Mùa Lễ Giáng Sinh năm nay, người Công Giáo lưu ý nhiều tới giới nghệ sĩ. Một phần có lẽ vì nhiều nghệ sĩ nổi danh tiếp nối nhau đi về cõi vĩnh hằng, giã biệt cuộc sống trần gian, nơi họ từng đóng góp nhiều làm nó tươi đẹp hẳn lên, dù với rất nhiều thiếu sót, bất cập của bản thân.

Trong bầu không khí ấy, Charlie Rose của Chương Trình 60 Minutes, Đài CBS, đã đi gặp các ca viên và vị nhạc trưởng đại tài của Ca Đoàn Nhà Nguyện Sistine, quen gọi là Ca Đoàn của Đức Giáo Hoàng. Và cuộc gặp gỡ này đã được trình chiếu vào ngày 18 tháng Mười Hai năm 2016 và chiếu lần hai vào ngày 25 sau đó. Sau đây là bản ghi lại buổi trình chiếu
:

Chúng tôi sắp thực hiện một điều mà chúng tôi chưa bao giờ làm trong suốt 49 năm của 60 Minutes: phát tuyến cùng một câu truyện trong hai tuần liên tiếp. Nhưng đây là câu truyện đặc biệt của chúng tôi, và là tặng phẩm của chúng tôi dành cho qúi vị vào Đêm Giáng Sinh.

Đây là ca đoàn xưa nhất trên thế giới. Chứng cớ nó hiện hữu đã có từ thế kỷ thứ 7. Ngày nay, nó được gọi là Ca Đoàn Nhà Nguyện Sistine, nhưng người ta quen gọi nó là Ca Đoàn của Đức Giáo Hoàng. Lý do là vì nó luôn ở cạnh Đức Giáo Hoàng trong mọi buổi cử hành quan trọng của ngài.

Tuần tới, trong Thánh Lễ Vọng Giáng Sinh của Đức Giáo Hoàng, ca đoàn sẽ trình diễn tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô và mới hôm qua đây, họ hát trong một thánh lễ tư tại Vatican để mừng thượng thọ 80 năm ngày sinh của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Có thể coi nó là ca đoàn của Đức Giáo Hoàng, nhưng theo lịch sử, nó cũng tổ chức các cuộc hòa nhạc riêng của nó, nhất là tại trụ sở của nó là Nhà Nguyện Sistine. Chính tại đây, dưới các bích họa nín thở của Michelangelo trong một kỳ công vĩ đại nhất thế giới, chúng tôi mới được dự một buổi hoà nhạc do Ca Đoàn của Đức Giáo Hoàng tổ chức.

Âm nhạc ở đấy có tính thánh thiêng, chiêm niệm, huyền nhiệm. Nó vút lên cao, bất kể là trong buổi hòa nhạc ở Nhà Nguyện Sistine hay trong thánh lễ tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô ở bên cạnh.

Ca đoàn đầy đủ bao gồm 30 bé trai và 22 người lớn. Họ có nhiệm vụ truyền bá thông điệp của Đức Giáo Hoàng.

Mark Spyropoulos: “Chúng tôi có nhiệm vụ gợi hứng cho người ta. Họ có thể không hiểu một chữ về những gì đang diễn ra tại Vatican. Nhưng khi họ nghe chúng tôi hát, chúng tôi có nhiệm vụ hướng dẫn họ tới chỗ xem xét một điều gì đó siêu việt và thần thiêng. Đó là việc chúng tôi phải làm”.

Mark Spyropoulos, một giọng nam trung (baritone) xuất thân từ Anh Quốc, Vittorio Catarci, một giọng nam trầm xuất thân từ Ý Đại Lợi, và Cezary Arkadiusz Stoch, một giọng nam cao xuất thân từ Ba Lan, tự coi mình không hơn không kém là giọng nói của Đức Giáo Hoàng.

Charlie Rose: các anh được gọi là Ca Đoàn của Đức Giáo Hoàng, điều này có nghĩa gì?

Vittorio Catarci: Thì, chúng tôi là, chúng tôi là…

Cezary Arkadiusz Stoch: Gia đình.

Vittorio Catarci: Gia đình của Đức Giáo Hoàng.

Charlie Rose: Gia đình của Đức Giáo Hoàng.

Vittorio Catarci: Vâng. Ca đoàn riêng của ngài.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô là vị giáo hoàng bình dân nhất trong thế hệ này. Ngài dành nhiều thì giờ chăm sóc người nghèo và người bị tước đoạt. Chính lòng khiêm nhường này cũng đã làm cho ca đoàn của ngài cảm thấy thoải mái, như Mark Spyropolous đã khám phá ra khi gia nhập ca đoàn vào năm ngoái.

Mark Spyropolous: Khi tôi gặp ngài lần đầu, mọi sự đều hoàn toàn cuốn hút không chống lại được. Và ngài bảo tôi, ‘con từ London đến hả. Vậy thì, chào đón con tới Vatican’ đơn giản thế thôi. Nhưng ông thấy đó, tôi mong chờ một thứ (làm dấu thánh giá), tôi cảm thấy được ôm ấp và chào đón quá thể. Tôi, ngạc nhiên quá, và hết sức có ấn tượng về việc ngài có một lối tiếp xúc bản thân hay quá.

Khi chu du nước Ý, trình diễn tại các nhà thờ chính tòa danh tiếng của xứ sở, ca đoàn hát rất nhịp nhàng.

Nhưng mới gần đây, nó không xứng danh bao nhiêu hay không xứng với các khunh cảnh nơi nó hát mấy. Hàng thập niên qua, ca đoàn vốn thiếu sự gắn bó. Nhiều thành viên xuất thân từ nhạc kịch (opera) và những muốn tiếng hát của mình trổi hơn.

Charlie Rose: Ca Đoàn lúc ấy được gọi là “Các Giọng La Sistine” (“Sistine Screamers”).

Vittorio Catarci: Chúng tôi biết mình hát quá lớn.

Vittorio Catarci nhớ lại thời hưng thịnh của các giọng ca. Ông đã ở với Ca Đoàn cả 30 năm nay và phục vụ 3 vị giáo hoàng.

Charlie Rose: Ông có thể hát cho tôi nghe sự khác biệt giữa giọng hát hồi ấy và giọng hát bây giờ không?

Vittorio Catarci: À, thí dụ lúc ấy chúng tôi quen hát (Sicut Cervus), và bây giờ chúng tôi hát (Sicut Cervus). Hoàn toàn khác, vì chúng tôi mưu tìm một âm thanh rất linh thiêng, chứ không phải thứ âm thanh xác thịt.

Ca đoàn thay đổi khi nhạc trưởng đại tài Massimo Palombella được tuyển dụng vào năm 2010, chỉ mới là nhạc trưởng thứ sáu được cử làm giám đốc Ca Đoàn của Đức Giáo Hoàng trong 200 năm nay.

Massimo Palombella: Tôi không phải sáng chế ra một âm thanh. Tôi phải tái khám phá ra một âm thanh vốn đã là âm thanh mà ca đoàn vốn sản xuất ra tại Nhà Nguyện Sistine.

Palombella trở về quá khứ, phối hợp kỹ thuật cao với các bản văn xưa cũ, ông miệt mài nghiên cứu, tìm cho ra dải phát âm chính xác mà Palestrina thoạt đầu có ý định khi sáng tác các bản nhạc thánh tạo nên phần lớn sưu tập trình diễn của ca đoàn. Palestrina soạn nhạc của ông với Nhà Nguyện Sistine trong tâm thức, sau khi Michelangelo hoàn tất bức danh họa của mình.

Mark Spyropoulos: Palestrina soạn nhạc lúc sơn vẫn còn ướt, ông biết không, sơn của những bức bích họa tuyệt vời kia. Và khi chúng tôi hát nhạc của Palestrina, không phải chúng tôi nhìn vào bức bích họai. Mà như thể ở trong bức bích họa ấy.

Nhạc trưởng Palombella cũng làm dịu giọng hát bằng cách làm nặng lượng việc làm. Ca đoàn đi từ việc tập dượt 3 giờ 1 tuần tới 3 giờ 1 ngày.

Charlie Rose: Như thế ông buộc phải là người duy hoàn hảo? Khó thế.

Nhạc trưởng Palombella: Hoàn toàn đúng như vậy.

Charlie Rose: Nếu ông mưu tìm sự xuất sắc, thì ông đã tiến được bao xa trên hành trình này?

Massimo Palombella: Circa a meta.

Charlie Rose: Nửa đường.

Charlie Rose: Ông nói giống như một huấn luyện viên thể thao Hoa Kỳ.

Vittorio Catarci: Ca đoàn là một con thú rất, rất đáng sợ, vì, nếu ông không biết điều khiển nó, nó xổ lồng, chạy mất.

Cezary Arkadiusz Stoch: Đây không phải là một cuộc đi săn (safari). Đây nguy hiểm hơn nhiều.

Vittorio Catarci: Ông phải biết điều khiển ca đoàn. Chúng tôi được ví như chiếc Ferrari. Nhưng ông phải biết lái chiếc Ferrari này như khi dạy ngựa (dressage). Phải cúi xuống một chút, một chút, ông biết không, rất nhẹ nhàng. Dạy ngựa, dạy ngựa, chứ không vroom (rồ máy)!

Khi tập dượt và khi hòa nhạc, Palombella điều khiển ca đoàn như một cảnh sát lưu thông vui buồn thất thường.

Sinh vào ngày Lễ Giáng Sinh, nhưng với ca đoàn của mình, Nhạc Trưởng không luôn có sắc khí của một ngày nghỉ. Với các ca viên của ca đoàn, lệnh lạc của nhạc trưởng có thể xóc xòng xọc.

Charlie Rose: này Lorenzo, khi ông ấy không hài lòng thì sao?

Lorenzo Malizia: Ôi, ông ấy có những lúc…

Charlie Rose: Lúc sao?

Lorenzo Malizia: Ông ấy bừng nổi giận nhưng rồi dịu ngay vì sau đó chúng tôi hát rất ưng ý.

Cậu bé 13 tuổi, Lorenzo Malizia, là một trong các cậu bé, tất cả đều có giọng hát cao, đã có khả năng hát những nốt nhạc cao đem lại cho ca đoàn giọng hát thiên giới của họ. Qúy vị hãy nghe các cậu bé tập dượt ra sao.

Vatican gọi các cậu là “giọng ca trắng” vì sự tinh ròng trong giọng hát của họ.

Tại nhà, giống các cậu trai Ý cùng tuổi, các cậu có những bức hình bình thường dán trên tường nhưng cũng có những nhắc nhở về việc tại sao các cậu là người ngoại thường.

Charlie Rose: Vậy khi người ta hỏi các em về Đức Giáo Hoàng, các em nói với họ ra sao?

Riccardo Catapano: Họ hay hỏi chúng cháu Đức Giáo Hoàng có mạnh khỏe không? Ngài có vui vẻ không? Ngài có luôn đùa bỡn không? Chúng cháu thưa có, có, đúng như thế, ngài rất vui vẻ.

Cậu bé Riccardo Catapano, 13 tuổi, đã ở trong Ca Đoàn của Đức Giáo Hoàng được 4 năm.

Charlie Rose: Chú sẽ lúng túng lắm nếu phải hát trước mặt Đức Giáo Hoàng.

Riccardo Catapano: Cháu cũng hơi lo lắng nhưng rồi cháu trộm nghĩ Đức Giáo Hoàng có hiểu gì về âm nhạc đâu, ngài chỉ nói nó nghe sao đẹp thế. Thành thử cháu cứ tiếp tục hát.

Khắp Rôma, các buổi tuyển lựa cho ca đoàn được tổ chức tại các lớp 2 và 3. Nhiều lần trong năm, các thầy cô dạy nhạc tản ra khắp nơi để kiếm những em có giọng hát tốt. Mỗi năm, 700 bé trai được thử giọng tất cả. Quả là cực, ít em trúng tuyển.

Hàng năm, chỉ chừng 12 em được chọn. Các em này phải tuyên thệ trong một buổi lễ phức tạp…

Mỗi em được cấp học bổng 5 năm tại một trường đặc biệt ở trung tâm Rôma. Các em không học để trở thành linh mục, học trình của các em phải trải qua hết các âm giai.

Vào Chúa Nhật, các em có thể được nhận diện là ca viên của ca đoàn nhưng các ngày trong tuần, các em vẫn là những bé trai đặc trưng ở đỉnh tuổi thiếu niên của các em. Đây là những ngày giờ linh thiêng của các em cho tới ngày các em vỡ tiếng và phải ra khỏi Ca Đoàn. Các em có thể trở lại trong tư cách người trưởng thành, nhưng bé Emanuele Buccarella, 11 tuổi, lo sợ điều sắp xẩy ra.

Charlie Rose: Điều gì sẽ xẩy ra khi em vỡ tiếng, đó có phải là một ngày xấu hay không?

Emanuele Buccarella: Đối với cháu, nó sẽ là một giây phút xấu khi tới lúc giọng của cháu không còn sẵn sàng để hát theo lối chúng cháu đang hát bây giờ. Cháu cố gắng sử dụng hết mọi sự hiện nay cho tới lúc người ta bảo với cháu giọng của cháu không còn tốt để hát nữa.

Trong thời gian các em còn ở trong ca đoàn, giọng của các em sẽ hoà cùng giọng hát của các người lớn anh em nhằm đem tiếng hát thiên đàng xuống trần gian. Âm nhạc của Ca Đoàn Đức Giáo Hoàng nói với linh hồn người ta.

Nhạc trưởng Palombella: Gần đây chúng tôi có tổ chức một buổi hòa nhạc và cuối buổi hòa nhạc này, một người đàn ông đến nói rằng ca đoàn do tôi điều khiển chỉ còn thiếu một điều: các đôi cánh!

Charlie Rose: Cánh để bay, như thiên thần.

Nhạc trưởng Palombella: Như thiên thần.