ĐGH Phanxicô nói Thánh Giá thì quý hơn đồ trang sức – là lời mời gọi yêu thương.

(EWTN News/CNA) Trong thánh lễ Chúa Nhật ngày 12 tháng Ba, ĐGH đã nói rằng Mùa Chay là thời gian suy niệm về việc Chúa Giêsu đã chịu hiến tế vì mỗi người chúng ta trên cây Thánh Giá và Thánh Giá không chỉ là biệu tượng tôn thờ mà còn là sự khích lệ chúng ta bước theo con đường yêu thương của Chúa Kitô.

Thánh Giá Chúa Kitô không phải là đồ trang trí nội thất hay đồ trang sức cá nhân, nhưng là một lời mời gọi yêu thương mà Chúa Giêsu đã tự hiến mình để cứu chúng ta khỏi những xấu xa và tội lỗi.

ĐGH khuyến khích chúng ta suy tư với lòng tôn kính hình ảnh Chúa Giêsu chịu chết trên cây Thánh Giá, “một biểu tượng niềm tin Kitô của chúng ta, biểu tượng việc Chúa Giêsu đã chết và sống lại vì chúng ta.”

Hãy cùng Thánh Giá đánh dấu từng giai đoạn của hành trình Mùa Chay để hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của tội lỗi và cái giá của sự hy sinh mà Đấng Cứu Thế phải chịu để cứu chúng ta.

Từ khung cửa sổ Cung Điện Vatican, ĐGH đã cùng với khách hành hương tập trung tại Quảng Trường Thánh Phê-rô đọc kinh Truyền Tin, ngài nhắc đến đoạn Tin Mừng của Thánh Mat-Thêu kể lại cảnh Chúa biến hình, trong đó thánh nhân

ĐGH nói “Sự sáng láng” là đặc tính của biến cố Biến Hình, một biểu tượng sáng soi tâm trí và linh hồn của các môn đệ để các ngài có thể hiểu rõ thày mình là ai. Ánh chớp chói lòa đã bất ngờ mở ra điều bí nhiệm về con người và lịch sử cứu độ của Chúa Giêsu. Khi các ngài đã tới gần thành Giê-su-sa-lem, nơi Chúa Giêsu phải trải qua cuộc thương khó và chịu tử nạn thì Thiên Chúa muốn có sự chuẩn bị cho các tông đồ để họ vững tin về “ cú sốc” này, đồng thời loan báo cuộc phục sinh và tỏ ra chính Ngài là Đấng Cứu Thế.

Bằng cách tỏ mình ra cho Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an, Chúa Giêsu muốn các môn đệ của mình hiểu rằng Ngài là Đấng Cứu Thế khác hẳn với những gì mà người ta mong đợi lúc đó: Ngài không đến như là một vị Vua đầy quyền năng và vinh quang, nhưng là một đầy tờ khiêm nhường vâng phục; Ngài không đến như là người quyền quý giàu sang, phúc lộc ngập tràn, nhưng là một người nghèo hèn không có chỗ tựa đầu; Ngài không đến như là phú ông với con đàn cháu đống nhưng là một kẻ không nhà, không chốn nghỉ chân. Đây quả thực là một sự mặc khải lộn ngược về Thiên Chúa và dấu hiệu làm cho chúng ta lúng túng, đã gây sốc cho chúng ta về sự đảo ngược ấy…chính là Thánh Giá.

Tuy nhiên, chính qua Thánh Giá mà Chúa Giêsu đã đạt tới “phục sinh vinh hiển”, bằng cách tự biến hình, Chúa Giêsu muốn chỉ cho các tông đồ rằng vinh quang của Người không giúp họ tránh khỏi Thập Giá, nhưng để giúp họ bước theo Thánh Giá.

ĐGH nói “Ai chết với Chúa Kitô, thì sẽ cùng phục sinh với Chúa Kitô. Ai cùng chiến đấu với Ngài, thì sẽ cùng chiến thắng với Ngài. Đó chính là niềm hy vọng mà Thánh Giá của Chúa Giêsu mang lại.

Mẹ Maria là người biết suy ngẫm về vinh quang của Chúa Giêsu qua bản tính nhân loại của Chúa. Xin Mẹ ban cho chúng con “biết gặp Chúa trong thinh lặng, dù chúng con bước qua ngõ tối, chúng con cũng luôn hằng được chiếu sáng bằng sự hiện diện và chiến thắng vinh quang của Chúa.”

Sau khi kết thúc kinh Truyền Tin, ĐGH kêu gọi mọi người cầu nguyện cho các nạn nhân hỏa hoạn ở Guatemala vào ngày 8 tháng Ba vừa qua.

Được biết vụ hỏa hoạn xảy ra sau khi các em gái nổi dậy chống lại những cáo buộc xâm phạm thể lý và tình dục trong cơ sở này. Nhà chức trách nói rằng một số em gái đã châm lửa đốt chăn màn và rồi ngọn lửa đã cháy lan rộng ra.

Trung Tâm Bảo Vệ Phụ Nữ này nằm trong vùng San Antonia thuộc thành phố San Jose Pinula với mục đích bảo vệ cho khoảng 400 em gái và vị thành niên bị bỏ rơi. Tuy nhiên con số người ở đây đã lên tới 750 em, kể cả các em phạm pháp.

Theo các nhân viên chính phủ thì những em gái bị chết phỏng là do các em đã bị khóa nhốt trong phòng vì lý do kỷ luật. Vào đêm hôm trước, đã có khoảng 60 em bỏ trốn ra ngoài.

Trong buổi cầu nguyện ĐGH đã xin Chúa “ đón nhận các linh hồn đã qua đời, chữa lành các vết thương, an ủi những gia đình đau khổ và toàn đất nước Guatemala.” Ngài cũng cầu nguyện cho “các em trai, em gái đang là nạn nhân của bạo lực, ngược đãi, bóc lột và chiến tranh.”

ĐGH kết luận “Đây là một nạn dịch. Đây là tiếng khóc uất ức mà tất cả chúng ta phải lắng nghe và chúng ta không thể giả ngơ giả điếc mãi được.”

Giuse Thẩm Nguyễn