1. Dấu hiệu phò sinh của một giáo xứ tại Canada lại bị phá hoại

Một bảng quảng cáo có hình ảnh người mẹ trẻ bồng con trong khuôn viên của Giáo xứ Thánh Luca đã bị phá hoại một lần nữa.

Một vài năm trước, cộng đoàn giáo xứ Maple Ridge đã lắp đặt tấm biển hướng về phía những du khách đi về hướng Tây trên Đường Dewdney Trunk giữa hai con đường 202 và 203. Đây là lần thứ hai nó bị xịt sơn.

Aida Vorlicek, trợ lý hành chính giáo xứ, cho biết nhà thờ đã trở thành mục tiêu phá hoại nhiều lần trong những năm gần đây, bao gồm vẽ bậy lên các phần khác của tài sản nhà thờ và vụ trộm một quả chuông nhà thờ ngoài trời, nhưng các vụ việc dường như không đe dọa đến sự an toàn của giáo dân.

“Họ không đưa ra bất kỳ lời thô tục nào trên đó hoặc những khẩu hiệu, họ chỉ cố che đi thông điệp của chúng tôi,” cô nói.

Cô cho biết thêm việc phá hoại không dẫn đến những chi phí sửa chữa đáng kể cho giáo xứ, nhưng chỉ làm mất thời gian và công sức của các tình nguyện viên sẵn sàng dành vài giờ để dọn dẹp mỗi lần như thế.

Giáo xứ đã đệ trình báo cáo cảnh sát sau khi tấm biển phò sinh bị phá hoại lần đầu tiên vào năm 2020.

Bảng quảng cáo đã tạo ra rất nhiều cuộc thảo luận. Sau khi nó bị phá hoại lần đầu tiên, giáo dân Frances Maddalozzo đã viết một lá thư cho tờ báo địa phương, với tiêu đề “Làm thế nào mà thông điệp về tình mẫu tử lại có thể gây xúc phạm đến vậy?”

Khi được chia sẻ trên Facebook, bức thư đã tạo ra hơn 330 bình luận với nhiều góc nhìn khác nhau, từ các thành viên cộng đồng đồng ý với thông điệp của tấm biển cho đến những người cho rằng cảm thấy bị xúc phạm. Một số thậm chí còn hoan nghênh sự phá hoại.

Maddalozzo tin rằng số lượng lớn các bình luận cho thấy tấm biển quảng cáo đang “gây ảnh hưởng đến dư luận” như dự định của nó.

Bảng quảng cáo này là sự hợp tác giữa giáo xứ, các Hiệp sĩ Kha Luân Bố, và Hội Nhân ái Cuộc sống. Trong mùa Vọng và mùa Giáng sinh, thông điệp được thay thế bằng “Hãy nhớ đến Chúa Kitô trong Mùa Giáng sinh”.
Source:BC Catholic

2. Đức Hồng Y Bo kêu gọi các bạn trẻ đừng đi vào con đường bạo lực

Quân đội Miến Điện tỏ ra quyết liệt hơn đối với những người biểu tình. Những hình ảnh ghi được tại Mandalay, cho thấy chúng bắn chết những người biểu tình và kéo thi thể của họ trên đường phố như một hình thức khủng bố những người tham gia vào các cuộc biểu tình. Trong bối cảnh kinh hoàng này, Đức Hồng Y Charles Bo đã đưa ra lá thư sau đây:

Tổng giáo phận Yangon, ngày 24 tháng 3 năm 2021

Tôi xin gửi lời chào và lời chúc sức khỏe tới tất cả các bạn trẻ và toàn thể công dân trên cả nước.

Tôi vô cùng ngưỡng mộ và đánh giá cao những đóng góp lịch sử và sự hy sinh của các bạn vì những điều tốt đẹp hơn của đất nước và nhân dân chúng ta.

Phong trào của các bạn là một phong trào toàn quốc, dựa trên các giá trị dân chủ, bất bạo động, bình đẳng và đoàn kết, đồng thời mong muốn mang lại công lý cho tất cả mọi người. Phong trào của các bạn đã nhận được sự ngưỡng mộ của thế giới về tính tự phát, tính sáng tạo, tính trật tự, kỹ năng tổ chức quy mô và cách tiếp cận phi bạo lực.

Như với tất cả các phong trào lịch sử, các bạn đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn:

Một mặt, các bạn đang cố gắng hết sức để tồn tại trong những hoàn cảnh rất khó khăn: Bạo lực tàn bạo đối với người dân khiến ngày càng không thể có các cuộc tụ họp ôn hòa; sợ hãi, trầm cảm và lo lắng về quá trình hành động trong tương lai; tìm kiếm những nơi an toàn và sống trong những lo lắng hiện sinh.

Đau lòng và thất vọng vì bạo lực phải đối mặt và bởi số người chết ngày càng tăng, các bạn tự hỏi liệu đấu tranh vũ trang có thể là phản ứng tốt hơn đối với sự đàn áp và tàn bạo hàng ngày mà các bạn phải đối mặt hay không.

Tôi nhìn nhận nỗi đau, sự tức giận và tổn thương của các bạn. Tuy nhiên, tôi cảnh báo các bạn đừng đi vào con đường đấu tranh bạo lực và kêu gọi các bạn hãy kiên quyết và có kỷ luật bất bạo động. Phong trào đầy ấn tượng của các bạn đã nhận được sự chú ý, đoàn kết, ngưỡng mộ và ủng hộ trên toàn thế giới vì tính chất hòa bình của nó cho đến nay.

Cuộc đấu tranh của Miến Điện đã quá dài và đẫm máu. Không có giải pháp dễ dàng. Sự căm ghét không thể bị xua tan bằng sự căm ghét mà chỉ bằng tình yêu thương; bóng tối không bao giờ bị xua tan bởi bóng tối mà chỉ bằng ánh sáng.

Tất cả các truyền thống đức tin đều tuân theo bất bạo động vì bản chất mọi bạo lực đều là xấu xa. Bạo lực mang lại bạo lực lớn hơn. Tôi lên án vô điều kiện mọi hành động bạo lực đối với những thường dân không có vũ khí. Con đường đấu tranh bạo lực thoạt đầu sẽ gây hưng phấn cho một bộ phận người dân nhưng về lâu dài sẽ khiến số đông xa lánh, mất hết sự ủng hộ và thiện chí không chỉ của một nước mà cả với cộng đồng quốc tế.

Một lần nữa, tôi kêu gọi các bạn hãy ôn hòa và có chiến lược để tránh đối đầu và tổn thất nhân mạng. Tôi tiếp tục ủng hộ và luôn sẵn sàng cho mọi nỗ lực và can thiệp bất bạo động và hòa bình. Tôi hoàn toàn cam kết ở tất cả các cấp để giảm bạo lực trên đường phố và bảo vệ cuộc sống.

Xin Chúa chúc lành cho mỗi người trong các bạn.

+ Đức Hồng Y Charles Bo

Tổng giám mục Yangon



Source:Asia News

3. Đức Tổng Giám Mục Portland cảm ơn Đức Giáo Hoàng vì Vatican nói ‘không’ đối với những lời chúc phúc đồng giới

Đức Tổng Giám Mục Alexander Sample của Portland, Oregon đã lên tiếng cám ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô về việc Bộ Giáo lý Đức tin, gọi tắt là CDF, gần đây khẳng định giáo huấn của Giáo hội về hôn nhân và con người.

Với lá thư này, Đức Tổng Giám Mục Sample đã “chia lửa” với Đức Hồng Y Luis Ladaria, Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin. Ngài đã nhanh chóng trở thành mục tiêu tấn công trên các phương tiện truyền thông.

“Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Thánh Cha về tuyên bố gần đây của Bộ Giáo lý Đức tin”, Đức Tổng Giám Mục Sample nói hôm 23 tháng Ba.

“Tất cả mọi người đều được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, với phẩm giá con người, và đáng được chúng ta yêu thương và chăm sóc mục vụ. Đồng thời, có những hành động và những mối quan hệ nhất định, trong trường hợp này là sự kết hợp đồng giới, mà Giáo hội không thể ban phước”.

Ngài nhận xét rằng tuyên bố ngày 15 tháng 3 của CDF rằng Giáo hội không có quyền chúc phúc cho các kết hiệp đồng tính “chỉ đơn giản là một sự khẳng định lại giáo huấn liên tục của Giáo hội”.

Đức Tổng Giám Mục Sample giải thích điều này “không phải là vấn đề phân biệt đối xử mà là tôn trọng chân lý của con người và phẩm giá của hôn nhân”.

“Tôi nhận thấy đây là một sự thật không được nhiều người ưa thích, bằng chứng là nhiều người đã phản ứng với tuyên bố này, là điều đã được sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước khi công bố”.

Ví dụ, hơn 200 giáo sư thần học ở thế giới nói tiếng Đức đã ký vào một tuyên bố chỉ trích việc CDF từ chối ban phép lành cho các cặp đồng tính, và Giám mục Georg Bätzing của Limburg, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, đã lên tiếng ủng hộ việc chúc lành cho các kết hiệp đồng tính.

Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục Sample cho biết, việc làm rõ như thế do CDF đưa ra “ngày nay rất quan trọng khi có quá nhiều nhầm lẫn về điều gì là lợi ích đích thực của chúng ta và làm thế nào để đến gần hơn với Chúa Kitô”.

Ngài nhắc lại lòng biết ơn của mình “về giáo huấn rõ ràng của Giáo hội về vấn đề này” và cầu nguyện “rằng đây sẽ là thời điểm ân sủng độc đáo cho đời sống của Giáo hội”.

“Khi chúng ta đến gần Tuần Thánh và Lễ Phục sinh, tôi cầu nguyện rằng tất cả chúng ta, những anh chị em trong Chúa Kitô, sẽ được đổi mới bằng một cuộc gặp gỡ ban sự sống và biến đổi với Đấng Cứu Rỗi bị đóng đinh và phục sinh”.

Các Giám mục Rudolf Voderholzer của Regensburg và Stefan Oster của Passau cũng hoan nghênh phản ứng của CDF.

Và Giám mục Philip Egan của Portsmouth đã nói, liên quan đến khuynh hướng phân biệt trong ‘Tiến Trình Công Nghị’ của Giáo hội ở Đức, “tốt hơn là Rôma nên xác nhận lại rõ ràng các thông số đạo lý, như trong tuyên bố của CDF hôm qua về các kết hiệp đồng tính”.

“Chính Đức Thánh Cha cần phải can thiệp bằng cách đưa ra giáo huấn có thẩm quyền: đây là vai trò của chức vụ Kế Vị Thánh Phêrô. Ngài cũng nên triệu tập các giám mục Đức đến Rôma và trình bày rõ ràng hơn cho họ một phương pháp luận thích hợp”.
Source:Catholic News Agency