(Suy niệm tĩnh tâm linh mục tháng 11.2019)

Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận từng viết về chân dung người tông đồ truyền giáo: Đó "là người có Chúa Kitô trong lòng, Chúa Kitô trên khuôn mặt, Chúa Kitô nơi môi miệng, Chúa Kitô trên đôi tay, Chúa Kitô trên vai... Tắt một lời, là người đầy tràn Chúa Kitô và cho kẻ khác Chúa kitô" (Đường hy vọng).

Hơn ai hết, Đức Maria chính là kiểu mẫu, là hình tượng vững chắc về người tông đồ truyền giáo biết nhận chìm chính mình trong Chúa Kitô như thế.

1. Đức Mẹ nhận chìm mình trong Chúa.

Những trang Tin Mừng có liên quan đến Đức Mẹ, đều diễn tả sự nhận chìm mình trong Chúa của Đức Mẹ:

- Phía sau sự đơn thành, giản dị của cuộc sống đời thường, Đức Mẹ chăm chút từng đường nét của ơn Chúa. Để một ngày, hoa trái của sự chăm chút ấy được dịp bung nở khi mạnh dạn thốt lời "xin vâng", dẫu chưa hiểu nổi tiếng "xin vâng" sẽ dẫn mình đến đâu, miễn sao ý Chúa thành toàn. Sự cộng tác triền miên cùng ơn Chúa, đã cho Đức Mẹ niềm tín thác không dễ gì cưỡng lại.

- Đón nhận Chúa Giêsu trong sự can đảm của lòng tin mạnh, Đức Mẹ vội vã mang niềm vui được Chúa ở cùng đến với hài nhi Gioan và gia đình tư tế Giacaria.

Bằng cách "ra đi" "đến với", Đức Mẹ đưa Con Thiên Chúa, buổi đầu làm người, thăm gia đình đại diện mọi gia đình nhân loại. Gia đình tư tế Giacaria trở thành gia đình đầu tiên đón nhận Chúa Kitô ngay buổi đầu Người làm người.

- Đức Mẹ tiếp tục chứng tỏ hình ảnh người tông đồ truyền giáo, khi bồng ẵm Chúa Kitô cho các mục đồng, các đạo sĩ chiêm ngưỡng, bái thờ.

- Đức Mẹ đem niềm hạnh phúc, khi tiếp tục trao Nguồn Ánh sáng, Nguồn Hạnh phúc vào tay hai cụ Simeon và Anna. Thỏa niềm mong đợi Đấng Cứu Thế - Đấng mà đất trời không thể chứa, lại nên bé nhỏ trên tay mình - lớn đến nổi, cụ già Simeon thốt lên trong ngỡ ngàng, khoan khoái, nhưng tin tưởng, mến yêu: "Giờ đây Chúa hãy để tôi tớ Chúa ra đi bình an"...

- Đó chỉ là những cá nhân và gia đình riêng. Năm tháng thinh lặng và chìm khuất giữa làng quê nghèo, càng là dịp để Đức Mẹ nhận chìm mình trong Chúa cho sứ mạng tông đồ truyền giáo.

Đức Mẹ âm thầm chu toàn trọn bổn phận làm mẹ. Nhờ đó, Đức Mẹ chuẩn bị mang đến, không phải chỉ những cá nhân, nhưng là cả nhân loại qua mọi thời đại Tin Mừng lớn lao: Sự Sống của nhân loại, Chúa Giêsu Kitô, "Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến" (Lc 13, 35).

- Trên hành trình truyền giáo và tử nạn của Chúa con, không lúc nào ánh mắt Đức Mẹ không dõi theo để uống lấy từng lời, thực hành lời ấy và vâng phục thánh ý Thiên Chúa đến mức kiên cường, đến mức anh dũng.

Chính lúc nhận lấy thân xác cứng đờ của con bên chân thánh giá, chính lúc tiếng xin vâng trở nên nghiệt ngã, chính lúc sự bất khuất của một người mẹ thành hình tượng vững chãi, chính lúc tình yêu hiến dâng đạt tới đỉnh cao, chính lúc mũi gươm không phải cứa vào thân xác, nhưng đâm nát tâm hồn (x.Lc 2, 35), Đức Mẹ hoàn thành cách đẹp nhất, trọn hảo nhất hình ảnh người tông đồ truyền giáo nhận ngập đời mình trong Chúa Kitô để trao Nguồn sống và Hạnh phúc cho muôn thế hệ trần gian.

2. Và chúng ta.

Bổn phận làm cho tinh thần Phúc âm của Chúa thấm nhuần trong đời sống người đã biết Chúa và người chưa biết Chúa là bổn phận hàng đầu của hàng linh mục.

Nhưng bổn phận ấy chỉ có thể thực hiện và mang về kết quả khả dĩ khi người truyền giáo biết cộng tác với ơn Chúa thánh hóa mình. Sự thánh hóa mình ở mức vững vàng chỉ có thể bắt chước Đức Mẹ, là nhận chìm mình trong Chúa Kitô.

Hơn ai hết, càng là linh mục, ta càng phải đào tạo trái tim mình, đời sống mình thành tông đồ truyền giáo như Đức Hồng Y dạy: Có Chúa ngập đầy trong từng biểu hiện sống, tương quan sống.

Như Đức Mẹ, ta đón nhận Chúa qua tất cả những biến cố hằng ngày, dù đó là niềm vui hay nỗi buồn, mạnh mẽ hay chán nản, bi quan hay hạnh phúc.

Đức Mẹ chưa từng bỏ qua một hoàn cảnh nào dù nhỏ nhất, để được thấm đẫm trong ơn Chúa. Cũng vậy, sự đón nhận cách tốt nhất của ta để trở thành người tông đồ truyền giáo nhận chìm mình trong Chúa, chính là lắng mình trong suy tư và nội tâm hóa tất cả.

Không có gì xảy ra mà không có ích cho ta, dẫu có thể đang lúc xảy ra, ta chỉ thấy toàn mất mát, vô vọng. Bởi để trở thành người tông đồ truyền giáo, người ta đâu chỉ là ra đi trên đôi chân, nhưng trước hết là ngập mình trong Chúa để có thể lớn lên và trưởng thành, xứng tầm của một tông đồ truyền giáo.

Hoàn cảnh nào, biến cố nào cũng có thể đặt ta trên đường tìm đến Chúa, ngập trong Chúa và tích lũy Chúa để có thể bước ra thành tông đồ truyền giáo đưa Chúa vào lòng người.

Hãy nhớ: điều trước tiên của việc truyền giáo không là ra đi, mà là sống sát với Chúa đến nỗi ngập đầy Chúa nơi cõi hồn mình.