1. Tòa án tối cao Pháp minh oan cho Đức Hồng Y Philippe Barbarin

Tòa án tối cao của Pháp hôm thứ Tư 14 Tháng Tư đã khẳng định rằng Đức Hồng Y Philippe Barbarin, nguyên tổng giám mục Lyon, đã không che đậy việc lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên của linh mục Bernard Preynat.

Phán quyết của Cour de cassation, nghĩa là Tòa giám đốc thẩm, tại Palais de Justice, ở thủ đô Paris, đã khép lại một bộ phim dài nhiều tập đầy cảm xúc gây nhiều đau khổ cho Đức Hồng Y Philippe Barbarin.

Tòa giám đốc thẩm đồng ý với phán quyết của tòa phúc thẩm rằng Đức Hồng Y hoàn toàn vô tội, ngài không cản trở công lý, không có ý định che đậy hành vi lạm dụng của Preynat.

Tháng 7 năm 2014, Alexandrealeighot-Hezez đã gặp Đức Hồng Y Barbarin để tiết lộ rằng anh ta đã bị linh mục Preynat lạm dụng 24 năm trước đó, khi anh ta còn là một hướng đạo sinh, và lúc đó Đức Hồng Y Barbarin chỉ mới là một linh mục thuộc giáo phận Créteil. Trong khoảng thời gian đó, trong một năm ngài sống ở Pháp vài tháng và vài tháng dạy học ở Đại chủng viện Madagascar bên Phi Châu.

Anh ta tiết lộ điều đó để yêu cầu ngài cách chức linh mục Preynat. Sau cuộc gặp gỡ này, Đức Hồng Y đã mở phiên tòa giáo luật xét xử Preynat và ra quyết định loại bỏ Preynat khỏi hàng giáo sĩ. Tuy nhiên, cả Đức Hồng Y lẫn Alexandrealeighot-Hezez đều không nghĩ rằng Đức Hồng Y phải báo cáo với cảnh sát.

Sau khi được biết Alexandrealeighot-Hezez đã có cuộc gặp gỡ với Đức Hồng Y, 9 nạn nhân khác của Preynat đã cáo buộc ngài tội không báo cáo với cảnh sát.

Tháng 3 năm 2019, Đức Hồng Y Barbarin bị kết tội không báo cáo với nhà chức trách dân sự, và bị tuyên bản án sáu tháng tù treo, mặc dù, trong phiên tòa này, công tố viên cũng phải thừa nhận rằng chính các nạn nhân là những người phải báo cáo với cảnh sát vì họ đều đã là những người trưởng thành.

Đức Hồng Y kháng cáo và ngày 30 Tháng Giêng, 2020, Tòa phúc thẩm ở Lyon cho biết việc ngài mở phiên tòa giáo luật xét xử Preynat cho thấy ngài không có ý định che đậy hành vi lạm dụng của Preynat. Ngài cũng không có trách nhiệm báo cáo với cảnh sát vì vào năm 2014, các nạn nhân đều đã là người trưởng thành. Nhóm 9 người này chống án, và đã kiện lên Tòa giám đốc thẩm.

Ngày 14 Tháng Tư vừa qua, Tòa giám đốc thẩm đưa ra phán quyết đồng ý với tòa phúc thẩm, tuyên bố Đức Hồng Y vô tội và khép lại vụ án.
Source:AP

2. Bài giảng của Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit – trong buổi Canh thức cầu nguyện cho sự sống lần thứ 12 tại nhà thờ St Sulpice trước sự hiện diện của các giám mục vùng Ile-de-France

Île-de-France, nghĩa đen là “Đảo của Pháp”, là vùng đông dân nhất trong số mười tám vùng của Pháp. Tập trung xung quanh thủ đô Paris, Île-de-France nằm ở phía bắc trung tâm của đất nước và thường được gọi là Région Parisienne, nghĩa là “Vùng Paris”. Île-de-France là vùng có mật độ dân cư đông đúc nhất và giữ một vị trí kinh tế chủ yếu trên sân khấu quốc gia.

Khu vực này bao gồm tám cơ quan hành chính là Paris, Essonne, Hauts-de-Seine, Seine-Saint-Denis, Seine-et-Marne, Val-de-Marne, Val-d'Oise và Yvelines.

Trong buổi Canh thức cầu nguyện cho sự sống lần thứ 12 tại nhà thờ St Sulpice trước sự hiện diện của các giám mục trong vùng Ile-de-France, Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit của Paris, nguyên là một bác sĩ, đã trình bày bài giảng sau.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Anh Chi.

Mở đầu bài giảng, Đức Tổng Giám Mục nói:

Đây là một cuộc đối thoại đáng kinh ngạc giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô, một học giả rất thông thạo Kinh thánh. Nicôđêmô nói về việc được tái sinh, tức là được sinh ra lần thứ hai. Những gì ông hiểu liên quan đến thai nghén, tức là, sự trở lại lòng mẹ để được sinh ra lần nữa. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không có ý nói đến một sự lặp lại mà nói về một sự sinh ra từ trên cao, nghĩa là có một sự khác biệt đáng kể so với những gì ông Nicôđêmô nghĩ.

Chúng ta biết rằng được sinh ra có nghĩa là xuất hiện trên thế giới như chúng ta thường nói: “Anh ấy đã đến với thế giới”. Nhưng mọi người đều biết rằng cuộc sống không bắt đầu khi thế giới nhìn thấy chúng ta mà là ngay tại thời điểm thụ thai, là điều đã luôn được biết đến và được xác nhận bởi các hình ảnh y học ngày nay.

Điều Chúa Giêsu muốn nói là sự sống không chỉ là sinh học. Biểu trưng sinh học chỉ là một khía cạnh của cuộc sống. Nó là một mô tả về cách một sinh vật hoạt động, nhưng nó không phải là cuộc sống. Cố nhiên, điều quan trọng là chúng ta phải biết về hoạt động của một sinh vật để có thể hỗ trợ, nuôi sống nó và điều trị nó. Nhưng khi chúng ta đề cập đến cuộc sống của một con người, chúng ta nghĩ đến nhiều thứ hơn là các hoạt động cơ học trong những tế bào của anh ta. Chúng ta nghĩ về tất cả những gì đã xây dựng nên anh ta, về những mối quan hệ đã được hình thành, về những cuộc gặp gỡ khiến anh ấy muốn sống, nói tóm lại, về tất cả những gì tâm trí chúng ta, tràn ngập bởi những cảm giác hạnh phúc, thúc đẩy chúng ta tiến bước, cho phép chúng ta nói: “Tôi đã có một cuộc sống tuyệt vời”.

Chúng ta phải nghĩ xem ưu tiên của chúng ta là gì. Đó có phải là sự bảo tồn các hoạt động sinh học tốt khiến chúng ta sống còn? Hay đó là phẩm chất các mối quan hệ của chúng ta dựa trên tình yêu thương cho phép chúng ta hiểu được giá trị của một đời người? Trong cái đại dịch kinh hoàng đang ảnh hưởng đến chúng ta ngày nay, các mối quan hệ của chúng ta đã tự xa rời nhau. Đối với một số người, không còn có thể hôn hoặc ôm những người họ yêu thương nhất. Một số đã chết trong sự cô đơn đáng sợ mà không có lời từ biệt. Chúng ta được bảo rằng chúng ta phải cứu cuộc sống bằng mọi giá. Nhưng chúng ta đang nói về cuộc sống nào? Sự sống sinh học chắc chắn là chỗ dựa của toàn bộ sự sống con người, nhưng nó vẫn chưa đủ để làm cho một cuộc sống trở nên đáng sống.

Cái chết đang rình mò hết lần này đến lần khác. Và chính trong bối cảnh đó, một số người nói về quyền tự do để yêu cầu được chết. Trên thực tế, cái chết đang tạo ra một trào lưu. Nhưng cuộc sống phải khơi dậy nơi chúng ta sự ngưỡng mộ. Khi chúng ta nói về cuộc sống, chúng ta đang nói về những gì ẩn sâu trong chúng ta. Không ai ngày nay có thể đưa ra một định nghĩa đầy đủ về cuộc sống. Ngay cả sự xuất hiện của cuộc sống cũng là một mầu nhiệm khó có thể xảy ra vì cần phải có những điều chỉnh vật lý và hóa học đáng kinh ngạc để sự sống có thể chào đời.

Sự chiêm nghiệm về cuộc sống phải dẫn chúng ta đến tâm tình cảm tạ chứ không phải một sự hãi hùng chóng mặt.

Dù cuộc sống có mong manh, chúng ta vẫn cảm thấy rằng cuộc sống thực sự vượt ra khỏi biên giới tự nhiên của nó và cảm nhận này đã xảy ra ngay từ thời tiền sử. Niềm hy vọng về một cuộc sống sau cái chết, một cuộc sống vĩnh hằng đã tràn ngập tất cả các nền văn minh của loài người.

Khi Chúa Giêsu nói với chúng ta về sự sinh ra từ trên cao, Ngài muốn mời chúng ta bước vào một cuộc sống vượt ra ngoài các biểu hiện sinh học để đạt đến nguồn gốc của nó. Nguồn của nó là gì? Thưa: Đó là Bản thể tự tồn tại, là Đấng thông truyền cuộc sống của mình. Trong sách Sáng thế ký, Thiên Chúa thổi hơi thở của mình để tạo ra sự sống, hơi thở thần thánh đó làm cho con người trở thành một sinh linh. Nhưng chỉ tồn tại thôi chưa đủ, bạn còn phải bước vào cuộc sống. Chúa Giêsu Kitô, khi mặc lấy nhân tính của chúng ta, Người đã làm cho nhân tính chúng ta chuyển từ sự chết sang sự sống, và vươn đến sự sống thần linh vượt ra ngoài mọi biểu hiện hữu cơ. Mỗi người chúng ta cần đón tiếp Người và cùng đi với Chúa Kitô từ cái chết sang sự sống nhờ bí tích rửa tội, như Thánh Phaolô đã nói khi viết cho tín hữu Rôma: “Được rửa tội trong cái chết của Chúa Kitô, anh em được sống lại với Chúa Kitô” (Rm 6: 4). Ngay cả ngày nay, cũng như thời Môisê, Thiên Chúa đặt chúng ta trước sự lựa chọn cơ bản này: “Ta đặt trước mặt các ngươi sự sống và cái chết, hạnh phúc và bất hạnh: các ngươi hãy chọn sự sống!” (Đệ Nhị Luật 30:15).
Source:L'Eglise Catholique à Paris

3. Tiến Sĩ George Weigel nhân kỷ niệm 100 năm nạn đói 1921-1922 do Liên Sô gây ra tại Ukraine

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Nhân kỷ niệm 100 năm nạn đói kinh hoàng tại Ukraine kéo dài trong suốt hai năm 1921 và 1922, VietCatholic xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ một bài viết của ông nhan đề “Murderers’ Row, Soviet-Style”, nghĩa là “Hàng Dài Những Tên Đao Phủ Thủ Theo Kiểu Sô Viết”, qua phần trình bày của Anh Chi.

Hơn một trăm năm trước, vào ngày 7 tháng 11 năm 1917, Lênin và Đảng Bolshevik của y đã phỗng tay trên cuộc cách mạng hỗn loạn của nhân dân Nga đã bắt đầu từ tám tháng trước đó, và khởi động cuộc thử nghiệm đầu tiên chủ nghĩa toàn trị trong thời hiện đại. Cuộc tắm máu sau đó là chưa từng có, không chỉ giới hạn trong bản thân cuộc thử nghiệm này mà còn tiếp diễn trong cuộc tắm máu nhân loại kinh hoàng được truyền cảm hứng bởi Lênin trong sáu thập kỷ tiếp theo. Và đáng buồn là giấc mơ của chủ nghĩa Lênin vẫn tiếp tục: trong hố sâu địa ngục Bắc Triều Tiên; trong quốc đảo ngục tù Cuba; ở nơi lẽ ra phải là một trong những quốc gia giàu có nhất hành tinh Venezuela; và ở các quốc gia khác nữa nơi người dân vẫn lầm than như Trung Quốc và Việt Nam. Trong thế kỷ 20, Lênin và các đệ tử của hắn đã gây ra nhiều vị tử đạo hơn những tên như Caligula, Nêrô và Diocletiô có thể tưởng tượng ra được. Tuy nhiên, bằng cách nào đó, các cuộc tắm máu cộng sản chưa bao giờ dẫn đến những sự lên án liên tục, rõ ràng và mạnh mẽ như đối với các chế độ chuyên chế khác.

Nỗi kinh hoàng mà Lênin đã tung ra hiếm khi được ghi lại một cách mạnh mẽ như trong cuốn sách mới của Anne Applebaum, “Red Famine: Stalin’s War on Ukraine”, nghĩa là “Nạn đói Đỏ: Cuộc chiến của Stalin ở Ukraine”. Trong một nghiên cứu đoạt giải Pulitzer có tựa đề Gulag, được công bố trước đó, Applebaum đã chứng minh rằng các trại lao động nô lệ ở “quần đảo ngục tù” của Aleksandr Solzhenitsyn không phải là một hệ lụy ngẫu nhiên do các chính sách của Liên Sô, mà là một phần không thể thiếu được của nó, về mặt kinh tế và chính trị. Trong Nạn đói Đỏ, Applebaum làm rõ không thể nhầm lẫn rằng hai cuộc Holodomor, nạn đói khủng bố ở Ukraine đã cướp đi sinh mạng của khoảng bốn triệu người vào năm 1932-33, và trước đó là một triệu người trong 2 năm 1921-1922, đã được tạo ra một cách giả tạo và được thực thi một cách tàn nhẫn bởi Lênin và người thừa kế của y, là Stalin, để phá vỡ tinh thần dân tộc của Ukraine trong khi cung cấp ngoại tệ từ xuất khẩu nông sản cho một Liên Sô đang chùn bước vì một nền kinh tế sai lầm. Hay nói một cách đơn giản hơn: hai tên giết người không gớm tay này đã bỏ đói khoảng năm triệu đàn ông, phụ nữ và trẻ em vì các mục đích chính trị và ý thức hệ.

Các vụ giết người hàng loạt đó có thể xảy ra trên quy mô kinh hoàng như thế là do ngọn lửa của niềm tin cách mạng hoang tưởng đã thiêu rụi nhiều lương tâm. Ví dụ, ở đây là lời khai ớn lạnh, hậu Holodomor của một nhà hoạt động cộng sản, người đã giúp thực hiện sự tàn phá thảm khốc nền nông nghiệp ở Ukraine, và thay thế nó bằng các trang trại tập thể theo đúng ý thức hệ:

Tôi tin chắc rằng cứu cánh biện minh cho phương tiện. Mục tiêu lớn của chúng tôi là chiến thắng của chủ nghĩa cộng sản, và vì mục tiêu này, mọi thứ đều được phép - nói dối, ăn cắp, tiêu diệt hàng trăm nghìn và thậm chí hàng triệu người, tất cả những người đang cản trở công việc của chúng tôi, tất cả những kẻ đứng cản đường. Ngần ngại hay nghi ngờ về tất cả điều này chỉ dẫn đến “thứ tri thức buồn nôn” và “thứ chủ nghĩa tự do ngu ngốc.”

Trong vũ trụ luân lý của chủ nghĩa Bolshevism, hai cộng hai thực sự có thể bằng năm — hoặc bảy, hoặc ba, hoặc bất cứ điều gì mà Cách mạng yêu cầu.

Và do đó, giống như chế độ nô lệ, chế độ diệt chủng đã được đưa vào hệ thống của Liên Sô. Tuy nhiên, Applebaum báo cáo tiếp rằng khi hàng nghìn người Ukraine từ từ chết đói, cơ thể của họ tiêu hao đến mức những người tiều tụy nằm chết trên đường phố hoặc ven đường, “các nhà xuất khẩu Liên Sô tiếp tục vận chuyển ra khỏi đất nước trứng, thịt gia cầm, táo, các loại hạt, mật ong, mứt, cá hộp, rau đóng hộp và thịt hộp... là những thứ có thể giúp nuôi sống người dân Ukraine”. Nhưng việc cho Ukraine ăn có nghĩa là phải thừa nhận phẩm giá của những người mà Lênin và Stalin đã gạt bỏ như là “những con người cũ”, những thành phần “phú nông địa chủ”. Applebaum kết luận rằng những nạn đói chết hàng triệu người như thế không phải là các dấu chỉ cho thấy chính sách của Stalin đã thất bại; đúng hơn, “đó là một dấu chỉ của thành công”. Cách mạng đã đánh bại từng kẻ thù đáng sợ nhất của nó, từng người một, thông qua sự thống khổ từng giờ của nạn đói do nhà nước áp đặt và cưỡng chế.

Cũng không kém phần đạo đức cách mạng theo chủ nghĩa Lênin và Stalin là việc các tòa báo phương Tây ngầm chấp nhận nạn đói giả tạo hàng loạt này của các phóng viên phương Tây là những người biết rõ điều gì đang xảy ra ở Ukraine - nhưng không viết gì về nó, để không gây nguy hiểm cho các nguồn tin của họ từ Kremlin và lối sống nhàn nhã của họ ở Mạc Tư Khoa. Ở đây, nhân vật phản diện chính vẫn là Walter Duranty của New York Times, một tác nhân chính trong việc che đậy hai cuộc Holodomor, tiếp tục kéo dài đến những năm 1960 và đang được hồi sinh ở nước Nga của Putin ngày nay, như một phần của cuộc chiến tuyên truyền chống lại một Ukraine hiện đã độc lập. Đạo đức của Duranty được tóm tắt gọn gàng trong một trong những công văn năm 1935 của ông ta: “Người ta có thể phản đối rằng việc giải phẩu các động vật sống là một điều đáng buồn và đáng sợ, và sự thật là có rất nhiều người đã phản đối thử nghiệm của Liên Sô, coi đó là một thử nghiệm bất hạnh; nhưng trong cả hai trường hợp, đau khổ gây ra được thực hiện với một mục đích cao cả”.

Có lẽ để đánh dấu một trăm năm nạn đói tại Ukraine, tờ New York Times nên rút lại Giải thưởng Pulitzer dành cho Walter Duranty, như một cử chỉ nhỏ cho thấy sự ăn năn trước bàn thờ nhân loại đã rỏ máu hàng triệu triệu người.
Source:First Things