1. Tổng giám mục người Lithuania sinh ra tại Hoa Kỳ được bầu làm chủ tịch hội đồng giám mục Âu Châu

Các thành viên của Liên Hội đồng Giám mục Âu Châu, gọi tắt là CCEE, đã bầu một tổng giám mục người Lithuania sinh ra tại Hoa Kỳ làm chủ tịch tiếp theo của họ vào hôm thứ Bảy.

Đức Tổng Giám Mục Gintaras Grušas của Vilnius kế nhiệm Đức Hồng Y người Ý Angelo Bagnasco, là người đã lãnh đạo CCEE từ năm 2016.

Vị Tổng giám mục 60 tuổi sinh ra ở Washington, DC, vào ngày 23 tháng 9 năm 1961, trong một gia đình gốc Lithuania. Ngài đã dành nửa đầu của cuộc đời mình ở Mỹ, và tham gia nhiều vào các tổ chức Công Giáo Lithuania.

Các đại biểu cũng đã chọn hai phó chủ tịch mới vào ngày 25 tháng 9 tại hội nghị toàn thể của CCEE ở Rôma: đó là Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich và Đức Cha Ladislav Német.

Đức Hồng Y Hollerich, 63 tuổi, là tổng giám mục của Luxembourg, chủ tịch Ủy ban Hội đồng Giám mục của Liên minh Âu Châu hay COMECE, và là vị tổng tường trình của Thượng hội đồng năm 2023 về tính đồng nghị.

Đức Cha Német, 65 tuổi, là giám mục của Zrenjanin, Serbia, và là chủ tịch của Hội Nghị Các Giám mục Quốc tế về các Thánh Cyrilô và Methôđiô ở Belgrade.

Hội nghị toàn thể của CCEE đã diễn ra vào ngày 23 đến 26 tháng 9 tại Rôma để kỷ niệm 50 năm thành lập tổ chức.

Hội đồng có trụ sở tại St. Gallen, Thụy Sĩ, được thành lập vào năm 1971 nhằm tăng cường hợp tác giữa các hội đồng giám mục Âu Châu.

Theo tiểu sử chính thức của mình, Grušas (phát âm là “Grushas”) đã hoạt động tại giáo xứ St. Casimir ở Lithuania ở Los Angeles và trong Liên đoàn Ateitis Công Giáo, cũng như là người đứng đầu Hiệp hội Thanh niên Lithuania thế giới từ năm 1983 đến năm 1987.

Ngài học toán và công nghệ thông tin tại UCLA, trước khi có được một công việc tại IBM.

“Tôi rất biết ơn vì trải nghiệm ở Mỹ và tất cả những gì nó đã mang lại cho tôi. Tôi cũng rất biết ơn về di sản và nguồn gốc Lithuania của mình. Và tôi nghĩ rằng đó là một điều may mắn khi có được sự kết hợp này.

Tuy nhiên, ngôn ngữ đầu tiên của tôi là tiếng Lithuania. Khi tôi sinh ra, mẹ tôi không nói tiếng Anh, vì vậy Lithuania thực sự là tiếng mẹ đẻ của tôi theo một nghĩa rất nghiêm ngặt. Vì vậy, tôi rất thích cả người Lithuania và người Mỹ.”


Source:Catholic News Agency

2. Hài cốt của Cha Kapaun được đưa trở về Kansas

Hài cốt của Tôi tớ Chúa Cha Emil Kapaun đã trở về quê hương Pilsen, Kansas vào hôm thứ Bảy 25 tháng 9, trước Thánh lễ an táng chính thức của ngài vào hôm thứ Tư, 29 tháng 9.

Việc hài cốt của ngài được đưa đến Kansas đánh dấu sự kết thúc của cuộc hành trình 70 năm kể từ khi Kapaun, một Đại úy quân đội Hoa Kỳ và là tuyên úy trong cả Thế chiến II và Chiến tranh Triều Tiên, đã chết trong trại tù binh chiến tranh của Triều Tiên ở tuổi 35. Một buổi lễ đã được tổ chức tại giáo xứ quê hương của ngài ở Pilsen, trước khi một lễ cầu nguyện chung và thánh lễ an táng được cử hành tại Wichita vào hai ngày thứ Ba và thứ Tư.

Cha Emil Kapaun được mọi người nhớ đến với các đức tính anh hùng của ngài. Vào tháng Giêng năm 1950, Cha Kapaun được cử đến Nhật Bản với tư cách là tuyên úy tại Trung đoàn 8 Kỵ binh thuộc Sư đoàn 1 Kỵ binh Hoa Kỳ. Vào tháng 7 năm 1950, Cha được gửi đến Triều Tiên. Khi ở Hàn Quốc, Cha Kapaun thường xuyên cử hành thánh lễ, đôi khi ở chiến trường trên mui xe Jeep được dùng làm bàn thờ tạm, và ban các bí tích cho các chiến binh. Ngài được biết đến với việc cầu nguyện cùng các chiến binh trong các hầm hố khi bị quân địch bao vây và vì sự anh hùng của mình trong việc chăm sóc những quân nhân bị thương - cả các binh sĩ Hoa Kỳ lẫn những kẻ thù.

Ngài đã trải qua một loạt các kinh nghiệm cận kề cái chết. Một lần khi đang hút thuốc, một tay bắn tỉa Trung Quốc đã bắn trúng ống điếu làm bật ra khỏi miệng của ngài. Một lần khác bộ dụng cụ cử hành Thánh lễ đã cản viên đạn bắn thẳng vào ngực ngài. Một lần khác nữa xe Jeep của ngài trúng nhằm hỏa tiễn bị phá hủy nhưng ngài không sao.


Source:Catholic News Agency