1. Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời về khả năng thoái vị của ngài trong cuộc phỏng vấn dành cho radio COPE

Chiều thứ Hai 30 tháng 8 theo giờ địa phương Madrid, Carlos Herreraen nói trong chương trình “Herrera en COPE” của đài phát thanh COPE cho biết anh ta vừa mới có một cuộc phỏng vấn với Đức Thánh Cha Phanxicô. Đồng thời, anh ta cũng thông báo rằng toàn bộ cuộc phỏng vấn sẽ được phát độc quyền trên đài phát thanh COPE vào thứ Tư tuần này, ngày 1 tháng 9.

Đây là cuộc phỏng vấn đầu tiên mà Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho một đài phát thanh của Tây Ban Nha và là cuộc phỏng vấn đầu tiên sau khi ngài trải qua cuộc phẫu thuật cắt bỏ một phần đại tràng.

Herrera sau đó kể chi tiết rằng “một nhóm phóng viên và kỹ thuật viên trong chương trình ‘Herrera en COPE’ đã đến Rôma sau khi Đức Giáo Hoàng xác nhận với phóng viên Eva Fernández thường trú tại Rôma rằng ngài đã đồng ý nói chuyện với tôi”.

Herrera nói thêm rằng: “Cuộc phỏng vấn rằng đã kéo dài một tiếng rưỡi đồng hồ, trong đó Đức Giáo Hoàng đã trả lời tất cả mọi thứ. Chúng tôi đã đến Rôma với nhiều câu hỏi và chúng tôi đã rời khỏi Vatican với nhiều câu trả lời”.

“Và trong số đó, nổi bật là vấn đề sức khỏe của Đức Giáo Hoàng, mà gần đây đã có nhiều đồn đoán và còn hơn thế nữa là sau cuộc phẫu thuật mà Đức Giáo Hoàng đã trải qua vào đầu tháng Bảy, ngài có dự định gì?”

Ngay cả trước ngày Thứ Tư, chúng ta đã có thể nghe một số lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô trả lời cuộc phỏng vấn độc quyền này, trong đó ngài nói chính xác về sức khỏe của mình.

Đức Thánh Cha Phanxicô tiết lộ rằng “một y tá đã cứu mạng ngài” và nhấn mạnh rằng “đây là lần thứ hai trong đời tôi, một y tá đã cứu mạng tôi, lần đầu tiên là vào năm 1957”.

Về khả năng ngài có thể từ chức, Đức Thánh Cha Phanxicô không trả lời trực tiếp nhưng nói rằng “bất cứ khi nào Đức Giáo Hoàng bị ốm thì thế nào cũng có những cơn gió nhẹ hoặc những cơn cuồng phong về Cơ Mật Viện.”

Cuộc trò chuyện giữa Đức Thánh Cha và Herrera có thể được theo dõi toàn bộ trong chương trình “Herrera en COPE”, bắt đầu lúc 8 giờ sáng theo giờ địa phương Madrid, trên làn sóng ngắn, cũng như trên mạng xã hội Twitter bằng cách sử dụng hashtag #ElPapaConHerrera
Source:COPE

2. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Một y tá đã cứu mạng tôi”

Căn cứ trên bản xem trước của radio COPE, tờ Il Fatto Quotidiano có bài tường trình sau. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Đức Thánh Cha đã trải qua cuộc phẫu thuật cắt bỏ một phần đại tràng vào ngày 4 tháng Bảy tại bệnh viện Đa khoa Gemelli

“Một y tá đã cứu mạng tôi, một người đàn ông có nhiều kinh nghiệm”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho biết như trên trong cuộc phỏng vấn dành cho radio Cope về sức khỏe của ngài gần hai tháng sau cuộc phẫu thuật. Trong một cuộc phỏng vấn dài với radio Cope, một đài phát thanh của Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha, Đức Thánh Cha lần đầu tiên nói về ca phẫu thuật gần đây của mình và bày tỏ lòng biết ơn đối với Massimiliano Strappetti, y tá của Quỹ Chăm sóc Sức khỏe, phục vụ tại phòng khám ngoại trú của Vatican. Người y tá này đã dàn xếp cho Đức Thánh Cha nhập viện và phẫu thuật tại Gemelli và sau đó là người đã theo sát ngài trong suốt 10 ngày nằm viện và thời gian dưỡng bệnh dài ngày tại Casa Santa Marta.

Đức Thánh Cha nói rằng: “Đây là lần thứ hai trong đời tôi một y tá đã cứu mạng tôi. Lần đầu tiên là vào năm 1957”. Tại thời điểm đó, ở tuổi 21, Đức Thánh Cha đã trải qua việc loại bỏ các thùy trên của lá phổi bên phải của mình do sự xuất hiện của ba khối u nang. Thời gian đó, người đã cứu mạng ngài là một nữ tu người Ý. Vị nữ tu đã chống lại lời khuyên của các bác sĩ, thay đổi các loại thuốc mà họ đã cấp để chữa bệnh viêm phổi của ngài. Đức Thánh Cha, trước đây đã đề cập đến cuộc phẫu thuật đó, đã nhắc lại rằng: “Khi tôi tỉnh lại sau khi được gây mê tôi cảm thấy một nỗi đau rất căng thẳng. Không phải là tôi không lo lắng, nhưng tôi luôn có niềm tin rằng tôi sẽ được chữa khỏi”. Nhờ sự can thiệp của người nữ tu y tá Ý đó, Đức Thánh Cha cho biết: “Tôi chưa bao giờ cảm thấy bất kỳ hạn chế nào trong các hoạt động của mình. Ngay cả trong các chuyến đi quốc tế khác nhau. Tôi chưa bao giờ phải hạn chế hoặc hủy bỏ bất cứ điều gì từ chương trình. Tôi chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi hoặc thở hổn hển. Các bác sĩ giải thích cho tôi rằng những lá phổi bên phải đã được mở rộng và bao phủ toàn bộ màng phổi bên phải”.

Trong cuộc phỏng vấn với Cope, khi được hỏi về sức khoẻ của ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trả lời mỉa mai rằng “Tôi vẫn còn sống”. Và sau đó ngài kiên quyết bác bỏ những giả thuyết rằng ngài đang nghĩ đến việc từ chức sau khi phẫu thuật đại tràng, trên ngưỡng cửa của 85 vào ngày 17 tháng 12 tới đây. Đức Thánh Cha nói: “bất cứ khi nào Đức Giáo Hoàng bị ốm thì thế nào cũng có những cơn gió nhẹ hoặc những cơn cuồng phong về Cơ Mật Viện.”

Sau cùng, Đức Thánh Cha xác nhận chương trình tông du từ ngày 12 đến ngày 15 tháng 9 tới, đầu tiên là ở Budapest để bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế và sau đó là đến Slovakia để thăm viếng mục vụ. Mặc dù, chương trình này đã được quyết định trước khi phẫu thuật tại Gemelli, các chi tiết trong chương trình chưa được thay đổi một chút nào. Đó là một dấu hiệu hùng hồn cho thấy tình trạng sức khỏe của Đức Giáo Hoàng rất tốt.

Đức Thánh Cha cũng tiếp tục các cuộc tiếp kiến riêng, cho những người gặp ngài thấy một sự hồi phục đáng kể và nhanh chóng đối với một người đàn ông ở độ tuổi của ngài. “Tôi muốn xin lỗi vì tôi không đứng nói, nhưng tôi vẫn còn trong giai đoạn hậu phẫu và tôi phải phải ngồi. Xin thứ lỗi.” Đức Thánh Cha nói như trên trong cuộc gặp gỡ gần đây với các nghị sĩ Công Giáo tại Vatican. Nhưng không có dấu hiệu cho thấy các lo ngại về sức khỏe của ngài đủ để khiến ngài phải từ chức trong một thời gian ngắn. Trong một cuộc phỏng vấn trước đó, một phóng viên hỏi ngài: “Đức Thánh Cha có nghĩ về cái chết không?”. “Có,”, Đức Thánh Cha trả lời. “Ngài có sợ không?”, “Không, chẳng sợ gì cả”, Đức Thánh Cha trả lời. “Ngài tưởng tượng tình trạng khi qua đời như thế nào?” Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời “Có thể là tại vị hoặc là về hưu. Và ở đây, ở Rôma. Tôi sẽ không trở lại Á Căn Đình”.
Source:Il Fatto Quotidiano

3. Đức Thánh Cha Phanxicô xua tan tin đồn về Cơ Mật Viện, nói chuyện về sức khỏe

Trước diễn biến mới nhất này, tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, có bài nhận định sau. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Trong khi những tin đồn được lan truyền nhanh bởi các phương tiện truyền thông Ý cho thấy khả năng có thể từ chức của Đức Giáo Hoàng người Á Căn Đình, thì Đức Thánh Cha đã phủ nhận giả thuyết này trong một cuộc phỏng vấn với một đài phát thanh Tây Ban Nha. Vào ngày 30 tháng 8 năm 2021, radio COPE đã cho một số phương tiện truyền thông xem trước cuộc phỏng vấn với Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ được công bố chính thức vào ngày thứ Tư.

Kể từ cuộc phẫu thuật đại tràng vào đầu tháng Bảy - đòi hỏi phải gây mê toàn thân và nằm trong bệnh viện mười ngày - Đức Thánh Cha Phanxicô đã không choai phỏng vấn. Tuy nhiên, gần đây ngài đã đồng ý nói chuyện trong một tiếng rưỡi với mạng phát thanh COPE của Tây Ban Nha để thảo luận về sức khỏe của ngài.

“ Tôi còn sống,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói như thế khi trả lời câu hỏi của nhà báo Carlos Herrera về sự hồi phục của ngài kể từ sau cuộc phẫu thuật vào đầu tháng Bảy. Về những suy đoán của báo chí về khả năng từ chức, Đức Thánh Cha trả lời: “bất cứ khi nào Đức Giáo Hoàng bị ốm thì thế nào cũng có những cơn gió nhẹ hoặc những cơn cuồng phong về Cơ Mật Viện.”

Một bài báo trên tờ báo Libero Quoditiano của Ý xuất bản vào ngày 23 tháng 8 đã loan tin — mà không trích dẫn nguồn — rằng Đức Giáo Hoàng “đã bày tỏ ý định từ chức”. Các lý do được đưa ra trong bài báo là sức khỏe của Đức Thánh Cha Phanxicô suy yếu do phẫu thuật đại tràng và tuổi tác của ngài. Đức Giáo Hoàng đang sắp vào độ tuổi 85 và Đức Bênêđíctô XVI đã từ chức khi ngài 85 tuổi.

Kể từ sau tin tức của tờ Libero Quoditiano, một số bài báo đã xuất hiện đề xuất khả năng này và đã bắt đầu thảo luận về một Cơ Mật Viện sắp tới. Cuộc phỏng vấn dành cho đài phát thanh Tây Ban Nha là một cách để Tòa thánh dập tắt các tin đồn.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã thừa nhận vào ngày 27 tháng 8 rằng ngài vẫn đang trong giai đoạn hậu phẫu thuật. Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng đã tiếp tục các hoạt động bình thường của ngài. Vào ngày 12 tháng 9, Ngài sẽ cất cánh trong chuyến đi 4 ngày tới Hung Gia Lợi và Slovakia.
Source:Aleteia

4. Thiện nguyện viên: Thư gửi mẹ

Con đã gặp Ngài ngay chính nơi những lấm lem, nơi những lao cực, nơi những hạt mồ hôi rơi...

Mẹ kính mến, bây giờ là 12 giờ đêm. Ngoài đường rất yên bình giống quê hương mình. Con đi trực về và ngồi nhớ mẹ.

Hôm nay là ngày lễ Thánh Monica và cận kề lễ Thánh Augustinô, con viết cho mẹ một vài dòng tâm sự, kể cho mẹ nghe những câu chuyện hết sức bình dị nhưng lại linh thiêng, về những con người đơn thành như mẹ. Qua họ, con thật sự đã thấy Chúa và biết thế nào là một người tin.

Mẹ, một người không biết chữ, một người không dạy con những trang sách vở như cha, hay những câu chuyện đượm tính văn chương như những người mẹ khác. Nhưng mẹ lại dạy con sống đức tin rất cụ thể, dạy con đọc đi đọc lại những lời kinh có khi con phát chán, những lời kinh Mân Côi chẳng hạn... Bây giờ con mới thấy điều đó là cực kỳ quan trọng…

Những ngày đầu tiên đi thiện nguyên tại bệnh viện, để tránh cho khả năng bị lây nhiễm cao, con đã tuân thủ khá tốt những phương pháp ngăn ngừa và vệ sinh để tránh nguy cơ lây nhiễm cao. Con sử dụng cồn, sử dụng nước muối… theo chỉ dẫn của các bác sĩ. Nhưng có một điều quý giá - con thấy mình còn chưa ‘tận dụng’ cho đủ - đó là tràng chuỗi Mân Côi.

Hôm nay, vào trong bệnh viện, con gặp cụ Long, hơn 90 tuổi, trong tay vẫn một tràng chuỗi và đọc thầm kinh Kính Mừng. Đến gần, con hỏi thăm, cụ tươi cười và nói đọc kinh để cầu nguyện cho mấy người con của cụ biết đạo đức hơn, biết sống tốt hơn. Cụ cũng bảo cầu nguyện cho dịch Covid mau qua, cho mọi người bớt khổ. Hỏi cụ có sợ khi bệnh như thế này hay không thì cụ bảo có Chúa và Mẹ Maria rồi. Cụ rất bình an trong một không gian mà ngay cả những người khỏe mạnh như con cũng lo ngại. Khi con cho cụ ăn, cụ đưa mắt nhìn với lời thầm cảm ơn. Một đôi mắt rất đẹp, và nụ cười nhẹ nhàng chứ không có chút nặng nề của một người già đang mang bệnh. Sau khi ăn xong, cụ cầm lấy tay con, mỉm cười và ra dấu cảm ơn. Khi con đi rồi, cụ lại tiếp tục cầm tràng chuỗi trong tay. Ra khỏi phòng, con dừng lại và lẩm bẩm tự hỏi bản thân: “Đức Tin là gì nhỉ?"

Đi đến phòng cụ Hoài, con cũng thấy một nụ cười sáng và tràng chuỗi trong tay. Cụ ra dấu chào con. Nhìn khuôn mặt cụ con thấy bình an lạ thường. Cụ khoe hôm nay vẫn đọc kinh cầu nguyện cho mọi người. Con lại tự hỏi: "Đức Tin là gì?"

Con nhớ lại lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với người trẻ: “Tất cả chúng ta, ngay cả trước khi sinh ra, đã nhận lãnh - như phúc lành từ các ông bà - một giấc mơ đong đầy tình yêu và hy vọng, giấc mơ về một đời sống tốt đẹp hơn." (Tông huấn Christus Vivit, số 194). Những giấc mơ này vẫn luôn ở trong những người như cụ Long, cụ Hoài, hay những người mẹ có đức tin đơn thành, những người đã gieo trồng hạt mầm cho chúng con ngay từ đầu để rồi hạt giống đó lớn lên và sinh hoa kết trái.

Lúc này, cả nhân loại đang cố gắng tìm cách ngăn ngừa tiêu diệt con Corona. Con thấy rất ngưỡng mộ những nhà khoa học bào chế ra vắc xin. Con cũng rất khâm phục những y bác sĩ, các nhân viên y tế và tất cả mọi người cách này cách khác đang chung tay để trả lại cho thế giới sự bình thường. Nhưng trong đức tin, con biết rằng những người như cụ Long, cụ Hoài hay những bệnh nhân nơi đây cũng đang nâng đỡ nhân loại, nâng đỡ chúng con rất nhiều. Họ như những Monica của thời đại mới, vẫn âm thầm lặng lẽ cầu kinh cho một nhân loại đau thương, một nhân loại đang oằn mình vì dịch bệnh như chính cuộc đời của thánh Augustino.

Người ta thường dễ dàng ca ngợi sự tỏa sáng của cây đèn mà hay quên những chân đèn trong đêm tối, quên những người mẹ vẫn âm thầm ôm con vào lòng, vẫn thổn thức nói với từng đứa con:

Mẹ vẫn luôn ở đây lúc con mỏi gối chồn chân

nhìn ra chung quanh biết cuộc đời xa lạ

con không cần làm gì và cũng không cần phải mặc cả

mẹ sinh ra con giống như thân cây nảy mầm một chiếc lá

đã có gốc rễ lo vun trồng…

Mẹ vẫn luôn ở đây để ôm con, con biết không?

(Mẹ vẫn ở đây và ôm con, Phong Việt)

Một số người trẻ như chúng con thường nghĩ rằng, người già thường vô ích, chỉ là những người ăn bám và không cống hiến được gì cho sự tiến bộ của văn minh nhân loại. Nhưng chính lúc này, khi con thấy mình khá là bất lực, thì chính các bệnh nhân lớn tuổi ấy đang nâng đỡ chúng con, nâng đỡ nhân loại… Những người tu sĩ chúng con thường có suy nghĩ sẽ nâng đỡ đức tin cho người khác, giảng giải đức tin cho người khác. Nhưng hôm nay chính cụ Long và cụ Hoài dạy cho con biết thế nào là tin.

Con vẫn thường đi tìm vẻ đẹp nơi những hiện đại của khoa học, của những triết lý nhân loại, mà lại hay quên đi nét đẹp trong chính cuộc đời, chính nơi những người như mẹ, nơi cụ Hoài, cụ Long và những người bấy lâu nay con nghĩ rằng không có gì để học hỏi, không có gì để củng cố đức tin, củng cố nhiệt huyết tông đồ.

Viết những dòng này cho mẹ, con vui và bình an lạ thường. Khi trở về phòng, con vẫn thầm tạ ơn Chúa vì hôm nay con đã gặp Ngài ngay chính nơi những lấm lem, nơi những lao cực, nơi những hạt mồ hôi rơi, như lời thơ Tagore:

Hãy ra khỏi mọi suy tư, trầm mặc,

cất cả hoa hương sang một bên,

mặc cho quần áo rách bẩn,

cứ thế đến bên Người

trong lao động cùng cực, trán đổ mồ hôi...

Hoàn Phạm MSV - Hội Thừa Sai Việt Nam