CẢM NGHIỆM NHỮNG CHUYẾN ĐI THĂM TRẠI PHONG

"Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn" (Chế Lan Viên)


Mạn phép nhà thơ Chế Lan Viên khi nói: Có những vùng đất ta không ở nhưng chỉ ghé qua thôi, đi qua thôi nhưng đã đi vào hồn người khiến họ không bao giờ quên được. Cũng thế có những con người tuy chỉ gặp họ một lần nhưng khiến ta nhớ mãi. Đó là những vùng đất chúng tôi đã đến, những con người chúng tôi đã gặp trong những chuyến đi thăm các Trại Phong vào Mùa Chay 2014.

Những chuyến xe vào những ngày Thứ Bẩy của tháng 3 để đi tới những Trại Phong luôn được chúng tôi chờ đợi, mong ngóng. Chị em trong Cộng Đoàn Hàng Bột được tạo điều kiện để trong Mùa Chay, ít nhất mỗi người có một lần được đến Trại Phong. Bốn cuộc hành trình tới các Trại Phong: Quỳnh Lưu-Nghệ An (1/3); Cẩm Thủy –Thanh Hóa (8/3); Văn Môn-Thái Bình, Ba Sao-Hà Nam (15/3); Chí Linh-Hải Dương, Quả Cảm-Bắc Ninh (22/3) đã để lại bao dấu ấn cảm xúc khác nhau trong lòng mỗi người. Mỗi chuyến đi của chúng tôi đều có sự đồng hành của quý Soeur Dòng Thánh Phaolô Hàng Bột và anh Hòa (một gương mặt rất thân thuộc và đáng mến của những những bệnh nhân phong tại các Trại Phong Miền Bắc).

Đến bất kì Trại Phong nào, ai cũng như ai, chúng tôi đều cố gắng hết sức để các bệnh nhân cảm nhận được niềm vui của trên khuôn mặt mỗi người, qua các vũ điệu ca khúc tràn đầy niềm vui, tình yêu thương, hơn thế là giúp các bệnh nhân cảm nhận được sự gần gũi, tình yêu thương, và sự quan tâm của mọi người với mình. Chúng tôi ra đi nhưng thực sự đó như một cuộc trở về, như những đứa con trở về thăm ông bà, cha mẹ mình bởi thế ai cũng cảm thấy những mảnh đất này sao quen thuộc và những con người sao thân thuộc gần gũi đến lạ. Đến bất kì Trại Phong nào chúng tôi đều được đón tiếp với niềm vui và sự thân thiện… Chúng tôi đến mang theo những phần quà là những thùng mì tôm, những cân giò- Đó món quà của những tấm lòng, là sự quan tâm, và bàn tay yêu thương của biết bao người: Cha Phaolô Tuấn và những tín hữu Công Giáo ở Vùng Bắc Đức nơi cha đảm trách, tại Lincoln bên Mỹ, gia đình Anh Chị Hòa, một nhóm các chị ngoài Công Giáo ở Hà Nội qua bác sĩ Giao và biết bao những ân nhân xa gần khác. Món quà tuy không to lớn nhưng luôn luôn đều đặn mỗi năm, những món quà ấy tuy nhỏ bé nhưng lúc nào làm ấm lòng cho bao bệnh nhân nơi đây- những con người đã từng bị xã hội và cả gia đình của họ xa lánh ruồng bỏ và không thể hòa nhập được với xã hội- để họ luôn cảm thấy mình được yêu thương, quan tâm và tìm thấy niềm vui trong cuộc sống.

Sau mỗi buổi gặp gỡ tại hội trường chung, giao lưu văn nghệ và phát quà, chúng tôi lần lượt đến thăm phòng từng bệnh nhân, trò chuyện với họ đặc biệt là những bệnh nhân bị bệnh nặng không thể đi đâu được, ngoài việc chỉ quanh quẩn bên chiếc giường nhỏ. Trò chuyện với họ thì thấy mỗi người có một hoàn cảnh riêng: Có người có gia đình, có người chỉ có một mình, có người đã 60 năm mà chưa 1 lần được người thân đến thăm. Tôi không quên hình ảnh ông cụ ở Trại Phong Quả Cảm. Chúng tôi đến khi ông đang ngồi trên giường, lấy chân mò mẫm tìm những viên thuốc đánh rơi trên sàn. Trong căn phòng ẩm thấp, ông ngồi trên giường đôi mắt đục và đỏ ngầu vì không còn nhìn thấy gì nữa, cuộc nói chuyện cũng không liền mạch vì ông nghe không rõ nữa. Thời tiết miền Bắc vào tháng 3 vẫn còn lạnh, chỉ một chiếc áo cánh, thi thoảng ông ngồi bật rét run lên từng cơn. Chúng tôi ngỏ ý nhắc ông mặc áo nhưng ông nói không muốn vì mắt ông lòa tìm được cái áo thì khó khăn và vất vả mà mặc vào cũng chẳng dễ gì, khi tháo ra thì càng khó hơn bởi mắt thì không thấy gì mà tay thì khó mà cầm nắm được vật gì thế nên ông nhất định chịu rét dù chúng tôi nói muốn giúp ông mặc áo. Đôi chân ông cũng chỉ còn một bên. Cuộc trò chuyện chốc lát ám ảnh mãi trong tôi hình ảnh một ông cụ bệnh tật, cô đơn, ốm đau và rét run lên từng đợt, tâm trạng lúc nào cũng băn khoăn, lo lắng một điều gì đó. Có những gia đình bệnh nhân mà người cha già 85 tuổi phải ngồi bón cơm cho người con gái 30 tuổi bị bại não bẩm sinh, ngồi quay mặt vào tường là người vợ già cách đó vài năm đã bị tâm thần. Một bà lão cầm tay chúng tôi mà nhắn nhủ: “Các con cầu nguyện cho bà chóng chết đi để đỡ phiền lụy đến mọi người xung quanh, xấu hổ lắm, để thân già này thoát khỏi những đau đớn…”. Chúng tôi nghẹn ngào “Không, chúng con không dám đâu, Chúa còn muốn bà sống để cầu nguyện cho chúng con và mọi người ..” Bà lại mỉm cười và hẹn chúng tôi đến thăm trong những lần sau.

Mỗi người là một cuộc đời, mỗi số phận khác nhau, những cuộc đời và số phận mang chứa biết bao nước mắt: Nước mắt đau khổ của bệnh tật, nước mắt của sự tự ti mặc cảm, nước mắt cô đơn của tuổi già. Tôi nhớ đến Hàn Mặc Tử chàng thi sĩ đã mắc căn bệnh quái ác ở tuổi còn rất trẻ, mới 24 xuân và những vần thơ đầy mặc cảm, quằn quại và đau đớn của ông. Nhưng đến nơi đây , chúng tôi cũng bắt gặp biết bao những nụ cười vui vẻ và cả những giọt nước mắt hạnh phúc, được nghe những bài hát yêu đời từ những bệnh nhân và cả các cụ bà. Chúng tôi gặp những con người đầy nghị lực sống, khao khát cố gắng vượt lên hoàn cảnh để tiếp tục lao động chăm sóc gia đình. Chỉ cần nhìn thấy nụ cười trên môi của bất kì ai nơi đây chúng tôi đã cảm thấy một nghị lực sống mạnh mẽ của họ rồi. Trong bệnh tật, những tổn thương về thể xác và tinh thần họ vẫn vươn lên cố gắng sống mỗi ngày.

Chúng tôi thầm cám ơn những bệnh nhân, họ đã trao cho chúng tôi những món quà tinh thần đầy quý giá về nghi lực, khát vọng và tình yêu cuộc sống. Còn chúng tôi - những người không bao giờ cảm nhận được cảm giác bị hắt hủi, xa lánh, sự bất lực thậm chí tuyệt vọng - thì chúng tôi có biết mình đang quá hạnh phúc và biết cố gắng sống cho có hữu ích hơn không.

Đến với những Trại Phong chúng tôi luôn bắt gặp hình ảnh những người nữ tu nhỏ nhắn đang âm thầm, tận tình chăm sóc và lo lắng cho bệnh nhân cả về thể xác và tinh thần. Đó là hình ảnh một Giê-su sống động giữa đời mà chúng tôi đang nhìn thấy. Một vẻ đẹp cao cả của sự hi sinh thầm lặng.

Mỗi chuyến đi đều để lại một dư âm khác nhau trong lòng mỗi người. Chúng tôi thầm cám ơn Chúa về những hạnh phúc mà mình đang được sống, cám ơn Chúa vì Chúa đã không bỏ rơi những con người đáng thương và tội nghiệp khi gửi đến cho họ những ân nhân xa gần với tấm lòng quảng đại và tình yêu thương đã và đang luôn giúp đỡ họ về vật chất và hẳn cũng không quên họ trong lời cầu nguyện, khi gửi đến cho họ những con người biết hi sinh thầm lặng để giành lấy những hạnh phúc nhỏ bé của những người bất hạnh. Xin Chúa luôn chúc lành cho những con người quảng đại cho đi ấy và chúc lành cho mọi công việc của họ.

Lạy Chúa, chúng con xin cám ơn Chúa về tất cả những gì Chúa ban trong cuộc sống của chúng con, chúng con xin cám ơn Chúa về những chuyến đi Trại Phong trong Mùa Chay 2014 cho con có được những trải nghiệm về hạnh phúc, hiểu được tình Chúa yêu thương con người thế nào, và Chúa muốn chúng con trở nên những cánh tay nối dài của Chúa thế nào bằng đời sống dâng hiến chúng con lựa chọn. Xin Chúa cho chúng con luôn cảm nhận được niềm hạnh phúc trong cuộc sống của chúng con và biết dấn thân trong con đường ơn gọi dâng hiến – một con đường dấn thân theo Chúa mang đến niềm hạnh phúc cho bao người bất hạnh.

Bồ Câu Trắng Hàng Bột

(Hình ảnh: Xuân Hòa)