2.5 Một Bí Tích của Giao Ước Mới Bất Khả Tiêu, tại Tâm Điểm của “Nhiệm Cục Thiên Chúa”
Bối cảnh của Giao Ước Mới, với việc trực tiếp nhắc đến hôn nhân, đã soi sáng thực tại của nó như một bí tích theo nghĩa chuyên biệt là dấu chỉ có thực chất của sự kết hợp giữa Chúa Kitô và Giáo Hội (xem Ep 5:32). Do đó, đặc tính dứt khoát của Giao Ước Mới trong Chúa Kitô, trong đó có việc đòi phải trọn lành, thuộc hôn nhân Kitô Giáo đúng nghĩa.
Trên bình diện bí tích, thực tại có tính trung tâm này của Kitô Giáo đã được phát biểu bởi đặc tính độc đáo của một số bí tích, đến độ chúng là dấu chỉ sự chọn lựa bất phản hồi của Thiên Chúa (xem Rm 11:29), vượt lên trên bất cứ tác phong luân lý trái ngược nào mà con người có thể thực hành. Ơn thánh mạnh mẽ hơn bất cứ sự yếu đuối nào, và nó mãi là lời kêu gọi thường hằng phải hồi tâm sám hối. Nền tảng của việc này là Phép Rửa, dấu chỉ thực sự của giao ước này, một giao ước sẽ tồn tại mãi, ngay cả sau tội bội giáo.
Lòng thương xót trong bối cảnh này chỉ khả thể thường hằng sống theo các đòi hỏi của Tin Mừng. Ơn thánh của Thiên Chúa có ưu thế đến nỗi vượt quá cả sự hiểu biết của con người và bất cứ phán đoán nào về mình và về các khả năng của mình. Lòng thương xót của Giáo Hội phải dẫn khởi từ lòng thương xót của Thiên Chúa theo luận lý học nội tại của nó. Thực tại ơn thánh tại giếng rửa tội bác bỏ chủ trương cho rằng có những luật trừ đối với luật luân lý, được biện minh khi xét tới việc con người không thể sống thực được các đòi hỏi của nó.
“Sẽ là một lầm lẫn rất trầm trọng khi kết luận… rằng giáo huấn của Giáo Hội, trong yếu tính, chỉ là một ‘lý tưởng’ cần được thích ứng, cân xứng hóa, phân độ hóa thành các điều gọi là khả thể cụ thể của con người, theo một việc “cân bằng hóa các sự thiện đang bàn”. Và chúng ta đang nói về loại người nào? Về loại người bị nhục dục thống trị hay về loại người được Chúa Kitô cứu chuộc? Đây mới là điều đáng kể: thực tại ơn cứu chuộc của Chúa Kitô. Chúa Kitô đã cứu chuộc chúng ta! Điều này có nghĩa: Người đã ban cho chúng ta khả thể hiểu được toàn bộ sự thật về con người chúng ta; Người đã giải thoát tự do của chúng ta khỏi sự thống trị của tư dục (47)”.
Nhiệm cục của Thiên Chúa là đường lối qua đó Thiên Chúa lôi kéo chúng ta vào với Người; do đó, nó nhận lấy mọi tính tạm bợ vốn cố hữu trong thân phận con người. “[Oikonomia hay] nhiệm cục có nghĩa là toàn bộ trật tự cứu rỗi của Thiên Chúa trong tư cách một người cha nhân hậu của gia hộ và là một nền linh đạo được đánh dấu bằng lời ca ngợi ‘người quản lý’ hay ‘chủ hộ’ (householder) của Giáo Hội và bằng niềm tín thác vào ‘vị mục tử nhân lành’, Đấng biết và gọi tên từng người và mọi người” (48).
Không có ý niệm nào có tầm quan trọng về mục vụ hơn ý niệm này; chắc chắn, nó phải được nối kết với sự thật mặc khải, một sự thật phải được nhìn theo luận lý học tình yêu (49). Như sẽ thấy, có một cách xem xét cụ thể rất khác đối với nguyên tắc này trong các giáo hội Chính Thống.
Tính bất khả tiêu không phát sinh từ lệnh truyền của Thiên Chúa được thêm vào cho hôn nhân, mà đúng hơn, là một phẩm tính của cuộc kết hợp bản vị đã được thiết lập; “sự thiện bất khả tiêu là sự thiện của chính hôn nhân; và không hiểu đặc tính bất khả tiêu này là không hiểu yếu tính của hôn nhân” (50). Truyền thống Tây Phương nói đến sợi dây bất khả tiêu nối kết các người phối ngẫu như là một biểu hiện rõ ràng hành động siêu việt của Thiên Chúa trong hôn nhân, thực tại ơn thánh của “điều Thiên Chúa đã kết hợp”. Công Đồng Trent chấp nhận lối dùng từ ngữ này để diễn tả yếu tính của bí tích này (51). Công Đồng Vatican II biến lối dùng từ ngữ này thành của mình khi chấp nhận quan điểm duy nhân vị vốn không hề mâu thuẫn với từ vựng này: “dây thánh thiêng này không còn tùy thuộc một mình quyết định của con người nữa” (52), và, do đó, Công Đồng đã định tín nó là bất khả tiêu (53).
Để giải thích liên tục tính của giao ước hôn nhân vượt quá bất cứ gián đoạn nào có thể có do tội lỗi gây ra, thần học Trung Cổ sử dụng thuật ngữ res et sacramentum, trực tiếp liên kết với đặc tính độc đáo của các bí tích. Về phương diện này, ta hãy nhớ lại lời lẽ của của Familiaris consortio: “Đôi bạn dự phần vào đó với tư cách là đôi bạn, là hai vợ chồng, đến nỗi hậu quả đầu tiên và tức khắc của bí tích hôn nhân (res et sacramentum) không phải là ân sủng siêu nhiên nhưng là mối dây liên kết hôn nhân Ki-tô giáo, là việc hai người thông hiệp với nhau theo cách thức đặc biệt Ki-tô giáo, bởi vì sự thông hiệp ấy diễn tả mầu nhiệm nhập thể của Đức Ki-tô và mầu nhiệm giao ước của Người” (54). Sự kết hợp này kéo dài dù các người phối ngẫu không trung thành và không sống theo ơn thánh này.
Thực tại của sợi dây này có đặc tính bản vị và được bản chất bí tích in dấu như là hành động trực tiếp của Thiên Chúa, để bảo đảm tính vĩnh viễn của cuộc kết hợp này. Nhờ cách này, sự thiện có tính pháp chế về tính vĩnh viễn của hôn nhân, một sự thiện cần được luật pháp bảo vệ, nay là một sự thiện pháp chế có tính bí tích mà Giáo Hội phải duy trì. Nó là thành phần của ơn thánh và lòng trung thành dẫn vào Giao Ước Mới.
Hồng phúc thương xót của Thiên Chúa đối với hôn nhân thông ban khả năng vượt qua “sự cứng lòng” của con người và sống thực mối liên hệ thực sự bất khả tiêu. Ơn thành này là điều cốt yếu cho những ai đang kinh qua việc ly thân, để họ hiểu rằng luôn có khả thể trung thành và tha thứ. Điều này đặc biệt có liên hệ đối với trường hợp những người Công Giáo ly thân cần được cộng đồng Kitô hữu giúp đỡ trong hoàn cảnh của họ (55), trong khi thay vì họ thường cảm thấy bị bỏ rơi trong nhiều trường hợp.
Do đó, điều rõ ràng là bất cứ loại liên hệ vợ chồng nào mà không có sợi dây này đều luôn là mối liên hệ bất trung và, chính vì lý do này, là ngoại tình. Lời Chúa Kitô có tính tuyệt đối: “ai bỏ vợ mình và cưới người khác, là phạm tội ngoại tình chống lại nàng; và nếu nàng bỏ chồng và cưới người khác, nàng sẽ phạm tội ngoại tình” (Mc 10:11-12) (56). Không có chỗ nào để thương xót đối với việc bất trung liên tục, cho dù người này từng ăn năn hối hận đã tạo ra nó. Cũng thế, không thể vì thương xót mà chấp nhận một người cứ ở lỳ trong tội bội giáo hay một ai đó không chịu trở về với giao ước hôn nhân đã ký kết với Thiên Chúa, huống chi một ai đó sống hoàn tòn mâu thuẫn với nó. Đây không phải là việc bác bỏ khả thể tha thứ, như phái Novatiananô (cấm tha tội trọng) chủ trương, nhưng đúng hơn là hiểu rằng chỉ có thể ban tha thứ khi có sự ăn năn thực sự, một sự ăn năn thay đổi được tình huống tội lỗi. Điều rõ ràng là ngoại tình có thể được tha thứ, nhưng điều cũng đúng là tội này không phải là tội duy nhất có thể được tha mà không cần phải ăn năn.
Quả là một mâu thuẫn khi thiết lập một nhiệm cục cứu rỗi nhưng trên thực tế lại bác bỏ giá trị bí tích của việc kết hợp giữa chồng và vợ, hay lại chấp nhận một modus vivendi (một lối sống) tách biệt hẳn đặc tính bí tích này. Điều này sẽ có nghĩa chấp nhận ý niệm cho rằng nhiệm cục do Chúa Kitô khởi xướng chỉ có tính tạm bợ; hay ta phải đợi một nhiệm cục khác, hay bác bỏ tính phổ quát của nó vì chỉ có thế người ta mới có thể tự ý loại mình ra khỏi nó được. Tín hữu Kitô tiếp tục là người có tội, tuy nhiên, ngay từ đầu, câu trả lời cho nhận xét này vốn là trở về với giếng rửa tội, với sự ăn năn; nhưng việc này không bao giờ được hiểu như một phép rửa mới với mọi hậu quả từ đó mà có. Hòa giải là đổi mới giao ước vốn tồn tại như một nguồn, chứ không phải tìm một nẻo đường khác ho đời sống cho là Kitô hữu mà lại tách biệt khỏi Tân Ước.
Kỳ sau: 2.6: Tầm quan trong của nó trong Đời Sống Giáo Hội