1. LỜI CẦU NGUYỆN ĐÃ ĐƯỢC NHẬN LỜI: Đức Hồng Y Burke dự kiến sẽ rời ICU

Trưa ngày thứ Sáu 20 tháng Tám theo giờ Đông Bộ Hoa Kỳ, nghĩa là rạng sáng ngày thứ Bẩy 21 tháng Tám, theo giờ Việt Nam, Nhật báo “The Remnant” trực tuyến tuyên bố đã phá tan bức màn im lặng chung quanh tình trạng sức khoẻ của Đức Hồng Y Burke.

Tờ báo viết:

Điều này chỉ là từ một người bạn linh mục cũ và rất đáng tin cậy, một người thân cận với Hồng Y Burke:

Bạn thân mến trong Chúa Kitô,

Sau một thời gian bị hôn mê do tác dụng của các dược phẩm, Đức Hồng Y Burke đang dần cải thiện, hết sốt, hô hấp tốt hơn nhiều, các bác sĩ lạc quan... Đức Hồng Y dự kiến sẽ rời ICU trong một hoặc hai ngày tới. Deo Gratias! Tạ Ơn Chúa!.

Tán tụng Chúa. Xin hãy tiếp tục cầu nguyện vì Đức Hồng Y vẫn chưa ra hoàn toàn bình phục.

Xin Chúa chúc lành cho ngài và xin Mẹ Maria gìn giữ Đức Hồng Y Burke tốt lành của chúng ta.

Trong thông cáo báo chí được đưa ra hôm 17 tháng 8, gia đình Đức Hồng Y và Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe cho biết:

“Để cung cấp một nguồn an toàn cho các cập nhật về tình trạng sức khỏe của Đức Hồng Y, bên cạnh phương tiện truyền thông cá nhân của Đức Hồng Y, gia đình đã yêu cầu Đền thánh Đức Mẹ Guadalupe phải là nền tảng được ủy quyền duy nhất trong việc cung cấp thông tin chính xác, và kịp thời. Các báo cáo khác có thể không đầy đủ hoặc sai lầm và do đó có thể làm xáo trộn tâm trí và trái tim của những người mến mộ ngài một cách không cần thiết.”

Đến khi chúng tôi thực hiện chương trình này gia đình Đức Hồng Y và Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe vẫn chưa lên tiếng xác nhận hay bác bỏ tin này. Do đó, chúng tôi loan tin với sự dè dặt thường lệ.
Source:Remnant

2. Những lời cầu nguyện tiếp tục cho Đức Hồng Y Burke

Những lời cầu nguyện cho Đức Hồng Y Raymond Burke tiếp tục được đưa ra trong bối cảnh có các báo cáo chưa được xác nhận, theo đó tình trạng của ngài đang được cải thiện.

“Tôi đang cầu nguyện cho sự chữa lành của Hồng Y Burke. Và cho sự gia tăng lòng khiêm nhường,” Kathryn Jean Lopez của National Review viết. “Và hơn nữa, một sự tôn trọng đối với quyền lương tâm vào thời điểm vô cùng đáng sợ này. Dường như nỗi sợ hãi không mang lại những điều tốt đẹp nhất trong chúng ta”.

Lopez than phiền về các báo cáo trên các phương tiện truyền thông, trong đó người ta chỉ trích đức tin Công Giáo chính thống của Đức Hồng Y Burke, về phá thai, hôn nhân đồng tính, luật độc thân linh mục, và việc Giáo Hội không thể truyền chức linh mục cho phụ nữ; cũng như sự phản đối của ngài đối với việc bắt buộc tiêm chủng. Người ta không biết liệu Hồng Y Burke có được tiêm vắc xin chống lại COVID-19 hay không, nhưng ngài đã lên tiếng phản đối việc đóng cửa các nhà thờ, cũng như các loại vắc xin bắt buộc.

Trong tài liệu về đạo đức liên quan đến vắc-xin chống Covid, Bộ Giáo lý Đức tin nói rằng “lý do thực tế cho thấy rõ ràng rằng tiêm chủng không phải là một quy tắc, một nghĩa vụ đạo đức và do đó, nó phải tự nguyện”.

Hiệp hội Thánh lễ Latinh Truyền thống đã tạo ra một “bó hoa tinh thần”, nơi mọi người có thể gửi lời cầu nguyện hoặc các hành động sùng kính khác được thực hiện với ý định cầu xin cho sự phục hồi của Hồng Y Burke.

Amanda Schrauth, một trinh nữ tận hiến ở Giáo phận Great Falls-Billings, đã yêu cầu mọi người cầu nguyện cho Hồng Y Burke. Cô gọi ngài là “một người quảng bá tuyệt vời cho ơn gọi Trinh Nữ Tận Hiến Trên Thế Giới”.

Những người khác nhớ lại những hành động nhân từ của Hồng Y Burke.

“Tôi đã gặp Đức Hồng Y Burke một lần trong một khung cảnh nhỏ và yêu cầu ngài cầu nguyện cho một trong những người con trai của tôi đang phải vật lộn với bệnh tâm thần. Ngài đã chúc lành cho tôi và cầu nguyện một lời cầu nguyện tuyệt đẹp cho con trai tôi”, Tina Townsend Smyth đã tweet vào ngày 20 tháng 8. “Xin Chúa của chúng ta ở với Đức Hồng Y Burke trong cuộc đấu tranh này và chữa lành thể xác và linh hồn cho ngài”.

Ngày 14 tháng 8, đại diện của Hồng Y Burke thông báo rằng ông đã được nhập viện và đang thở máy do biến chứng của coronavirus. Trước đó, chính ngài đã xác nhận được chẩn đoán dương tính với COVID-19 tháng 8. Vào ngày 17 tháng 8, có thông báo rằng vị Hồng Y đang ở trong “tình trạng nghiêm trọng nhưng ổn định” và vài ngày tới sẽ có tính chất sinh tử.

Vào giữa trưa ngày 20 tháng 8, sau một thời gian im lặng về tình trạng của Hồng Y Burke, Nhật báo “The Remnant” trực tuyến tuyên bố đã nghe được thông tin từ một người bạn linh mục giấu tên của vị Hồng Y.

“Sau một thời gian bị hôn mê do tác dụng của các dược phẩm, Đức Hồng Y Burke đang dần cải thiện, hết sốt, hô hấp tốt hơn nhiều, các bác sĩ lạc quan... Đức Hồng Y dự kiến sẽ rời ICU trong một hoặc hai ngày tới”, The Remnant đưa tin và kết luận rằng “Deo Gratias!”, nghĩa là “Tạ Ơn Chúa”.

Báo cáo này chưa được xác nhận bởi đại diện của Đức Hồng Y Burke hoặc Đền thờ Đức Mẹ Guadalupe ở La Crosse, Wisconsin. Ngôi đền này chịu trách nhiệm cung cấp thông tin cập nhật về tình trạng sức khỏe của Hồng Y Burke.


Source:Catholic News Agency

3. Thảm họa Afghanistan dưới mắt một Kitô Hữu

Kabul đã rơi vào tay bọn Taliban kéo theo cả Afghanistan lọt vào tay những kẻ có tầm nhìn hết sức cực đoan về Hồi Giáo. Trong mấy ngày qua, người ta loay hoay với câu hỏi: với 20 năm hiện diện và thật nhiều sinh mạng, cụ thể là 2,448 binh sĩ thiệt mạng, cùng với một ngàn tỷ đã đổ vào đây, vậy mà vẫn thua, là tại sao?

Trả lời câu hỏi đó, phần lớn người ta chú tâm tới khía cạnh chính trị, quân sự. Nhưng Terry Mattingly đi tìm “bóng ma” cực đoan Hồi Giáo trong thảm họa này. Anh tìm đọc nhiều bài báo, nhất là tờ New York Times, tờ báo được coi là hướng dẫn dư luận Mỹ. Nhưng anh thấy hình như họ thiếu một điều gì.

Mohammad Naeem, phát ngôn viên văn phòng chính trị của Taliban nói với Al Jazeera: “Tạ ơn Chúa, chiến tranh đã chấm dứt trên xứ sở”. Jon Sopel của BBC thì nói: “Cố gắng của Hoa kỳ trong việc xuất cảng nền dân chủ tự do qua Afghanistan đã kết thúc thực sự và rõ ràng”

Terry cho rằng trong khi Taliban có một tầm nhìn hết sức rõ ràng về Hồi Giáo, thì Hoa Kỳ, đồng minh và chính phủ “dân chủ” Afghanistan dường như không đưa ra được một viễn kiến nào ngoài việc cổ vũ nữ quyền, thậm chí quyền của những người như LGBTQ.

Người ta chưa biết viễn kiến Hồi giáo cực đoan sẽ dẫn Taliban đến thái độ nào đối với những người Công Giáo Afghanistan. CNA, ngày 17 tháng 8, cho hay một nhóm nữ tu Công Giáo ở Kabul được an toàn sau khi thủ đô này bị Taliban chiếm đóng ngày 15 tháng 8. Tuy nhiên, Cha Matteo Sanavio, chủ tịch một cơ quan bác ái chuyên lo cho trẻ em cho hay, các nữ tu xin mọi người cầu nguyện “để mọi Kitô hữu hiện diện tại Kabul tìm được ơn cứu rỗi và, cùng với họ, người dân nghèo và bị tra tấn Afghanistan sớm có được một tương lai hòa bình”.

Hai linh mục Dòng Tên từ Ấn Độ và 4 nữ tu Dòng Truyền Giáo Bác Ái cũng đang có mặt tại Kabul. Các cha Dòng Tên đã ngưng vô thời hạn sứ vụ của họ tại Afghanistan và hai linh mục này đang chờ để được di tản về nước của họ.

Cộng đồng Kitô hữu tại Afghanistan rất nhỏ trong một đất nước Hồi Giáo, nơi người dân Afghanistan có thể bị khai trừ, thậm chí tử hình khi tuyên xưng đức tin Kitô giáo.

Chỉ có một nhà thờ Công Giáo duy nhất, tọa lạc trong tòa Đại sứ Ý ở Kabul. Bên cạnh đó còn có các nhà thờ thầm lặng do các nhà truyền giáo Dòng Tên xây dựng.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thiết lập lãnh thổ truyền giáo Công Giáo hồi tháng 5 năm 2002. Bề trên của lãnh thổ này là Cha Giovanni M. Scalese, một linh mục người Ý, thuộc Dòng Bácnabê. Cha lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo ở Afghanistan từ tháng Giêng năm 2015. Cha được CNA liên lạc bằng điện thoại, nhưng từ khước bình luận vì lý do an ninh.

Caritas Italiana, một cơ quan bác ái hiện đang làm việc tại Afghanistan, trong một bản tuyên bố, viết rằng tình hình bất ổn gia tăng nỗi sợ về “khả thể duy trì được sự hiện diện cả trong tương lai, cũng như sự an toàn cho số ít người Afghanistan có đức tin Kitô giáo”.

Thất bại lưỡng đảng giống Sài Gòn

Trong khi đó, Joan Frawley Desmond phỏng vấn Đức Ông Stuart Swetland về sự sụp đổ của Afghanistan. Đức Ông vốn tốt nghiệp Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ đồng thời là một Học Giả Rhodes, hiện là chủ tịch Cao đẳng Donnelly ở Kansas City, Kansas, nơi ngài làm giáo sư môn lãnh đạo và đạo đức học Kitô giáo. Ngài tốt nghiệp cử nhân vật lý, trong tư cách Học giả Rhodes, ngài nghiên cứu chính trị, triết học và kinh tế tại Đại Học Oxford, nơi ngài trở lại Đạo Công Giáo.

Trả lời câu hỏi về cảnh hỗn loạn tại Phi trường Kabul, Đức Ông cho hay: những người lớn tuổi hẳn nhớ tới Việt Nam, và thấy có nhiều điểm tương tự. Cả hai đều là những thất bại lớn lao, có tính lưỡng đảng. Đáng lẽ nên có việc triệt thoái trật tự, có phương pháp. Việc tan hàng nhanh chóng và hỗn loạn của quân đội và chính phủ Afghanistan dưới ánh sáng cuộc rút lui của Hoa Kỳ cho thấy sự thiếu lãnh đạo và tin tức tình báo đến ngỡ ngàng.