Tôi Có Một Điều Ước: Xây Nhà Hưu Dưỡng

Cuối khóa học Anh văn, thầy giáo ra đề thi như sau: “Hãy chia sẻ giấc mơ của bạn: điều quan trọng nào bạn muốn làm cho quê hương mình” (Dream: What is one important thing you want to do for your community?) Tôi không chần chừ mà nghĩ ngay đến ước mơ muốn xây một nhà dưỡng lão hoặc một trung tâm chăm sóc người già tại chính quê hương của mình trong tương lai.

Xây Nhà Hưu Dưỡng, Tại Sao?

Vâng, lý do vì sao tôi lại muốn xây nhà hưu dưỡng cho người già trên chính quê hương của mình? Câu trả lời, đó là lúc mới chịu chức, tôi về quê dâng lễ tạ ơn nơi Giáo xứ Yên Thịnh, Giáo phận Vinh, thì được rất nhiều người đến chúc mừng, họ biếu tôi nhiều món quà có giá trị và tặng nhiều phong bì. Nhưng một hôm có hai cụ già tuổi chừng ngoài 80, là giáo dân trong giáo xứ tôi, tôi quen biết họ từ lâu, họ dắt nhau đến thăm tôi lúc buổi trưa trời nắng. Tôi hiểu rõ rằng hai cụ này một người nặng tai và người kia đôi con mắt bị mù.

Tôi rất vui khi ra tiếp hai bà, nhưng họ lại rất ngập ngừng và rụt rè khi đến gặp tôi. Tôi mời họ vào nhà khách, rót nước mời họ, rồi hỏi thăm về cuộc sống của họ cũng như về con cháu của họ. Sau đó hai bà trình bày rằng: “Thưa cha, xin cha thứ lỗi, vì hôm lễ tạ ơn của cha chúng con không tham dự được, lúc này già cả rồi đi đâu cũng phải làm phiền con cháu nên chúng con ở nhà hiệp ý cầu nguyện cho cha. Hôm nay chúng con biết cha đã rảnh việc hai bà đến đây, trước hết xin cha thứ lỗi, sau nữa để chúc mừng cha và bà cụ. Chúng con thật rất hạnh phúc khi quê hương chúng ta có thêm một tân linh mục... Rồi họ lấy một gói gì đó lận trong lưng quần ra, đặt lên bàn rồi nói tiếp: “Thưa cha, hai bà chỉ có chừng này xin mừng cha, xin cha nhận cho.”

Tôi vừa cảm động vừa lùng túng, vì thấy hai bà mừng tôi hai tờ 10,000 đồng nhăn nhó, chắc là đã tiết kiệm từ lâu. Ban đầu tôi chợt nghĩ muốn gửi lại số tiền đó cho hai bà nhưng sợ họ buồn, sợ làm tổn thương lòng chân thành của họ nên đành nhận. Sau đó tôi vào phòng lấy hai phần quà và hai tấm hình tôi chụp chung với Đức Tổng Giám Mục bên Đài Loan tặng cho hai cụ. Mặc dầu hai cụ không biết Đức Tổng Giám Mục đó là ai, mặc dầu hai con mắt của một cụ không thấy rõ, nhưng hai bà tỏ ra rất hạnh phúc. Tôi cảm thấy rất ngại vì bà cụ mắt mù cầm tấm hình lên, áp sát vào người, vuốt đi vuốt lại, rồi cứ hôn liên tiếp lên nó.

Khi nói chuyện được một lúc thì tôi thấy cái bao bì hai bà mang đến đặt nơi góc nhà cứ động đậy. Tôi hỏi cái gì trong đó, hai bà ngập ngừng trả lời: “Thưa cha, con ‘cúng’ cha con gà để bà cụ bồi dưỡng cho cha. Gà chính con nuôi đó, mong cha đừng chê.” Tôi lại chẳng biết nói gì, ngoài việc cảm ơn họ về sự đơn sơ và chân thành mà họ dành cho tôi.

Sau khi được các bà tới thăm, tôi thầm nghĩ, mình phải làm điều gì đó để đền ơn họ, ngoài việc cố gắng trở thành một linh mục tốt để khỏi phủ lòng của họ, thì mình cần phải giành nhiều thời gian hơn để thăm viếng và động viên các cụ. Cũng trong dịp về quê tạ ơn lần này, tôi được mời đi xức dầu cho một số cụ già bệnh nặng trong giáo xứ. Tôi cảm thấy rất thương tâm vì họ phải sống trong những túp lều rất nhỏ bé và đầy mùi hôi hám. Có nhiều cụ già neo đơn không nơi nương tựa, và có những cụ già có con cái thành công, nhà cao cữa rộng nhưng lại để cho cha mẹ mình ở một mình trong những không gian chật hẹp. Một lần kia có một gia đình giải thích với tôi: “Không phải là chúng con không muốn mẹ ở trong nhà mới, nhưng vì mẹ già nên thường ‘t’ ra quần, chảy xuống cả nhà, nên phải cho mẹ ở nhà cũ, đỡ mùi hôi.”

Tôi không trách móc những người làm con, vì họ có những khó khăn riêng của mình. Nhưng trong lòng tôi lại thấy đau xót cho những cảnh đời đau khổ của các cụ. Tôi càng lo lắng cho phần rỗi linh hồn của họ nữa. Vì mỗi lần tôi đi thăm người già, họ đều nói với tôi rằng, xin cha cầu nguyện để Chúa cất họ đi, vì sống vậy khổ lắm, lại còn làm phiền người khác. Dẫu biết rằng sống chết thế nào là việc của Chúa, nhưng tôi thấy nhiều cụ già suốt đời họ sống rất tốt, siêng năng việc kinh hạt, nhất là rất chăm lo công việc phục vụ giáo xứ, nhưng khi về già, họ phải sống trong sự thiếu thốn trăm chiều, họ dễ sinh tính phàn nàn, có lúc lại khiến họ mất niềm tin vào Chúa, buồn phiền vì thiếu sự tôn trọng và chăm sóc của con cháu. Bởi thế họ dễ nghĩ tiêu cực, thậm chí dễ phạm tội mà không được ơn chết lành.

Kinh Nghiệm Từ Giáo Hội Đài Loan

Sau lễ tạ ơn, tôi trở về Đài Loan để bắt đầu công việc mục vụ. Tôi có bài sai đến phục vụ ở một giáo xứ có chương trình phục vụ trong nhiều nhà hưu dưỡng, tôi đã giành rất nhiều thời gian đi thăm viếng và chăm sóc người già. Về mặt sức khỏe thể lý, tâm lý và tôn giáo, tôi thấy họ đều được chăm sóc rất chu đáo, trong khi những cụ già ở quê hương tôi không được diễm phúc như vậy. Lòng ước mơ xây nhà hưu dưỡng, để giúp cho đời sống các cụ già nơi quê hương được cải thiện lại nổi dậy mạnh mẽ trong tim tôi. Tôi mong cho họ được chăm sóc đúng với nhân phẩm của một con người, tôi mong họ được vui sống và lạc quan khi tuổi đã về già, và tôi mong họ được bình yên để chuẩn bị tâm hồn nếu được Chúa thương gọi về.

Nhưng có lúc tôi nghĩ rằng, ước mơ này đơn thuần là một ước mơ viễn vông, có vẻ quá xa vời, hay chắc chắn còn lâu lắm nó mới trở thành hiện thực, vì tôi là một linh mục dòng đi truyền giáo nơi xa. Lúc này tôi chỉ biết cầu nguyện và chia sẻ ý tưởng của mình cho bạn bè và người thân của tôi. Tôi đã đề cập nhiều lần với cha xứ, quý sơ và giáo dân ở quê nhà. Hơn nữa mỗi lần về quê thăm gia đình tôi đều giành nhiều thời gian đi thăm viếng các cụ trong giáo xứ của mình. Tôi giật mình, có lần tôi xin ông trưởng Ban Hội Đồng Mục Vụ cung cấp cho tôi danh sách những cụ già tuổi từ 75 trở lên trong giáo xứ, tôi nhận được danh sách với con số lên đến trên 200 cụ. Như vậy số lượng người già trên 75 tuổi của giáo xứ chiếm gần 8% trong tổng số gần 2,600 giáo dân, chưa kể những người bệnh tật.

Thử Thắp Lên Một Ngọn Nến

Tôi nhớ lời của một triết gia nào đó nói rằng: “Thà thắp lên một ngọn nến còn hơn ngồi nguyền rủa bóng đêm.” Bởi thế, những năm gần đây, cứ đến mùa hè tôi đều dẫn một nhóm sinh viên và giáo viên từ Đài Loan về quê làm việc tình nguyện. Công việc tình nguyện chủ yếu là sinh hoạt và chăm sóc trẻ em khuyết tật và mồ côi tại Dòng Bác Ái Vinh. Mặc dầu thời gian làm việc chỉ có 8 ngày, nhưng chúng tôi vẫn giành một ngày để đi thăm và phục vụ người già.

Chúng tôi làm việc chung với các bạn trẻ của giáo xứ. Để cho công việc đạt hiệu quả, chúng tôi chọn ra khoảng 30 bạn, kết hợp với các bạn trẻ Đài Loan, chia nhiều nhóm nhỏ rồi đi vào thăm các cụ già có hoàn cảnh hết sức đặc biệt theo danh sách Hội Đồng Mục Vụ trao cho. Công việc chúng tôi làm hết sức đơn giản, đó là thăm hỏi, trò chuyện, thiết kế một ít trò chơi đơn giản để các cụ tham gia, nhằm giúp các cụ phản ứng linh hoạt. Các hình thức sinh hoạt này chủ yếu tạo niềm vui cho các cụ, để các cụ quên đi nỗi đau bệnh tật và bớt đi sự cô đơn. Chúng tôi cũng làm vệ sinh, quét nhà, massage, cắt tóc hay bấm sửa móng tay cho họ. Và cuối cùng chúng tôi tặng các cụ một số tiền nhỏ, số tiền này đến từ phụ huynh các sinh viên Đài Loan. Thành quả gặt hái được đó là các cụ rất vui mừng và cảm động vì được sự quan tâm. Riêng các bạn trẻ, họ cũng hiểu được nhiều và cảm thông với những vất vả của các cụ. Qua đó các bạn trẻ càng biết trân quý hơn những gì mà họ đang có.

Để Ngọn Lửa Tình Yên Tiếp Tục Được Lan Rộng

Ngọn lửa tình thương này tiếp tục được đốt lên, vì những năm gần đây các bạn trẻ trong các hội đoàn của giáo xứ tiếp tục những công việc phục vụ này. Họ không có kinh phí nên họ cùng nhau đi nhặt “ve chai” bán để lấy tiền mua gạo, mua thực phẩm rồi nấu cháo để tới từng nhà các cụ già chia sẻ “bát cháo tình thương” cho các cụ. Khi nhận được bát cháo nóng, tấm lòng các cụ cảm thấy ấm áp và phấn khởi nhiều hơn. Ngoài các bạn trẻ ra, cha xứ và các hội đoàn trong giáo xứ cũng thăm viếng các cụ vào những dịp đặc biệt trong năm, có khi các ngài quên góp kinh phí để mua chăn và áo ấm tặng các cụ vào những dịp mùa đông.

Không biết bao giờ Chúa mới thương đón nhận điều ước của tôi, hay không biết cho đến bao giờ ước mơ của tôi mới thành hiện thực. Ước chi sẽ một vài hội dòng nào đó nhận thấy ý tưởng của tôi là xứng đáng, là tốt đẹp để họ hưởng ứng và về trên quê hương tôi để xây một nhà hưu dưỡng, hoặc xây một trung tâm nào đó dùng để chăm sóc hoặc tổ chức sinh hoạt dành cho người già vào ban ngày giống như hình thức chăm sóc trẻ mẫu giáo, buổi sáng tiếp đón họ, tạo cho họ có dịp sinh hoạt, gặp gỡ nhau, đến chiều con cháu đến đón họ về nhà. Để ý tưởng này được thực hiện, tôi mong anh chị em hãy cùng với tôi tiếp tục kiên trì cầu nguyện và chờ đợi thời khắc thích hợp như thánh ý của Chúa.

Lạy Chúa, nếu Chúa muốn, xin hãy thực hiện một điều kỳ diệu trên quê hương con, để Danh Chúa được cả sáng trong những tâm hồn đang khát khao Chúa và khao khát tình thương.

Washington DC, ngày 04 tháng 06, năm 2019.

Lm. Antôn Phạm Trọng Quang, SVD