Chúa Nhật V Phục Sinh
Cv 6,1-7; 1 Pr 2,4-9; Ga 14,1-12

Bài Tin Mừng hôm nay được trích từ Tin Mừng Gioan chương 14,1-12, trong đó, có những mạc khải rất quan trọng mà Chúa Giêsu gửi đến các môn đệ ngày xưa và qua các ông Người cũng gửi tới mỗi người chúng ta hôm nay.

Chúng ta tập trung suy niệm bốn mạc khải quan trọng trong thánh lễ này. Đó là:

1) “Thầy đi dọn chỗ cho anh em;”
2) “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy;”
3) “Ai xem thấy Thầy là xem thấy Chúa Cha;”
4) “Ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa.” Chúng ta lần lượt tìm hiểu từng Lời một của Chúa Giêsu.

1- “Thầy đi dọn chỗ cho anh em”

Trước hết, Chúa Giêsu nói với các môn đệ lời này trong bối cảnh trước khi Chúa Giêsu bước vào cuộc khổ nạn. Nghĩa là Chúa chấp nhận đi vào con đường khổ nạn và chịu chết trên thập giá. Điều này đã làm cho các môn đệ hết sức lo lắng và xao xuyến. Bởi vì đối với con người, đối diện với cái chết là đối diện với một thách đố lớn nhất. Cái chết làm cho con người xa lìa nhau vĩnh viễn, và không bao giờ sẽ gặp lại nhau nữa. Nên cái chết là nỗi ám ảnh lớn nhất của con người, khiến ai cũng phải sợ chết. Nhưng đối với Chúa Giêsu, giờ phút đi vào cuộc khổ nạn là giờ của Chúa, giờ quan trọng phải thực hiện theo thánh ý Chúa Cha. Giờ thập giá là giờ cứu độ và là giờ vinh quang. Vì thế, Người phải ra đi thì có lợi cho con người. Đối với Người, sự sống này không quan trọng cho bằng sự sống đời sau.

Chúa Giêsu chấp nhận lìa bỏ thế gian, chia tay các môn đệ để ra đi dọn chỗ cho các môn đệ bằng cái chết trên thập giá, và Người được mai táng trong mồ, sau ba ngày nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa Cha đã làm cho Đức Giêsu chỗi dậy từ cõi chết; Người được siêu tôn là Đức Chúa và là Đấng Cứu Độ trần gian. Đấng Phục Sinh là người đầu tiên đã đi vào sự sống đó. Người khai mở một đời sống mới cho chúng ta. Đó là sự sống phục sinh, sự sống hoàn toàn mới mẻ và hoàn toàn khác biệt với sự sống tự nhiên. Người là Đấng Hằng Sống. Như thế, cái chết là cửa để đưa Người vào một thế giới mới, và nhờ đó Người được hoàn toàn hiệp thông trọn vẹn với Chúa Cha. Người về với Chúa Cha và để dọn đường cho chúng ta mai sau cũng sẽ được chia sẻ sự sống đó với Người.

Đọc những lời trên dưới ánh sáng phục sinh, chúng ta mới hiểu ý nghĩa của Lời Chúa nói: “Thầy đi thì có lợi cho anh em.” Hay “Thầy đi để dọn chỗ cho anh em.” Và Người hứa là Người sẽ trở lại với các môn đệ. Người đã thực hiện lời hứa đó, sau khi phục sinh, Chúa Giêsu đã xuất hiện với các môn đệ. Người hiện ra nhiều lần với các ông để củng cố niềm tin cho các ông và để minh chứng rằng những gì Người nói đã được ứng nghiệm.

2- “Chính Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.”

Trước hết, Đức Giêsu tự xưng mình là đường. Dĩ nhiên, Chúa Giêsu không phải là đường bộ, đường rừng, đường thủy hay đường không... Nhưng Người là người mở đường và là chính con đường nối Thiên Chúa với con người qua mầu nhiệm nhập thể. Người là người mở ra một con đường dẫn tới hạnh phúc đích thực, đó là con đường Thánh Giá mà Người đã đi qua nhờ mầu nhiệm tử nạn. Con đường đó là con đường hẹp, nhưng là con đường dẫn con người tới ơn cứu độ và hạnh phúc đích thực. Con đường rộng thênh thang chỉ dẫn tới sự diệt vong. Người đã mở ra một con đường để nối kết con người với Thiên Chúa, hiện tại với vĩnh cửu, nhờ mầu nhiệm phục sinh của Người. Những người sáng lập các tôn giáo khác chỉ là những người dẫn đường. Còn Đức Giêsu hơn hẳn họ bởi vì Người vừa là người dẫn đường vừa là con đường. Chỉ qua Người chúng ta mới có ơn cứu độ. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói rằng: “Có nhiều con đường để đến với Thiên Chúa, nhưng chung quy lại, chỉ có một con đường duy nhất, đó là Đức Giêsu Kitô.”

Đức Giêsu là chân lý. Người chính là mạc khải của Thiên Chúa Cha. Người mang đến cho chúng sự thật về Thiên Chúa, về con người và thế giới. Sự thật mà Đức Giêsu mang đến giải thoát con người khỏi mọi sự gian dối, nô lệ và bất công. Nếu chúng ta bước theo Đức Kitô, chúng ta có sự thật và ơn giải thoái. Đúng như có lần Chúa nói: “Sự thật sẽ giải phóng anh em” (x. Ga 8,32).

Đức Giêsu chính là sự sống. Quả thế, Đấng Phục Sinh là Đấng Hằng Sống, là nguồn sự sống và là Đấng ban sự sống mới cho chúng ta. Bởi vì, trong lịch sử loài người, chưa có ai có thể đi vào sự sống mới của Thiên Chúa. Người đã chiến thắng sự chết và bẻ gãy xiềng xích tội lỗi và sự dữ vốn kìm hãm con người trong âm phủ, và ban cho con người sự sống vĩnh cửu, để con người được sống và sống dồi dào.

Như thế, Đức Giêsu là đường dẫn chúng ta tới Thiên Chúa Chúa, là sự thật soi sáng cho chúng ta và là sự sống đời đời của mỗi người chúng ta.

3- “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”

Chúng ta chuyển sang mạc khải thứ ba. Chúa Giêsu mạc khải cho các môn đệ biết tương quan giữa Người với Chúa Cha: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9b). Đây là một lời mạc khải rất mới mẻ.

Cựu Ước cho thấy Thiên Chúa là Đấng hoàn toàn thánh thiện, vô hình, và bất khả thấu, nghĩa là con người không thể nhìn thấy, tiếp cận và đối diện với Người. Chưa ai đã nhìn thấy Thiên Chúa bao giờ. Thiên Chúa vô hình, nên dầu Người hiện ra ở Sinai, thì Môsê chỉ nhìn thấy Thiên Chúa qua hình ảnh ngọn lửa cháy nơi bụi gai. Kinh Thánh cho biết: Dẫu được trực tiếp nói chuyện với Thiên Chúa, nhưng ông chỉ nhìn thấy cái lưng của Thiên Chúa, chứ không thể diện đối diện hoặc thấy Người.

Nhưng vì Thiên Chúa là tình yêu, nên Người đã để cho con người đến gặp Người. Điều mới mẻ đã xảy ra trong Tân Ước, với mầu nhiệm nhập thể, Thiên Chúa có một khuôn mặt cụ thể, gần gũi và dịu dàng hơn lúc nào hết qua khuôn mặt của Đức Giêsu. Người đã để cho chúng ta có thể gặp gỡ và đụng chạm tới Người. Đức Giêsu là hình ảnh của Thiên Chúa, hay nói như Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Đức Giêsu chính là “dung mạo của lòng thương xót Thiên Chúa.”

Đức Giêsu chính là sứ giả được Chúa Cha sai đến để thi hành sứ vụ cứu độ trần gian. Vì thế, mọi lời nói và việc làm Người thực hiện nhân danh Chúa Cha. Điều mới mẻ trong sứ điệp này là Thiên Chúa là Cha của Người. Người ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Người. Người là hình ảnh của Chúa Cha, nên “ai thấy Thầy là thấy Cha Thầy.”

Mọi người chúng ta phải đụng chạm và gặp gỡ một cách cá nhân lòng thương xót của Thiên Chúa, một tình yêu thật ân cần và gần gũi với mỗi người chúng ta.

Vậy làm sao chúng ta có thể thấy được Chúa Kitô? Người đã về trời cách đây 2000 năm. Các ảnh tượng của Người có giúp chúng ta thấy Người được không? Ngày hôm nay, chúng ta không có may mắn để nhìn thấy trực tiếp Chúa Giêsu như các Tông Đồ, nhưng Chúa Giêsu tiếp tục hiện diện với chúng ta qua bí tích Thánh Thể. Nơi đó, Người trở thành của ăn nuôi sống linh hồn chúng ta. Đấng Phục Sinh và Đức Giêsu Thánh Thể là một. Người hiện diện với chúng ta dưới hình bánh và rượu để trở nên của nuôi sống linh hồn chúng ta. Bởi thế, chúng ta được mời gọi hãy đến với thánh lễ để gặp gỡ Đức Giêsu Phục Sinh và đón nhận Người. Thánh Thể phải là trung tâm điểm của đời sống Kitô hữu, bởi lẽ, nơi Thánh Thể, Thiên Chúa gần gũi, ân cần và yêu thương mỗi người chúng ta hơn hết. Ước gì mỗi lần đến tham dự thánh lễ, chúng ta có những điều kiện cần thiết như sạch tội và có lòng sốt sắng để đến với Chúa Giêsu Thánh Thể.

4- “Ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa.”

Bài đọc I hôm nay minh chứng điều đó. Tin vào Chúa Giêsu không chỉ sẽ được phần rỗi đời đời, nhưng còn làm những việc lớn lao hơn thế nữa. Sách Công Vụ Tông Đồ kể lại: Sau khi Chúa Phục Sinh, các Tông Đồ được đầy ơn Thánh Thần, đã hăng hái đi khắp mọi nơi loan báo Tin Mừng phục sinh. Có rất nhiều người đã theo đạo. Các Tông Đồ không những rao giảng nhưng còn làm việc bác ái cho các tín hữu. Nhưng số tín đồ trở nên đông đúc, họ không thể lo nổi nhiều trách vụ, nên họ đã chọn thêm các phó tế để lo phục vụ và phân phát lương thực cho các bà góa trong cộng đoàn. Thánh Phêrô trong một bài giảng sau lễ Hiện Xuống, đã làm cho khoảng 3000 người theo đạo. Đây là những điều kỳ diệu và những thành quả mà các Tông Đồ làm xem ra còn vĩ đại hơn và lớn lao hơn nhiều so với con số mà Chúa Giêsu có được trong cuộc đời rao giảng của Người. Chúa Giêsu xem ra có vẻ lép vế so với con số này, trong suốt ba năm rao giảng, Chúa Giêsu chỉ chiêu mộ được một nhóm nhỏ là các Tông Đồ, 72 môn đệ khác và một người khác, nhưng khi Chúa chết, họ đã bỏ đi gần hết, có nhiều người còn phản bội Chúa nữa.

Ai tin vào Thầy, người đó còn làm được những việc lớn lao hơn nữa. Với quyền năng của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội không ngừng lớn mạnh, Tin Mừng không ngừng được loan báo khắp nơi trên thế giới. Sau hơn hai mươi thế kỷ, Giáo Hội có đông đảo thành viên theo đạo. Hiện nay, có biết bao trường học, bệnh viện, tổ chức xã hội do các thành viên trong Giáo Hội thành lập để phục vụ con người. Đó là những việc làm lớn lao mà những người tin vào Chúa Kitô đã thực hiện được.

Nếu mỗi người chúng ta cũng thế, nếu chúng ta có đức tin chỉ bằng hạt cải thôi, chúng ta cũng có thể chuyển núi dời non, như Chúa đã nói. Xin cho mỗi người chúng ta có một đức tin mạnh mẽ và cá vị vào Chúa Giêsu, ngõ hầu chúng ta có sức mạnh thực hiện những điều lớn lao cho Chúa và cho tha nhân trong đời sống mỗi người chúng ta. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/