cho Hội Đồng Mục Vụ Gíao xứ Giáo phận Phan Thiết
Giáo xứ Chính Tòa, ngày 08 tháng 6 năm 2014
Dẫn nhập
Có lẽ ai trong chúng ta cũng đã biết định hướng mục vụ của Giáo Hội Việt Nam năm 2014 là : “Phúc Âm Hóa Đời Sống Gia Đình và thúc đẩy gia đình tham gia tích cực vào sứ vụ loan báo Tin Mừng” [1].
Và cũng có thể nói, định hướng mục vụ này đã được phổ biến cách rộng rãi cho mọi thành phần Dân Chúa tại Việt Nam :
- Nhiều Giáo xứ trong hầu hết các Giáo Phận treo khẩu hiệu “Phúc Âm hóa đời sống gia đình” ở những vị trí trang trọng, để khi bước vào khuôn viên Giáo xứ hay vào trong nhà thờ, ai ai cũng có thể nhìn thấy. Cụ thể nhà thờ Chính Tòa của Giáo phận Phan Thiết chúng ta đây cũng đặt khẩu hiệu và logo của năm Phúc Âm Hóa Đời Sống Gia Đình trên balcon tiền sảnh nhà thờ, một vị trí ai ai cũng có thể thấy.
- Các Đức Giám Mục, các Linh mục, trong các Thánh Lễ, các giờ giáo lý hay những buổi gặp gỡ giáo dân đều tận dụng những dịp này để thúc đẩy giáo dân thực thi việc “Phúc Âm hóa đời sống gia đình”. Cụ thể, tại Giáo phận Phan Thiết, Đức Giám Mục Giáo Phận, trong Thư Mục Vụ dịp đầu năm 2014, đã đề nghị những việc làm cụ thể để Phúc âm hóa đời sống gia đình : Ba không, ba chăm và ba sống. (1) Ba không : không vi phạm đặc tính “một vợ một chồng, bất khả phân ly” của hôn nhân; không lơ là bổn phận tôn trọng sự sống và trách nhiệm giáo dục con cái; không bạo lực gia đình. (2) Ba chăm : chăm học giáo lý về hôn nhân; chăm lo chu toàn bổn phận và đọc kinh tối trong gia đình; chăm chỉ sinh hoạt các hội đoàn. (3) Ba sống : sống theo gương Thánh Gia; sống gương sáng; sống liên đới và thăm viếng [2]…
- Có thể nói, nếu mỗi người, mỗi gia đình chúng ta thực thi những lời dạy của Đức Giám Mục Giáo Phận, thì định hướng mục vụ của Giáo Hội Việt Nam sẽ thành công mỹ mãn ở Giáo Phận Phan Thiết này.
Vậy nên, trong buổi gặp gỡ Quý Hội Đồng Mục Vụ Giáo Phận Phan Thiết hôm nay, con không có tham vọng trình bày những điều mới mẻ hay đưa ra những đề nghị cá nhân nào cho công việc “Phúc Âm hóa đời sống gia đình”, nhưng con chỉ muốn cùng với Quý vị đọc lại những hướng dẫn của Hội Thánh, cũng như những chỉ dẫn của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, của Đức Cha Giáo Phận để chúng ta ý thức và sống tốt hơn định hướng mục vụ : “Phúc Âm Hóa Đời Sống Gia Đình”.
1. Phúc Âm Hóa Đời Sống Gia Đình
Thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2014 đã xác định : “Mục tiêu của Phúc Âm hóa là dẫn mọi người vào cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu Kitô, trong Thánh Thần, nhờ đó gặp gỡ Thiên Chúa Cha của Người, cũng là Cha của chúng ta, và để đời sống mình được biến đổi theo tinh thần Phúc Âm” [3].
Như vậy, công việc Phúc Âm hóa hệ tại hai điều này : (1) Gặp gỡ Chúa (2) và được biến đổi. Nói cách khác, công việc chính yếu của công cuộc Phúc Âm hóa đòi mỗi người chúng ta phải nỗ lực tìm gặp Chúa để được Ngài biến đổi.
Hiểu như vậy thì chúng ta cũng có thể khẳng định rằng “Phúc Âm hóa Đời Sống Gia Đình” là một hành trình nỗ lực tìm gặp Chúa trong chính môi trường gia đình của mình, để Ngài biến đổi gia đình chúng ta. Nói khác đi, Phúc Âm hóa đời sống gia đình là đem tinh thần Phúc Âm vào trong cuộc sống từng ngày của chúng ta trong môi trường gia đình, nghĩa là chúng ta phải liệu sao cho các sinh hoạt thường nhật của gia đình mình diễn tả cách sống động Phúc Âm của Chúa. Nhờ đó, chúng ta sẽ gặp Chúa trong chính cuộc sống của gia đình của mình và vì thế mọi thành viên trong gia đình sẽ được biến đổi và đương nhiên gia đình cũng được biến đổi.
Trong thực hành, để có thể đem tinh thần Phúc Âm của Chúa vào trong gia đình, mỗi thành viên trong các gia đình phải năng suy gẫm và cầu nguyện với Phúc Âm : Suy gẫm để lòng trí mình được thấm nhuần tinh thần Phúc Âm; cầu nguyện để xin Chúa giúp chúng ta sống tinh thần Phúc Âm.
Xin lấy một ví dụ để minh họa cho việc Phúc Âm hóa đời sống gia đình.
§ Trong Phúc Âm theo thánh Luca [4], Thiên Chúa được trình bày là một người cha vô cùng nhân hậu.
§ Một người cha có hai con trai. Người con thứ nói với Cha rằng : “Thưa cha, xin cho con phần gia tài con được hưởng”. Sau khi đã nhận gia tài, người con thứ đi đến một miền đất xa xôi, ăn xài phung phí. Rơi vào cảnh khốn đốn, anh phải đi chăn heo cho người ta để kiếm cơm qua ngày. Cuộc sống cùng cực khiến anh muốn quay về nhà. Anh quay về nhà không phải vì hối hận về những điều làm phiền lòng cha, nhưng chỉ vì anh muốn có một cuộc sống an nhàn, một cuộc sống yên thân, một cuộc sống đầy đủ tiện nghi vật chất.
§ Về phía người cha, ông hoàn toàn tôn trọng tự do của các con. Ông đã chia gia tài cho các con và để chúng tự định liệu. Ông không ép người con thứ ở nhà. Ông không tìm cách kéo nó trở về. Bằng một tình yêu của người cha, ông từng ngày mong con quay trở về. Vậy nên, khi thấy người con thứ từ đàng xa, ông vội vã chạy ra đón và cuống quýt thúc giục đầy tớ mở hội ăn mừng.
§ Về phía người con cả, tuy không bao giờ trái lệnh cha, nhưng trong thâm tâm, anh không đồng cảm với niềm vui mừng của cha. Anh bực tức vì cách cha tiếp đón “người con phung phá” trở về. Tuy vậy, ông vẫn ôn tồn nói với người con : “Mọi sự của cha đều là của con” [5].
§ Qua đó, dụ ngôn “Người cha nhân hậu” cho chúng ta thấy : Thiên Chúa thương yêu hết mọi người và từng người chúng ta. Tình yêu của Ngài không chỉ dành cho người tội lỗi biết ăn năn hoán cải, mà tình yêu ấy còn dành cho cả những người không hiểu và đón nhận tình thương của Ngài. Ngài yêu chúng ta vô điều kiện [6]. Ngài yêu chúng ta ngay cả khi chúng ta còn là tội nhân [7].
§ Như vậy, để có thể Phúc Âm hóa đời sống gia đình, người cha phải năng suy gẫm về lòng nhân hậu của Thiên Chúa và xin Chúa ban cho mình luôn nhẫn nại yêu thương con cái, kể cả những đứa con ngỗ nghịch, bất hiếu hay thiếu cảm thông với mình. Chính nhờ tình thương vô điều kiện của người cha, những đứa con trong gia đình được cảm hóa, được thay đổi và gia đình sẽ trở thành một cộng đoàn thấm nhuần tinh thần Phúc Âm.
2. Tại sao phải Phúc Âm hóa đời sống gia đình
Nhìn vào thực tế các gia đình Việt Nam hôm nay, người ta nhận thấy bên cạnh những “ánh sáng”, không ít những “bóng tối” đang ngày càng bao phủ và đè nặng trên các gia đình.
2.1. Những “ánh sáng” nơi các gia đình
Thư Chung 2014 của HĐGMVN khẳng định : “Là người Việt Nam, chúng ta tự hào về một truyền thống gia đình trên thuận dưới hòa, trong đó lòng hiếu thảo có vị trí quan trọng đối với gia đình và xã hội. Có thể nói đó là một yếu tố căn bản để con người có thể thành nhân và thành tài” [8].
a) Gia đình, mái ấm yêu thương, trên thuận dưới hòa
Trong bài hát “Ba ngọn nến lung linh” của nhạc sĩ Ngọc Lễ, tác giả đã chia sẻ một cảm nhận rất thiêng liêng và sâu sắc về mái ấm gia đình : “Gia đình, gia đình, ôm ấp ta những ngày thơ, cho ta bao nhiêu niềm thương mến. Gia đình, gia đình, vương vấn bước chân ra đi, ấm áp trái tim quay về”.
Thật vậy, cứ nhìn vào cách chăm sóc của những ông bố, bà mẹ dành cho những người con, từ khi sinh ra cho đến khi khôn lớn, ta sẽ hiểu được lý do tại sao gia đình luôn là nơi mà ai đi xa cũng bịn rịn, nhớ mong; là nơi mà ai đi xa cũng luôn mong qua trở về vì đó là nơi luôn đầy ắp niềm vui, tiếng cười.
Con có một kỷ niệm rất đẹp về tuổi thơ, mà đến bây giờ con vẫn nhớ như in. Đó là vào những năm 1978-1990, vựa lúa của đồng bằng Sông Cửu Long mất mùa, nhà nào cũng đói, phải ăn củ sắn, củ khoai thay cơm. Cũng như bao gia đình khác, mẹ con cũng phải chạy gạo từng bữa, trong nhà không hề có hột gạo để qua đêm. Đến bữa ăn, mẹ con lúc nào cũng ngồi cạnh nồi cơm. Thú thật, gọi là nồi cơm, nhưng thực tình đó là nồi khoai, nồi mì mới đúng; vì mang tiếng là nồi cơm, nhưng một hạt cơm cõng 10 lát khoai, 20 lát mì. Lớn lên một chút con mới hiểu mẹ ngồi cạnh nồi cơm là để lựa từng muỗng cơm bỏ vào chén cho tụi con, còn chén của mẹ, những khoai là khoai, những mì là mì. Vậy mà mẹ vẫn vui vẻ múc cơm cho từng đứa con, vẫn nói cười trong suốt bữa cơm đam bạc.
Con không muốn nói về mình hay gia đình mình, bởi vì “không có gì tồi tệ hơn là nói về chính mình”, nhưng con muốn chia sẻ với Quý Hội Đồng Mục Vụ cảm nghiệm của chính mình, với tư cách là người trong cuộc, bởi vì đó những kinh nghiệm con đã sống và đã cảm nghiệm. Những trải nghiệm này làm cho con luôn tự hào và hạnh phúc, vì mình thật sự đã có một gia đình “trên thuận dưới hòa”.
Rồi lớn lên một chút nữa, anh em con lần lượt vào đại học. Vẫn biết rằng vào năm 1988 và những năm sau đó, bước chân vào đại học là ước mơ của biết bao người. Vậy mà trước mấy ngày nhập học, suốt đêm con cứ trằn trọc và không sao ngủ được, ví như người sắp mất đi một điều gì đó vô cùng thiêng liêng, đó chính là mái ấm gia đình. Và rồi khi đã vào đại học, mỗi lần có dịp, con lại đạp chiếc xe đạp lọc cọc để về thăm nhà. Mệt là vậy nhưng mỗi lần về đến nhà tâm hồn thật bình an và sảng khoái. Quả thực mái ấm gia đình đã làm vương vấn bao bước chân ra đi, và sưởi ấm bao trái tim khi có dịp quay về.
Rồi trước mấy ngày em trai con vào đại học, anh con cũng hì hục suốt mấy ngày trời, nhặt từng miếng ván vụn, đóng cho em con một chiếc rương nhỏ, để vào ký túc xá có cái mà đựng áo quần.
Đó chỉ là vài ví dụ điển hình, bởi vì trong cuộc sống thực tế ngày hôm nay, vẫn còn đó những bà mẹ bán vé số nuôi con đi học đại học, như bà Nguyễn Thị Tẩu ở Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng [9]; hoặc báo chí mới đây có dịp tôn vinh một người cha đơn thân hằng ngày xin sữa nuôi con ròng rã suốt 18 tháng trời [10]; hoặc một bé trai 10 tuổi hằng ngày cõng em bị liệt vượt núi đến trường [11]… Đó là những hình ảnh vẫn diễn ra hằng ngày trong cuộc sống người Việt chúng ta, điều mà không phải ở đâu cũng có.
Do đó, chúng ta có quyền tự hào về truyền thống gia đình trên thuận dưới hòa, gia đình tổ ấm yêu thương của người Việt Nam chúng ta.
b) Lòng hiếu kính ông bà tổ tiên
Lòng hiếu kính ông bà tổ tiên cũng là một trong những giá trị tinh thần của gia đình Việt Nam chúng ta.
“Sống tết, chết giỗ” đó là đạo làm con, đạo làm người, là đạo hiếu mà ai ai trong chúng ta dù có nghèo đến đâu đi chăng nữa, thì đến ngày tết, cũng kiếm chút lỡi mừng tuổi ông bà cha mẹ, đến ngày giỗ, cũng gắng xin một thánh lễ, đọc một giờ kinh.
Lòng hiếu kính ông bà tổ tiên là yếu tố không thể thiếu trong gia đình người Việt Nam, và vì thế lòng hiếu kính là một trong những yếu tố căn bản để con người có thể thành nhân và thành tài [12].
2.2. Những “bóng tối” nơi các gia đình
Tuy nhiên, truyền thống tốt đẹp đó đang có nguy cơ bị xói mòn và mai một. “Có những gia đình đang trở thành một thứ quán trọ thay vì tổ ấm yêu thương. Có nhiều người cao tuổi bị con cái bỏ rơi, không nơi nương tựa. Nạn bạo hành gia đình còn khá phổ biến, đặc biệt nhiều phụ nữ chưa được tôn trọng và yêu thương xứng đáng với phẩm giá con người” 13]. Thêm vào đó, “quan niệm về tình yêu hôn nhân, về đời sống gia đình cũng bị biến dạng” [14], nạn “sống thử, sống chung không hôn nhân, ngừa thai, phá thai, ly thân, ly dị ngày càng nhiều và trở thành hiện tượng phổ biến” [15]. Đó là những “bóng tối” đang đè nặng trên đời sống các gia đình.
Tại sao “bóng tối” lại ập xuống đời sống gia đình nhanh đến như vậy? Tại sao những gia đình trên thuận dưới hòa ngày càng giảm? Tại sao những giá trị tinh thần, những giá trị thiêng liêng của đời sống hôn nhân, gia đình đang ngày càng bị xói mòn và mai một? Tại sao ngày nay các đôi vợ chồng khi bất hòa thường đưa nhau ra tòa đời ly dị? Tại sao các đôi vợ chồng không chung thủy với nhau?
Người ta nói đến nhiều nguyên nhân dẫn đến tai họa này : vấn đề toàn cầu hóa, công nghiệp hóa, tình trạng di dân, việc giao lưu giữa các nền văn hóa, một nền giáo dục còn nhiều khiếm khuyết [16], sự tác động của các phương tiện truyền thông xã hội, sự thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết sai lạc về những giá trị đích thực của hôn nhân gia đình [17]…
Tất cả những yếu tố này đang chi phối và tác động cách tiêu cực trên các gia đình. Tuy nhiên, yếu tố thiết yếu gây nên sự khủng hoảng trầm trọng nơi các gia đình đó là sự thiếu ý thức về Thiên Chúa; nghĩa là người ta không còn dành cho Chúa một vị trí ưu tiên trong đời sống gia đình. Hay nói khác đi, người ta đang sống xa rời đức tin, xa rời giáo huấn của Chúa, xa rời Tin Mừng, không còn lấy Chúa làm lý tưởng, làm cùng đích đời mình. Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải “Phúc Âm hóa đời sống gia đình”. Đó là lý do đòi buộc chúng ta phải đem tinh thần Phúc Âm vào trong từng suy nghĩ, từng chọn lựa, trong cung cách ứng xử, trong sinh hoạt hằng ngày của chúng ta…
3. Những việc làm cụ thể trong việc “Phúc Âm hóa đời sống gia đình”
Đức Giám Mục Giáo Phận trong Thư Mục Vụ đầu năm 2014 đã mời gọi chúng ta lưu tâm đến việc thực hành ba không, ba chăm và ba sống. Và như đã thưa với Quý Hội Đồng Mục Vụ, con không dám nói điều gì ngoài những định hướng của Đức Cha Giáo Phận.
Do đó, trong định hướng chung của ngài, con xin đề nghị một số những việc làm cụ thể.
3.1. Duy trì các bữa ăn trong gia đình
Trong cái “ba sống” của Đức Cha Giáo Phận, ngài mời gọi chúng ta sống tình liên đới. Để có thể tạo tình liên đới, sự thân thiện gần gũi và cảm thông giữa các thành viên trong gia đình cần phải có sự gặp gỡ, chuyện trò, thăm hỏi, quan tâm…
Vậy để cụ thể hóa việc sống tình liên đới trong gia đình, con xin đề nghị Quý Hội Đồng Mục Vụ việc đầu tiên cần thực hiện trong năm “Phúc Âm hóa đời sống gia đình” là duy trì bữa ăn trong gia đình của mình.
Bữa cơm gia đình không chỉ là nét đẹp văn hóa rất độc đáo của người Việt Nam so với các nước Phương Tây, nhưng còn là “nơi” gặp gỡ lý tưởng để kiến tạo và duy trì tình thân trong gia đình. Thật ấm cúng biết bao khi các thành viên trong gia đình cùng quây quần bên mâm cơm sau một ngày làm việc, cùng chia sẻ cho nhau niềm vui nỗi buồn của một ngày sống. Từ bữa ăn gia đình, người ta có thể học được rất nhiều bài học nhân bản như sự lễ phép, kính trên nhường dưới, sự quan tâm đến nhau… Do đó, có thể nói, bữa cơm gia đình cũng được ví như sợi giây vô hình gắn kết các thành viên trong gia đình lại với nhau. Bữa cơm gia đình không chỉ làm ấm thêm tình thân trong gia đình, nhưng còn là “dưỡng chất” duy trì sự sống còn và sự hạnh phúc của gia đình.
Tiếc thay nhiều gia đình đã bỏ qua cơ hội quý báu này. Mải chạy theo nhịp sống công nghiệp, nhịp sống hiện đại, bữa cơm gia đình đã không còn diễn ra đều đặn. Hậu quả là có khi cả ngày cha mẹ không có thời giờ nói chuyện với con; con cái không có cơ hội chia sẻ với cha mẹ những khó khăn ở trường, ở công sở và trong cuộc sống.
Vậy nên, trong năm “Phúc Âm hóa đời sống gia đình, xin Quý Hội Đồng Mục Vụ quan tâm đặc biệt đến các bữa ăn trong gia đình của mình. Phải liệu sao cho những người chồng sau một ngày làm việc vất vả, chỉ muốn chạy ngay về nhà để ăn tối với vợ con. Hãy tổ chức thế nào để những người vợ cảm thấy vui và hạnh phúc bên mâm cơm, vì có sự hiện diện của chồng. Và hãy liệu sao để những người con, dù có đi dự tiệc tùng, vẫn không quên được những bữa cơm gia đình, tuy đơn giản, nhưng chất chứa đầy tình thương yêu của mẹ…
Nhiều người viện lý do ngày nay thật khó để có mặt đông đủ các thành viên trong gia đình vào các bữa ăn. Điều này khó, nhưng không phải là không làm được. Hãy bắt đầu từ điều tối thiểu, nghĩa là ngay cả khi thiếu một vài thành viên trong gia đình, chúng ta cũng vẫn duy trì các bữa ăn cách đều đặn. Đặc biệt, cũng cần lưu tâm đến những buổi họp mặt, những bữa ăn chung của gia đình vào những ngày đáng nhớ : ngày giỗ ông bà, ngày kỷ niệm thành hôn của cha mẹ, ngày sinh nhật của con…
Bữa cơm gia đình, một việc tưởng chừng rất đơn giản, nhưng lại có một giá trị tinh thần rất lớn. Đó là “nơi” lý tưởng để cùng nhau sống tình nghĩa gia đình và nhất là cùng giúp nhau sống tinh thần Phúc Âm. Do đó, nếu trong gia đình của Quý Hội Đồng Mục Vụ chưa coi trọng các bữa ăn chung, xin hãy gây ý thức và lưu tâm hơn đến các bữa ăn chung và gieo vào trong bữa ăn gia đình một tinh thần siêu nhiên, nghĩa là cùng giúp nhau Phúc Âm hóa bữa ăn, qua đó Phúc âm hóa đời sống gia đình.
3.2. Tổ chức giờ kinh tối trong gia đình
Đây là việc mà Đức Cha Giáo Phận chúng ta cũng như nhiều nơi, nhiều Giáo phận đang tha thiết mời gọi các gia đình thực hiện. Về việc này, con xin chia sẻ một kinh nghiệm.
Trong một buổi gặp gỡ các linh mục dịp đầu năm Phúc Âm Hóa Gia Đình 2014 vừa qua của một Giáo phận nọ, khi bàn về vấn đề phải tổ chức giờ kinh tối trong gia đình như thế nào, để mọi thành viên có thể tham dự. Một số cha phàn nàn rằng trong giáo xứ của các ngài không thể tổ chức giờ kinh tối trong các gia đình, vì buổi tối thường mỗi người mỗi việc : người đi làm tăng ca, người đi học chưa về, người mải mê theo dõi những bộ phim hay vào “giờ vàng”. Cũng có cha than phiền rằng một số gia đình có đọc kinh chung, nhưng bầu khí rời rạc, uể oải. Một số cha còn đề nghị cả một diễn tiến giờ kinh tối, cần phải đọc kinh này kinh nọ, cần phải đọc Lời Chúa và suy niệm Lời Chúa trong giờ kinh tối, nếu không đọc được buổi tối, thì đọc buổi sáng sau khi vừa thức dậy… Tất cả những điều này nếu thực hiện được thì rất tốt, nhưng thử hỏi có phù hợp với hoàn cảnh thực tế của các gia đình không?
Do đó, để có thể tổ chức giờ kinh tối trong gia đình, trước hết xin Quý Gia Đình hãy bắt đầu từ điều tối thiểu, để ai cũng có thể làm được. Tại sao đa phần các bạn trẻ không thích đọc kinh chung với gia đình? Lý do là bởi vì nhiều ông bố bà mẹ tham lam quá, đọc hết kinh này đến kinh nọ hoặc bắt con cái đọc kinh vào những “giờ vàng”, khi chúng còn đang muốn theo dõi một bộ phim, một chương trình ca nhạc, một trận đấu bóng đá.
Như vậy, đọc kinh gì trong giờ kinh tối hay đọc vào lúc nào không quan trọng bằng việc phải làm sao để mọi người cùng hiện diện. Đôi khi một vài người trong gia đình có thể ngăn trở việc này, việc nọ, thì những người còn lại cũng hãy đọc kinh chung với nhau, đừng đợi phải có đông đủ các thành viên trong gia đình mới bắt đầu đọc, thì chắc sẽ không bao giờ tổ chức được giờ kinh chung trong gia đình. Tắt một lời, xin Quý Gia Đình hãy tổ chức giờ kinh chung vào thời gian thuận tiện nhất của gia đình với những lời kinh đơn giản và ngắn gọn. Khi đã tạo được nếp đọc kinh tối trong gia đình, lúc đó chúng ta quan tâm đến “chất lượng” giờ kinh vẫn chưa muộn.
3.3. Đời sống gương sáng của cha mẹ
Một yếu tố không thể thiếu để có thể “Phúc Âm hóa đời sống gia đình” là đời sống gương sáng : “Con người thời nay cần những chứng nhân hơn những thầy dậy” [18]; “cha mẹ mẫu mực, con cái thảo hiền qua nhiều gương sáng” [19]; “lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”.
Do đó, công việc “Phúc Âm hóa đời sống gia đình” phải khởi đi từ những người cha, người mẹ trong gia đình. Những lời giáo huấn, chỉ dạy của bậc phụ huynh là cần thiết, nhưng đời sống gương sáng mới thực sự có sức cảm hóa và thay đổi con cái.
Hôm rồi, khi có dịp đến dâng lễ ở một giáo xứ bề thế trong Giáo phận nọ, vào giờ lễ sáng, con không thấy một bóng thiếu nhi nam nào đến nhà thờ. Đếm đi đếm lại, con thấy trong nhà thờ chỉ có vỏn vẹn 05 ông bố đi dâng lễ. Bố không đi lễ thì làm sao bảo con cái đi lễ được. Bố không sống đạo, thì làm sao có thể Phúc Âm hóa gia đình của mình.
Tắt một lời, để có thể Phúc Âm hóa đời sống gia đình, cha mẹ phải là người thấm nhuần tinh thần Phúc Âm, đem Phúc Âm vào trong cuộc sống hằng ngày của mình bằng một đời sống gương sáng. Nhờ đó, con cái và cả gia đình được Phúc Âm hóa.
3.4. Sống tình liên đới trong khu xóm
Một nét đẹp trong văn hóa của người Việt Nam chúng ta là tình làng nghĩa xóm : “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”; bà con chòm xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Tiếc thay, do ảnh hưởng của nhịp sống “vội vã”, nhiều người đã không còn ý thức về tình làng nghĩa xóm : “Đèn nhà ai nấy sáng”. Do đó, chúng ta không chỉ lưu tâm thực hiện “Phúc Âm hóa” trong gia đình của mình, nhưng còn phải mở ra và hướng tới các gia đình khác. Đây là việc cần phải làm nhưng cũng rất nhiều khó khăn.
Khi còn làm việc tại giáo xứ, con thường khuyến khích bà con giáo dân sống tình liên đới với nhau, nhất là quan tâm đến những gia đình neo đơn, gia đình khó khăn, gia đình bất hòa hoặc có nguy cơ đổ vỡ… Con dặn các ông trùm, ông trương và những người thiện chí đặc biệt lưu tâm đến nạn bạo hành trong các gia đình. Rồi một ông trùm báo tin cho con trong xóm đạo của ông có một ông “chuyên gia đánh vợ”. Con dặn mấy ông, hễ khi nào thấy gia đình đó bất hòa, điện thoại cho con. Rồi con nhận được điện thoại, vội bỏ mọi việc chạy ra nhà ông. Khi đến nơi, con thấy mọi chuyện chẳng có gì bất thường cả, vì ông chồng vẫn vui vẻ mời chào và còn gọi bà vợ lên chào cha, anh anh em em ngọt sớt. Hóa ra, ông chỉ đóng kịch khi cha và Hội Đồng Mục Vụ tới. Đánh vợ nhiều đến độ hàm răng của bà không còn cái nào.
Như thế, việc quan tâm đến những gia đình bất hòa, những gia đình có nguy cơ đổ vỡ không phải là chuyện dễ, vì tâm lý người Việt Nam thường “xấu che, tốt khoe”. Vậy nên, chúng ta cần phải tế nhị, khéo léo và kín đáo, tránh làm tổn thương đến thanh danh người khác khi quan tâm và giúp đỡ họ.
Về việc này, chúng ta cũng hãy bắt đầu từ những điều tối thiểu và ai cũng có thể làm được : Hiện diện trong những biến cố vui buồn của hàng xóm láng giềng, thăm hỏi lẫn nhau khi có người ốm đau hay gặp khó khăn hoạn nạn… Những cuộc tiếp xúc và thăm viếng này sẽ là những cơ hội rất tốt để sống tình làng nghĩa xóm.
Kết luận
Chúng ta vừa cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của việc “Phúc Âm hóa đời sống gia đình” và đưa ra một vài đề nghị cụ thể như những gợi ý để mỗi gia đình cùng thực hiện trong năm 2014 này.
Việc “Phúc Âm hóa đời sống gia đình” là sự nỗ lực không chỉ của từng người hay từng gia đình, nhưng công việc này phải mở ra với Giáo xứ, Giáo phận. Định hướng mục vụ “Phúc Âm hóa đời sống gia đình” sẽ khép lại khi năm 2014 kết thúc, nhưng việc Phúc âm hóa đời sống gia đình phải được thực hiện trong suốt hành trình của các gia đình. “Tương lai Hội Thánh đi ngang qua các gia đình” [20]. Giáo Hội sẽ không được Phúc âm hóa, nếu mỗi gia đình không thấm nhuần tinh thần Phúc Âm.
Là những người phục vụ cộng đoàn Giáo xứ, Quý Hội Đồng Mục Vụ cần phải thực hiện công việc “Phúc Âm hóa đời sống gia đình” không những trong phạm vi gia đình mình, nhưng còn được mời gọi dấn thân phục vụ các gia đình trong Giáo xứ, nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bất hòa hoặc có nguy cơ đổ vỡ.
Công việc phục vụ các gia đình là một công việc rất khó khăn, cần tế nhị, cần thời gian và đôi khi phải hy sinh thời giờ, sức khỏe, tiền bạc... Con tin chắc rằng với ơn Chúa và sự nỗ lực của từng người, từng gia đình, công cuộc Phúc Âm hóa đời sống gia đình tại Giáo Hội Việt Nam nói chung, cách riêng tại Giáo phận Phan Thiết này chắc chắn sẽ thành công.
Xin cám ơn Quý Hội Đồng Mục Vụ. Kính chúc mọi người, mọi gia đình trong Giáo Phận Phan Thiết chúng ta sẽ là những trang Phúc Âm sống động được mở ra trong cuộc sống hằng ngày của mình, để giới thiệu Chúa cho anh chị em lương dân.
Chú thích:
[1]Thư Chung HĐGMVN năm 2014, số 5.
[2] x. Thư Mục Vụ Dịp Đầu Năm 2014 : “Phúc Âm Hóa Đời Sống Gia Đình” của Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, số 4.
[3]Thư Chung HĐGMVN năm 2014, số 3.
[4]Lc 15, 11-31.
[5]Lc 15, 11-32
[6]Vũ Phan Long, Các bài Tin Mừng Luca dùng trong Phụng vụ, Nxb. Tôn Giáo, 2012, các trang 315-316.
[7]x. Rm 5,
[8]Thư Chung HĐGMVN năm 2014, số 7.
[9] http://www.tinmoi.vn/me-ban-ve-so-dao-nuoi-4-con-vao-dai-hoc-01906190.html
[10]http://tinngan.vn/xem.aspx?id=469714&pid=312&cid=0
[11] http://doisong.vnexpress.net/tin-tuc/nhip-song/hoc-tro-10-tuoi-cong-em-vuot-nui-toi-lop-2877197.html
[12] Thư Chung HĐGMVN năm 2008, số 10.
[13] Thư Chung HĐGMVN năm 2008, số 10.
[14] Sđd.
[15] Nguyễn Anh Tuấn, Đại hội Woomb lần thứ 2, Trung tâm Mục vụ Gp. Ban Mê Thuột, trang 6.
[16] x. Thư Chung HĐGMVN năm 2008, số 11.
[17] Nguyễn Anh Tuấn, Đại hội Woomb lần thứ 2, Trung tâm Mục vụ Gp. Ban Mê Thuột, trang 8.
[18] ĐGH. Phaolô VI, Tông huấn Loan Báo Tin Mừng, số 40.
[19] Thư Mục Vụ Dịp Đầu Năm 2014 : “Phúc Âm Hóa Đời Sống Gia Đình” của Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, số 4.
[20] ĐGH. Gioan Phaolô II, Thư gửi các Gia đình, năm 1994.