Sau cú sốc là thời gian để suy ngẫm và hành động: Hai tuần sau khi Báo cáo Ciase về “Bạo lực tình dục trong Giáo Hội Công Giáo từ năm 1950 đến năm 2020” được công bố vào ngày 5 tháng 10, các giám mục Pháp đang làm việc để thảo luận và thông qua các nghị quyết mới, trong cuộc họp toàn thể tháng 11 của các ngài.

Một vấn đề đáng quan tâm đối với các nhà lãnh đạo Giáo hội của Pháp, khi các ngài chuẩn bị cho cuộc họp này, là áp lực hiện đang được các nhà lãnh đạo chính trị Pháp gây ra đối với những thay đổi liên quan đến ấn tín bí tích Hòa Giải.

Trên cơ sở một cuộc khảo sát, cũng như 243 lời khai, 2,819 bức thư và tài liệu lưu trữ của Giáo hội, báo cáo cho biết khoảng 216,000 trẻ em đã bị các thành viên của giáo sĩ lạm dụng tình dục trong 70 năm qua. Tổng số vụ lạm dụng liên quan đến trẻ vị thành niên trong Giáo Hội Công Giáo ở Pháp lên đến 330,000 vụ, nếu tính cả những vụ do giáo dân vi phạm.

Được thành lập và tài trợ bởi Giáo Hội Công Giáo ở Pháp vào năm 2018 để làm sáng tỏ tình trạng lạm dụng tình dục trong Giáo hội và xác định cách thức xử lý những trường hợp này nhằm giúp Giáo hội giải quyết tốt hơn các trường hợp lạm dụng trong tương lai, ủy ban độc lập đã đưa ra 45 khuyến nghị trong báo cáo của mình, một số trong số đó đã gây tranh cãi.

Thật vậy, ngoài những khuyến nghị khá giống với những khuyến nghị đã được các giám mục Pháp biểu quyết trong cuộc họp toàn thể cuối cùng của họ vào tháng 3 năm 2021 - như việc thành lập một hội đồng đặc biệt để phòng và chống lạm dụng tình dục, đào tạo tốt hơn cho các linh mục, không gian dành cho lắng nghe và đối thoại và bồi thường tài chính cho các nạn nhân - chủ tịch của ủy ban, Jean-Marc Sauvé, cũng kêu gọi Giáo hội xem lại ấn tín bí tích Hòa Giải liên quan đến lạm dụng tình dục.

Ấn tín bí tích Hòa Giải có nguy cơ bị vi phạm không?

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 6 tháng 10 với France Info sau khi báo cáo được công bố, Đức Tổng Giám Mục Éric de Moulins-Beaufort chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, gọi tắt là CEF, và đồng thời là Giám Mục của Reims, đã tái khẳng định tính chất bất khả xâm phạm của ấn tín bí tích Hòa Giải là điều “ràng buộc đối với chúng tôi, và về mặt đó, mạnh hơn luật pháp của nước Cộng hòa”.

Tuy nhiên, một tuyên bố như vậy đã gây ra một sự náo động trong dư luận và trong tầng lớp chính trị, khiến Đức Tổng Giám Mục bị Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin triệu tập vào ngày 12 tháng 10.

Trước Quốc hội Pháp cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ đã so sánh ấn tín bí tích Hòa Giải với bí mật nghề nghiệp, và chỉ ra rằng có những ngoại lệ đối với loại bí mật này trong luật hình sự, đặc biệt là trong các trường hợp phạm tội với trẻ em dưới 15 tuổi. Nói cách khác, chính phủ hiện đang dự tính sửa đổi luật dành cho các cha giải tội, để đặt các ngài ngang hàng với các luật sư và các chuyên gia thế tục khác.

Mối quan tâm trong thế giới Công Giáo gia tăng sau khi các báo cáo truyền thông cho rằng, sau cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Nội vụ, Đức Tổng Giám Mục de Moulins-Beaufort đã thừa nhận rằng các linh mục nên thông báo cho cảnh sát về việc các hối nhân bị lạm dụng trong khi xưng tội.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Register, Karine Dalle, phát ngôn viên của CEF, đã tìm cách trấn an các tín hữu Công Giáo, và nói rằng các nhà chức trách Công Giáo Pháp không có ý định thỏa hiệp các giáo huấn của Giáo hội liên quan đến ấn tín và giáo luật, vì đó là vấn đề có tầm mức quốc tế, không thể thay đổi đối với Pháp.

“Nếu nhà nước nói với chúng tôi rằng các linh mục phải báo cáo tội ác chống lại trẻ vị thành niên được tiết lộ khi xưng tội thì điều đó vi phạm nghĩa vụ phải giữ bí mật tòa giải tội. Điều này có nghĩa là các linh mục có liên quan sẽ bị vạ tuyệt thông. Chắc chắn sẽ có một số điều chỉnh được đề xuất, mà Rôma sẽ chấp nhận hoặc không. Nhưng không, không có trường hợp nào Đức Tổng Giám Mục de Moulins-Beaufort nói rằng ấn tín giải tội sẽ bị gạt sang một bên. Ngài chưa bao giờ nói điều đó”.

Tuy nhiên, theo Linh mục Thierry Sol, phó giáo sư giáo luật tại Đại học Giáo hoàng Thánh giá ở Rôma, rất khó dự kiến những gì có thể xảy ra. Đó là bởi vì bản chất của bí tích hòa giải không thể so sánh với bí mật nghề nghiệp. Luật pháp của Pháp đang tạo điều kiện cho sự tương tự gây hiểu lầm này. Cha Sol chỉ ra rằng việc giữ bí mật về việc xưng tội không phải là nghĩa vụ tôn giáo do Giáo hội quyết định. “Linh mục nhân danh Chúa nhận lời thú tội: trên thực tế, chỉ có Chúa mới nhận lời thú tội và thông tin này không phải của cha giải tội,” ngài nói với tờ Register.

Do đó, có một sự khác biệt quan trọng cần phải nêu ra. Theo Cha Solather Sol, trong khi các bác sĩ hoặc luật sư có kiến thức về các sự kiện bên ngoài và hữu hình, thì trong bí tích hòa giải, các sự kiện được tiết lộ có liên quan trực tiếp đến lương tâm, đó là “phần thân thiết nhất của con người, linh hồn của anh ta, do đó chúng là những gì bất khả xâm phạm nhất”.

Trích dẫn ghi chú năm 2019 của Tòa Ân Giải Tối Cao về chủ đề này, ngài nhấn mạnh thực tế rằng cả các giám mục và Giáo hoàng đều không thể sửa đổi hoặc giảm bớt ấn tín bí tích Hòa Giải, vì đó là quyền của Chúa, không phải của con người.

Thông báo của Vatican trích dẫn những nhận xét gần đây của Đức Thánh Cha Phanxicô, tuyên bố rằng “mặc dù ấn tín bí tích Hòa Giải không phải lúc nào cũng được hiểu theo tâm lý hiện đại, ấn tín bí tích là không thể bị bẻ gãy và không có quyền lực con người nào có thẩm quyền đối với nó, cũng như không thể đưa ra bất kỳ yêu sách nào đối với nó.”

Ghi chú nhấn mạnh rằng: “Bí mật bất khả xâm phạm của ấn tín tòa giải tội xuất phát trực tiếp từ quyền của Chúa và bắt nguồn từ chính bản chất của Bí tích, đến mức không thừa nhận bất kỳ ngoại lệ nào trong phạm vi thẩm quyền giáo hội, nói chi đến thẩm quyền dân sự.”

Các khoản quyên góp của các tín hữu có được dùng để trả cho các nạn nhân không?

Một vấn đề gây tranh cãi khác xuất phát từ các khuyến nghị của ủy ban là vấn đề bồi thường tài chính cho những người được công nhận là nạn nhân của lạm dụng tình dục. Biện pháp như vậy đã được đề cập trong 11 nghị quyết chống lại nạn ấu dâm được các giám mục Pháp thông qua trong cuộc họp toàn thể vào tháng 3 năm 2021 và sau đó được trình bày trước Ciase trước khi báo cáo được công bố.

Vì Giáo hội dựa vào các khoản quyên góp được trao cho các mục đích tôn giáo, câu hỏi hóc búa về nguồn tài trợ cho việc bồi thường cho các nạn nhân nhất thiết phải đặt ra.

Trong bài nói chuyện của mình nhân dịp trình bày báo cáo Sauvé, François Devaux, người sáng lập hiệp hội nạn nhân La Parole Libérée, đã gây sức ép mạnh mẽ với các giám mục để bồi thường cho tất cả các nạn nhân, điều này làm dấy lên sự bối rối và lo lắng giữa các tín hữu về viễn cảnh các khoản quyên góp của họ sẽ được sử dụng cho mục đích này, vào thời điểm tài chính của Giáo hội địa phương đang gặp khó khăn.

Trên thực tế, Giáo hội không thể bán các tòa nhà của mình với mục đích bồi thường, trái với những gì một số nhà bình luận đã đề xuất, vì hầu hết các tòa nhà này là di sản không thể bán cho các mục đích phi tôn giáo hoặc chuyển giao quyền sở hữu cho nhà nước đối với tất cả các tòa nhà được xây dựng trước năm 1905.

“Chúng tôi phải trấn an tất cả các tín hữu, chúng tôi sẽ không lấy tiền của họ,” Dalle nói, khi đề cập đến việc thành lập một quỹ độc lập gần đây mà tất cả mọi người - không chỉ các tín hữu Công Giáo - có thể tự do cung cấp để hỗ trợ các nạn nhân.

Về phần mình, báo cáo Ciase đã kêu gọi một cơ chế cá nhân để bồi thường cho các nạn nhân, trên cơ sở từng trường hợp cụ thể. Chủ tịch của ủy ban cũng thông báo rằng các tín hữu không phải trả giá cho những tội ác mà các giáo sĩ đã gây ra.

Các giám mục Pháp sẽ bỏ phiếu và trình bày các đề xuất mới của họ trên cơ sở các khuyến nghị của ủy ban trong cuộc họp toàn thể tiếp theo của các ngài ở Lộ Đức từ ngày 2 đến ngày 8 tháng 11, và các ngài cũng mời các nạn nhân.
Source:National Catholic Register