ.Ô. Mai Đức Vinh):

HÔN NHÂN GIỮA HAI NGƯỜI ĐỒNG PHÁI, MỘT XÚC PHẠM ĐẾN CHƯƠNG TRÌNH CỦA Thiên Chúa

Ngày 23.04.2013, Quốc Hội nước Pháp đã biểu quyết chấp thuận luật hôn nhân cho mọi người. Luật hôn nhân mới này đã được công bố trên Công Báo ngày 18.05.2013, ở điều 143 rằng : « Hôn nhân được giao ước giữa hai người khác hay cùng phái » (Le mariage est contracté par deux personnes de sexe différent ou de même sexe». Với điều luật mới này, Pháp là quốc gia thứ 9 ở Âu Châu và thứ 14 trên thế giới đã chấp nhận hôn nhân đồng phái. Sự kiện lập pháp mới này liên hệ đến một vấn đề luân lý xã hội nền tảng và thúc bách mỗi người phải chọn lựa.

Là công dân trưởng thành, người Công Giáo cần hỗ trợ lẫn nhau, chia sẻ hiểu biết và kinh nghiệm cho nhau, « đặc biệt quan tâm đến các dự án luật dân sự có thể làm tổn thương đến sự bảo vệ hôn nhân giữa người nam và người nữ, đến việc tôn trọng sự sống, và luôn trung thành với giáo huấn của Giáo Hội » (Lời ĐGH Biển Đức XVI với 39 giám mục miền Bắc Pháp đến ad limina 21.09.2012) hầu tiếp cận vấn đề một cách khách quan và tìm cho mình một chọn lựa phải đạo. Mà khi đã chọn lựa rồi thì « dấn thân trong đời sống công cộng, cố giữ lấy những xác tín kitô giáo, không vênh vang lên mặt nhưng với sự kính trọng ». (Ibid.). Tựa vào Thánh Kinh, Giáo lý, Giáo luật và Giáo Huấn Giáo Hội, ta có thể nói ngay rằng chọn lựa của người Công Giáo đã thực sự rõ ràng : chọn chương trình của Chúa về hôn nhân mà theo đó, hôn nhân đồng phái là một xúc phạm.

I. CHƯƠNG TRÌNH CỦA CHÚA VỀ HÔN NHÂN

a. Cơ chế của hôn nhân theo chương trình của Chúa qua Kinh Thánh

Kinh Thánh là một cuốn sách kể lại lịch sử của giao ước tình yêu giữa Thiên Chúa và con người. Trong Kinh Thánh cũng có rất nhiều đoạn nói cho chúng ta biết về tình yêu nam nữ, tình yêu hôn nhân và tình yêu vợ chồng. Chính Thiên Chúa đã sánh ví Ngài như người chồng luôn yêu thương Nhân loại là vợ của mình. Và chính Chúa Giêsu cũng sánh ví tình yêu của Ngài với Hội Thánh, một tình yêu chung thuỷ như Hiền Thê của vị Tân Lang.

Sách sáng Thế 1, 26-27 : “Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh của chúng ta, giống chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc và dã thú, tất cả mặt đất và mọi vật bò dưới đất. Thiên Chúa sáng tạo theo hình ảnh mình. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ”. Đây là điểm quan trọng trong việc mặc khải về tương quan giữa người nam và người nữ, trở nên dấu chỉ tiên báo và mạc khải về Thiên Chúa và về tương quan giữa hai phái tính khác nhau, nhưng lại đón nhận và yêu thương nhau.

Khái niệm toàn vẹn của con người không chỉ có trong nam mà thôi, nhưng cả nam lẫn nữ. Tính dục được nhìn nhận như một giá trị. Sau khi tạo dựng nên người nam và người nữ. Thiên Chúa thấy mọi sự tốt đẹp. Sách Sáng Thế 1, 28-29 : Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất". Sự tốt đẹp này bao gồm cả thân xác và ngay cả kinh nghiệm về sự thân mật tính dục nữa. Sách Sáng Thế 2, 19: “Và rồi Thiên Chúa phán: “Con người ở một mình thì không tốt, Ta sẽ làm cho nó có một trợ tá tương xứng”.

Đọc thêm các sách Tiên tri Giêrêmia, Isaia, Edêkien và các sách Tiên tri khác, chúng ta sẽ thấy ở nơi đó có rầt nhiều sứ điệp phong phú diễn tả về tình yêu hôn nhân như là hình ảnh của Thiên Chúa. Nhưng đặc biệt, chúng ta cũng điểm qua một chút về sách Diễm ca, để thấy nơi đó là một bản tình ca diễn tả về tình yêu của người nam và người nữ, một sự đối đáp giữa chàng và nàng là một cuồn sách dành cho tình yêu từ trang đầu đến trang cuối, một cuốn sách dành riêng cho chàng và nàng, đôi bạn đầu tiên trên mặt đất trong hạnh phúc và tình yêu, và phản chiếu phần nào tình yêu Thiên Chúa.“Hãy kéo em theo anh, đôi ta cùng nhau bước. Quân vương đã vời thiếp vào cung nội, ngài sẽ là nguồn hoan lạc vui sướng của chúng em. Ân ái của ngài chúng em quý hơn rượu. Thương yêu ngài phải lẽ biết bao nhiêu” (Dc 1, 4).

Theo Tin Mừng thánh Macô, Chúa Giêsu chỉ nhắc đến việc Cha Ngài đã làm khi dựng nên con người : ‘Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã dựng nên con người có nam có nữ. Vì thế người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương thịt. Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly’ (Mc, 10,6-8). Đó là nguyên ủy của hôn nhân, gia đình nhân loại.

Thánh Phaolô mở cho chúng ta một cái nhìn cao cả về tình yêu vợ chồng, giồng như tình yêu giữa Chúa Kytô và Giáo Hội. Ngài dạy rằng: “Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình như Đức Kitô đã yêu thương Hội Thánh và phó mình vì Hội Thánh” (Ep.5, 25). Ngài còn nói thêm rằng : Vợ chồng phải yêu thương nhau cũng bền lâu và nồng nàn như Đức Kitô yêu Giáo Hội và như Giáo Hội tận hiến cho Đức Kitô (Ep. 5,21-33).

Về tình yêu thân mật vợ chồng, Thánh Phaolô dạy rằng : “Chồng hãy làm tròn bổn phận đối với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy. (4) Vợ không có quyền trên thân xác mình, nhưng là chồng; cũng vậy, chồng không có quyền trên thân xác mình, nhưng là vợ. (5) Vợ chồng đừng từ chối nhau, trừ phi hai người đồng ý sống như vậy trong một thời gian, để chuyên lo cầu nguyện; rồi hai người lại ăn ở với nhau, kẻo vì hai người không biết tiết dục nổi mà Xatan lợi dụng để cám dỗ” (1Cr. 7,3 - 5). Trong đời sống chung vợ chồng, người chồng cần phải khéo léo để đọc ra được những lời yêu cầu thầm kín của vợ mình, nên giải thích những dấu hiệu muốn tỏ bày trong sự riêng tư của đời sống chung đó là những ý kiến và yêu cầu của vợ. Người chồng khôn ngoan như vậy, hẳn rằng tình yêu của hai người sẽ mỗi ngày một nhiều hơn để hai bên bắt đầu gặp nhau trong sự hiểu biết, cảm thông và chia sẻ.

b. Hôn nhân theo Luân Lý Kitô giáo

Hiến chế Mục Vụ năm 1965 của Công Đồng Vatican II

Số 48 : Tự bản chất, chính định chế hôn nhân và tình yêu lứa đôi qui hướng về việc sinh sản và giáo dục con cái như chóp đỉnh diễm phúc của hôn nhân. Như thế, bởi giao ước hôn nhân, người nam và người nữ "không còn là hai, nhưng là một xương thịt" (Mt 19,6), phục vụ và giúp đỡ lẫn nhau bằng sự kết hợp mật thiết trong con người và hành động của họ, cảm nghiệm và hiểu được sự hiệp nhất với nhau mỗi ngày mỗi đầy đủ hơn. Sự liên kết mật thiết vẫn là sự tự hiến của hai người cho nhau cũng như lợi ích của con cái buộc hai vợ chồng phải hoàn toàn trung tín và đòi hỏi kết hợp với nhau bất khả phân ly.

Số 49 : Lời Chúa đã nhiều lần mời gọi những người sắp kết hôn hãy nuôi dưỡng thời kỳ đính hôn bằng một tình yêu trong sạch và những người đã thành vợ chồng hãy nâng đỡ cuộc sống lứa đôi bằng một tình yêu không chia xẻ

Số 50 : “Tự bản chất hôn nhân và tình yêu vợ chồng được tổ chức nhằm sinh sản và giáo dục con cái. Con cái đúng là một món quà cao quý nhất của hôn nhân, góp phần rất căn bản vào hạnh phúc của cha mẹ… Vì thé, tuy không coi nhẹ các mục tiêu khác của hôn nhân, nhưng sống tình yêu vợ chồng cách đích thực và tìm được ý nghĩa cho đời sống gia đình, tất cả đều nhằm mục tiêu ấy : vợ chồng phải sẵn sàng can đảm và cộng tác với tình yêu của Thiên Chúa Tạo Hoá và Cứu Độ, đã dùng họ để ngày ngày mở rộng và làm giàu thêm cho gia đình của Ngài. Cha mẹ phải coi việc truyền sinh và giáo dục những người đã được mình truyền sự sống cho như sứ mạng của riêng mình”.

Giáo Luật 1983, tóm tắt về Bí Tích Hôn Phối rằng :

Ðiều 1055 : Do giao ước hôn phối, người nam và người nữ tạo nên với nhau một cuộc thông hiệp trọn cả cuộc sống. Tự bản tính, giao ước hôn phối hướng về thiện ích của đôi bạn và việc sinh sản cùng giáo dục con cái. Chúa Kitô đã nâng giao ước hôn phối giữa người đã chịu phép rửa tội lên hàng Bí Tích.

Bởi vậy, giữa những người đã chịu phép rửa tội, không thể có khế ước hôn phối hữu hiệu nếu đồng thời không phải là Bí Tích.

Ðiều 1056 : Những đặc tính căn bản của hôn phối là sự duy nhất và bất khả phân ly. Nhờ tính cách Bí Tích, những đặc tính ấy được kiện toàn đặc biệt trong hôn phối Kitô giáo.

Ðiều 1057: Hôn phối thành tựu do sự ưng thuận của đôi bên, được phát biểu hợp lệ giữa những người có khả năng pháp luật; sự ưng thuận ấy không thể thay thế bởi bất cứ một thế lực nhân loại nào.

Giáo lý Công Giáo 1992 dạy rằng :

1601."Do hôn ước, người nam và người nữ tạo nên một cộng đồng sống chung suốt đời, tự bản tính hôn ước hướng về thiện ích của đôi vợ chồng và việc sinh sản cùng giáo dục con cái. Đức Ki-tô đã nâng hôn ước giữa những người đã chịu phép Thánh Tẩy lên hàng bí tích" (x. CIC, khoản 1055, triệt 1).

Qua trình bày vắn tắt trên đây, ta có thể tóm tắt chương trình của Chúa về hôn nhân qua những nét chính sau đây : hôn nhân là : 1-Giao ước giữa một người nam và một người nữ ; 2- Tự do ưng thuận của đôi bên ; 3- Người nam và người nữ sẽ lìa cha mẹ mình mà gắn bó với nhau, tạo nên một cuộc sống chung vợ chồng ; 4- Cả hai sẽ thành một xương, một thịt, tự hiến cho nhau ; 5- Họ trung tín với nhau, và kết hợp với nhau bất khả phân ly ; 6- Tình yêu vợ chồng giữa họ hướng về việc sinh sản và giáo dục con cái.

Chương trình này của Chúa về hôn nhân gặp nhiều vấn đề cụ thể phải nói đến là : hôn nhân đồng phái, ngừa thai hạn chế sinh sản, phá thai, ly dị, bỏ bê con cái,…

II. HÔN NHÂN ĐỒNG PHÁI XÚC PHẠM CHƯƠNG TRÌNH HÔN NHÂN CỦA CHÚA

Theo chương trình của Thiên Chúa về hôn nhân, như vừa trình bày trên đây, mà theo đó, hôn nhân là một giao ước giữa một nam và một nự, nhằm mục đích nâng đỡ, duy trì, làm cho lâu bên sự hiện hữu của loài người ; thì không một chính phủ nào, không một cơ chế xã hội và chính trị của một quốc gia nào trên trần gian có thể chiếm lấy cho mình cái quyền trao ban hôn phối cho một sự hợp nhất đồng phái, vì tự bản tính, đồng phái là son sẻ, tuyệt sinh. Chỗ nào có luật này được biểu quyết, chỗ đó luật ấy là độc đoán và bất chính hoàn toàn, bởi vì luật đó cố tình nâng đỡ một quan niệm giả tạo về việc sinh sản của con người, xúc phạm đến chương trình hôn nhân của Thiên Chúa.

Những nghiên cứu và những thăm dò mới đây, tại Âu châu cũng như tại Hoa Kỳ, chứng minh rằng : chỉ có một thiểu số dân chúng xưng mình là đồng tính (homosexuelle). Số nhỏ này vẫn tiếp tục làm áp lực trên các nhà chính trị và cả trên các mục tử của Giáo Hội. Chính vì thế, Bộ Đức Tin đã cảnh báo các giáo sĩ : « Tại một số quốc gia, người ta đã thử dùng mọi mánh khoé (thủ đoạn) để được các mục tử trong Giáo Hội ủng hộ sự thay đổi các quy chế luật pháp dân sự. Tức là đòi luật pháp đồng ý với những quan niệm của những nhóm gây áp lực, mà theo đó, vấn đề đồng tính luyến ái là một điều hoàn toàn vô hại, nếu không là điều tốt. Cho dù việc sống đồng tính luyến ái biểu hiện một sự đe dọa nghiêm trọng cho sự sống và nếp sống lành mạnh của một số lớn người ta, những người chủ trương đường hướng này không từ bỏ hành động của họ và từ chối không chấp nhận mối nguy hại mỗi ngày một lan rộng. Mối đe dọa đầu tiên là biến tính (dénaturer) hôn nhân.

Pacs (Le Pacte civil de solidarité), được Quốc Hội chấp thuận ngày 15.11.1999, cho những người khác dục tính (héterosexuelles) những quyền lợi về vật chất của hôn nhân dân sự, mà không có trách nhiệm phát sinh từ hôn nhân ấy. Một trong hai người có thể đơn phương chấm đứt pacs bằng một lá thư gửi bảo đảm. Chúng ta có thể trở lại xứ Palestine thời Chúa Giêsu với một giấy rẫy vợ do người Do Thái thảo ra để đuổi vợ của họ, trừ ra ngày nay người đàn bà cũng có thể rẫy bỏ người phối ngữ của mình.

Ngày nay, tại Pháp sau 13 năm pacs giữa người đồng phái, giờ đây, từ ngày 23.04.2013, họ có thể bước thêm một bước : hôn nhân đồng phái. Nhưng chúng ta, những người Công Giáo, không thể chấp nhận hôn nhân giữa hai người đàn ông hay giữa hai người đàn bà có thể được Nhà Nước công nhận như một mẫu hình xã hội, đồng dạng với hôn nhân của đôi bạn khác phái tính. Không bao giờ một hôn nhân như vậy lại là một mẫu hình xã hội bởi vì nó không có khả năng sinh sản tự nhiên. Nghĩa là, không có sự giúp đỡ về kỹ thuật, thì hôn nhân đồng phái tính không có khả năng tồn tại, và cũng không làm cho xã hội được vững bền. Vậy, hôn nhân đồng phái tính hoàn toàn là một thể chế giả tạo, ép buộc và luôn lệ thuộc vào kỹ thuật y khoa để sản sinh. Như vậy căn tính nền tảng của hôn nhân đồng phái tính, xét theo là một thể chế xã hội, không (thành sự) có giá trị gì cả.

a. Giáo lý Công Giáo về Tính dục đồng phái

Là con cái của Thiên Chúa và phần tử trong Giáo Hội, chúng ta phải cẩn thủ tuân giữ giáo huấn của Giáo Hội. Sách Giáo Lý tuyên bố rằng : "Ðồng tính luyến ái là những liên hệ giữa những người nam hay nữ cảm thấy bị lôi cuốn tính dục với người đồng phái nhiều hơn với người khác phái. Ðồng tính luyến ái xuất hiện trong nhiều thời đại và văn hóa, với nhiều hình thức khác nhau. Cho đến nay, người ta vẫn chưa giải thích được nguyên nhân tâm thần của hiện tượng này. Căn cứ vào Kinh Thánh vốn xem chúng như những suy đồi nghiêm trọng (x. St 19,1-29; Rm 1,24-27; 1 Cr 6,10; 1Tm 1,10), truyền thống HộiThánh luôn tuyên bố: “Các hành vi đồng tính luyến ái tự bản chất là thác loạn” (x. Bộ Giáo lý đức tin, Tuyên ngôn “Persona humana” 8). Các hành vi này nghịch với luật tự nhiên vì loại bỏ chủ đích truyền sinh của hành vi tính dục, cũng không xuất phát từ nhu cầu bổ túc thực sự về tình cảm và tính dục. Những hành vi này không thể chấp nhận được trong bất cứ trường hợp nào » (GLHTCG, 2357). Còn phải phân biệt những người chỉ có xu hướng dục tính với người đồng phái nhưng không có những hành động đồng phái tính với những người tìm thỏa mãn qua những tương quan dục tính. Lúc đó tốt hơn phải dùng những từ thật đúng cho từng trường hợp, và nên nói ‘xu hướng riêng biệt ‘ (inclination particulière) của người đồng phái tính để chỉ sự lôi kéo dục tính đến người đồng phái, nhưng phải nói ‘thác loạn dục tính’ (désorientation sexuelle) để chỉ những hành động dục tính. Vậy chỉ có một hướng chiều dục tình (orientation sexuelle) mà Thiên Chúa muốn là người đàn ông bị lôi cuốn đến với người đàn bà và người đàn bà đến với người đàn ông.

Thể chế hôn nhân xây nên các nền tảng của xã hội loài người và cách riêng nền tảng của tử hệ. Phần lớn các giám mục đã nhắc lại điều đương nhiên này và đã từ chối hôn nhân giữa người đồng phái tính. Những lời tuyên bố chính thức của các giám mục trong giáo phận, của các linh mục trong họ đạo chống lại sự phá hủy hôn nhân. Những lời tuyên bố ấy thường không được truyền thông vui vẻ đón nhận, họ coi đó là những lời khinh bỉ hay làm tổn thương những người liên hệ. Hoàn toàn sai. Thực ra, Giáo Hội biết rằng mọi người ở trần thế dù lạc hướng và xúc phạm đến chương trình của Thiên Chúa thế nào đi nữa, tất cả đều được mời gọi hối cải và nên thánh. Giáo Hội không xua đuổi ai cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Giáo Hội không bao giờ khinh bỉ những người đồng tính luyến ái, Giáo Hội coi họ cũng có một nhân cách như mọi người, theo ý Thiên Chúa muốn : Ðừng quên một số người đã có khuynh hướng đồng tính luyến ái thâm căn. Ðối với đa số những người này, khuynh hướng lệch lạc ấy là một thử thách. Chúng ta phải đón nhận họ với lòng tôn trọng, thông cảm và tế nhị, tránh đối xử bất công. Cả những người này cũng được mời gọi thực hiện ý Chúa trong cuộc sống và, nếu là Kitô hữu, họ nên kết hợp các khó khăn gặp phải do hoàn cảnh đặc biệt của mình với hy tế thập giá của Chúa (GLHTCG, 2358).

Đón nhận, cảm thông, và tôn trọng những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái thâm căn, Giáo Hội mời gọi họ sống khiết tịnh : Những người đồng tính luyến ái cũng được mời gọi sống khiết tịnh. Họ có thể và phải cương quyết tiến dần đến sự toàn thiện Kitô giáo nhờ kinh nguyện và ân sủng bí tích, nhờ biết tự chủ để củng cố tự do nội tâm và nhờ sự nâng đỡ của một tình bạn vô vị lợi (GLHTCG, 2359).

b. Dăm ba đối thoại với quan điểm Hôn Nhân Đồng Phái

1. Không chấp nhận hôn nhân đồng phái vì kinh sợ (homophobie) ?

Nói về hồng ân đích thực của hôn nhân để chứng tỏ minh bạch rằng sự bất thành (invalidité) của sự kết hợp vợ chồng giữa những người đồng phái không phải là chống đối hay ghét bỏ người đồng phái tính (être homophobe). Không có sự thật thì không có bác ái. Sớm hay muộn, mọi đứa trẻ đều học biết ở trường sự sống được sản sinh như thế nào. Những bài học về khoa học tự nhiên mà em bé tiếp thu tại học đường đều xác chứng về sự sản sinh tự nhiên của những loài người hay loài vật giao hợp với nhau. Đàng khác, những đứa trẻ cũng sẽ nhận được một bài dạy song song về những thành quả của việc sản sinh nhân tạo. Nhưng tất cả đều dựa trên một từ : bản tính. Chính theo nghĩa này mà Giáo Hội nói rằng ‘mọi liên hệ của những người cùng phái thì không tự nhiên, không thuộc bản tính’, bởi vì không có sự khác biệt phái tính, chúng cản ngăn sự sống.

2. Không chấp nhận hôn nhân đồng phái vì kỳ thị (Discrimination) ?

Từ này có nghĩa là ‘phân biệt, tách rời’ (distinguer, séparer). Đây là một khả năng của trí tuệ. Người ta muốn làm cho chúng ta tin rằng đó luôn là điều bất công. Vậy ‘phân biệt, tách rời’ là một phẩm tính quan trọng nơi con người trưởng thành. Chúng ta ‘phân biệt’ hay ‘tách rời’ mỗi ngày bằng sự ‘chọn lựa’ (choix). Biết phân biệt có thể được nhận định như thành quả liên kết của đức khôn ngoan (sagesse) và đức thận trọng (prudence). Rủi thay trong xã hội hiện nay, từ ‘phân biệt’ hay ‘tách rời’ bị rơi vào một nghĩa tiêu cực : kỳ thị.

Ngày nay trong xã hội của chúng ta, ít có người tìm biết cái gì là xấu cái gì là tốt (mal ou bien), đa số chỉ thán phục sự bao dung tuyệt đối : ‘tất cả đều có giá trị, tất cả đều được phép, không ai được lấn át tự do của tôi’. Nhưng nếu các phần tử của xã hội đều là những người biết bao dung tương hỗ toàn diện, lúc đó lại tạo nên một xã hội không có luật lệ, không có quy định chia sẻ, bởi vì ‘tất cả đều tốt, tất đều lành mạnh, tất cả đều thiện hảo, tất cả đều chân thật nếu như ai cũng tìm thấy lợi ích và hạnh phúc tức khắc !'. Đó là những ý kiến chúng ta thường nghe quanh chúng ta. Như vậy thì thật hạnh phúc !’. Nhưng rồi chẳng bao lâu, nhân danh ‘bao dung’, mọi luật lệ sẽ bị xóa bỏ. Chúng ta sẽ rơi vào tình trạng xáo trộn hoàn toàn.

Chính vì thế cần phải biết phân biệt giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái thiện và cái ác, hầu biết chọn lựa mà không phải hối tiếc về sau, một sự chọn lựa tinh tế trong đời sống. Ngược lại có những phân biệt bất công chống lại người khác, về tầng lớp xã hội, chủng tộc hay tôn giáo, hay về chính kiến… Cần phải chống lại ‘sự phân biệt đó’. Những vi phạm bất công chống lại những người có khuynh hướng đồng phái tính, cũng phải mạnh bạo tố cáo, nhưng đừng mất quan điểm phân biệt tốt và đúng mà chúng ta phải làm về chính những hành động : « … Phản ứng lành mạnh chống lại những vi phạm bất công đối với những người đồng phái tính không có nghĩa là quả quyết đáp ‘tình trạng đồng phái tính không thác loạn’ (désordonnée). Khi người ta đón nhận những quyết đáp như vậy và khi người ta công nhận hành động đồng phái tính là tốt lành, hay khi người ta tạo nên những khoản luật dân sự để bảo vệ một lối sống như vậy, thì tất nhiên Giáo Hội và xã hội không khỏi ngỡ ngàng, đứng trước những ý kiến dị biệt khác và những thực hành lạc hướng làm lan tràn và gia tăng những phản ứng phi lý và bạo lực’

3. Hôn nhân từng biến hóa suốt trong lịch sử, thì giờ đây nó có thể thay đổi một lần nữa ?

Các nền văn hóa khác nhau đã xử lý hôn nhân cách khác nhau. Một số nền văn hóa cổ vũ lối hôn nhân sắp xếp. Một số khác liên kết hôn nhân với của hồi môn. Lại không thiếu những nền văn hóa coi hôn nhân như mối liên hệ chính trị qua đó các gia đình kết hợp thành các liên minh.

Nhưng tất cả các biến hóa ấy đều vẫn ủng hộ yếu tính nền tảng và bất biến của hôn nhân. Một cách tổng quát, chúng vẫn coi hôn nhân là một tương ước công khai, suốt đời giữa một người đàn ông và một người đàn bà nhằm sinh sản và dưỡng dục con cái.

Cái hiểu trên đi trước bất cứ chính phủ và tôn giáo nào. Nó là một định chế tiền chính trị, tiền tôn giáo, hiển nhiên trong cả các nền văn hóa không có luật lệ hay tôn giáo nào để cổ vũ.

Ấy thế nhưng, cứ giả dụ là ngay yếu tính của hôn nhân cũng có thể thay đổi đi chăng nữa, thử hỏi ta có nên thay đổi nó hay không? Từ các phạm vi khác của sự sống như các ngành nghiên cứu y khoa hay vật lý nguyên tử, ta biết rằng chỉ vì ta có thể làm một điều gì đó đâu có nghĩa là ta phải làm điều đó. Vì dù sao, làm như thế đâu có hợp đạo đức hay phục vụ ích chung. Dù luận điểm này có giá trị lịch sử đi chăng nữa, nó đâu có nhất thiết đủ lý do để ta phải thay đổi ý nghĩa của hôn nhân.

4. Hôn nhân đồng tính chủ yếu là vấn đề bình đẳng ?

Luận điểm này rất mạnh về phương diện xúc cảm vì tất cả chúng ta đều có khát mong sâu xa và bẩm sinh đối với công bằng và bình đẳng. Hơn nữa, lịch sử đã cho ta thấy muôn vàn thất bại trong lãnh vực này, trong đó, có việc phụ nữ không được đầu phiếu và người Mỹ Da Đen không được hưởng các quyền dân sự như những người khác. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là liệu những cặp đồng tính có bị từ khước quyền bình đẳng chỉ vì họ không được phép cưới nhau hay không?

Để trả lời câu hỏi trên, trước nhất ta phải hiểu thế nào là bình đẳng. Bình đẳng không có nghĩa là như nhau (equivalence), không có nghĩa là phải đối xử với mọi người hay mọi nhóm cùng một cách y hệt như nhau. Xin đơn cử một thí dụ, đàn ông và đàn bà đều có quyền bình đẳng, nhưng vì khác nhau một cách có ý nghĩa, nên họ cần có các nhà vệ sinh riêng biệt nhau. Bình đẳng có nghĩa là phải đối xử với những sự vật tương tự như nhau một cách tương tự như nhau, chứ không đối xử một cách tương tự như nhau những sự vật khác nhau trong căn bản.

Thứ hai, có hai vấn đề cần lưu ý ở đây: sự bình đẳng của những người khác nhau và sự bình đẳng của những mối liên hệ khác nhau. Các luật lệ hiện nay về hôn nhân vốn đối xử với mọi người một cách bình đẳng. Bất cứ người đàn ông chưa vợ và người đàn bà chưa chồng nào cũng đều được kết hôn với nhau, bất luận xu hướng tính dục của họ; luật pháp hoàn toàn trung lập đối với xu hướng cũng như đối với nòi giống và tôn giáo vậy.

Vấn đề thực sự là liệu các liên hệ đồng tính có khác với các liên hệ dị tính một cách đáng kể hay không, thì xin thưa là có. Sự khác nhau lớn nhất là các cặp đồng tính không thể sinh sản con cái, cũng không đảm bảo quyền của đứa trẻ được dưỡng dục bởi cả cha lẫn mẹ. Chỉ những sự kiện này mà thôi cũng cho thấy ta đang nói tới hai loại liên hệ rất khác nhau rồi. Do đó, quả là sai lầm khi cho rằng nhà nước nhất thiết phải đối xử với chúng như thể chúng y hệt như nhau.

Những người bênh vực hôn nhân đồng tính có thể lý giải rằng coi trọng các cặp dị tính hơn các cặp đồng tính là một hành vi kỳ thị. Vì những lợi ích phát sinh từ hôn nhân, điều này đã thiên vị loại hôn nhân dị tính hơn liên hệ hôn nhân đồng tính một cách bất công. Nhưng nếu nhà nước nhìn nhận hôn nhân đồng tính, thì họ lại thiên vị loại hôn nhân đồng tính hơn loại hôn nhân dị tính. Luận điểm vì thế cứ thế cứ chạy lòng vòng, khiến rơi vào chổ tự hủy chính mình.

5. Luật Hôn nhân đồng phái là một luật dân chủ ?

Người ta chủ trương rằng đây là luật dân chủ vì ông Francois Hollande đã được trúng cử một cách dân chủ và luật sẽ do quốc hội biểu quyết. Xin đừng quên rằng còn có những luật đã hiện hữu tự nhiên trước mọi luật dân sự, những luật ấy đã làm nền móng cho xã hội. Một trong những luật tự nhiên cơ bản đó là : Sự phối hợp của một người nam và một người nữ cho phép sinh sản tự nhiên, nghĩa là họ cộng tác vào việc sáng tạo của Thiên Chúa. Khi các nghị sĩ biểu quyết một luật trái lương tâm của họ thì đó không phải là biểu quyết dân chủ, không phải là luật dân chủ, nhưng là luật bất hợp pháp, luât của chế độ độc tài…

III. KẾT LUẬN

Hôn nhân truyền thống đã rất khó thành công, giáo dục con cái đôi khi thật chua cay. Nhưng đó là thể chế tuyệt hảo hơn, vì đó là thể chế chính Thiên Chúa muốn thiết định cho nhân loại. Thể chế xây nền tảng xã hội trong đó người nam và người nữ có thể xây dựng tổ ấm tốt hơn.

Hôn nhân đồng phái là một kiến tạo của tinh thần không đứng vững trước chương trình đích thực về tình yêu mà Thiên Chúa đã thiết định cho người đàn ông và người đàn bà, đó là điều mà chính Đức Kitô nhắc nhở chúng ta trong Tin Mừng thánh Macô. Những người Công Giáo, tuân giữ đức công bằng và bác ái, có bổn phận chống lại, theo cương vị của từng người, âm mưu và hành động phá hủy nền móng của xã hội chúng ta. « Mỗi khi phải đương đầu với sự nhìn nhận giá trị pháp lý của những phối hợp đồng phái tính, hay với sự kiện đồng hóa theo pháp lý những phối hợp đồng phái tính với hôn nhân, bằng cách cho những phối hợp đồng phái tính những quyền lợi dành riêng cho hôn nhân, thì người ta phải chống đối một cách minh bạch và cương quyết. Phải chối bỏ mọi hình thức cộng tác công khai vào việc ban hành và áp dụng những khoản luật cực kỳ bất công, và ngần nào có thể, không cộng tác cụ thể vào việc áp dụng các luật đó. Thực tế, mỗi người có thể đòi hỏi quyền vấn nạn lương tâm’.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho những nhà lãnh đạo thế giới ngưng tay phá hủy thể chế hôn nhân với mẫu hình mới cho xã hội là mẫu hình muốn vượt qua luật tự nhiên mà Thiên Chúa đã thiết định khi dựng nên con người.

n Phần tóm kết của nhóm Gia Đình Trẻ:

Hôn nhân đồng tính được định nghĩa là hôn nhân giữa hai người có cùng giới tính sinh học (giữa nam và nam, hoặc nữ và nữ). Ở Pháp, đề tài này đã được tổng thống F. Hollande, chính phủ đảng Xã Hội và Quốc Hội hợp pháp hóa vào ngày 23.04.2013 vừa qua, gây ảnh hưởng tiêu cực không những đến nền tảng truyền thống của gia đình mà còn đến cả giáo lý Công Giáo, tức đến chương trình của Thiên Chúa về mặt hôn nhân.

Chương trình đó bao gồm 14 mệnh đề sau đây :

• Theo phúc âm:

1. Hôn nhân phải có nam, có nữ theo luật của Thiên Chúa, vì Ngài là Đấng sáng tạo con người theo hình ảnh Ngài

2. Mục đích của hôn nhân là sinh con đẻ cái để thống trị thế giới và mọi loài

3. Vợ chồng phải hỗ trợ cho nhau

• Theo sách Diễm ca:

4. Nền tảng hôn nhân xuất phát từ tình yêu giữa người nam và người nữ, giống như tình yêu mà Chúa đã giành cho họ

• Theo thánh Marcô:

5. Người nam và người nữ phải lìa xa gia đình mình để trở nên một

6. Hôn nhân là sự kết hợp giữa người nam và người nữ bởi Thiên Chúa, loài người không được phân ly

• Theo thánh Phaolô:

7. Người chồng và người vợ phải yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương Giáo Hội

8. Vợ chồng phải tận hiến cho nhau như Giáo Hội tận hiến cho Chúa

9. Chồng phải làm tròn bổn phận đối với vợ, cũng như vợ đối với chồng

10. Người vợ không có quyền trên thân xác mình (nhưng chồng có quyền) và trên thân xác chồng

11. Vợ chồng phải sống trọn nghĩa với nhau về phương diện sinh lý

• Giáo Hội còn bổ sung thêm 3 mệnh đề nữa là:

12. Mục đích của hôn nhân là sinh sản và giáo dục con cái, vì con cái là món quà quý nhất của hôn nhân. Đây cũng là cách mở rộng nước Chúa

13. Củng cố một tình yêu trung thành, bất khả phân ly

14. Hôn nhân giữa người nam và người nữ đã được Rửa Tội là một bí tích vì sự hiến thân cho nhau trong cuộc đời và duy trì hạnh phúc gia đình qua việc sinh sản và giáo dục con cái

Dựa vào những mệnh đề trên, chúng ta nhận thức rõ rằng hôn nhân đồng tính luyến ái là một xúc phạm đến lề luật của Giáo Hội về phương diện hôn nhân, đặc biệt mệnh đề liên quan đến việc sinh sản con cái để thống trị thế giới theo lời của Chúa : nếu tuân theo và căn cứ trên quy luật tự nhiên, cha mẹ đồng tính sẽ không có con. Hơn nữa, hôn nhân đồng phái sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến một xã hội mà quan niệm cơ bản về hôn nhân là một chồng, một vợ sống cho nhau và sinh sản con cái. Vì vậy, nó sẽ tác động tiêu cực đến việc xin nhận con nuôi và giáo dục con cái (một đứa trẻ có cha mẹ đồng giới tính thì sẽ phát triển bình thường không?), hoặc việc mang thai trong ống nghiệm hay việc nhờ người khác mang thai dùm.v.v...

Giáo sư Cảnh đã nhấn mạnh một điều rất quan trọng là Giáo Hội không kết án những người có khuynh hướng đồng tính, mà chỉ kết án những hành động đồng tính thôi : Giáo Hội mời gọi những người có khuynh hường đồng tính hãy nên cải thiện cuộc sống của họ, Giáo Hội không từ bỏ họ, nhưng tôn trọng, thông cảm và năng đỡ họ sống hoàn thiện hơn. Ngược lại, Giáo Hội lên án những hành vi đồng tính và chống đối quy chế hôn nhân giữa hai người đồng giới.

Thảo luận:

Nội dung thảo luận bao gồm 5 câu hỏi đã được đặt ra trong phần thuyết trình trên :

1. Không chấp nhận hôn nhân đồng phái vì kinh sợ (homophobie) ?

2. Không chấp nhận hôn nhân đồng phái vì kỳ thị (Discrimination) ?

3. Hôn nhân từng biến hóa suốt trong lịch sử, thì giờ đây nó có thể thay đổi một lần nữa ?

4. Hôn nhân đồng tính chủ yếu là vấn đề bình đẳng ?

5. Luật hôn nhân đồng phái là một luật dân chủ ?

• Nhận định chung

Mọi người trong buổi họp đều chấp nhận rằng hôn nhân đồng phái là một xúc phạm đến chương trình của Chúa về mặt hôn nhân, nhưng nhấn mạnh một điều là cần phải phân biệt rõ ràng khuynh hướng đồng tính mà Giáo Hội không kết án và hành vi đồng tính mà Giáo Hội lên án.

Ý kiến, quan điểm đưa ra trong cuộc họp

Đồng tính luyến ái không phải là một vấn đề truyền sinh

Nếu trong gia đình có một người đồng tính thì mình có chấp nhận được không ?

Vì không ai có chứng từ về vấn đề này trong gia đình mình, nên Đức Ông Vinh đã kễ lại 3 trường hợp sau đây để chứng minh rằng việc chấp nhận hay không phụ thuộc nhiều vào hoàn cảnh gia đình :

Trong một gia đình có một cô con gái đồng tính, mà lẫn bố và mẹ không chấp nhận đời sống đồng tính của cô. Vì không muốn cắt đứt mối quan hệ với cô ta, nên họ vẫn yêu mến cô ta. Ba năm sau, khi cô này hối hận, muốn quay về nhà thì cha mẹ đã sẵn sàng mở cửa đón tiếp con mình. Nay cô đã có đời sống bình thường trở lại

Hai anh chị kia lấy nhau, nhưng anh chồng có hành vi đồng tính. Vì không có hạnh phúc gia đình trong vòng 7 năm, nên chị xin ly dị

Trong một gia đình có một anh trai có khuynh hướng đồng tính. Vì lý do kinh tế nên anh phải quan hệ với một người đồng tính để trả nợ, và sau này trở thành một người đồng tính

Có nên sử dụng hai từ khác nhau để phân biệt hôn nhân truyền thống (nói tóm tắt là hôn nhân), và hôn nhân đồng phái : không nên dùng chữ "hôn nhân" khi đề cập đến hôn nhân đồng phái

Do sự nhận thức của những cá nhân đồng tính về hôn nhân đồng giới, một số người đồng tính không chấp nhận mà con lên án hôn nhân đồng phái, ví dụ như trường hợp của Philippe Arino, giáo viên và nhà văn đồng tính, sinh trưởng trong một gia đình Công Giáo...

Chung quy, do ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của nền văn hóa Việt Nam, cũng như quan niệm, tư tưởng trong đời sống Công Giáo, chúng ta cần phải mạnh mẽ và lên tiếng kết án hôn nhân đồng phái mặc dầu đã được hợp pháp hóa ở Pháp, vì nó là một xúc phạm hiển nhiên đến chương trình của Thiên Chúa về phương diện hôn nhân. Riêng khía cạnh xã hội thì con người sẽ còn phải đương đầu với rất nhiều nguy hiểm một khi đã nhận thức được rằng hôn nhân đồng phái sẽ gây suy sụp nền tảng gia đình, dù quan niệm ngày nay về gia đình đã cởi mở nhiều, và bình đẳng giữa con người đã được cải thiện vượt bậc so với các thế hệ trước.

Buổi chia sẻ thật súc tích, hữu ích và có giá trị tinh thần cao, giúp cho mọi người hiểu rõ vấn đề hơn, nhất là các em thiếu nhi được cha mẹ dẫn đến để tham dự, được phát biểu và giải đáp những thắc mắc vốn rất hồn nhiên nhưng quan trọng đối với các em. Ai nấy vui vẻ chia tay ra về sau một ngày học hỏi sốt sắng và tích cực.

Paris, ngày 29 tháng 12 năm 2013

Đinh Đức Huy / Giang Minh Đức