1. Giáo Hội có thêm ba bậc đáng kính
Hôm 30 tháng 8 năm 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Tổng Trưởng Bộ Tuyên Thánh. Trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha đã ủy quyền cho Bộ Tuyên Thánh ban hành các sắc lệnh sau:
- Sắc lệnh nhìn nhận những nhân đức anh hùng của Tôi Tớ Chúa Placido Cortese, tên khai sinh ra là Nicolò, linh mục khấn trọn của Dòng Anh Em Hèn Mọn; sinh ngày 7 tháng 3 năm 1907 tại Cherso, ngày nay là Croatia, và mất tại Trieste, Italia vào tháng 11 năm 1944.
- Sắc lệnh nhìn nhận những nhân đức anh hùng của Tôi Tớ Chúa Maria Cristina Cella Mocellin, Giáo dân và là bà mẹ gia đình; sinh ngày 18 tháng 8 năm 1969 tại Cinisello Balsamo, Italia và mất tại Bassano del Grappa vào ngày 22 tháng 10 năm 1995.
- Sắc lệnh nhìn nhận những nhân đức anh hùng của Tôi Tớ Chúa Enrica Beltrame Quattrocchi, giáo dân; sinh ngày 6 tháng 4 năm 1914 tại Rôma và mất ngày 16 tháng 6 năm 2012.
Từ năm 1983, tiến trình tuyên thánh trong Giáo Hội Công Giáo trải qua các bước như sau: thứ nhất là tuyên phong lên hàng “Servus Dei” – nghĩa là “Tôi tớ Chúa”, rồi đến bậc “Venerabilis” – nghĩa là “Bậc Đáng Kính”, sau đó là “Beatus” – nghĩa là “Chân Phước”, và cuối cùng cao nhất là được tuyên Thánh - “Sanctus”.
Như thế, trước khi có các sắc lệnh này, 3 vị được nêu trên là các Tôi tớ Chúa. Sau 5 sắc lệnh này các vị được chính thức gọi là Bậc Đáng Kính.
Bà mẹ trẻ của ba người con trên con đường tuyên thánh
Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho phép ban hành các Sắc lệnh liên quan đến các nhân đức anh hùng của Tôi Tớ Chúa Enrica Beltrame Quattrocchi, con gái của một cặp vợ chồng được phong chân phước vào năm 2001; Placido Cortese, một tu sĩ dòng Phanxicô đã chết dưới sự tra tấn của Gestapo; và một bà mẹ trẻ người Ý, Maria Cristina Cella Mocellin, người đã trì hoãn các đợt hóa trị để cứu đứa con chưa chào đời của mình.
Ba nhân vật có cuộc đời được đặc trưng bởi sự tín thác vào tình yêu của Thiên Chúa, tin cậy vào lòng thương xót của Ngài và hy vọng vào sự tha thứ của Ngài. Đây là những đặc điểm nổi bật của các Bậc Đáng kính mới của Giáo Hội Công Giáo.
Câu chuyện của Maria Cristina Cella Mocellin gợi nhớ lại câu chuyện của Thánh Gianna Beretta Molla, và gần đây là Chiara Corbella Petrillo.
Maria Cristina Cella Mocellin sinh ngày 18 tháng 8 năm 1969 tại Cinisello Balsamo, thuộc tỉnh Milan. Cô lớn lên trong giáo xứ, và trong những năm trung học của cô bắt đầu cuộc hành trình phân định ơn gọi của mình trong cộng đồng Con Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu của Don Bosco. Khi cô gặp Carlo năm 16 tuổi, cô đã thay đổi quan điểm và cảm thấy mình được mời gọi kết hôn. Hai năm sau đó, cô phát hiện một dạng ung thư gọi là sarcoma ở chân trái, các phương pháp điều trị và các liệu pháp không ngăn cản cô kết thúc trung học và kết hôn với Carlo vào năm 1991. Hai vợ chồng này đã có hai con, nhưng ngay sau khi Maria Cristina phát hiện mình có thai đứa con thứ ba, chứng ung thư xuất hiện trở lại.
Cô đã chọn tiếp tục mang thai, trì hoãn hóa trị để không gây nguy hiểm đến tính mạng của con mình. Trong một bức thư, cô nói với Riccardo, đứa con thứ ba của cô, về những khoảnh khắc đó:
“Với tất cả sức mạnh của mẹ, mẹ chống lại việc từ bỏ con, mạnh đến nỗi các bác sĩ đã hiểu tất cả mọi thứ và không điều trị thêm. Riccardo, con là một món quà cho cha mẹ. Buổi tối hôm đó, trên xe hơi trên đường trở về từ bệnh viện, con đã nhúc nhích lần đầu tiên. Dường như con đang nói, “Cảm ơn Mẹ vì đã yêu thương con!” Và làm thế nào chúng ta có thể không yêu con? Con thật đáng quý, khi nhìn con và thấy con thật xinh đẹp, hoạt bát, thân thiện, mẹ nghĩ trên đời không có nỗi khổ nào là không đáng phải gánh chịu vì một đứa trẻ”.
Maria Cristina đã chết vì bệnh ung thư ở tuổi 26, tín thác vào tình yêu của Chúa Cha, trung thành với Ngài trong các kế hoạch của Ngài.
Một gia đình được Chúa yêu thương
Chín năm sau khi bà qua đời tại Rôma vào năm 2012, ở tuổi 98, Giáo hội công nhận các nhân đức anh hùng của Enrica Beltrame Quattrocchi, con gái út của Chân phước Luigi Beltrame Quattrocchi và Maria Corsini. Họ là một gia đình sống theo con đường thánh thiện. Đức Gioan Phaolô II đã nói như trên khi tuyên chân phước cho các bậc sinh thành của Enrica vào năm 2001, minh chứng rằng gia đình thánh thiện là “điều có thể xảy ra, là điều tốt đẹp, điều là kết quả phi thường và là nền tảng cho lợi ích của gia đình, Giáo hội và xã hội”.
Enrica đã có ý định đi theo bước chân của các anh chị em của mình, Cha Tarcisio, Sơ Cecilia, và Cha Paolino, những người theo đuổi ơn gọi tu trì trong gia đình; nhưng số phận của cô lại khác, thiên chức của cô là phụ giúp cha mẹ già. Cô đã tham gia vào công việc tình nguyện với các Nữ Tử Bác Ái của Thánh Vincent de Paul, những người mà cô đã cùng họ đi đến những khu vực khó khăn nhất của Rôma; trong phong trào Công Giáo Tiến Hành cùng với mẹ mình; và cô đã cống hiến hết mình cho công việc giảng dạy. Từ năm 1976, Enrica là Giám đốc của Bộ Di sản Văn hóa và Môi trường.
Cuộc đời của Enrica được đánh dấu bởi nhiều bệnh tật và khó khăn về kinh tế, nhưng trên hết là nhờ sự cầu nguyện và tham gia Thánh lễ hàng ngày. Tình yêu của Chúa là lý do để cô sống.
Linh mục đầy lòng bác ái
Đặc điểm đáng chú ý nhất của tu sĩ dòng Phanxicô Placido Cortese là khả năng trao ban chính mình hoàn toàn. Ngài kiên nhẫn, đơn giản, luôn luôn sẵn sàng để đặt mình vào những tình huống khó khăn như những gì đặc trưng cho những năm cuối cùng của cuộc đời ngài.
Sinh ngày 07 Tháng Ba 1907 tại Cres, hiện nay là một thành phố của Croatia, ngài trở thành một linh mục vào năm 1930, phục vụ trong nhà thờ Thánh Antôn thành Padua, và một vài năm sau đó trở thành biên tập viên của tạp chí Il Messaggero di Sant'Antonio, nghĩa là Người đưa tin của Thánh Antôn.
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, thay mặt Sứ thần Tòa thánh tại Ý, Đức Tổng Giám Mục Francesco Borgongini Duca sau này là Hồng Y, đã yêu cầu Cha Placido hỗ trợ các thực tập sinh người Croatia và Slovenia trong các trại tập trung Ý, đặc biệt là ở Chiesanuova, gần Padua. Sau hiệp định đình chiến năm 1943, ngài đã làm việc không mệt mỏi để tạo điều kiện cho các cựu tù nhân Đồng minh trốn thoát, cũng như những người bị Đức quốc xã đàn áp, bao gồm cả người Do Thái. Người Đức hiểu thiện chí của ngài là hoạt động chính trị và dẫn đến cái chết của ông.
Nhà thờ Thánh Antôn là một khu vực của Tòa Thánh, nghĩa là nằm ngoài quyền tài phán của lực lượng chiếm đóng. Vì thế, vào ngày 8 tháng 10 năm 1944, Đức Quốc Xã đã phải lập mưu dụ ngài ra khỏi nhà thờ Thánh Antôn để có thể bắt ngài. Ngài được đưa đến doanh trại SS ở Trieste, nơi ngài chết sau những đòn tra tấn tàn bạo của Đức Quốc Xã.
Source:Vatican News
2. Thư từ bệnh viện dã chiến số 12
Vì hoàn cảnh của Sài Gòn trong cơn đại dịch rất căng thẳng, quý cha trong Ban Tu Sĩ giáo phận, cha Giám tỉnh và cha Giám đốc học viện mời gọi các anh em trẻ chúng con đang trong giai đoạn học viện lên đường tham gia dấn thân nơi tuyến đầu. Tiêu chuẩn đầu tiên để lên đường là cần có tinh thần dấn thân và phục vụ. Thêm nữa, tiêu chuẩn bên sở Y Tế thành phố đặt ra là cần có sức khoẻ tốt, không bệnh nền, dưới 40 tuổi.
Thời gian thiện nguyện được ban đặc trách tu sĩ mời gọi là 2 tháng, nhưng cũng có thể đăng ký 1 tháng. Tuỳ hoàn cảnh, nguyện vọng của tu sĩ và sự đồng ý của bề trên.
Suốt thời gian dịch bệnh bùng phát trên quê hương Việt Nam, rồi đến thành phố SG, con đã suy nghĩ và trăn trở rất nhiều. Trong ngày lễ thánh Lu-y Gondaga, vị thánh rất trẻ tuổi là tu sĩ dòng Tên đã chết vì dấn thân hết mình để chăm sóc cho các bệnh nhân trong cơn dịch bệnh thời đó. Hình ảnh ấy vừa đánh động lại vừa khích lệ tinh thần con hơn, đến nỗi con xin Chúa cho mình được ơn ấy như thánh Lu-y. Con thấy là mình cần làm gì đó để giúp đỡ, để góp phần mình vào trong việc thiện nguyện để giúp đỡ các anh chị em bệnh nhân, những người đang gặp đau khổ, đang lo lắng vì phải chiến đấu với dịch bệnh hiểm nghèo. Cơ hội thuận tiện Chúa đã gửi đến qua Đức Tổng, qua uỷ ban đặc trách tu sĩ và qua quý bề trên dòng, cho nên con quyết định đăng ký lên đường.
Ban đầu, con cảm thấy có chút lo lắng vì bản thân không có chuyên môn, không biết rằng mình sẽ giúp được gì và lo có khi nào mình nhiễm bệnh không. Lỡ ra không giúp được ai mà con trở thành gánh nặng cho người khác thì sao? Nhưng vào công việc rồi con thấy vui vẻ và dấn thân hết mình cho công việc ở đây, dù là công việc nhỏ bé, tầm thường. Con còn được phân vào một công việc rất đặc biệt là trưởng nhóm lo hậu sự cho các bệnh nhân qua đời vì Covid tại bệnh viện. Nghe qua cũng ớn, nhưng con nghĩ đây là công việc rất ý nghĩa.
Về các sinh hoạt tôn giáo, với hoàn cảnh ở bệnh viện dã chiến như thế này thì các sinh hoạt tôn giáo như đọc kinh phụng vụ, cầu nguyện, lần chuỗi, tham dự lễ online… thì đều ở hình thức tư riêng. Anh chị em tu sĩ không có điều kiện để cử hành chung với nhau. Nhưng quan trọng là chúng con vẫn cố gắng giữ các giờ kinh nguyện, và cầu nguyện thường xuyên.
Nơi đây, con thấy rằng cầu nguyện có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bởi vì các hình thức sinh hoạt tôn giáo khác đều hạn chế thì cầu nguyện là hình thức hay nhất. Thứ đến, cầu nguyện giúp cho con thấy bình an hơn, bớt thấy tù túng, căng thẳng, mệt mỏi vì công việc, vì hoàn cảnh sống… Điều rất thuận lợi cho việc cầu nguyện ở đây là có nhiều ý chỉ, nhiều tâm tình, nhiều cảm xúc để thưa chuyện với Chúa, với Đức Mẹ. Trong cầu nguyện, mình ôm lấy tất cả những đớn đau, lo lắng của anh chị em bệnh nhân, của những người đau khổ đói nghèo đang kêu gào và cả những người thân yêu, những người quen biết đang mắc dịch bệnh, hay đã qua đời vì dịch bệnh.
Sau những ngày thiện nguyện ở đây, giúp con nhận ra và xác tín hơn rằng Chúa mới là tất cả, Chúa mới là vĩnh cửu, còn con người chúng ta mong manh và nhanh tàn héo như thế nào. Cho nên, mình đừng bao giờ tự hào tự đắc nhưng khiêm tốn cúi đầu trước Chúa và luôn thân thưa với Chúa: “Lạy Chúa, tất cả là nhờ ơn Chúa, Chúa biết rõ con chẳng có gì và chẳng là gì nếu Chúa không ban cho. Con xin tạ ơn và chúc tụng Chúa.” Đó là lời nguyện con thường hay thân thưa với Chúa.
Công việc phục vụ còn giúp con gia tăng lòng yêu mến và rèn luyện sự kiên nhẫn. Có những lúc làm việc quá mệt nhọc, đồ bảo hộ thì nóng bức khó thở, rác rến thì hôi thối mà người ta vứt lung tung bừa bãi, dọn rất mệt… nhưng rồi con lại nhớ đến lời của thánh Phao-lô: “Hãy làm mọi việc một cách tận tâm như thể làm cho chính Chúa.” Và nhờ đó cảm thấy bớt chán nản hơn và cố gắng hơn.
Công việc phục vụ đem lại cho con niềm vui khi được góp chút sức nhỏ bé để giúp đỡ người khác, nhất là trong giai đoạn đại dịch gây đau khổ cho nhiều người, nhiều gia đình như thế này. Con nhớ lại 3 ý tưởng chính trong tông huấn Sacramentum Caritatis của Đức Giáo Hoàng. Biển Đức XVI: 1. Bí tích Thánh Thể là bí tích phải tin. 2. Bí tích Thánh Thể là bí tích phải cử hành. 3. Bí tích Thánh Thể là bí tích cần phải sống. Rõ ràng, người Công Giáo chúng ta được mời gọi tuyên xưng Chúa Giê-su ngự thật trong phép Thánh Thể, chúng ta được mời gọi cử hành mầu nhiệm Chúa Giê-su trở nên lương thực nuôi dưỡng chúng ta trong các thánh lễ và năng chiêm ngắm, cầu nguyện với Chúa Giêsu Thánh Thể, và chúng ta được mời gọi cùng với Chúa Giêsu trở nên bánh bẻ ra nuôi dưỡng người khác. Và công việc phục vụ các bệnh nhân ở các bệnh viện này là cách làm cụ thể hoá việc sống mầu nhiệm Thánh Thể như Đức Giáo Hoàng. đã mời gọi.