Liên tiếp mấy tuần nay, người ta nghe nói tới nhiều cuốn phim lấy các vị giáo hoàng làm nhân vật chính. Hệ thống Netflix cho ra đời “Hai vị Giáo Hoàng” (Two Popes). Hệ thống HBO cho ra đời “Tân Giáo Hoàng” (New Pope) và mới đây, cuốn phim “Sự Im Lặng Thánh Thiện” (Holy Silence) đã được trình chiếu lần đầu tiên ngày 21 tháng 1, 2020, tại Đại Hội Phim Ảnh Do Thái tại Miami.



Đây là cuốn phim nói về sự im lặng của Đức Piô XII trước Nạn Diệt Chủng (Do Thái) của Đức Quốc Xã trong Thế Chiến II, một chủ đề gây tranh cãi rất nhiều từ những năm cuối thập niên 1950 cho tới nay, nhất là dịp xuất bản cuốn Hitler’s Pope (Giáo Hoàng của Hitler) của John Cornwell năm 1999. Bản thân chúng tôi có một số bài viết về chủ đề này (Xin xem Gia Tô Bí Lục Tân Thời, Vietcatholic 15-20/11/2008; Vatican và vấn đề Tài Liệu, Vietcatholic 21-24/01/2009; Vatican và vấn đề Diệt Chủng, Vietcatholic 25-26/01/2009). Phần lớn giới truyền thông thế tục, nhất là giới truyền thông chịu ảnh hưởng hoặc thân Do Thái, có cái nhìn tiêu cực về việc cho là Đức Piô XII im lặng hay không hành động đủ để ngăn chặn bàn tay sát máu của Quốc Xã đối với người Do Thái. Phản ứng tiêu cực này mạnh đến nỗi diễn trình phong thánh cho vị Giáo Hoàng rất thân yêu này thực tế đã phải khựng lại.

Nay, theo Clemente Lisi, một chủ bút kỳ cựu và là người thường xuyên viết cho Religion Unplugged, cựu trưởng ban tin tức của New York Daily News và hiện dạy môn báo chí tại The King’s College ở New York, với cuốn phim tài liệu “Holy Silence”, người ta bắt đầu có cái nhìn trung thực hơn đối với vị Giáo Hoàng vốn nổi tiếng chống Cộng này (xin xem https://religionunplugged.com/news/2020/1/25/holy-silence-new-documentary-aims-to-shed-light-on-pope-pius-xii-jews-and-world-war-ii)

Theo Lisi, cuốn phim này ra đời non hai tháng trước ngày Vatican dự định mở văn khố mật liên quan đến triều Giáo Hoàng của Đức Piô XII. Vị Giáo Hoàng này vốn trị vì Giáo Hội Công Giáo từ năm 1939 tới năm 1958, những năm tháng bao gồm Thế Chiến II. Văn khố này sẽ cung cấp 17 triệu trang tài liệu liên quan tới thời gian này và chắc chắn sẽ cung cấp nhiều bối cảnh lịch sử cho các hành động và tư duy của Đưc Piô XII.

Cuốn phim “Holy Silence”, theo Lisi, trên thực tế cũng cung cấp bối cảnh lịch sử cho giai đoạn này, một giai đoạn cũng chiếm nhiều không gian tin tức trong tuần này vì lễ kỷ niệm 75 năm ngày giải phóng trại tử thần Auschwitz.

Thành thử cuốn phim, theo Lisi, là khúc dạo đầu để đưa công chúng tới chỗ học hỏi thêm về bối cảnh lịch sử các biến cố của giai đoạn này bao gồm việc Đức Quốc Xã xâm chiếm phần lớn Âu Châu, Nạn Diệt Chủng Do Thái và Thế Chiến II, do đó, là vai trò của hai vị Giáo Hoàng có liên hệ là Đức Piô XI và Đức Piô XII.

Nhờ cuốn phim, người ta biết rằng Đức Piô XI, người vốn có bệnh tim, ngày càng được báo động về việc đối xử với người Do Thái ở Đức. Trong một cố gắng nhằm giải quyết tình huống, ngài thỉnh ý Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, lúc đó là Đức Hồng Y Eugenio Pacelli (tức Đức Piô XII sau này), và kêu gọi sự giúp đỡ của Cha John LaFarge, một linh mục Dòng Tên và là phụ tá chủ bút tạp chí America ở Hoa Kỳ, trong việc soạn thảo một thông điệp nhằm tuyên bố rằng Người Do Thái có đủ tư cách được hưởng các quyền lợi và che chở bình đẳng như mọi người khác.

Bản thảo thông điệp ấy của Cha LaFarge không bao giờ được công bố. Đức Piô XI qua đời năm 1939 và Đức Hồng Y Pacelli kế nhiệm, lấy danh hiệu là Piô XII. Căn cứ vào thái độ bài Do Thái của một số giáo phẩm Công Giáo cũng như một số thương lượng của Đức Hồng Y Pacelli với Mussolini và Hitler, nhiều người mong tân Giáo Hoàng Piô XII làm nhiều hơn nữa. Nhưng ngài đã quyết định giữ im lặng.

Tuy thế, phần lớn những gì đã được tiết lộ, liên quan đến các tài liệu đã được công bố và ký ức của các nhân chứng, phần lớn vẫn còn là một bí ẩn và các hành động vẫn được bỏ ngỏ cho nhiều giải thích khác nhau. Đức Piô XII thực sự là một vị thánh hay một tội nhân? Đây là một vấn đề không đơn giản.

Cuốn phim cuối cùng không cho ta câu trả lời dứt khoát. Điều nó làm, theo Lisi, là kể lại câu truyện như nó đã xẩy ra lúc đó, dành cho lý luận của cả hai bên một tường thuật đồng đều và để cho người xem tự quyết đoán liệu Đức Giáo Hoàng có nên làm hay nói hơn thế hay không. Cuốn phim tự hạn chế không dám gọi Đức Piô XII là Giáo Hoàng của Hitler như khá nhiều người làm trong quá khứ.

Thực thế, cuốn phim 72 phút này cho hay: bồi thẩm đoàn vẫn chưa quyết đoán liệu Đức Piô XII có cảnh cáo người Do Thái về việc trục xuất tới các trại tập trung hay không một khi Quốc Xã nắm quyền ở Ý năm 1943 và liệu ngài có ra lệnh cho các nhà thờ và các định chế Công Giáo khác cung cấp nơi ẩn trú cho người Do Thái hay không. Văn khố mật có thể sẽ rõi nhiều ánh sáng cho các tình huống này.

Tuy nhiên, cuốn phim cho rằng Đức Piô XII quyết định không đứng về phe nào, thay vào đó hy vọng không làm mất lòng Quốc Xã. Các sử gia được phỏng vấn trong phim cho rằng Đức Piô XII không tin chắc Đồng Minh sẽ thắng cuộc chiến, nên đã quyết định giữ im lặng bất chấp sự thúc giục của Hoa Kỳ và của Tổng Thống Franklin D. Roosevelt, muốn Đức Giáo Hoàng dùng thế giá tinh thần công khai kết án chủ nghĩa Phát Xít. Đức Piô XII sợ có việc bỏ bom Thị Quốc Vatican, một nơi, quả Đức đã dung tha khi xâm chiếm Ý năm 1943, và nhờ thế đã cứu được khá nhiều người Do Thái đến trú ẩn.

Ai cũng biết năm 1929, Vatican và Mussolini đã ký thỏa ước thiết lập Tòa Thánh như một thị quốc độc lập. Suốt thập niên 1930, Đức Hồng Y Pacelli, phái viên của Vatican tại Đức, đã trở thành người chống Cộng Sản quyết liệt, chống đến cái độ, coi nó như mối nguy duy nhất cần được nhân loại hợp nhất diệt trừ. Điều oái oăm là Đức Quốc Xã diệt trừ Cộng Sản không thua ai. Đây có thể là một tình tiết địa chính trị mà cuốn phim, với sự giúp đỡ của một số sử gia được phỏng vấn và một số bản sao các tin truyền hình và phúc trình truyền thanh lúc đó, muốn soi sáng các hành động tương lai của Vatican và của Đức Piô XII.

Cuốn phim cũng tiết lộ việc người Công Giáo ở Âu Châu và Hoa Kỳ chia rẽ nhau về việc có nên có thiện cảm hay không với Đệ Tam Reich. Phong trào phản Do Thái khá phổ biến nơi một số giới Công Giáo thời đó, một điều sẽ được Giáo Hội giải quyết cả hàng thập niên sau qua các cải tổ của Công Đồng Vatican II và triều Giáo Hoàng của Đức Gioan Phaolô II, người vốn xuất thân từ Ba Lan.

Việc dâng cao của tâm tư bài Do Thái trên thế giới trong những năm gần đây và việc mở văn khố mật của Vatican sắp tới khiến cho Holy Silence hợp thời một cách mà nhà sản xuất kiêm đạo diễn và người viết kịch bản Steven Pressman có lẽ chưa bao giờ mơ ước khi bắt tay vào dự án này. Thời khắc ra đời cuốn phim, việc nghiên cứu phi thường và thuật kể truyện truyệt vời của nó làm cho những ai yêu mến lịch sử buộc phải coi, cả người Do Thái lẫn người Công Giáo. Điều đặc biệt quan trọng là ta không nên quên để những gì xẩy ra trong quá khứ đừng xẩy ra thêm một lần nữa trong tương lai.