1. Đức Tổng Giám Mục St Paul-Minneapolis cầu nguyện cho hòa bình sau vụ bắn Daunte Wright
Hôm thứ Hai, Đức Tổng Giám Mục Bernard Hebda của Saint Paul và Minneapolis đã cầu nguyện cho tất cả các bên liên quan đến vụ cảnh sát bắn Daunte Wright.
“Tôi đã cầu nguyện cho [Wright] được nghỉ yên muôn đời, cho gia đình anh ấy và cho tất cả những người yêu mến anh ấy”, Đức Tổng Giám Mục Hebda nói hôm 12 tháng 4. Ngài nói thêm rằng ngài “cũng đang cầu nguyện cho viên cảnh sát trung tâm Brooklyn có liên quan đến vụ nổ súng, và cho gia đình và bạn bè của cô ấy. Tôi nghĩ rằng họ đang đau buồn theo một cách khác”.
Ngày 11 tháng 4, tại một trạm dừng giao thông ở Trung tâm Brooklyn, ngoại ô Minneapolis-Saint Paul, các nhân viên cảnh sát đã cố gắng bắt giữ Wright, một người đàn ông da đen, vì có lệnh truy nã anh ta. Sau khi Wright chống lại sự bắt giữ, và nhào vào trong xe của mình bỏ chạy, một trong những cảnh sát đã bắn anh ta. Wright đã lái xe vài dãy nhà trước khi đâm vào một phương tiện giao thông khác. Anh ta chết ngay tại hiện trường vụ tai nạn.
Sau khi xem đoạn phim quay bằng camera gắn trên người các nhân viên cảnh sát, lãnh đạo cảnh sát ở Trung tâm Brooklyn Minnepolis cho biết người nữ cảnh sát viên đã bắn Daunte Wright, một thanh niên da đen 20 tuổi, đã vô tình rút súng ngắn thay vì khẩu Taser khi cô bắn anh ta.
“Tôi không thể nói gì để giảm bớt nỗi đau cho gia đình Daunte Wright,” Cảnh sát trưởng Trung tâm Brooklyn, Tim Gannon cho biết trong cuộc họp báo chiều thứ Hai.
Tại cuộc họp báo, Gannon đã phát đoạn phim về vụ việc, trong đó cho thấy một viên chức cảnh sát đang cố gắng còng tay Wright bên ngoài xe của anh ta khi Wright đột ngột nhảy vào trong.
Vụ bắn Wright xảy ra trong khi phiên tòa xét xử Derek Chauvin, một cảnh sát Minnesota, người bị buộc tội giết George Floyd, đang gây ra căng thẳng trên toàn quốc. Sự kết hợp của các sự kiện đã gây ra các cuộc biểu tình, bạo loạn và cướp bóc khắp Minneapolis. Lực lượng Vệ binh Quốc gia đã được triển khai và lệnh giới nghiêm đã được áp dụng.
“Trong khi những dấu hiệu ban đầu chỉ ra rằng vụ nổ súng là vô tình”, vị tổng giám mục nói, “Tôi khuyến khích các điều tra viên từ Cục Điều tra Hình sự hoàn thành một cuộc điều tra kỹ lưỡng trước khi đưa ra bất kỳ phán quyết cá nhân nào về những gì đã xảy ra”.
Đức Cha Hebda kêu gọi cộng đồng “tạm dừng và cầu nguyện, đặc biệt là trong thời gian căng thẳng vốn đã dâng cao này do vụ xét xử Chauvin”. Đức Tổng Giám Mục cũng đề cập rằng ông đã “được khuyến khích và truyền cảm hứng bởi những lời cầu xin hòa bình tiếp tục đến từ gia đình của George Floyd”.
Ngài kết luận bằng cách yêu cầu rằng “tất cả chúng ta hãy dành thời gian hàng ngày để cầu nguyện cho công lý, nhưng cũng cầu nguyện cho hòa bình trong gia đình và cộng đồng của chúng ta”.
Source:Catholic News Agency
2. Thẩm phán Rôma ra lệnh bắt giữ nghi phạm trong vụ mua bán bất động sản ở Luân Đôn
Hôm thứ Hai, một thẩm phán ở Rôma đã ra lệnh bắt giữ một doanh nhân người Ý sống ở Luân Đôn, là nghi phạm chính trong cuộc điều tra kéo dài hai năm của Vatican về khoản đầu tư 350 triệu euro, tức là 416 triệu Mỹ Kim, của Tòa Thánh vào một liên doanh bất động sản ở Luân Đôn.
Thẩm phán Corrado Cappiello nói rằng có một nguy cơ “hoàn toàn cụ thể” rằng Gianluigi Torzi có thể bỏ trốn nếu anh ta không bị bắt giữ, và nói thêm rằng có bằng chứng cho thấy anh ta đã tham gia vào một “chiến lược kinh tế nhằm lừa đảo” các cơ quan thuế vụ.
Các luật sư của Torzi ngay lập tức đệ đơn phản đối lệnh này trước khi nó được chuyển cho Interpol và cảnh sát Anh. Họ lưu ý trong một tuyên bố rằng một thẩm phán người Anh gần đây đã bác bỏ phần lớn các khiếu nại của Vatican chống lại Torzi trong một phán quyết có liên quan đến tài sản nêu trên.
Các công tố viên của Vatican đã cáo buộc Torzi tống tiền Tòa thánh 15 triệu euro (17.8 triệu Mỹ Kim) để chuyển quyền sở hữu một tòa nhà sang trọng ở Luân Đôn mà Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh là cổ đông lớn. Cả anh ta và tất cả những người đang bị điều tra đều không bị truy tố.
Vatican đã bắt Torzi trong 10 ngày vào tháng 6 năm ngoái sau khi anh ta đến Quốc Gia Thành phố Vatican để thẩm vấn về vai trò của anh ta trong thỏa thuận Luân Đôn.
Source:Crux
3. Nhà văn Do Thái nói: Những người công chính giữa các dân nước cũng cần được ghi nhớ
Theo con trai của một người sống sót trong cuộc diệt chủng người Do Thái, gọi tắt là Holocaust, số người sống sót trong thảm họa Holocaust đang giảm dần. Điều đó có nghĩa là những người “công chính giữa các dân nước” đã cứu những người Do Thái gần như chắc chắn không còn bao nhiêu.
“Về phía cha tôi, ông bà nội và bác tôi đều sống sót ở Ý nhờ lòng tốt, sự dũng cảm và lòng nhân bản của những người đã cứu họ khi đó”, Jonathan Sacerdoti, một nhà văn và nhà báo phát thanh truyền hình ở Luân Đôn, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Catholic News Service vào hôm thứ Tư 9 tháng Tư.
Ba trong số những người đã bảo vệ cha, chú và ông bà của Sacerdoti đã được Yad Vashem, là đài tưởng niệm chính thức của Israel cho các nạn nhân của Holocaust, công nhận là Người Công Chính Giữa Các Dân Nước. Những vị này bao gồm mẹ bề trên của một tu viện đã nhận các cậu bé, 5 tuổi và 3 tuổi, vào năm 1943, và mẹ của chúng; và hai linh mục đã sắp xếp nơi ẩn náu mới ở Ý khi Đức quốc xã đến quá gần.
Năm 2009, Cesare Sacerdoti, và anh trai của mình, Vittorio, đã lần theo dấu vết và gặp hai nữ tu Gennarina và Caterina, là những người đã chăm sóc họ khi còn nhỏ trong tu viện trong suốt thời kỳ Holocaust.
“Làm thế nào chúng ta tôn vinh các ‘thiên thần’ của Holocaust khi họ không còn sống?” là bài viết của anh cho tạp chí Spectator. Bài báo được đăng ngày 8 tháng 4, là ngày được Israel gọi là Yom HaShoah, hay Ngày tưởng nhớ Holocaust.
Source:Crux
4. Tòa Án Tối Cao Ấn Độ bênh vực quyền thay đổi tôn giáo
Trong phán quyết được đưa ra hôm 9 tháng Tư, tòa án tối cao Ấn Độ khẳng định rằng bất kỳ công dân nào ở tuổi trưởng thành đều được tự do chọn lựa tôn giáo như ý của họ. Việc đề ra một đạo luật cấm thay đổi tôn giáo là điều trái với hiến pháp quốc gia, vì hiến pháp bảo đảm mỗi công dân có quyền tuyên xưng, thực hành và phổ biến tôn giáo mà họ chọn lựa. “Có một lý do, theo đó từ “phổ biến” được viết trong hiến pháp”.
Giáo Hội Công Giáo bày tỏ vui mừng vì phán quyết của tòa án tối cao bởi lẽ quyết định này tạo nên một tiền lệ quan trọng, giữa lúc nhiều bang ở Ấn Độ, dưới sự thúc đẩy của đảng Ấn giáo BJP, đang du nhập những đạo luật gọi là chống các cuộc “cưỡng bách cải đạo”.
Cha Babu Joseph, cựu phát ngôn viên của Hội đồng Giám mục Ấn Độ, nói với hãng tin Ucan rằng phán quyết của tối cao pháp viện đến đúng lúc, vì có những nhóm phò Ấn giáo đang lớn tiếng đòi ban hành một đạo luật toàn quốc cấm cải đạo và tố cáo các thừa sai Kitô dùng các phương pháp mà họ gọi là “lừa đảo” để hoán cải những người dalit cùng đinh, nghèo khổ và dân bộ lạc theo Kitô giáo.
Cho đến nay, có tám bang tại Ấn đã ban hành luật cấm cải đạo và thường nhắm vào các nhóm tôn giáo thiểu số, như Hồi giáo và Kitô giáo tại nước này. Tất cả tám bang đó đều do đảng BJP cai trị. Mới đây, các bang đó còn nới rộng luật và áp dụng cho các hôn phối, đặc biệt là các cuộc kết hôn giữa những đàn ông Hồi giáo và các phụ nữ không thuộc Hồi giáo. Họ nhân danh chủ trương chống các cuộc cưỡng bách hoặc lường gạt để dụ người ta theo đạo, nhưng trong thực tế họ nhắm lên án mọi cuộc cải đạo và giới hạn quyền tự do tôn giáo của các nhóm tôn giáo thiểu số.
Source:UCANews