NHÓM GIA ĐÌNH TRẺ GXVN PARIS TÌM HIỂU VÀ THỰC TẬP

LINH ĐẠO NIỀM VUI TÌNH YÊU HÔN NHÂN GIA ĐÌNH

THEO TÔNG HUẤN NIỀM VUI CỦA TÌNH YÊU

Theo thói quen liên tục từ năm 2001, Nhóm Gia Đình Trẻ đã tổ chức “Ngày Gia Đình lần thứ 16” vào chiều Chúa Nhật 12.03.2017 hôm nay tại Giáo Xứ Việt Nam Paris. Đề tài để chia sẻ được chọn là một vấn đề thời cuộc nóng bỏng về “Linh Đạo Niềm Vui Tình Yêu Hôn Nhân Gia Đình theo tông huấn Niềm Vui Của Tình Yêu” của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Số người tham dự là 20. Để mở đầu, Anh trưởng nhóm Giang Minh Đức đã giới thiệu người hướng dẫn là Gs Trần Văn Cảnh.

Một chương trình làm việc đã được đưa ra, dựa vào ý nghĩa của từ “linh đạo”. Gs Cảnh đề nghị sẽ chỉ gợi ý mở đầu về “Linh Đạo Niềm vui Tình Yêu Hôn Nhân Gia Đình” một cách vắn tắt, khoảng 20-30 phút để tìm hiểu “Lời chỉ giáo phương thức sống niềm vui tình yêu hôn nhân” của ĐGH Phanxicô. Rồi dành thời giờ để thực tập và áp dụng linh đạo ấy vào đời sống thực tế của mình, bằng cách chia sẻ nhắc nhớ lại về Bí Tích Hôn Phối mà mỗi người đã cử hành, hầu tìm ra hướng đi linh thiêng do Chúa Thánh Thần soi sáng. Và để kết thúc, dưới hình thức thanh đàm, mỗi người sẽ nói ra cái phương châm, cái lối sống, cái linh đạo niềm vui tình yêu hôn nhân mà Chúa Thánh Linh đã soi sáng cho mình.

Cuộc học hỏi, trao đổi và chia sẻ đã kéo dài 4 giờ, khởi đầu hồi 14g30 và kết thúc hồi 18g30. Cuộc họp đã đạt được 3 kết quả.

1. TÌM HIỂU LINH ĐẠO NIỀM VUI TÌNH YÊU HÔN NHÂN GIA ĐÌNH THEO TÔNG HUẤN NIỀM VUI CỦA TÌNH YÊU CỦA Đức Giáo Hoàng PHANXICÔ

Linh đạo hôn nhân gia đình là gì? Theo linh mục Felipe bez, SJ, từ “Linh Đạo” có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau [1]. Linh đạo là “Hướng dẫn về mặt thiêng liêng, là chỉ giáo phương thức sống”. Đó là điều mà ĐGH Phanxicô đã làm khi viết thông điệp “Niềm vui của tình yêu” để giúp giáo dân chúng ta hiểu hơn và có phương thức sống tốt hơn niềm vui tình yêu hôn nhân gia đình.

Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng về Niềm Vui của Tình Yêu của Đức Thánh Cha PHANXICÔ gửi các Giám mục, các linh mục và các phó tế, các người sống đời thánh hiến, các cặp vợ chồng kitô hữu và tất cả mọi tín hữu giáo dân đã được viết xong ngày 19/03/2016, dài 268 trang và được công bố ngày 08.04.2016. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã dịch và phổ biến ngày 15.06.2016.

11. Tông huấn trình bày một nội dung phong phú qua 9 điều quan trọng về niềm vui của tình yêu trong hôn nhân gia đình. Ở số 6, ĐTC Phanxicô đã giới thiệu nội dung của tông huấn như sau : “Để triển khai bản văn, tôi sẽ bắt đầu với một chương dẫn nhập được gợi hứng từ Thánh Kinh, để mang một cung giọng phù hợp. Từ đó, tôi sẽ xem xét hoàn cảnh hiện nay của các gia đình nhằm bám sát thực tế. Tiếp đến, tôi sẽ nhắc lại một số yếu tố cốt yếu theo giáo huấn của Hội thánh về hôn nhân và gia đình, từ đó triển khai hai chương trung tâm, dành để nói về tình yêu. Để tiếp tục, tôi sẽ nêu rõ một số đường lối mục vụ hướng chúng ta đến việc xây dựng gia đình bền vững và phong nhiêu theo kế hoạch của Thiên Chúa, và tôi sẽ dành một chương nói về việc giáo dục con cái. Cuối cùng, tôi sẽ đưa ra lời mời gọi thực thi lòng thương xót và phân định mục vụ khi đối diện với những hoàn cảnh không đáp ứng đầy đủ những gì Chúa đề nghị, và sau cùng tôi sẽ đưa ra vài nét phác họa về linh đạo gia đình”.

Qua nội dung trên đây, 9 chương quan trọng đã được phân tích trong tông huấn : 1- Dưới ánh sáng Lời Chúa; 2- Thực trạng và những thách đố của gia đình; 3- Nhìn ngắm Đức Kitô: Ơn gọi gia đình; 4- Tình yêu trong hôn nhân ; 5- Tình yêu trở nên phong nhiêu; 6- Một số viễn ảnh mục vụ; 7- Củng cố việc giáo dục con cái; 8- Việc đồng hành, phân định và hội nhập những hoàn cảnh chông chênh; 9- Linh đạo hôn nhân và gia đình.

12. Linh đạo niềm vui tình yêu hôn nhân và gia đình đã được trình bày trong chương 9 và cuối cùng của tông huấn. Theo bản tóm lược của Văn phòng Tổng thư ký Thượng HĐGM [2] phổ biến ngày 08.04.2016, thì linh đạo này đã được hình thành bằng “hàng ngàn cử chỉ thực tế và cụ thể” và có thể thu gọn vào bốn nhóm chính yếu :

Một linh đạo của tình yêu tự do và độc hữu (319-320). Linh đạo tình yêu loại trừ người thứ ba, và tự do trong thách đố và khát vọng sống với nhau cho đến ”đầu bạc răng long”, phản ánh lòng trung tín của Thiên Chúa (Xc AL 319).

Một linh đạo hiệp thông siêu nhiên (314-316) Tất cả, ”những lúc vui mừng, an nghỉ hoặc lễ hội, và cả tính dục, được cảm nghiệm như một sự tham gia sự sống sung mãn của sự phục sinh của Chúa” (AL 317).

Một linh đạo họp nhau cùng cầu nguyện trong ánh sáng Phục sinh (317-318). ĐGH khẳng định rõ ràng rằng “những người có những ước muốn linh đạo sâu xa không được cảm thấy gia đình làm cho họ xa rời sự tăng trưởng trong đời sống Tinh Thần, nhưng gia đình là một con đường Chúa dùng để đưa họ đến tột đỉnh sự kết hiệp thần bí” (AL 316).

Một linh đạo chăm sóc, an ủi và khích lệ (321-325). Và sau cùng linh đạo ”chăm sóc, an ủi và khích lệ”. ”Trọn cuộc sống gia đình là một đồng cỏ từ bi. ĐTC viết: Mỗi người, kỹ lưỡng vẽ và viết lên trong cuộc sống của người khác” (AL 322). Thật là một ”kinh nghiệm thiêng liêng sâu xa khi chiêm ngắm mỗi người yêu quí với đôi mắt của Thiên Chúa và nhận ra Chúa Kitô nơi người ấy” (AL 323)

Trong đoạn kết luận, ĐTC quả quyết: “Không có gia đình nào là một thực tại hoàn hảo và được kết thành một lần cho tất cả, nhưng đòi một sự tiến triển từ khả năng yêu thương của mình (...). Tất cả chúng ta được kêu gọi luôn cố gắng đi xa hơn chính mình, những giới hạn của mình và mỗi gia đình phải sống trong sự khích lệ liên tục như thế. Các gia đình chúng ta hãy tiến bước, chúng ta hãy tiếp tục bước đi! (...). Chúng ta đừng đánh mất hy vọng vì những giới hạn của mình, nhưng cũng đừng từ bỏ không tìm kiếm tình yêu và sự hiệp thông sung mãn đã được hứa cho chúng ta” (AL 325).

2. NGẪM LẠI BÍ TÍCH HÔN PHỐI MÌNH ĐÃ CỬ HÀNH [3]

Theo linh mục Felipe bez, SJ, linh đạo còn có thể được hiểu một cách cụ thể hơn. “ Linh đạo là sức vận động thần nhân, có khả năng linh hoạt cuộc đời, mở rộng chân trời thiêng liêng và thúc dục hướng lòng lên cùng Thiên Chúa và về với tha nhân. Có tác giả khác lại viết: “Linh đạo là sức sống nội tâm của con người, qua đó con người có khả năng nắm được thực tại và biểu đạt chính mình qua những hình thái và biểu tượng phức tạp của văn hoá”.

Chúng ta hãy cùng nhau nhớ lại bí tích hôn phối mà mình đã cử hành để tìm ra ý nghĩa của những lời mình đã công bố và ước nguyện, làm tăng thêm sức sồng nội tâm của mình về ý nghĩa và sức mạnh của bí tích hôn phối mình đã lãnh nhận.

Hai người làm chứng tiến lên hai bên "cô dâu chú rể" (cùng đứng trước vị linh mục chủ sự).

Linh mục chủ sự hỏi:

- Anh chị thân mến, anh chị đưa nhau tới đây, để trước mặt người đại diện Hội Thánh, cũng như toàn thể cộng đoàn, mối tình của anh chị được công nhận và mặc lấy một giá trị thiêng liêng, được ơn trên làm cho trở nên cao đẹp vững bền. Nhờ vậy, anh chị có thể vẹn nghĩa thủy chung và đảm nhận những trách nhiệm khác của cuộc đời đôi bạn. Bởi đó, trước mặt Hội Thánh, tôi xin hỏi anh chị:

- Anh T và chị T, anh chị sắp kết hôn với nhau, anh chị có thật sự tự do, hay là bị ép buộc?

* Thưa thật sự tự do. (cô dâu và chú rể lần lượt trả lời)

- Một khi đã thành hôn, anh chị có sẵn sàng yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời không?

* Thưa sẵn sàng. (cô dâu và chú rể lần lượt trả lời)

(Có thể bỏ câu hỏi sau đây, nếu thấy không thích hợp, thí dụ: trường hợp hai người đã quá tuổi).

- Anh chị có sẵn sàng âu yếm đón nhận con cái Chúa ban, và giáo dục chúng theo luật Chúa Kitô và Hội Thánh không?

* Thưa sẵn sàng. (cô dâu và chú rể lần lượt trả lời)

Lời ưng thuận

Chủ sự mời cô dâu chú rể nói lên sự ưng thuận:

Anh chị đã ưng thuận kết hôn với nhau, thì giờ đây, trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh, anh chị hãy cầm tay nhau và nói lên sự ưng thuận ấy.

Cô dâu và chủ rể nắm tay phải của nhau.

Chú rể nói: * Anh là T, nhận em T làm vợ, và hứa giữ lòng chung thủy với em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em suốt đời anh.

Cô dâu nói:* Em là T, nhận anh T làm chồng, và hứa giữ lòng chung thủy với anh, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng anh suốt đời em.

Sau khi nghe đôi bên nói lên sự ưng thuận, chủ sự nói:

Trước mặt Hội Thánh, anh chị vừa nói lên sự ưng thuận kết hôn với nhau. Xin Chúa thương xác nhận lời ưng thuận ấy, và xin Người tuôn đổ hồng phúc trên anh chị.

Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.

* Thưa: Amen

Qua nghi thức của Bí Tích Hôn Phối mà ta vừa xem qua trên đây, đâu là những ý nghĩa căn bản có thể đưa ra một « Linh Đạo Niềm vui Tình Yêu Vợ Chồng » ? Thưa có 3 ý nghĩa căn bản ;

1. Một tình yêu nhân vị, bình đẳng và tự do

2. Một tình yêu giao ước, bác ái và phong nhiêu

3. Một tình yêu con người toàn diện

Ba yếu tố này rõ rệt đã được ĐGH Phanxicô liệt kê vào những yếu tố nền tảng của « Linh Đạo Niềm vui Tình Yêu Vợ Chồng » mà Ngài đã đề xuất trong thông điệp Niềm Vui của Tình Yêu, mà chúng ta vừa xem trên đây.

3. MỖI NGƯỜI NÓI RA QUAN NIỆM VÀ LỀ LỐI THỰC HÀNH LINH ĐẠO NIỀM VUI TÌNH YÊU HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH CỦA MÌNH

Cũng theo linh mục Felipe bez, SJ, linh đạo còn có thể được hiểu như là một cách quan niệm và một lề lối thực hành trong cuộc sống riêng tư của mỗi người. Gợi ra hướng đi tiếp theo như vậy rồi, Gs Cảnh đã mời mọi người rằng “Ngồi chung quanh bàn thảo luận này, tất cả chúng ta đều là những người đã lập gia đình và đã sống nhiều kinh nghiệm linh đạo riêng của mình về tình yêu hôn nhân gia đình. Xin mỗi người hãy nói ra quan niệm và lề lối thực hành linh đạo ấy, để cùng nhau chia sẻ và thăng tiến hơn”. Không kể Đức Ông Giám Đốc Mai Đức Vinh vừa phải bỏ họp với Nhóm Gia Đình để đến họp với Nhóm Cursillo, tất cả mọi người, đều đã chia sẻ về quan niệm và lề lối thực hành linh đạo niềm vui tình yêu hôn nhân và gia đình của mình.

1. Chị Thọ : Hồng ân Chúa vẫn nhiều hơn thử thách giúp mình duy trì được hạnh phúc gia đình.

2. Anh Đức : Biện pháp duy nhất, cụ thể và thực tế có thể giúp mình duy trì hạnh phúc gia đình là đặt Chúa giữa hai vợ chồng.

3. Chị Phượng : Hiểu biết nhau và tha thứ cho nhau

4. Chị Phượng (Đức) : Nhịn nhau, cầu nguyện cho nhau và tìm hiểu nhau nhiều hơn.

5. Chị Huyền : Im lặng, chịu đụng, và cầu nguyện.

6. Chị Agnes Đỉnh : Cầu nguyện và thương chiều nhau hơn; Dâng con cho Chúa và Mẹ; Giáo dục con.

7. Anh Đỉnh: Chấp nhận, tôn trọng, bình đẳng, cẩn trọng trong lời nói với mọi người, mà nhất là với bạn đời.

8. Chị Hiền : Ơn Chúa, chấp nhận, làm bổn phận hết mình và vui vẻ.

9. Chị Chi : Cư xử với nhau như bạn, chân thành, đối thoại, chia sẻ hết mọi vấn đề.

10. Anh Thành : Vợ nói đủ rồi.

11. Chị Hồng : Phân chia công việc theo khả năng; Khi bất đồng ý kiến, không cãi, nhưng vẫn làm theo ý mình.

12. Anh Thơ : Nhẫn nhục, từ từ giải quyết sau.

13. Anh Đại : Nói ra điều không bằng lòng, chấp nhận sự thật.

14. Anh Huy : Chia sẻ, tôn trọng và cầu nguyện; Giáo dục con cái theo truyền thống gia đình.

15. Anh Cảnh : Sống tự nhiên thoải mái trong ơn nghĩa Chúa và cái gì cũng bàn hỏi nhau với lòng thành.

16. Chị Châu : Học được nhiều ở bạn đời; Coi nhau như bạn tri kỷ; Cầu nguyện và phó thác vào Chúa; Tìm được ơn gọi làm tín hữu, làm vợ và làm mẹ.

17. Chị Hương : Khi bất đồng ý kiến, nước mắt là vũ khí.

18. Chị Catherine : Khi bất đồng ý kiến, chịu đựng, cầu nguyện, ra nước mắt, đi ra ngoài, tránh tranh chấp và cầu nguyện tiếp.

19. Chị Thủy Tiên : Đức tin, ý thức, trách nhiệm, tôn trọng tự do cá nhân, đoàn kết và tha thứ.

20. Chị Thúy : Cầu nguyện.

LỚI KẾT

Đọc qua tông huấn Niềm Vui của Tình Yêu của Đức Thánh Cha PHANXICÔ, đặc biệt là chương 9 về linh đạo niềm vui của tình yêu, chúng ta đã được hướng dẫn về mặt thiêng liêng, hiểu hơn và có phương thức sống tốt hơn linh đạo niềm vui tình yêu hôn nhân gia đình. Linh đạo này, theo Đức Giáo Hoàng đương kim Phanxicô, gồm những nguyên tắc chính yếu sau đây :

• Một linh đạo của tình yêu tự do và độc hữu

• Một linh đạo của tình yêu (giao ước) hợp thông siêu nhiên,

• Một linh đạo họp nhau cùng cầu nguyện trong ánh sáng phục sinh

• Một linh đạo của tình yêu chăm sóc, an ủi khích lệ và mở ra

Ngẫm lại « Nghi thức Hôn Phối, phần nghi thức Bí Tích », chúng ta đã nhận ra và hiểu rõ hơn 3 lời công bố và 1 lời nguyện hứa quan trọng mà mỗi người đã công khai nói ra trước sự chứng giám của giáo sĩ đại diện Giáo Hội, của gia đình, họ hàng và bạn bè đôi bên để công khai tình yêu vợ chồng của mình.

• Lời công bố thật sự tự do kết hôn

• Lời công bố sẵn sàng yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời

• Lời công bố sẵn sàng âu yếm đón nhận con cái Chúa ban, và giáo dục chúng theo luật Chúa Kitô và Hội Thánh

• Lời nguyện hứa : Anh là T, nhận em T làm vợ, và hứa giữ lòng chung thủy với em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em suốt đời anh.

• Lời nguyện hứa : Em là T, nhận anh T làm chồng, và hứa giữ lòng chung thủy với anh, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng anh suốt đời em.

Những lời công bố và nguyện hứa này rõ rệt chứa đựng một số những đặc tính thiết yếu của tình yêu vợ chồng :

• Một tình yêu nhân vị, bình đẳng và tự do

• Một tình yêu giao ước

• Một tình yêu con người toàn diện

Biết được linh đạo niềm vui tình yêu hôn nhân gia đình của Đức Giáo Hoàng, chúng ta rất mừng, vì học được những cách ứng xử mới. Nhưng niềm vui lớn nhất của chúng ta, những người cùng họp nhau hôm nay tại Giáo Xứ Việt Nam Paris, là có dịp ngẫm lại và hiểu hơn bí tích hôn phối mà mình đã cử hành, nhất là thấy rằng, nhiều ít, chúng ta, mỗi người đều đã tìm ra và thực hiện cho mình một linh đạo niềm vui tình yêu hôn nhân gia đình bao chứa những lề lối mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nêu ra trong thông điệp NIỀM VUI CỦA TÌNH YÊU.

Paris, ngày 12 tháng 03 năm 2017

Trần Văn Cảnh

Ghi chú

1.Linh mục Felipe bez, SJ, http://www.htth.org/so32/linh dao truyen giao.htm

2.Tông Huấn mới của Đức Thánh Cha: ”Amoris laetitia” - Đài Vatican

3.http://giaoxuvnparis.org/bai-viet/335-cu-hanh-bi-tich-h0n-ph0i.html