LINH ĐẠO HÔN PHỐI THEO THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ

LTS- « LINH ĐẠO HÔN PHỐI THEO THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II » là tác phẩm thứ 32 mà Ban Tu Thư Giáo Xứ Việt Nam Paris vừa soạn để « Kỷ niệm ngày Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được tuyên phong Hiển Thánh, 27.04.2014 » và để « Kỷ niệm 20 năm sinh hoạt của Ban Mục Vụ Gia Đình, 1995-2015 ». Chúng tôi xin được hân hạnh giới thiệu tác phẩm này với quí độc giả.

Xin Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban phúc lành cho những người góp phần thực hiện tác phẩm này, cũng như cho quí độc giả thân thương. Tất cả để vinh danh Thiên Chúa và thánh hóa các gia đình.

Bài được phổ biến :

1. LỜI MỞ, ngày 17.04.2014
2. Thần học Thân xác và Linh đạo Hôn phối của Lm Mai Đức Vinh, ngày 24.04.2014
3. Hôn nhân trong ánh sáng Hôn lễ của Đức Kytô và Giáo Hội, của Lm Mai Đức Vinh, ngày 01.05.2014
4. Duyên lành và thánh thiện của cặp vợ chồng của Ptvv Phạm Bá Nha, ngày 08.05.2014.
5. Để Hôn nhân trở nên một ơn gọi của C. Micheline Kim Chi, ngày 15.05.2014.
6. Hạnh phúc hôn nhân của AC Phạm Hòa Hiệp, ngày 22.05.2014
7. Làm sao để vợ chồng sống hạnh phúc của ÔB Phan Hữu Lộc, ngày 05.06.2014
8. Trưởng thành của tình yêu của AC Nguyễn Long Hằng, ngày 12.06.2014
9. Niềm vui trao ban của AC Đoàn Quốc Khánh, ngày 19.06.2014
10. Tình yêu vợ chồng : một bài phụng ca của Gs Trần Văn Cảnh, ngày 26.06.2014
11. Thánh giá và khổ cực của đời sống gia đình của Ls Lê Đình Thông, ngày 14.08.2014
12. Bí tích Thánh Thể, mầu nhiệm hôn nhân của AC Vũ Khiêm-Đào, ngày 19.08.2014
13. Hôm nay, ngày 26.08.2014, xin giới thiệu bài 13 và cuối cùng «Tóm lược Thần học Thân xác theo Đức Gioan Phaolô II». của Lm Mai Đức Vinh


TÓM LƯỢC THẦN HỌC THÂN XÁC THEO ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II.

‘Thần học về thân xác của Đức Gioan Phaolô II có thể được coi như một khúc quặt, không chỉ đối với thần học Công Giáo mà còn đối với cả tư tưởng hiện đại’ (lm George Weigel).

Trong những trang dưới đây, chúng tôi mạo muội tóm lược về thần học thân xác (Compendium de la théologie du corps) múc ra từ những ý tưởng của đức Gioan Phaolô II.

Đức Gioan Phaolô II đã dành hơn năm năm đầu triều đại giáo hoàng của ngài (.9.1979-28.11.1984) để trình bày giáo huấn về ‘thần học thân xác’, đặc biệt vào những buổi triều yết chung ngày thứ tư. Ít nhất đã có 129 bài gồm lại thành gần 800 trang viết. Đọc những trang này, đức Hồng Y Angelo Scola, lúc còn là viện trưởng đại học Latran đã nhận định: ‘Đây là huấn giáo tuyệt tác của đức Gioan Phaolô II’ (magistère génial de Jean-Paul II) (1) và cha George Weilgel, tác giả cuốn tiểu sử đức Gioan Phaolô II đầy đủ và uy tín nhất, không ngần ngại gọi ‘đây là quả bom nổ chậm của thần học’ (bombe à retardement théologique). Cha còn nói thêm: "Thần học về thân xác của đức Gioan Phaolô II có thể được coi như một khúc quặt, không chỉ đối với thần học Công Giáo mà còn đối với cả tư tưởng hiện đại" (2). Có điều mâu thuẫn, huấn giáo của đức Gioan Phaolô II không được phổ biến rộng rãi và sớm sủa vào đại chúng, mãi tới mấy năm gần đây người ta mới khám phá ra những chiều kích đáng giá về thần học của huấn giáo.

Ngay bây giờ chúng tôi cũng cảm thấy ‘nhột dạ’ khi dám tóm lược thần học thân xác của đức Gioan Phaolô II vào mấy trang sách (3) đang khi phải nhìn nhận tính cách phức tạp và khó nắm bắt tư tưởng của nền thần học này. Vì thế để dễ dàng nắm bắt, chúng tôi xin dựa trên những lời Thánh Kinh mà đức Gioan Phaolô II đã dùng, để trình bày bản tóm lược này. Quả vậy, đức Gioan Phaolô II đã dùng ba lời thánh kinh mà chính Chúa Giêsu đã công bố, để làm nền tảng xây dựng thần học thân xác (4). Ba lời này (trityque) được nêu bật nhờ cách chú giải hoàn toàn mới mẻ của đức Gioan Phalô II, và ngài luôn quy hướng hôn phối về viễn tượng ‘cứu chuộc’ và được đồng hình với hôn phối huyền nhiệm của Đức Kitô và Giáo Hội (x. Ep 5,22-23).

Việc đức Gioan Phaolô II diễn tả ba lời chính yếu này thật giàu ý nghĩa. Ba lời này làm thành ba bức tranh mà đề tài của mỗi bức tranh bổ túc cho nhau và soi sáng lẫn nhau. Có thể nói đây là bộ ba bức tranh thánh kinh về thần học thân xác, cũng là ba đoạn Tin Mừng của Thánh Matthêu:

• Mt 19,3-8: Chúa Giêsu trả lời cho người biệt phái về việc rẫy bỏ vợ, và giúp họ nhận ra rằng: theo câu chuyện sáng tạo trong sách Sáng Thế thì chương trình của Thiên Chúa là nguồn gốc về sự kết hợp của người đàn ông và người đàn bà.

• Mt 5,27-28: Trong đoạn về Bài Giảng trên núi, có câu ‘hễ ai nhìn xem người phụ nữ và ước ao phạm tội với người ấy, thì đã mắc tội tà dâm trong lòng rồi. Như vậy chúng ta được mời gọi nhận định rằng: Do tội nguyên tổ mà trái tim của người đàn ông bị tổn thương bởi dục vọng.

• Mt 22,23-30: Câu trả lời của Chúa Giêsu cho người Saducê về sự sống lại của thân xác, rồi từ đó, phải đề cập đến cùng đích thế mạt của hôn phối và ý nghĩa đích thực của sự đồng trinh.

1. Chương trình của Thiên Chúa ngay từ nguyên thuỷ về sự phối hợp của người nam và người nữ (Mt 19,3-8).

Lời thứ nhất của Tin Mừng: Có mấy người Biệt Phái đến gần Chúa Giêsu để thử Ngài. Họ nói : ‘Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do gì không?’. - Ngài đáp: ‘Các ông không đọc thấy điều này sao: Thuở ban đầu, Đấng tạo hóa đã dựng nên con người có nam có nữ và Người đã phán: ‘Vì thế người ta sẽ lìa bỏ cha mẹ, mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly’. - Họ thưa với Ngài: ‘Thế sao ông Maisen lại truyền cấp giấy ly dị mà rẫy vợ?’ - Ngài bảo họ : ‘Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Maisen đã cho phép các ông rẫy vợ, chớ thuở ban đầu không có thế đâu’.

Hai lần, đức Gioan Phaolô II đã lưu ý: Đức Kitô nhắc đến những nguồn gốc. Nói cách khác, về vấn đề luật pháp người Biệt Phái đặt ra: Người ta có quyền không…? Trong trường hợp nào người ta có thể…? Đức Kitô không trả lời thẳng câu hỏi, nhưng Ngài dẫn họ về tận nguồn gốc. Vì người biệt phái không biết Thánh Kinh bao nhiêu, nên Chúa Giêsu muốn dẫn họ về tận nguồn gốc: nguồn gốc của hôn phối còn ghi lại trong các văn bản mạc khải và thánh thiêng của sách Sáng Thế, qua các trình thuật về việc sáng tạo và việc đoạn tuyệt do tội lỗi trong lịch sử loài người. Đức Gioan Phaolô II đã đi theo sự chỉ dẫn của chính Đức Kitô và nghiên cứu kỹ lưỡng bản văn sách Sáng Thế, Ngài soi chiếu bản văn bằng một ánh sáng hoàn toàn mới mẻ.

Nhờ bản Tin Mừng của thánh Matthêu, chúng ta trở lại sách Sáng Thế, và tìm ra nguồn gốc của câu này: ‘Họ không còn phải là hai nhưng chỉ là một’. Đức Gioan Phaolô II đã chú giải câu này cách sâu sắc: chính lúc khám phá ra sự hiệp thông trong hai thân xác mà người nam và người nữ trở nên hình ảnh của Thiên Chúa cách toàn vẹn, họ trở nên như một kiệt tác và sự hoàn tất của việc sáng tạo. Hành động xác thịt, trao ban thân xác, là những việc làm vô tội tự nguồn gốc, chúng diễn tả toàn thể sự hiến thân của người này cho người khác. Ngài gọi đó là ơn gọi hay sứ mệnh. Ơn gọi này vẫn tồn tại cho dù đối với chúng ta, việc thể hiện này còn khó hơn đến độ, nếu không có ơn sủng, chúng ta không thể hoàn tất. ‘Là một nhân vị’, có nghĩa là con người hiện hữu như một thực thể trao ban, khi thấy ‘mình toàn mãn’ trong sự hiệp thông (5). Tự đầu trong chương trình của Thiên Chúa, người nam và người nữ có ơn gọi, nhờ sự hiệp thông với nhau trọn vẹn, trong đó có sự hiệp thông hai thân xác, trở nên hình ảnh sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa. Thiên Chúa đã muốn đặt trong xác thịt hình ảnh của Ngài từ muôn thuở. Đó là sứ mệnh của thân xác nhân loại trong chương trình của Thiên Chúa ngay từ đầu cho chúng ta trở nên món quà trao ban của chính chúng ta. Được đóng ấn bởi hồng ân này, thân xác của loài người mạc khải Thiên Chúa cho trần gian: "Thân xác đã được dựng nên để chuyển thông vào thực tại hữu hình của thế giới mầu nhiệm dấu kín từ đời đời nơi Thiên Chúa và trở nên dấu chỉ hữu hình của mầu nhiệm ấy" (6).

Điều căn bản nhất mà người ta có thể giữ lại theo sự chú giải đoạn sách Sáng Thế của đức Gioan Phaolô II: Con người là hình ảnh của sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, trước tiên nhờ sự hiệp thông giữa ‘con người - nhân vị’, hơn là nhờ sự kiện ‘con người - thụ tạo’ được phú bẩm thần linh tính (spiritualité). Thiên Chúa là một hữu thể thuần túy thiêng liêng. Chúng ta chỉ được phú bẩm một mức độ thần tính nào đó thôi. Các thiên thần được phú bẩm nhiều thần tính hơn con người. Các ngài là thần linh thuần thục. Vì thế, hình ảnh của Thiên Chúa nơi các thiên thần đậm nét hơn nơi chúng ta. Thế mà, sách Sáng Thế không nói đến các thiên thần là hình ảnh của Thiên Chúa, mà chỉ nói người nam và người nữ là hình ảnh của Thiên Chúa. Sự hiệp thông giữa người nam và người nữ được hoàn tất trong sự hiệp thông của thân xác. Từ đầu việc sáng tạo, dục tính (sexualité) được coi là một sự tốt lành căn bản. Chính nhờ vậy mà sự hiệp thông giữa người nam và người nữ ngay trong xác thịt, là hình tượng của sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa: Đức Gioan Phaolô II nói: "Con người đã trở nên tương giống và là hình ảnh của Thiên Chúa nhờ sự hiệp thông nhân vị mà người nam và người nữ tạo nên từ ban đầu (…). Lúc sống cô đơn, con người trở nên hình ảnh của Thiên Chúa, một cách đuối kém hơn lúc con người sống hiệp thông. Vậy, ngay từ đầu, xét theo yếu tính, con người là hình ảnh của một sự hiệp thông không thể dò thấu của Ba Ngôi Thiên Chúa" (7). Đức Giáo Hoàng còn nói thêm: "Thậm chí, điều này có thể thiết lập nên một khía cạnh thần học sâu xa nhất mà người ta có thể nói về con người" (8).

2. Trái tim con người đã bị thương từ tội nguyên tổ (Mt 5,27-28)

Lời thứ hai của Tin Mừng: "Anh em đã nghe luật dạy rằng: ‘chớ ngoại tình’. Còn Thày, Thày bảo anh em biết: ‘ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn họ, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi (a déjà commis l’adultère avec elle dans son cœur)" (Mt 5,27-28). Đức Gioan Phaolô II trưng dẫn một lời dịch khác cổ thời hơn và ngài cho là đúng hơn: "Còn Ta, Ta nói cho anh em : ‘Ai nhìn một người phụ nữ và thèm muốn họ, thì đã làm cho họ ngoại tình trong lòng của họ rồi’ (l’a rendue adultère dans son cœur)" (9). Chỉ hơn một năm mà ngài đã nhắc lại câu này quãng 40 lần trong các buổi triều yết (16.4.1980 -6.5.1981). Theo ngài, ‘Lặp lại như vậy vì ý nghĩa của những lời này là nồng cốt cho toàn bộ thần học về thân xác được chứa đựng trong giáo huấn của Chúa Kitô’ (10).

Như vậy, ngoại tình trong lòng là một hành động đã được định nghĩa rõ ràng cái nhìn thèm muốn, nghĩa là cái nhìn chăm chú trên một người khác để chiếm hữu họ, để xử dụng họ, để được thỏa mãn, để lợi dụng họ, để dụ bắt họ. Đức Gioan Phaolô II còn dùng một kiểu nói vừa rất chính xác vừa rất hoảng hồn: ‘Đó là cách cưỡng đoạn sự hiến thân của họ dành cho một hữu thể nhân loại khác (người nam dành cho người nữ hay ngược lại) và thu rút hồng ân ấy thành một đối vật thuần túy dành cho mình’ (11). Như vậy Ngài muốn chứng tỏ rằng: Những lời của Chúa Kitô trong bài giảng trên núi tố cáo tất cả những thái độ có ý từ chối phẩm tính nhân vị nơi một người khác xét theo họ là chủ thể hiến dâng (sujet de son don).

Chính đó là hậu quả của tội lỗi nơi chúng ta, hay rõ hơn, là nguồn gốc của ba dục vọng thánh Gioan nói đến trong thơ của ngài, đặc biệt về dục vọng xác thịt (12). Khác với điều chúng ta đọc được trong sách Sáng Thế ‘Bấy giờ cả hai người nam và người nữ đều trần truồng và họ không cảm thấy xấu hổ khi đứng trước mặt nhau’ (St 2,25). Lúc đó họ ở trong tình trạng vô tội, có cái nhìn trong sáng hoàn toàn. Họ nhận ra trong nam tính và nữ tính có những dấu chỉ về ơn gọi chung của họ là hiệp thông vào sự hiến thân của chính họ. Đức Gioan Phaolô II nói: "Nếu họ không cảm thấy xấu hổ, điều ấy có nghĩa là họ được kết hợp bởi sự ý thức về sự hiến thân, họ đã cùng nhau ý thức về ý nghĩa hôn phối của thân xác họ, ý nghĩa diễn tả sự tự do của việc hiến thân và bày tỏ tất cả sự giàu sang bên trong của con người xét theo là hữu thể hiến dâng" (13).

Trái lại, sau khi phạm tội thì theo sách Sáng Thế, hậu quả đầu tiên là: "Bấy giờ mắt hai ông bà mở ra, và họ thấy mình trần truồng, họ mới kết lá và làm khố che thân" (St 3,7). Như vậy, điều đầu tiên người ta nhận thấy chính là sự thối nát của tội nguyên tổ. Không phải là thái độ của Thiên Chúa, (chỉ sau khi phạm tội người nam và người nữ mới trốn tránh Thiên Chúa) (14), nhưng chính là thái độ mà hai người dành cho nhau, nhìn vào nhau. Cái nhìn của họ không còn trong suốt nữa, cũng không phải là cái nhìn chiêm ngưỡng về ơn gọi hiến thân, nhưng là cái nhìn đã đổi hướng và từ nay thấy người khác như là đối vật có tiềm năng hưởng thụ ích kỷ. Đó là cái nhìn thèm muốn, cái nhìn coi người khác như một đối vật (objet) chứ không phải như một chủ thể (sujet). Đi xa hơn đức Gioan Phaolô II còn khẳng định: "Cái nhìn đưa đến sự ngoại tình trong lòng, người nam cũng có thể phạm tội ngoại tình đó đối với chính người vợ của mình, vì lúc đó ông coi vợ ông như một đối tượng để thỏa mãn những đòi hỏi theo bản năng của ông mà thôi" (15).

Trong nhiều buổi triều yết, đức Gioan Phaolô II chú tâm đến những lời này trong bài giảng trên núi và ngài đã chứng minh cách tuyệt vời rằng: Chính trái tim con người mới bệnh hoạn vì hậu quả của tội chứ không phải thân xác bệnh hoạn. Thân xác vô tội. Chúng ta lạm dụng chính bản thân chúng ta khi chúng ta tố cáo thân xác chúng ta, trong khi chính trái tim mới cần phải khám nghiệm. Sự dơ bẩn dưới mọi dạng thức không phải là tội của thân xác nhưng là một tội chống lại thân xác. Đức Gioan Phaolô II khẳng định: "Đối với người có não trạng nhị nguyên thuyết (mentalité manichenne) thì thân xác và dục tính tạo nên cái người ta gọi là ‘phản giá trị’ (anti-valeur), trái lại đối với Kitô giáo thì giá trị của thân xác còn được trân trọng quá ít. Cách nhận thức và đánh giá trị về thân xác và dục tính của thuyết nhị nguyên thì chính yếu xa lạ với Tin Mừng. Nhiều người đã bắt được ý nghĩa đích thực của những lời này mà Chúa Giêsu đã công bố trong bài giảng trên núi" (16). Ít lâu sau, trong một vài buổi triều yết, đức Gioan Phaolô II còn nhấn mạnh: Trong bài giảng trên núi, Chúa Giêsu mời gọi con người trở về với tình trạng nguyên thủy vô tội, tức là tìm lại những ý nghĩa căn bản trường tồn, dưới nhiều dạng thức bền vững, của cái được gọi là ‘nhân tính’ sống động của con người mới. Như vậy, sẽ có sự nối kết giữa ‘nguyên thủy’ (origine) và ‘viễn tượng của ơn cứu độ’ (17).

3. Hôn nhân là như sự công bố và chuẩn bị ơn phục sinh (Mt 22,23-30).

Lời thứ ba của Tin Mừng: là câu Chúa Giêsu trả lời cho người Sađuxê. Một phái người Do Thái mang tên là Sađuxê không tin vào sự sống lại của thân xác, đã đến gặp Chúa Giêsu và đặt với Ngài một câu hỏi liên hệ đến ‘luật anh em thế nhau’ (loi du lévirat). Trong luật Do Thái, khi một người nam chết, thì một trong các anh em trai của họ phải kết hôn với người nữ góa bụa hầu bảo đảm dòng giống cho người anh em quá cố. Những người Saduxê đặt vấn nạn với Chúa Giêsu như sau: "Thưa Thày, ông Maisen có nói: nếu ai chết mà không có con, thì anh hay em của người ấy phải cưới lấy người vợ góa, để sinh con nối dõi cho anh hay em mình. Mà trong chúng tôi có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, rồi chết, và vì không có con nối dòng, nên để vợ lại cho em. Người thứ hai, rồi thứ ba, cho đến hết bảy người, người nào cũng vậy. Sau hết, người đàn bà ấy cũng chết. Vậy, trong ngày sống lại, bà ấy sẽ là vợ của ai trong số bảy người, vì tất cả đều đã lấy bà?" - Đức Giêsu trả lời họ: "Các ông lầm, vì không biết Kinh Thánh, cũng chẳng biết quyền năng của Thiên Chúa. Quả thế, trong ngày sống lại, người ta chẳng lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ sống như các thiên thần trên trời" (Mt 22,23-30).

Chúa có ý nói rằng: một khi đã sống lại, không còn hôn nhân nữa, vì hai lý do: Lý do thứ nhất việc sống lại xảy ra lúc Chúa Giêsu trở lại trong vinh quang, đánh dấu sự kết thúc của lịch sử. Lịch sử đã hoàn tất, không còn cần thiết việc sinh sản nữa, và vì thế không còn việc dựng vợ gả chồng nữa. Lý do thứ hai, chính chúng ta có một cái nhìn rất chật hẹp về sự sống lại, hay đúng hơn một cái nhìn của người theo tự nhiên thuyết (naturaliste): Chúng ta thường lẫn lộn sự sống lại với một hy vọng tự nhiên về sự bất tử (immortalité). Đó là một quan niệm sai lầm mà chúng ta phải gạt bỏ. Đức Gioan Phaolô II nói: "Phục sinh không chỉ có nghĩa là sự vãn hồi thân xác và tái lập sự sống của con người, hầu con người trở lại tình trạng nguyên vẹn nhờ sự kết hợp của linh hồn và thân xác, nhưng còn có nghĩa là sự vãn hồi một tình trạng tuyệt đối mới mẻ của chính sự sống con người" (18).

Căn cứ vào đâu để nói đến tình trạng tuyệt đối mới mẻ này? - Đức Gioan Phaolô II bảo: "Tình trạng này được khởi sắc nhờ ‘một hệ thống tuyệt hảo đầy sức mạnh trong những tương quan hỗ trợ giữa tinh thần và thể xác của con người" (19). Nghĩa là trong sự sống lại, có sự đối lập mà người ta trải nghiệm trong đời sống hiện nay, cụ thể là những hậu quả của tội nguyên tổ. Đó là sự đối lập giữa những khát vọng của tinh thần chúng ta và những nặng nề của thân xác chúng ta, sự đối lập này sẽ bị đẩy lui hoàn toàn bởi sự hiệp nhất và sự hòa hợp tuyệt hảo của thân xác và tinh thần. Đức Giáo Hoàng nói tiếp: "Nhờ sự sống lại mà thân xác sẽ tìm lại sự hiệp nhất và hòa điệu toàn hảo với tinh thần. Con người sẽ không còn bị khống chế bởi sự đối lập giữa những yếu tố tinh thần và những yếu tố thân xác nơi con người nữa. Việc tinh thần hóa không chỉ có nghĩa là tinh thần sẽ thống trị thân xác, nhưng tinh thần thâm nhập hoàn toàn thân xác và những sức mạnh của tinh thần sẽ thấm nhiễm vào các nghị lực của thân xác" (20).

Sức mạnh của tinh thần sẽ thấm nhiễm và thống trị sức mạnh của thể xác chúng ta, rồi sẽ dẫn chúng ta vào trong một bậc sống cao trọng hơn bậc sống thực nghiệm tại thế. Nhờ ơn sủng, chúng ta sẽ đạt tới sự trọn lành tột độ của chương trình thần linh hóa. Đức Gioan Phaolô II viết: "Mức độ linh đạo hóa riêng của con người thời cánh chung nảy sinh và lớn lên theo mức độ thần linh hóa của con người. Mức độ thần linh hóa vô cùng trổi vượt sánh với mức độ người ta có thể đạt tới trong đời sống trần thế. Còn phải thêm rằng: ở đây không nói đến một mức độ khác biệt, nhưng theo một ý nghĩa nào đó, là nói về một loại thần linh hóa khác. Việc tham dự vào đời sống nội tâm của chính Thiên Chúa, việc yếu tố thực chất nhân bản được thấu triệt và thâm nhập bởi yếu tố thực chất là thần linh, sẽ đạt tới trọn đỉnh. Ngay đời sống tinh thần của con người cũng đạt tới độ cao mà trước đó tuyệt đối không thể nào vươn tới được (…). Sự thần linh hóa trong một thế giới khác mà những lời dạy của Chúa Giêsu ám chỉ đến, sẽ đem lại cho kinh nghiệm của con người một ‘âm giai’ kinh nghiệm về sự thật và về tình yêu vượt xa tất cả những cái mà con người có thể đạt được trong đời sống tại thế" (21).

Tuy nhiên sự sống lại sẽ không phải là ‘sự thoát xác’ (désincardination). Chúng ta sẽ không trở thành thuần tuý tinh thần, và điều đó là điều Chúa Giêsu muốn đề cao khi nói "Trong ngày sống lại, người ta như các thiên thần". Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh: "Dĩ nhiên ở đây không nói đến việc biến đổi bản tính nhân loại thành bản tính thiên thần, nghĩa là thành tinh thần thuần tuý. Văn mạch chỉ rõ rằng: trong thế giới khác, con người sẽ còn bảo toàn bản tính riêng của con người tâm lý nhục thể (psychosomatique). Nếu hiểu cách khác, thì việc nói về sự sống lại sẽ mất hết ý nghĩa" (22).

Thân xác chúng ta đã được phục sinh vẫn là thân xác con người. Chúng vẫn giữ nam tính hay nữ tính của chúng. Tuy nhiên, hôn phối sẽ ngừng hiện hữu trong thân phận sống lại. Tại sao? Bởi vì trong thân phận mới này của nhân loại, nghĩa là trong sự sống lại, sự hiệp thông của Thiên Chúa với con người sẽ tuyệt hảo đến nỗi sẽ làm thỏa mãn sự hiệp thông của chúng ta một cách toàn diện và chan chứa, dư đầy. Mục đích chúng ta được dựng nên, là để chúng ta trở nên những hữu thể hiệp thông. Lý tưởng chúng ta phải thực hiện trong hôn nhân tại thế là sống theo gương mẫu trọn hảo ‘việc Thiên Chúa hiến thân cho mỗi người’. Chúng ta sẽ không còn lấy vợ lấy chồng nữa, bởi vì việc hiến thân của chính chúng ta cho một người sẽ vô cùng thấp kém sánh với việc chúng ta được hưởng kiến hồng phúc nhan thánh Thiên Chúa. Đức Gioan Phaolô II cho biết: "Những người sẽ tham dự vào thế giới mới, nghĩa là vào sự hiệp thông tuyệt hảo với Thiên Chúa hằng sống, họ sẽ vui hưởng một chủ thể tính tuyệt hảo. Nếu trong chủ thể tính tuyệt hảo này không còn dựng vợ gả chồng nữa, và vẫn duy trì nam tính và nữ tính trong thân xác phục sinh của họ, nghĩa là thân xác vinh quang, thì điều đó được cắt nghĩa bởi sự kết thúc của lịch sử, nhưng cũng và đặc biệt bởi sự kiện của ngày cánh chung (…). Như vậy, sau ngày cánh chung người ta không còn dựng vợ gả chồng nữa, người ta sẽ bước vào đời sống miên trường, luôn hưởng kiến Thiên Chúa, diện đối diện. Lúc đó, sẽ nảy sinh một tình yêu thật sâu thẳm và thật mãnh liệt quy hướng về chính Thiên Chúa. Tình yêu ấy sẽ chiếm hữu hoàn toàn chủ thể tính tâm lý nhục thể (subjectivité psychosomatique)" (23).

Diễm phúc được hưởng kiến mầu nhiệm tình yêu Chúa Ba Ngôi giúp chúng ta đạt tới sự hiệp thông toàn hảo và phổ quát. Đức Gioan Phaolô II nói: "Quy hướng mọi hiểu biết và tình yêu thương vào Thiên Chúa, chính là tham dự trọn vẹn vào đời sống nội tâm của Thiên Chúa nghĩa là vào đời sống của chính Ba Ngôi cực thánh (…)" (24)

Nếu trong ngày sống lại không còn hôn phối nữa, không phải vì sự sống lại phủ nhận giá trị hôn phối, nhưng vì sự hiệp thông mà hôn phối loan báo đã được thực hiện toàn mãn. Hôn phối là như công trình hiệp thông, loan báo sự sống lại. Và sự sống lại loan báo sự hiệp thông toàn mãn của Thiên Chúa nơi chúng ta. Bởi đó, sự hiệp thông của chúng ta với mọi người theo khuôn mẫu tín điều ‘các thánh cùng thông công’, giúp chúng ta làm trong sáng bậc sống hôn nhân và nêu bật những ý nghĩa phong phú của hôn nhân.

Chúng ta có thể kết thúc chương sách này bằng lời của đức Hồng Y Barbarin, người đề tựa và giới thiệu cuốn sách ‘Linh đạo hôn phối theo đức Gioan Phaolô II’: "Tuy vắn gọn, những trang tóm lược (Compendium) về thần học thân xác theo đức Gioan Phaolô II thật hữu ích. Bản tóm lược hiến tặng chúng ta những nét trục chính, giúp chúng ta đào sâu những giáo huấn thần học của đức Gioan Phaolô II. Hy vọng nhiều đôi bạn sẽ múc lấy được những điều cần thiết để canh tân đời sống nội tâm của mình và thông truyền nguồn phong phú tiếp thu được đến các gia đình khác" (25).

Sau cùng là lời của chính đức Gioan Phaolô II, ngài nhấn mạnh: "Thần học thân xác này cần thiết để hiểu cho đúng lời dạy của quyền giáo huấn (magistère) của Giáo Hội đương thời" (26) (27).

---------------------

(1) x Carlo Caffara, ‘Identidad y diferencia. La relacionbombre y mujer’, Madrid, nxb. Encuentro, 1989 tr. 34.
(2) George Weigel, ‘Jean Paul II, témoin de l’Espérance’, JC Latès, tr.427.
(3) Có thể đọc tác phẩm đầy đủ và kỹ thuật về thần học thân xác của đức Gioan Phaolô II của ông Yves Semen ‘La sexualité selon Jean-Paul II’, Presses de la Renaissance, 2004.
(4) Triều yết chung ngày 11.11.1981, s.1
(5) x. Hiến Chế Mục Vụ ‘Gaudium et Spes’ s. 24.
(6) Triều yết chung ngày 20.02.1980, s.4
(7) Triều yết chung ngày 14. 11. 1979, s.31
(8) Triều yết chung ngày 14.11.1979, s.3
(9) Triều yết chung ngày 6.8.1980, s.5
(10) Triều yết chung ngày 22.10. 1980, s.1.
(11) Triều yết chung ngày 6.2.1980, s.3
(12) X. 1Ga 2,16
(13) Triều yết chung ngày 20.2.1980, s.1
(14) x. Ga 3,8
(15) Triều yết chung ngày 8.10.1980, s.3
(16) Triều yết chung ngày 22.10.1980 ss 3+5
(17) Triều yết chung ngày 3.12.1980, s.3
(18) Triều yết chung ngày 2.12.1981, s.3
(19) Triều yết chung ngày 9.12.1981, s.1
(20) Triều yết chung ngày 9.12.1981, s.1
(21) Nt, s.3+4.
(22) Buổi triều yết 2.12.1981, s.5
(23) Triều yết chung ngày 16.12.1981, s.2+3.
(24) Nt s.4
(25) Yves Semen, La spiritualité Conjugale selon Jean-Paul II, Paris, Presses de la Renaissance, 2010, tr.14
(26) Triều yết chung ngày 8.4.1981, s.5
(27) Bài viết trên đây dựa theo phần phụ lục ‘Annexe, Compendium (abrégé) de la théologie du corps’, của cuốn ‘La Spiritualité Conjugale selon Jean-Paul II’, … tr.217-236.