Câu hỏi làm nhức nhối cuộc đời

“Thử hỏi những trẻ em này đã làm gì nên tội để phải chịu biết bao khổ đau?“ (ĐTC. Gioan Phaolo II)

Câu hỏi của Đức Thánh Cha trong Sứ điệp mùa Chay 2004 làm tôi nhức nhối biết bao và bắt tôi phải suy nghĩ rất nhiều về các tâm hồn thơ bé. Những tâm hồn mà người Việt thường ví von: “Trẻ em như tờ giấy trắng.” Đúng vậy ! Và vì thế, từ những giây phút đầu tiên của cuộc đời, tờ giấy trắng đó cần được tô vẽ lên “những bức tranh” với vẻ đẹp của tình yêu, niềm tin, hy vọng, sự thật, niềm vui sống và phát triển... “Những bức tranh” đem đến cho các em một đời sống hiện tại thật dồi dào và một viễn tượng trong tương lai thật giá trị, cái giá trị của Chân Thiện Mỹ. Nhưng để có thể vẽ lên những bức tranh tuyệt hảo đó trên tờ giấy trắng ấu thơ, thì tự sức mình các em không thể làm được. Dù rằng, tự bản chất các em luôn mang trong mình những tâm tình hướng về những gì thuộc về Chân Thiện Mỹ.

Trong thân phận nhỏ bé và giới hạn của mình, các em luôn lệ thuộc vào Cha Mẹ, vào người lớn. Tương lai các em thế nào và căn tính các em ra sao, một phần lớn tùy thuộc vào cách chăm sóc, giáo dục và yêu thương của Cha Mẹ, gia đình, học đường và xã hội xung quanh. Vì vậy, phải ca ngợi những “bậc làm cha mẹ sẵn sàng lãnh trách nhiệm gánh vác cả đại gia đình, những người cha, người mẹ thay vì đặt ưu tiên cho thành công nghề nghiệp và thành đạt trong đời, lại ra sức truyền cho con cái những giá trị nhân bản và tôn giáo mang lại ý nghĩa chân thật cho cuộc sống.” Và cũng thán phục biết bao “những ai đang dấn thân chăm sóc cho những trẻ em kém may mắn và những ai đang làm vơi bớt những khổ đau của trẻ em và gia đình của chúng vì chiến tranh và bạo lực, vì thiếu lương thực và nước uống, vì buộc phải tha phương cầu thực, và vì biết bao hình thức bất công hiện có trên thế giới.” (Sứ điệp mùa Chay 2004, số 3)

Nhưng tiếc rằng, kế bên các em bé hạnh phúc được hưởng tình yêu của những bậc Cha Mẹ và những người ý thức có trách nhiệm, thì lại có biết bao hình ảnh đau xót về các em bé bất hạnh trong cuộc đời. Kìa, tại cánh rừng cao su ở Sông Bé, một em bé bị trói chặt vào một gốc cao su và bị bỏ đói. “Em này đã làm gì nên tội? - Câu hỏi làm nhức nhối cuộc đời. Chỉ vì em không chịu tuân theo những mệnh lệnh của những tên chủ bất nhân. May thay, em đã vùng ra khỏi những sợi dây trói buộc tuổi thơ của em, để rồi em tìm thấy một tổ ấm yêu thương trong một trại mồ côi. Ở góc phố khác của thành phố Sàigòn, một ấu nhi đang khóc lóc thảm thiết. Cha Mẹ các em đâu? Làm sao biết được, chỉ biết rằng, ấu nhi này mới „chào cuộc đời“ được mấy hôm, mà giờ đây đã bị bắt buộc chọn vỉa hè làm „cái nôi“ đầu đời của mình. Sao mà tàn nhẫn đến thế! Và trong một làng mạc khác, một em bé bị bỏ đói đã ba ngày rồi, hỏi tại sao, thì em trả lời rằng, vì mấy ngày trước đi bán vé số ế, nên ba má bắt phạt không cho ăn gì cả. Không lẽ bán vé số ế là tội của em bé với một hình phạt bỏ đói mấy ngày liền sao? - Câu hỏi làm nhức nhối cuộc đời. Phải chăng cái nghèo đói đã làm cho tâm hồn con người không còn biết đến chữ „từ bi xả kỷ“. Mà lại là những tâm hồn của Mẹ và Cha nữa chứ.

Rồi ngày hôm nay, chúng ta đọc được những hàng tin „động trời“ mà Bùi Hữu Thư đã viết theo các bản tin của MSNBC và được đăng trên Vietcatholic vào ngày 02.3.04: „Trẻ em có đứa mới 5 tuổi đang bị bán làm nô lệ tính dục tại Campuchia.. và đây là những đứa trẻ sanh ra trong nghèo khó và bị bán thân làm đĩ... Một hành trình bi thảm của một đứa trẻ vào đường mãi dâm bắt đầu với một gia đình nghèo khó phải vật lộn với miếng cơm...Một số trẻ em bị chính cha mẹ chúng bán. Những đứa khác bị dụ vào làm nghề chiêu đãi mà chúng tưởng là hợp pháp, nhưng sau đó bị cưỡng ép vào đường mãi dâm. Một em gái 14 tuổi mới đây được cứu ra khỏi một lầu xanh nói, nó sanh ra ở một gia đình nghèo khó bên nước láng giềng, Việt Nam. Nó nói, một hôm đang đi bộ từ trường về nhà thì bị một bà dụ cho nó làm việc trong một quán cà phê. Nhưng quán ấy lại là một lầu xanh. Không có tiền và không có cách nào để trở về nhà, nó đã bị cưỡng ép phục vụ cho những người đàn ông, trong số đó có nhiều người Mỹ. Trong trường hợp cha mẹ bán con thì nhiều lắm cũng chỉ được vài trăm đô la. Đó là món nợ mà đứa trẻ phải trả bằng cách hành nghề mãi dâm trong nhiều năm. Đây là một hình thức nô lệ. Nếu đứa trẻ không chịu, nó sẽ bị nhốt trong một căn phòng, bị bỏ đói khát và bị đánh đập tàn nhẫn. Cuối cùng nó sẽ phải ưng chịu.“

“Thử hỏi những trẻ em này đã làm gì nên tội để phải chịu biết bao khổ đau?“ - Câu hỏi làm nhức nhối cuộc đời.

Thật là thương tâm.Vì thế,

„Hỡi Quý Ông Bà đang cưỡng bức các em bé bất hạnh kia,

Vẫn biết rằng, các em là tờ giấy trắng thơ ngây, nhỏ bé và yếu đuối, nhưng không vì vậy mà Quý Ông Bà muốn tô lên những vệt đen nhơ bẩn và xấu xí trên tờ giấy trắng như thế nào thì tùy ý đâu.

Hỡi những „Tú Bà“ trên góc phố xanh đỏ, hỡi những „Quý Ông“ giàu sang của những đất nước tự coi là văn minh như ở Mỹ, ở Đức và ở bất cứ nơi đâu, đang đi tìm những trò đùa vui và thỏa mãn của mình ở những đất nước nghèo nàn, đang dùng tiền để mua vui nơi chính những tâm hồn thơ ngây, hãy ý thức rằng: „Các cuộc vui của „quý ông“ và những đồng tiền các „quý Bà“ nhặt về đang „gặm nhấm“ hàng vạn tâm hồn ấu thơ, đang tàn phá hàng ngàn cuộc đời thơ ấu. Trách nhiệm và ý thức làm người của „Quý Ông Bà“ đâu rồi? Cái vòng tay yêu thương mà „Quý Ông Bà“ đã nhận được từ cuộc đời trong quá khứ của mình đã biến nơi nào? Sao bây giờ „Quý Ông Bà“ dã man trói chặt những đứa bé kia lại và rồi muốn sử dụng các em thế nào thì tùy ý? „Quý Ông Bà“có biết rằng, nếu ngay từ nhỏ mà các em bé đã bị chính „Quý Ông Bà“ là những người trưởng thành cưỡng bức, và lạm dụng cho những mục tiêu vụ lợi của bản thân, hay của phe nhóm, thì sau này khi các em trưởng thành, có thể các em sẽ trở thành những người gây ra y hệt những tệ nạn mà chính các em đã phải chịu trong quá khứ không? Quý Ông Bà có trách nhiệm gì cho xã hội hôm nay không? Quý Ông Bà có mở mắt ra để thấy cái vòng ma quái mà các Quý Ông Bà đang tham dự vào, sẽ tiếp nối từ thế hệ này đến thế hệ khác không?

Như vậy, Quý Ông Bá có biết là mình đang làm cho các em bé bị sa ngã. Với điều này Đức Kitô đã gắt gao lên án: „Những ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn.“ (Mt 15, 6)

Vâng, ngày hôm nay cùng với chính Đức Thánh Cha xin hỏi „Quý Ông Bà“ rằng:

“Thử hỏi những trẻ em này đã làm gì nên tội để phải chịu biết bao khổ đau?“

Trong tinh thần của Tin Mừng và hiệp thông với các em bé bất hạnh cùng cha mẹ của các em, chúng tôi kêu gọi và đòi hỏi quý ông bà: „Hãy trả lại tuổi thơ thật đẹp cho các em bé!“

Lạy Chúa,

Thế giới này và sự sống hôm nay Chúa đã ban cho chúng con - từ thế hệ này nối tiếp thế hệ khác. Tất cả là món quà tình yêu của Chúa. Chúng con xin cảm tạ Chúa muôn đời.

Nhưng Chúa ơi, khi nhìn đến bản thân mình cùng nhân loại của thế giới hôm nay. Chúng con phải thú thật rằng, sức con người chúng con có hạn trước bao hấp dẫn của thần dữ, của đồng tiền. Tâm hồn con người chúng con yếu đuối trước những đam mê và những khát vọng tối tăm. Vì thế, mà hiện giờ có những bàn tay của một số người trong chúng con, một thế hệ trưởng thành, thay vì vun trồng sự sống và phát triển những tâm hồn thơ ấu là thế hệ trẻ và tương lại của thế giới và xã hội, thì lại nhúng tay vào để dụ dỗ, bóc lột và bắt buộc các em phục vụ cho những quyền lợi riêng tư nhơ bẩn. Kế bên đó lại không màng đến sự khổ đau các em phải chịu, những thương tổn về thể xác, sức khỏe, tinh thần và tâm lý các em phải mang cả cuộc đời mình.

Chúa ơi, thế hệ trưởng thành của chúng con đang đui mù lao vào cái chết, khi chúng con cướp mất cuộc đời của thế hệ trẻ mới vào cuộc đời.Vâng, thật là tệ hại, ngu xuẩn và bất nhân biết chừng nào!

Những ngày đẹp đẽ đầu tiên mà Chúa tạo dựng, mà Chúa cho các em bé vào đời để vui sống và phát triển đã không còn nữa. Giờ đây là một chuỗi ngày đen tối bao phủ cuộc đời các em.

Đau khổ hết sức và thương tâm biết bao!

Khi nhìn lại bản thân và những hậu quả mà con người chúng con gây ra, chúng con mắc cở và muốn trốn chạy như Evà, như Cain khi xưa. Vì thế, xin Chúa giúp chúng con biết tỉnh thức lại. Biết can đảm nhìn nhận chính con người tội lỗi và những hành động bất nhân của mình. Vâng, xin Chúa cho trái tim con người chúng con biết đau và biết khóc lên về những lầm lỗi của bản thân.

Trong những tiếng khóc nức nở của bóng đêm, chúng con đã ngước lên nhìn Thánh Giá và thấy Chúa cùng các em bé đang đau khổ vì tội lỗi chúng con. Và chúng con nhận ra thêm rằng, trên thánh giá, Chúa cũng chết cho tội lỗi của con người, nghĩa là Chúa chết để cứu chuộc các em bé bất hạnh và Chúa chết để cứu thoát thân phận tội lỗi con người chúng con.

Vì vậy, trong niềm tin tưởng vào tình yêu Chúa đang tỏ lộ trên Thánh Giá, chúng con muốn đứng lên để trở về lại mái nhà xưa. Và Chúa ơi, trên đường chúng con bước chân về với Chúa, tới những „ngã ba quen thuộc“ khi xưa, xin giúp chúng con dừng bước và can đảm rẽ vào những mái ấm nào, những tâm hồn nào, đặc biệt những tâm hồn thơ bé đã đau khổ vì chúng con, để chúng con xin lỗi, để chúng con như Gia-kêu biết đền gấp bốn lần những gì chúng con đã cướp mất.

Có như vậy, thì cuộc đời chúng con đỡ nhức nhối, vì câu hỏi „“Thử hỏi những trẻ em này đã làm gì nên tội để phải chịu biết bao khổ đau?“ đã được sự thứ tha, tình yêu và sức sống hối cải vươn lên phủ lấp.

Có như vậy, thì tuổi thơ với gia đình, với mái trường, với niềm vui sống và phát triển sẽ được trả lại cho các em bé bất hạnh là tương lai của chính chúng con.

Tất cả để tình yêu được nở hoa trở lại nghe Chúa.

Tất cả để cùng Chúa xây dựng thế giới của yêu thương.

Tất cả để cùng Chúa quyết tâm cứu thoát những tâm hồn thơ bé bất hạnh hôm nay. Amen