Phỏng vấn LM Trần Công Nghị về tổ chức và sinh hoạt của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu

--> Nhấn vào đây để nghe bài phỏng vấn trên VietCatholic Radio


KIM THÚY: Thưa qúi vị thính giả, trong tuần vừa qua, VietCatholic đã đưa tin và tường trình tiến trình và kết qủa của Nghị Hội của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu diễn ra tại Nam Hàn. Có đến gần 100 giám mục gồm cả hồng y, và cũng có chứng 100 linh mục, tu sĩ và giáo dân tham dự.

Trong chương trình phát thanh Công Giáo hôm nay, ngày 27-8-2004, của Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, Kim Thúy xin được phỏng vấn Cha Trần Công Nghị để xin ngài trình bày cho chúng ta biết qua về sự hình thành, các công tác, thành quả và các hoạch định tương lai của Liên Hội Đồng Giám Múc Á châu như thế nào. Trước hết con Kim Thúy xin chào Cha.


LM Trần Công Nghị: Chào Kim Thúy và qúi vị thính giả

HỎI: Thưa Cha, cha có thể cho qúi thính giả biết sơ lược về sự hình thành của Liên Hội Đồng các Giám Mục Á Châu như thế nào?

LM Trần Công Nghị: Để trả lời cho câu hỏi: Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (GMAC) được thành hình ra sao, chúng ta có thể truy về nguồn gốc từ Công Đồng Vatican II. Đây là lần đầu tiên các nhiều GMAC có cơ hội gặp nhau, từ đó các vị mới quen nhau, trao đổi ý kiến và nhận ra có căn tính nào đó chung cho người Á châu. Từ trước sự liên hệ của các ngài gần gủi với các GM âu châu và Roma còn hơn là với GMAC. Nhưng thời điểm lịch sử là vào tháng 11, 1970, Đức Phaolo VI tông du thăm viếng Manila, Phi luật tân và vào dịp này, có sự hiện diện của 180 GMAC và các ngài đã gặp nhau. Ý niệm Hội Đông GMAC phát sinh từ đó. Giờ đây các ngài cảm thấy cần có tiếng nói, muốn phát biểu về những quan tâm của mình với Giáo Hội hoàn vũ.

Vào tháng 3 năm 1971, các GMAC lại họp tại Hồng Kông, và đề nghị lập thành Liên Đoàn GMAC, nhưng khi đó Khâm sứ Tòa Thánh ở Đài Loan là GM Cassidy báo cho biết là Vatican tỏ ra nghi ngại về danh xưng Liên Đoàn GMAC và thực ra không muốn có nghị hội này, thế nhưng cuộc họp vẫn diễn ra và vào tháng 11, 1972, kết quả là Liên Hội GMAC được thành lập.

Lien Hội Đòng GMAC có 14 Hội Đồng Giám Mục là thành viên, gồm Bangladesh, India, Indonesia, Nhật, Đại Hàn, Laos-Cambodia, Malaysia-Singapore-Brunei, Miến Điện, Pakistan, Philippines, Sri Lanka, Taiwan, Thailand và Vietnam.Các quốc gia sau đây là hội viên phụ tá vì không có HđGM quốc gia là : Hong Kong, Kazakhstan, Krygystan, Macao, Mongolia, Nepal, Siberia, Tadjikistan, Turkmenistan và Uzbekistan.

Liên Hội Đồng họp khoáng đại cứ 4 năm 1 lần, và các Ủy Ban chuyên môn của Liên Hội họp 2 năm 1 lần. và VP Tổng thư ký liên kết các hoạt động.

Một trong những haọt động tiên khởi và quan trọng của Hội Đồng GMAC là lậ ra Đài phát thanh Veritas, đài chân lý Á châu.

HỎI: Vậy thưa cha, trong quá trình 30 năm qua, sự tham gia của các Giám Mục Việt Nam ở mức độ nào, thưa Cha?

LM Trần Công Nghị: Trong thời kỳ đầu, HĐGM Việt Nam rất tích cực và hăng hái đại diện cho Giáo Hội Việt Nam. Vào thời kỳ đầu này có sự tham gia của Đức TGM Nguyễn văn Bình và nhất là Đức cha Nguyễn văn Thuận, sau này là Hồng Y. Nhưng sau 1975, vì tình hình chính trị, HĐGMVN không thể tham gia vào Liên Hội đồng. Và chỉ khoảng thời gian 5 hay 6 năm qua, mới có sự tham gia trở lại của các vị Giám Mục Việt Nam, tuy vậy những năm trước, có những cuộc họp Ủy ban bên Thái Lan hoặc ở Phi luật tân thì VN có gửi đại diện các giám mục tham dự, và chỉ năm nay, lần đầu tiên, một phái đoàn đầy đủ các vị trọng yếu trong Ban Thương vụ HĐGMVN có mặt tại Hội Nghị khoáng đại diễn ra ở Nam Hàn.

HỎI: Nói như vậy thì, kỳ hội nghị lần này tại Nam Hàn, phái đoàn giám mục Việt Nam tham gia tích cực, Vậy cha có thể cho biết những quan tâm của các giám mục VN muốn chia sẻ với thế giới là những gì thưa Cha?

LM Trần Công Nghị: Phái đoàn Việt Nam do đức cha Chủ Tịch Nguyễn văn Hòa hướng dẫn và có sự tham gia của ĐHY Phạm Minh Mẫn, GM Tri Bửu Thiên, LM Nguyễn văn Sơn và LM nguyễn văn Khảm. Phái Đoàn Việt Nam đã đóng góp nhiều ý kiến trong các cuộc hội thảo và tham luận tại Nghị Hội. Ngoài ra trong Sách Tài Liệu soạn sẵn trước cũng có bài chia sẻ của Đức Cha Nguyễn văn Hòa và ĐHY Phạm Minh Mẫn. Lần này, sự tham gia của VN không chỉ dựa vào số thành viên đại diện mà còn về bài vở đóng góp, cũng như các cuộc tham luận và trình bày ý kiến tại Nghị Hội Giám Mục Á châu.

Trong tài liệu của Nghị Hội có 2 bài viết của ĐC chủ tịch Nguyễn văn Hoà, một bài về lịch sự GHCGVN, bài khác về Viễn tượng mục vụ đối với các cặp hôn nhân tại Việt Nam. Và trong nghị Hội Đức HY Mẫn đã trình bày những quan điểm đóng góp những vấn đề cấp thiết mà Giáo Hội tại Á châu đang phải đối đầu: di dân, nghèo đói, tệ đoan xã hội, toàn cầu hóa, đối thoại liên tôn, đối thoại thế hệ già trẻ, nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm cho một mô thức mới về thần học trong khung cảnh Á châu và trao đổi văn hóa, v.v…

HỎI: Xin cám ơn Cha, như con được biết, đề tài nghị hội năm nay là “Gia đình Á châu tiến tới văn hóa sự sống”, vậy các giám mục Á châu đã chia sẻ và đưa ra những nhận định nào về vấn đề này?

LM Trần Công Nghị: Đúng như lời đức tổng giám mục Choi chủ tịch HĐGM Hàn quốc đã phát biểu như sau: Là người Á châu, chúng ta có nhiều vấn đề chung, như nghèo nàn về kinh tế, khoảng cách biệt lớn giữa người giàu và người nghèo, sự phân hóa do ngôn ngữ khác nhau, sự chia rẽ dân tộc và những xung đột về ý thức hệ, và các vấn đề về môi trường. Nhưng chúng ta không thể lờ đi vấn đề gia đình, vì gia đình từng là một trong những báu vật của truyền thống châu Á, nhưng hiện đang bị hủy hoại. Một trong những vấn đề cần ý thức là càng ngày càng có nhiều cuộc hôn nhân không cùng tôn giáo, hay còn còn là hôn nhân dị giáo, người Công Giáo lấy người ngoài Công Giáo.

ĐHY Phạm Minh Mẫn trong Hội Nghị đã trình bày rằng: Gia đình mà xã hội ngày nay đang phải đối mặt, nhất là tại các quốc gia Á Châu, vấn đề này càng trở nên khẩn thiết hơn, vì toàn cầu hóa đang có ảnh hưởng mạnh mẽ và làm bật gốc nền tảng của gia đình Á châu. Đức Hồng Y Mẫn cũng phát biểu rằng: ngày này Giáo Hội cần phải dùng phương pháp tiếp cận truyền thống và những phương pháp tiếp cận mới mẻ hơn để đào sâu các mặt thuận lợi và bất lợi của vấn đề mới mong đáp ứng kịp thời và có những giải pháp hữu hiệu.

HỎI: Cha vừa nói về vấn đề hôn nhân dị giáo, hay là hôn nhân khác tôn giáo, Cha có thể cho biết qua về đề tài được không, thưa cha?

LM Trần Công Nghị: Một trong những điều đáng chú ý ở Nghị Hội là cuộc bàn luận về đề tài “đối thoại liên tôn và gia đình”. Hôn nhân hỗn hợp tôn giáo -- giữa người Công giáo và ngoài Công giáo -- càng ngày càng trở nên một thách đố mục vụ lớn lao cho Giáo Hội tại Á châu.

Trong văn kiện in sẵn của Nghị Hội có nói tới Hôn Nhân Hỗn Hợp như là cơ hội cho “cuộc đối thoại ngôn ngữ, tình yêu và sự sống”. Văn kiện cũng viết rằng: “Đối với những cặp hôn nhân hỗn hợp, đây là dịp may Chúa Thánh Linh gửi tới như là một lời tuyên bố khiêm cung, kính trọng, yên lặng, thế nhưng rất hùng hồn về Đức tin Kitô giáo”.

Do đó Giáo Hội cần nghiên cứu và thích nghi hơn trong việc sửa soạn, hướng dẫn và giúp các đôi vợ chồng không cùng chung tín ngưỡng, được ý thức về vai trò và trách nhiệm của mình, cũng như biết thông cảm và học hỏi lẫn nhau về những truyền thống đức tin khác nhau.

HỎI: Công giáo là một thành phẩn thiểu số tại Việt Nam cũng như tại Á châu, thế thì đâu là hướng đi trong tương lai đối với việc truyền giáo và hoạt động nhập cuộc của giáo Hội, thưa Cha?

LM Trần Công Nghị: Giáo hội tại Á châu đang lưu tấm tới một số những vần đề thiết yếu như: Nghèo đói, di dân, toàn cầu hóa... Tưởng cũng nên biết Á châu là nguồn cung cấp lớn nhất cho thị trường lao động rẻ tiền. Từng triệu người Á Châu thường xuyên tìm đường di dân và di động chuyển nơi cư ngụ vì lý do công ăn việc làm và tìm đường mưu sinh.

Các vấn đế khác được bàn tới như: đối thoại liên tôn, hội nhập văn hóa, lên tiếng bênh vực công lý đối đầu với thể chế chính trị, dân chủ, tữ do và tìm hướng đi cho nền thần học Á châu. Khi đặt ra những vấn đề trọng yếu nêu trên, các giám mục cũng đã nhận định, ý thức và phác họa sơ qua về hướng đi mục vụ tương lai, đó là Giáo Hội tại Á châu phải là một giáo hội phục vụ người nghèo, một giaó hội biết đối thoại mở rộng tầm tay tìm hiểu và trân trọng các truyền thống đức tin và văn hóa lâu đời của nhân loại. Một giáo hội biết bênh vực quyền lợi của người dân, chông lại tham những độc tài, chuyên chế. Một Giáo Hội nhận ra rằng sứ điệp của Đức Giêsu phải được ăn rễ sâu vào môi trường Á châu và làm thế nào để sứ điệp đó lớn lên cách tự nhiên và triển nở, làm thế nào đẽ sứ điệp đó dễ dàng được chấp nhận với người bản xứ.

Sự tiếp cận với văn hóa tây phương ở các nước Á châu cần phải được phê bình và đánh giá. Ngày nay mô hình đại gia đình Á châu truyền thống đang trở thành gia đình hạt nhân, và gây ra tỉ lệ sinh sản thấp và dân số bị lão hóa. Ngoài ra, sự phóng khoáng trong tình dục, lạm dụng tình dục và ly dị cũng gia tăng nhanh. Người ta khắp nơi đều công nhận rằng hầu hết các tội ác trong xã hội đều bắt nguồn từ những tổn thương trong gia đình.

HỎI: Thưa Cha, cha có đề cập tới nền thần học Á châu, vậy các giám mục Á châu quan niệm và coi vấn đề này như thế nào?

LM Trần Công Nghị: Trước khi tiến tới một nền thần học Á châu, cần phải có cuộc trao đổi và Hội Nhập văn hóa trước. “Hội nhập văn hóa không chỉ nguyên là trào lưu đơn thuần mang ý nghĩa du nhập các ngôn ngữ Á châu địa phương, nhạc cụ, múa nhảy vào phụng vụ; Hội nhập văn hóa vào Phúc Âm có nghĩa là đưa Thiên Chúa vào cuộc sống của con người; một tiến trình tư tưởng làm thay đổi tập tục luân lý và văn hóa của con người địa phương nào đó, bởi vì luôn luôn có sự khác biệt giữa văn hóa của họ và Phúc Âm”.

Ngay từ lần họp đầu tiên tại Manila vào tháng 11, 1970, các GMAC đã tuyên bố một sự dấn thân lịch sử là: muốn khai triển một nền thần học bản xứ và làm những gì có thể để sức sống và sứ điệp Phúc Âm của Đức Giêsu được nhập thể càng ngày càng sâu rộng vào các nền văn hóa và bối cảnh Á châu”. Lời minh định này mở đầu cho viễn tượng cuộc đối thoại với các tôn giáo lớn của á châu, đối thoại và hội nhập Ktiô giáo vào văn hóa và tập tục á châu. Trong bối cảnh đó cuộc đối thoại và tìm hướng đi thần học là một tiến trình hiểu biết và phục vụ người nghèo của á châu, là sự tìm kiếm công lý, hòa bình, tự do và nhân phẩm cho tầng lớp dân chúng ở đây. Tiến trình này còn đang tiếp diễn.

Trong chiều kích đó, nền thần học á châu phải làm thế nào có thể mang lại sự sống cho người dân, và sứ điệp Chúa Giêsu phải thực sự được hiểu biết bởi các nền văn hóa lịch sử của Châu Á.

Một nền Kitô giáo mang sắc thái Á châu sẽ giúp cổ võ và phát huy tất cả những gì được coi là nhân bản chính hiệu trong các nền văn hóa này.

Cũng vậy, hỉnh ảnh về Đức Kitô có thể mang những biểu hiệu khác đối với người Á châu. Một Đức Kitô không nhất thiết theo lý luận và triết thuyết Tây phương, nhưng là một hình ảnh đầy lòng yêu thương, có sức đi vào tâm hồn và tình cảm của Á đông. Chúa Giêsu được coi là Thầy dạy Không Ngoan, là Đấng Giải Phóng, là Đấng Linh Ứng, là Bạn của những người bị bóc lột, bị đàn áp, v.v…

Ý thức như vậy, nền thần học Á châu không tinh tuyền là một nền thần học trìu tượng, nhưng là một nền thần học được tổng hợp từ những kinh nghiệm đạo đức tôn giáo của con người cảm nghiệm đức tin. Người Á châu là người thực nghiệm, sống bằng tình cảm; họ nhìn vạn vật, sự việc và nhận ra mối liên hệ, hơn là đựa trên suy luận, trên lý thuyết trìu tượng.

KIM THÚY: Chúng con xin chân thành cám ơn cha đã dành thời giờ giải thích cho chúng con, những vấn đề và những đề tài rất to lớn và sâu rông, tuy dù thời giờ hạn hẹp, nhưng Cha đã cho chúng con thấy và cảm nhận được những biến chuyển đang xẩy ra và đang làm thay đổi bộ mặt tôn giáo tại Á châu và cho chúng con ý thức hơn về trách nhiệm người công giáo của mình. Chúng con xin cám ơn cha và hẹn gặp lại cha vào tuần sau.