Một vị tổng giám mục ở Kentucky vẫn nhớ như in câu chuyện một cô bé 6 tuổi hỏi ngài “Tại sao em con chào đời với chứng tự kỷ?”
Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz, người lãnh đạo tổng giáo phận Louisville, gần đây đã chia sẻ câu trả lời của mình với EWTN News In Depth.
“Tôi nói, ‘Chà, con biết khi nào con và cha lên thiên đường, và cha hy vọng cả hai chúng ta sẽ làm được điều đó, chúng ta sẽ có rất nhiều câu để hỏi’,” Đức Tổng Giám Mục cho biết như trên hôm 24 tháng 9.
Vị tổng giám mục nói rằng ngài đã hỏi cô gái rằng cô có thương em mình không; cô ấy nói có. Khi ấy, ngài nói thêm, “Một điều mà chúng ta biết rằng chúng ta không cần phải hỏi là con và cha sẽ được thay đổi vì tình yêu mà chúng ta dành cho anh chị em của mình.”
Ngài nhấn mạnh: “Đó là món quà mà con có thể bắt đầu nói 'cảm ơn' với Chúa”.
Đức Tổng Giám Mục nói từ kinh nghiệm cá nhân. Anh trai của ngài, George, sống với hội chứng Down. Đó cũng là lý do chính tại sao Đức Tổng Giám Mục phục vụ với tư cách là người điều hành Hiệp hội Đối tác Công Giáo Quốc gia về Người khuyết tật ngày nay.
Đức Tổng Giám Mục Kurtz nói: “Tôi không thể tưởng tượng được có hai anh em nào lại hòa thuận với nhau hơn hai anh em chúng tôi. Một trong những điều tôi học được, như tôi đã nói trước đây, là 'cuộc sống không phải là một vấn đề cần giải quyết mà là một bí ẩn được sống',” ngài nói thêm, trích dẫn lời nhà triết học Đan Mạch Søren Kierkegaard sống ở thế kỷ 19.
Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng những người dành thời gian cho người khuyết tật sẽ nhận được nhiều hơn những gì họ cho đi.
Ngài kết luận: “Thực tế là khi chúng ta dành thời gian ở lại với một ai đó, và đặc biệt là với một ai đó chúng ta phải lao động giúp họ vì khuyết tật của họ, thì người đó có rất nhiều điều để dạy chúng ta”.
Giáo hội đánh giá cao vẻ đẹp của mỗi con người.
“Nền tảng giáo huấn của Giáo hội chúng ta rất đơn giản và đó là phẩm giá cao cả của mỗi người. Chúng ta không đánh giá mọi người bằng số tiền họ có hay công việc chính xác của họ là gì, và vì vậy cho dù một người có phải sống với khuyết tật hay không, thì người đó vẫn tuyệt vời trong mắt Chúa và vì vậy chúng ta coi mỗi người đều là quý giá”.
Người khuyết tật thuộc Giáo Hội Công Giáo cũng giống như những người khác. Đức Tổng Giám Mục chỉ ra Tuyên bố Mục vụ năm 1978 của các Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ về Người khuyết tật. Năm 2018, các giám mục tái khẳng định tuyên bố kêu gọi Giáo hội chào đón và bao gồm những người khuyết tật.
Thay đổi lớn nhất đến vào năm 2018, đó là khi “chúng ta bắt đầu ngừng nói về khuyết tật như một vấn đề, nhưng nhấn mạnh rằng con người là một ân sủng”.
Ngài giải thích: “Thực tế là người đó lãnh nhận các bí tích không chỉ tốt cho đời sống thiêng liêng, sức khỏe và linh hồn bất tử của người đó, mà còn tốt cho thân thể của Giáo hội, thân thể của Chúa Kitô”.
“Và do đó, sự nhấn mạnh rất nhiều trong tài liệu mới là về sự thuộc về - không chỉ bao gồm những người bị loại trừ - nhưng thực sự là mỗi người trong chúng ta đều thấy rằng tất cả chúng ta đều có một ước muốn sâu sắc là thuộc về Chúa Kitô và thuộc về nhau, về một gia đình của đức tin”.
“Chúng ta hãy can đảm nhìn khuyết tật một cách nhẹ nhàng hơn,” chứ đừng xem đó như một tai họa.
Source:Catholic News Agency